Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

THƯ TỪ AN PHÚ


An Phú, ngày 31 tháng 08 năm 2013
Dương Văn Chung

Kính gởi: Anh chị Hai Trầu
          Kinh Xáng Bốn Tổng,

Cảm ơn Anh chị Hai đã có lời hỏi thăm sức khỏe của nhà tôi. Sau khi mổ thay đầu gối, nhà tôi nằm bệnh viện 8 ngày, rồi qua trung tâm phục hồi chức năng tập hơn hai tháng nữa, nay nhà tôi đã bỏ gậy, đi đứng bình thường. Có rất đông người mổ thay đầu gối, thay xương hông đến trung tâm phục hồi chức năng tập đi, tập đứng, tập ngồi. Họ bước lên bước xuống một bục gỗ cao 15 cm, họ tập đi bộ với chiếc xe đẩy hoặc với cây gậy... Họ bước được, đi được, y tá khen giỏi, giống như em bé tập đi, được người ta khen “giỏi, giỏi”. Suy ngẫm cuộc đời thấy cũng vui, giống như một cái vòng lẫn quẩn: con nít mới sanh không có răng, người già rụng hết răng; con nít tập đi, người già bịnh hoạn cũng tập đi; con nít đầu óc non nớt chưa biết gì, người già trở thành lú lẫn...Sanh lão bịnh tử là lộ trình mà ai cũng phải đi qua. Theo đạo Phật, sẽ có tái sanh tạo ra một lộ trình mới, cũng theo cùng một trình tự như vậy. Có một cái hay là khoa học tân tiến, bộ phận nào của con người bị thoái hóa, hư hỏng thì thay thế bằng bộ phận nhân tạo bằng kim loại, bằng nhựa ...v.v. Nhờ vậy mà cái lộ trình sanh lão bịnh tử có thể kéo dài thêm ra. “Nói lẽ” cho vui nhe Anh Hai.

Anh Hai nói đúng. Nhìn hình Vó cất vùng An Phú (Châu Đốc), tôi nhớ quê ngoại tôi vô cùng, cảnh sao giống ở làng Vĩnh Trường, đầu Cù Lao Ba ngang chợ huyện An Phú. Tôi nhớ cảnh, nhớ người, nhớ cả dòng sông và bến sông.

Tôi nhớ ngày xưa, dòng sông Bassac, một nhánh của Hậu giang, chảy ngang qua An Phú, nước rất sâu, chảy rất mạnh, cuốn theo đất phù sa đục ngàu từ trên Miên đổ xuống, làm cho ruộng lúa, vườn tược phì nhiêu. Nước chảy mạnh đến nỗi có những đoạn bờ sông bị lở, đất lở bên bờ nầy đem bồi vào bờ bên kia. Tác giả Vũ Hoàng có bài thơ trữ tình:

              Bên lở bên bồi
          Rồi một ngày tôi trở lại thôi
          Sông nước ấy có khi nào khô cạn
          Mà thời gian cũng đứng yên chịu lỗi
          Huống chi mình đâu phải vô tình

          Buổi em đi đinh ninh mấy bận
          Giòng sông xưa phiến đá ta ngồi
          Bao kỷ niệm sao đành ruồng bỏ
          Để đôi ta xa nhau từ đó

          Sông nước ấy khó lòng khô cạn
          Như tình tôi chan chứa người ơi
          Xin giữ mãi khoảng trời thơ dại
          Mong tình yêu bên lở bên bồi
Có lẽ Vũ Hoàng đã lội ngược dòng Cửu Long hay nói cách khác là sông nước của Vũ Hoàng không phải là sông nước Cửu Long. Sông nước Cửu Long còn cạn kiệt thay, nếu tình cảm có thay đổi cũng là chuyện bình thường.

Nhà của tôi cách chợ An Phú khoảng 200 mét, có sàn cao, cao hơn mặt lộ độ 5 tấc, cửa sau hướng ra sông. Lúc thủy triều lên, gọi là nước lớn, gia đình tôi có thể lấy thùng múc nước sông lên xài. Bây giờ con sông cạn dần, đất không phải bên lở bên bồi mà cả hai bên bờ đều bôi lên, lòng sông cũng bồi luôn, do đó mà phía sau nhà tôi bây giờ là một bãi đất dài, rộng thênh thang. Tôi nghỉ tại sao người ta không dùng xáng nạo vét lòng sông để có dòng nước lưu thông như trước. Chánh quyền địa phương cao kiến hơn, đã dùng đất đó để cấp cho  các gia đình liệt sĩ cất nhà. Đúng là đất quý hơn nước, người ta nói tấc đất tấc vàng, có ai nói  tấc nước tấc vàng bao giờ!

 Xưa kia cá tôm đầy sông và mùa nước ngập còn tràn lên đồng ruộng, ao vũng:

          Cá rô ăn móng, gợn sóng thềm đìa,
          Cha mẹ phân chia đừng lìa mới phải,
          Nỡ lòng nào anh phụ rảy tào khang.
Tôi có mấy người bạn quê quán ở miền Đông nam phần, như Tây Ninh, chưa từng đến miệt Châu Đốc, không tưởng tượng được cá tôm thừa ứa ở Miền Tây. Họ không tin khi nghe tôi nói sự thật là bó chà gai đem ngâm dưới nước sông, chiều chiều bắc sẵn nồi cơm lên bếp, rồi ra kéo bó chà lên thật nhanh, bắt được rất nhiều cá còn mắc kẹt trong bó chà, dư dùng cho bữa cơm chiều.

Có một lần cha vợ của tôi qua Hồng Ngự (tiền giang) thăm ông cậu vợ tôi. Bà mợ bắc nồi cơm trưa, mời cha vợ tôi ngồi chơi, bà xách cần câu xuống mé sông câu cá, độ nửa giờ sau, mợ đem lên mấy con cá rô biển lớn bằng bàn tay để nướng dầm nước mắm me đãi khách.

Đời sống dễ dàng ngày xưa nay không còn nữa! Tôi có lén đọc thư ngày 22/08/2013 của chú Thái Lý từ Vĩnh Xương gởi anh Hai, trong đó có một đoạn nói rất đầy đủ thực trạng của dòng sông Cửu Long:

Thưa với chú, cá tôm bây giờ chỉ còn nuôi trong ao hồ với thức ăn công nghiệp, cá thiên nhiên ngày càng cạn kiệt (do lối đánh bắt cá diệt chủng và không kiểm soát); ruộng đồng bây giờ không còn phù sa màu mỡ, cây lúa sống nhờ phân hóa học và thuốc trừ sâu (do tham lam làm lúa ba vụ). Ai cũng hô hào phát triển bền vũng nhưng lại chưa có hành động nào chứng tỏ là muốn cứu lấy con sông, chỉ thấy cái lợi trước mắt, đúng như chú viết:”Một phần do dòng nước sông Mẹ bị ngăn bởi những đập nước thủy điện, một phần khác do cách bắt cá, cách cải cách nông nghiệp với nhiều loại thuốc trị sâu rầy làm cho cá tôm khó bề sanh sản đã đành mà còn có nhiều loại cá tép dần dần bị tuyệt chủng nữa. Phải chăng đó là những dấu hiệu cho thấy riêng nguồn cung cấp cá của dòng Cửu Long thôi cũng đã suy yếu đi nhiều; nếu không muốn nói sức sống của dòng Cửu Long không còn như những ngày xưa nữa”.

Tôi rất tán đồng nhận xét của anh Hai, chú Thái Lý và ngậm ngùi thương tiếc dòng sông Cửu Long ngày một cạn kiệt.

Kính chúc Anh chị Hai và các cháu luôn luôn vui khỏe.

Thân kính,
Chung An Phú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét