Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

LĂNG THOẠI NGỌC HẦU


Thăm lại lăng Thoại Ngọc Hầu
Huỳnh Ái Tông

Mỗi lần về Việt Nam, tôi đều có về Châu đốc thăm gia đình chú tôi, lần nào tôi cũng đưa người nhà đi viếng Miễu Bà Chúa Xứ. Tôi thì có khi viếng Miễu có khi viếng Lăng Thoại Ngọc Hầu. tại lăng tôi thường đứng ngắm mộ của Ngài và bà Châu Thị Vĩnh Tế, để tưởng niệm công đức người đã đày công khai phá miền Nam.
del_AiTong1.jpg
Lăng nằm sát đường xe chạy, bước lên một số bậc thềm là một khoảng sân rộng, cao hơn đường xe chạy hơn một thước, qua khỏi sân nầy có hai cổng đi vào lăng mộ. Lăng mộ chia làm ba phần, từ ngoài cổng nhìn vào, phần chính giữa là phần mộ của hai ông bà Thoại Ngọc Hầu, bên phải mộ ông và bên trái mộ bà, phần bên phải lùi về cổng vào một chút là mộ phần thứ phẩm phu nhân Trương Thị Miệt, ba mộ phần này xây tô cao, uy nghi mỗi mộ phần đều có bài vị, bát hương, phần bên trái là khu mộ hình qui hay voi phục, tất cả có mười bốn mộ, đều đấp thấp như khiêm nhường, thủ phận.
Muốn vào đền thờ ngài, phải đi lên những bậc thềm, phần này cao hơn mộ phần chừng hai thước, đền thờ có ba gian, gian giữa gồm hai phần, phía trước có hương án tôn tượng ngài với đầy đủ lễ phục, phía sau là bàn thờ, gian bên tay phải để những nghi trượng, võng lọng…, gian trái dành cho người chăm lo hương hỏa của đền thờ.
Lần này, tôi lưu tâm đến mộ phần của bà thứ phẩm phu nhân của ngài, vì những lần trước đã không để ý, và tôi cũng để tâm quan sát lại mười bốn ngôi mộ, chôn trong khuôn viên lăng này, gồm bốn hàng, hàng thứ nhất có ba ngôi mộ, và chỉ ba ngôi mộ này có bia, nhưng nay chữ không còn đọc được, dưới chân ba ngôi mộ này là một hàng bốn ngôi mộ, dưới chân bốn ngôi mộ này là một hàng năm ngôi mộ, dưới chân năm ngôi mộ này là hàng cuối cùng hai ngôi mộ nhỏ.

del_AiTong2.jpg
Mộ bà Trương Thị Miệt (tay phải), mộ Thoại Ngọc Hầu (ở giữa), mộ bà Châu Vĩnh Tế (tay trái)

Trước năm 1960, tôi có đi với chú tôi, thầy Lê Quang Điện và một số thầy giáo ở Vĩnh Long, đưa học trò đi thăm quan Lăng Thoại Ngọc Hầu, các thầy trao đổi với nhau, tôi được biết đó là một đoàn hát bộ được Thoại Ngọc Hầu nuôi trong gia đình, sau khi ông qua đời, họ đã dùng độc dược để quyên sinh, một là để trả ơn của ngài, hai là để theo ngài về bên kia thế giới, tiếp tục phục vụ cho ngài. Hai ngôi mộ nhỏ ấy là hai đứa bé, con của đào kép hát.

del_AiTong3.jpg
Mười bốn ngôi mộ, một trong hai ngôi mộ trẻ em hàng sau cùng

Có tài liệu cho rằng, đó là những ngôi mộ, ngài đã cải táng những người đã theo ngài đào kinh Thoại Hà, kinh Vĩnh Tế, vì họ đã xã thân cho công cuộc khai phá miền Nam. Có người cho rằng đó là những ngôi mộ con cháu của ngài.
Cho rằng, đó là mồ mả của con cháu ngài chắc là không đúng, vì theo tài liệu, sau khi mất, ông bị Võ Du ở Tào Hình Bộ, tố cáo ông đã tham nhũng của dân, vua Minh Mạng giao cho Hình bộ tra cứu, sau khi nghị án, triều đình đã giáng ông xuống hàng ngũ phẩm, con bị lột ấm, điền sản bị tịch thu. Con ông, Nguyễn Văn Tâm lưu lạc không rõ tông tích, còn Nguyễn Văn Minh con dòng thứ sống đời dân giả nghèo khó. Riêng việc ông bị cáo gian nhũng nhiễu dân chúng, về sau sự thật được phơi bày Võ Du bị đày đi Cam Lộ. Nhưng cho đến năm 1924 vua Khải Định mới phong cho ông là Đoan Tức Dục Bảo Trung Hưng Công thần. Cho nên những ngôi mộ ấy, chắc không phải là của con cháu ông.
Cho đó là những người có công trong các công trình đào kinh Thoại Hà, kinh Vĩnh Tế. Nếu đúng như vậy, chắc chắn là ông phải dựng cho họ một tấm bia ký, ghi lại những công trạng họ đã làm, khổ nhọc họ đã trãi qua để đền ơn vua, nợ nước. Hai nữa là hai ngôi mộ trẻ con, trẻ con thì nào có công gì? Cho nên theo tôi, đó cũng không phải là mộ của những người có công trong việc khai phá miền Nam.
Cho rằng đó là những ngôi mộ của đào kép hát, ông đã nuôi dưỡng họ để hát xướng giải khuây cho gia đình ông, biết đâu lại chẳng là gánh hát đã theo ông, để giải khuây cho những dân phu đi đào kinh ngày trước. Khi ông mất rồi, họ dùng độc dược quyên sinh tập thể để theo ông.
Tôi ưng dùng lối suy tư này, để giải thích vì sao có mười bốn ngôi mộ trên. Đi xa hơn một chút, tôi tưởng tượng, sau khi Thoại Ngọc Hầu mất, gánh hát mất mục đích, vào tuần Bách nhật của ngài, họ hát một vở đặc biệt để tế ngài, mọi đào kép đều đem hết tài năng của mình ra diễn xuất, sau vở hát, đêm đã khuya đào kép quy tụ lại, cùng nhau vui vẻ ăn cháo gà, một nồi cháo hương vị ngon tuyệt, trong đời họ, họ chỉ hưởng được có lần ấy thôi.

21-10-2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét