Linh thiêng vùng đất huyền bí
Theo thói quen và tín ngưỡng, hầu như du khách đến Châu Đốc cốt để rước lấy phần linh thiêng từ vùng đất thánh. Đây là nét đẹp mang đậm yếu tố tôn giáo, giàu bản sắc, đa phong tục.
Châu Đốc
Những địa danh của tín ngưỡng
Theo thói quen và tín ngưỡng, hầu như du khách đến Châu Đốc cốt để cầu linh thiêng từ vùng đất thánh. Viếng miếu Bà, thăm Tây An Cổ Tự hay đến chùa Hang cũng chỉ mong chút phần phước tốt lành.
Chùa Hang
Nằm dưới chân núi Sam, cách Thị xã Châu Đốc 5km, cách đây khoảng 200 năm miếu Bà ban đầu chỉ là ngôi nhà lá đơn sơ kết bằng tre lá. Ấy thế mà giờ đây sau nhiều lần trùng tu miếu Bà có một kiến trúc rất đẹp. Miếu có dạng chữ "Quốc" với hình khối tháp tòa sen nở, mái tam cấp ba tầng lầu, lợp ngói đại ống màu xanh, góc mái vút cao như chiếc ghe đang lướt trên sóng...Phía trên cao, các tượng thần khoẻ mạnh giăng tay đỡ những đầu kéo. Các khung bao, cánh cửa đều được trạm trổ, khắc, lộng tinh xảo và nhiều liễn đối, hoành phi rực rỡ vàng son.
Một nơi thờ cúng linh thiêng và có kiến trúc độc đáo khác là Tây An Cổ Tự. Chùa theo trường phái Bắc Tông, có tới 11.270 tượng lớn nhỏ bằng gỗ với kiến trúc mang đậm sắc thái của 4 dân tộc Việt, Hoa, Chàm, Khơ-me, màu sắc nổi bật sặc sỡ nhưng rất hài hòa. Trước chùa có 3 vọng cửa: cửa giữa tam quan thờ tượng Phật Quan Âm, 2 cửa hai bên có hai biển đề "Tây An Cổ Tự", bên trong cửa tam quan là sân chùa có một cột phướn cao 16m. Dưới bậc thang chùa có đúc bạch tượng và hắc tượng, vai có đắp nổi hai vị thần tiên ngồi trên mặt trăng lưỡi liềm, hai bên là hai hành lang, phân biệt cho tín đồ nam nữ. Chính điện là ngôi chùa chính cao 18m, bên trong thờ Phật Thích Ca, hai bên là lầu chiêng và lầu trống. Ngoài ra còn có các tượng khác như: Di Đà, Tâm Thế Phật, Quan Âm, và các vị Bồ Tát. Hai bên và phía trước là các vị La Hán, Tam Hoàng Ngũ Đế, Bát Bộ, Kim Cang...Chính kiến trúc độc đáo và lối họa tiết "rùng rợn" đã làm nên bản sắc của một Tây An Cổ Tự đa văn hóa.
Chùa Tây An
Tiếp tục vòng qua phía Tây núi Sam, du khách sẽ bắt gặp chùa Phước Điền, tục gọi Chùa Hang. Chùa nằm hơi chếch bên sườn núi, thanh tịnh đến quạnh quẽ. Phía trước chùa có ngôi bảo tháp, nơi an nghỉ của bà Thợ - người dáng lập ngôi chùa này. Miệng hang có đường kính khoảng 2m², người chui qua dễ dàng. Đáy hang sâu thăm thẳm, tiếng phát đi không nghe vọng lại.Trong dân gian có tương truyền một huyền thoại về cặp rắn Thanh Cô và Bạch Xà đã tu ở nơi này. Truyền thuyết, tuy chưa hẳn có thật, nhưng luôn thêu dệt nên những câu chuyện huyền bí đầy mê hoặc và giàu sức hút.
Thưởng lãm nét đẹp đêm
Một chút huyền bí đã làm cho vùng đất này thêm phần đạo mạo. Bỏ qua mùi nhang khói thờ tự, thử một lần khám phá nét đẹp đêm mới thấy quyến rũ một bức tranh thiên nhiên sống động. Từ thị xã Châu Đốc đến khu du lịch núi Sam, không khí không ồn ào, náo nhiệt những vẫn chất chứa sự hồi sinh ở vùng đất biên thuỳ này. Dọc hai bên đường, các quán bình dân vẫn chong đèn với vài vị khách muộn. Xa xa, tiếng gọi í ới của những bác tài cùng thanh âm rộn ràng của những chuyến hàng đêm làm dậy lên cảm giác bình dân quá đỗi.
Đến tận khu du lịch, con đường đêm có phần sáng hơn với những dãy hàng đầy ắp quần áo, mỹ phẩm...từ nước bạn nhập sang. Đa phần các món hàng đều sặc sỡ, óng ánh, nhiều màu tươi tắn, rất bắt mắt. Những chiếc vòng đeo được làm từ nẹp mây, đã giả thạch "mang tiếng" rước từ núi thiêng được chuộng hơn cả. Ai cũng cố lựa một phần quà cho mình và người thân.
Những quầy bán thốt nốt, trái cây, đặc sẳn mắm Châu Đốc vẫn không nghỉ đêm. Trong ánh sáng vàng hanh của ngọn đèn tròn, vẫn thấy và nghe rõ từng thanh âm kì kèo, ngã giá. Hình như đó luôn là thói quen mua hàng của du khách. Về đêm, không khí nơi đây mát lạ và thoáng đâu đó chút lạnh thâm u, khó tả. Có lẽ, "hơi hám" linh thiêng đã làm cho cõi thực thêm hư. Có cái gì như thần thánh đó nhưng cũng đời thường đó. Ngọn núi Sam cao vút vẫn chễm chệ một màu tối xanh xám bạc. Nếu tinh mắt, có thể thấy những đám mây chưa tan vẫn còn nặng nơi đỉnh dốc. Bên cạnh đó, miếu Bà vẫn là vầng hào quang nghi ngút khói, lan tỏa chút lộc bình an vào từng du khách thập phương về đây hành lễ.
Lăng Ông
Cách chùa Tây An không xa là Lăng Thoại Ngọc Hầu hay còn gọi là Lăng Ông, lưng tựa vào vách núi. Lăng uy nghi có kính với lối kiến trúc hài hòa, phóng khoáng. Lăng có thể được xây dựng hoặc thiết kế từ lúc Thoại Ngọc Hầu còn sống, khoảng thập niên 30 của thế kỉ XIX. Đây cũng là nơi du khách khó có thể bỏ qua khi đến viếng núi Sam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét