Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

VỀ THĂM DI TÍCH
NÚI SAM
CHÂU ÐỐC


bài của
LÊ CẦN THƠ

Ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ có An Giang và Kiên Giang là hai tỉnh tiếp giáp Campuchia mới có núi, nổi tiếng là Thất Sơn. Dãy Thất Sơn gồm Ngọa Long Sơn (Núi Dài lớn), Ngũ Hồ Sơn (Núi Dài năm giếng), Thiên Cấm Sơn (Núi Cấm), Anh Vũ Sơn (Núi Két), Thủy Ðài Sơn (Núi Nước), Phụng Hoàng Sơn (Núi Cô Tô) và Liên Hoa Sơn (Núi Tượng). Ðặc biệt ở Châu Ðốc, ngọn núi Sam không thuộc dãy Thất Sơn, mà nằm giữa đồng nước bao la, là một ngọn núi nhỏ, đẹp, có hình con sam, đầu xoay về hướng Bắc, cao 230 mét, chu vi chân núi trên 3 cây số ngàn, cách thị xã Châu Ðốc (tỉnh An Giang) gần 5 cây số. Ngọn núi nầy có tên cổ là Học Lãnh Sơn, với nhiều thắng cảnh thu hút du khách như đồi Bạch Vân, đồi Ðá Chẹt, Vườn Tao Ngộ, Pháo Ðài, Nhà nghỉ mát (nhà của Bác sĩ Nu cũ), chùa Giác Hương... Từ trên Pháo Ðài, chúng ta có thể nhìn quanh bốn phía đồng nước bao la. Con kinh Vĩnh Tế chạy quanh co về hướng Hà Tiên, tiếp giáp biên giới với nước bạn Campuchia, và xa xa những rặng núi mờ mờ của dãi Thất Sơn khi ẩn khi hiện , đẹp như một bức tranh sơn thủy giàu chất thơ.
Núi Sam quyến rũ mọi người không chỉ với những cảnh đẹp kể trên mà còn những cụm di tích lịch sử và văn hoá dọc quanh chân núi, gắn liền vùng đất phía Tây Nam biên giới với người dân đồng bằng miền Hậu Giang nói riêng, cả nước nói chung. Bởi vì từ lâu lắm, hằng năm có hàng triệu lượt người đến viếng núi Sam, đông nhất vào khoảng tháng giêng đến tháng tư âm lịch : đó là mùa Vía Bà. Thời gian đó, Núi Sam đông nghẹt khách hành hương, du ngoạn trên khắp cùng đất nước đổ xô về: từ các tỉnh miền Tây, miền Ðông, miền Trung, kể cả người Việt hải ngoại về thăm quê hương cũng dành thời gian đến tham quan thắng cảnh và vào thắp hương tại Miếu Bà. Từng đoàn xe nối đuôi nhau chờ xuống các phà vượt sông Tiền, sông Hậu, người chen người đặc cả đoạn đường từ thị xã Châu Ðốc vào Núi Sam. Bài viết nầy tôi không nói chi tiết về mùa Vía Bà, mà nhằm giới thiệu cụm di tích góp phần hình thành thắng cảnh Núi Sam, nghĩ rằng dù ngắn nhưng cũng giúp bạn đọc có thể hình dung và nhớ lại được đôi nét về quê hương đất nước của chúng ta trong những tháng năm lìa xa tổ quốc.
TÂY AN TỰ
Chùa Tây An nằm ngay ngã ba Ðầu Bờ, giao điểm của trục lộ từ Châu Ðốc đến chân núi Sam. Chùa có lối kiến trúc lạ mắt theo kiểu Ấn Ðộ, gồm 3 ngôi lầu. Ngôi cao nhất ở giữa thờ Phật, hai bên là lầu chuông và lầu trống. Nơi cổng chính có tượng Thị Kính bồng đứa bé trong sự tích Quan Âm Thị Kính. Trước sân có hai con voi đứng, tạc bằng xi măng. Voi trắng sáu ngà, voi đen hai ngà. Trong chùa, ngoài tượng Phật Thích Ca, Phật Di Lặc, còn có nhiều cốt tượng các vị Phật, Tiên, Thánh như Kim Cang, La Hán, Tam Hoàng, Ngũ Ðế...
Chùa Tây An do tổng đốc An Giang tên Doãn Uẩn xây dựng vào năm Thiệu Trị thứ VII (1847); lúc ấy còn lợp tranh vách lá, do Hoà thượng Hải Tịnh Nguyễn Giác Nguyên trụ trì. Nhưng người được sùng bái nhất là ông Ðoàn Minh Huyên, một chí sĩ yêu nước, sinh năm Ðinh Mão (1807) tại làng Tòng Sơn, Cái Tàu thượng, tổng An Thạnh thượng, thuộc trấn Vĩnh Thanh, tỉnh Sa Ðéc (nay là Ðồng Tháp). Ông được dân vùng An Giang đương thời gọi là Ðức Phật Thầy Tây An, đạo hiệu là Giác Linh, pháp danh Pháp Tạng. Năm Kỷ Dậu 1819, vào mùa thu, bệnh thời khí nhiễu hại dân chúng Hậu Giang, ông từ Tòng Sơn vào Tràm Dư, rồi đến vùng Kiến Thạnh (nay là làng Long Kiến, tỉnh An Giang) trổ tài giúp đỡ dân chúng. Tín đồ ông đều được phát một tông phái ghi 4 chữ Bửu Sơn kỳ hương. Nhiều lúc ông bị nhà cầm quyền An Giang bắt giữ vì nghi ngờ ông hoạt động chính trị, nhưng xét không bằng cớ phải trả tự do cho ông. Thực tế, ông là người có tư tưởng cách mạng, bất mãn triều đình phong kiến nhu nhược, nên khoảng năm 1849 - 1856, ông đến các phần đất phía Tây dãi Thất Sơn và Láng Linh, dựng chùa, lập trại ruộng và luôn luôn vân du khắp vùng Vĩnh Long, An Giang. Trại ruộng ở Thới Sơn, ôngđặt danh hiệu là Bửu hương các, vừa khai hoang cho dân nghèo sản xuất, vừa là căn cứ hiểm yếu để kháng chiến. Cho nên khi đến trụ trì tại chùa Tây An, ông đã mang hoài bão lớn là chống giặc ngoại xâm đang cướp nước. Trong số 12 đại đệ tử của ông có nhiều người sau nầy khởi nghĩa chống Pháp, nổi bật nhất là ông Trần Văn Thành, thường gọi Quản Thành hoặc Cố Quản, đã chiêu mộ nghĩa sĩ nổi dậy ở Bảy Thưa (nay thuộc xã Thạnh Mỹ Tây, Châu Phú, An Giang), đánh cho quân Pháp nhiều trận kinh hồn bạt vía. Ðầu năm 1873, giặc Pháp cho người mang thư đến bản doanh khuyên Trần Văn Thành ra qui thuận sẽ được trọng đãi, nhưng ông cương quyết bất hợp tác với giặc. Sau đó, quân Pháp từ phía Châu Ðốc tiến công dữ dội. Con ông là Trần Văn Chái bị giặc bắt và sau đó tuẫn tiết trong nhà lao Châu Ðốc. Bản doanh Hưng Trung của Quản Thành ở Bảy Thưa bị tàn phá, thất bại nặng, ông rút lui vào chiến khu và mất này 21-2 âm lịch năm 1873.
Ðức Phật Thầy Tây An mất ngày 12 tháng 8 năm Bính Thìn (1856), thọ 50 tuổi. Ông yên nghỉ ở phía sau chùa, ngôi mộ không được đắp nấm theo lời di huấn của ông. Chùa Tây An được trùng tu nguy nga như ngày nay là do công của Hoà thượng Thích Bửu Thọ, tức Nguyễn Thế Mật, vị sư trụ trì đời thứ 7 của chùa nầy.

LĂNG THOẠI NGỌC HẦU
Cách chùa Tây An khoảng 100 mét là Lăng Thoại Ngọc Hầu, lưng tựa vào vách núi. Lăng uy nghi cổ kính với lối kiến trúc hài hòa, phóng khoáng. Lăng có thể được xây dựng hoặc được thiết kế từ lúc Thoại Ngọc Hầu còn sống, khoảng thập niên 30 của thế kỷ thứ XIX. Vợ thứ của ông là bà Trương Thị Miệt mất năm Tân tỵ (1821), vợ chánh của ông là bà Châu Thị Tế mất năm Bính tuất (1826), và ba năm sau, tức năm Kỷ sửu (1829) ông mới qua đời, nhưng các phần mộ trong lăng đã được sắp xếp sẵn: bà thứ ở bên trái, bà chánh ở bên phải, và ông ở giữa.
Thoại Ngọc Hầu là tên ghép vào tước được phong. Ông tên thật Nguyễn Văn Thoại, là một danh thần, nhà doanh điền triều Nguyễn, tục gọi Bảo hộ Thoại (vì ông từng giữ chức Bảo hộ Chân Lạp - Campuchia), sinh ngày 26 tháng 11 năm Tân tỵ 1761 tại huyện Diên Phước (nay là Ðiện Bàn) tỉnh Quảng Nam, con ông Nguyễn Văn Lượng và bà Nguyễn Thị Tuyết. Ông xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, cuối thời Chúa Nguyễn ông cùng gia đình tránh loạn vào Nam nương ngụ tại Cù lao Dài trên sông Cổ Chiên, thuộc làng Thới Bình, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Ông có hai người con trai là Nguyễn Văn Lâm (con của bà lớn) và Nguyễn Văn Minh (con của bà thứ). Ông còn có người con gái nuôi là Thị Nghĩa, có chồng là Võ Vĩnh Lộc cùng theo Lê Văn Khôi nổi dậy chống triều đình chiếm thành Phiên An (Gia Ðịnh).
Năm 16 tuổi (1777), ông đầu quân với Chúa Nguyễn Ánh, lập được nhiều chiến công, từng phò giá Nguyễn Ánh chạy ra Côn Sơn, Phú Quốc, sang Vọng Các (Thái Lan), làm đến Khâm sai Thượng đạo Bình Tây tướng quân, được phong tước Hầu. Sau khi mất được vua Minh Mạng truy phong Tráng Võ tướng quân, Trụ quốc Ðôn thống.
Ông là người có công lớn trong việc khai hoang lập ấp vùng Hậu Giang và bảo vệ cõi bờ Tây Nam. Một số công trình do ông chỉ huy thực hiện mang hai ý nghĩa chiến lược quân sự và kinh tế, đã để lại cho đời sau nhiều hữu ích.
Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua, ông được cử làm Thống quản biền binh bảo hộ Cao Miên. Năm 1818 ông thiết kế và đốc suất dân binh đào kinh Ðông Xuyên ở huyện Thoại Sơn, Long Xuyên (được gọi tên là Thoại Hà). Công trình kéo dài hơn hai tháng với khoảng 2.000 nhân công, dài hơn 30 cây số. Ông cònđắp nhiều con lộ giao thông nhưng đến nay hầu hết đã mất dấu, chỉ còn con đường nối liền Châu Ðốc với Núi Sam xây dựng trong hai năm 1826 - 1827 được tu sửa sử dụng đến ngày nay, và đoạn đường nằm trong thị xã Châu Ðốc còn đang được mang tên ông, Nguyễn Văn Thoại (có lúc ghi là Bảo hộ Thoại). Tiếp đến, ông được lệnh vua cho đào kinh nối liền Châu Ðốc - Hà Tiên dọc biên giới hai nước Việt - Miên. Ðây là công trình lớn do ông thiết kế và tự thân đốc suất quân dân làm việc với số nhân công lớn gồm 80.000 người, đào tay trong thời kỳ còn rừng rậm, lau sậy sầm uất, nhiều thú dữ nên rất gian khổ, công phu. Khởi công từ năm 1819 đến năm 1824 mới hoàn thành. Người ta kể lại, hồi đó phải dùng đuốc lửa cột trên đầu cây sào, rồi rẽ lối rạch hoang điều chỉnh những cây sào lửa ấy cho tuyến kinh được thẳng như bây giờ. Sau 5 năm gian khổ mới hoàn thành, nhân dân vui mừng, triều đình hoan hỉ vì thành quả to lớn của công tác doanh điền, thủy lợi và biên phòng nầy đem lại nhiều lợi ích cho nhân dân miền Hậu Giang nói riêng, cả nước nói chung. Vua Minh Mạng lấy làm mãn nguyện vì đạt được một hoài vọng từ lâu. Sách Ðại Nam nhất thống chí cho rằng : ỘTừ ấy đường sông lưu thông, từ kế hoạch trong nước, phòng giữ ngoài biên, cho tới nhân dân buôn bán đều được tiện lợi vô cùng.Ợ
Phấn khởi trước sự thành công về quốc sách nầy, vua Minh Mạng giáng chỉ khen ngợi công lao của tập thể và cá nhân ông, rồi ban sắc đặt tên cho ngọn núi nhìn xuống con kinh là Thoại Sơn (tên nôm là Núi Sập) và con kinh nầy được mang tên vợ chánh của ông vì đã tích cực giúp ông trong suốt thời gian đào kinh, là Vĩnh Tế hà (tức kinh Vĩnh Tế). Kinh rộng 15 tầm, sâu 6 thước, dài 98.300 thước (gần 100 cây số) nối liền Châu Ðốc đến cửa biển Giang Thành (Hà Tiên). Con kinh nầy còn là một ranh giới rõ rệt giữa hai nước Việt Nam - Campuchia.
Năm 1836, vua Minh Mạng cho đúc Cửu đĩnh làm quốc bảo, hình kinh Vĩnh Tế được chạm vào cao đĩnh. Ðây là một di vật đối với cá nhân ông cũng như tập thể nhân dân tham gia vào công trình đào kinh Vĩnh Tế.
Ông mất tại Châu Ðốc ngày 6 tháng 6 năm Kỷ Sửu 1829 lúc đang tại chức, thọ 68 tuổi, an táng tại chân núi Sam. Sau khi ông qua đời, Võ Du là quan ở Toà Hình, tố cáo ông nhiễu dân. Vì Bộ Hình điều tra không chính xác nên vua Minh Mạng đã giáng chức ông. Nhưng sau đó triều đình cứu xét lại, xác nhận ông bị án oan và cách chức Võ Du đày đi Cam Lộ.
Hiện nay trong lăng còn lưu lại nhiều di tích của ông; trong đó hai tấm bia Vĩnh Tế Sơn và Thoại Sơn đã ghi chép việc đào kinh Vĩnh Tế và kinh Thoại Hà được đặt trong long đình ở trước lăng, nơi khoảng sân rộng có tạc hai con nai bằng xi măng, một con ngựa với tên quản nài, tô điểm thêm vẻ đẹp cho lăng. Hai cửa lớn vào lăng xây theo lối cổ bằng ô dước, nối liền với bức tường dày, kiên cố. Phía sau lăng là đền thờ được xây trên nền đất cao, trong thờ tượng ông và các bài vị. Lăng ông Thoại Ngọc Hầu cũng là đình thần xã Vĩnh Tế mà nhân dân địa phương vô cùng sùng kính.

MIẾU BÀ CHÚA XỨ
Từ lăng Thoại Ngọc Hầu băng qua con đường lộ xe, chếch về hướng Ðông, là Miếu Bà Chúa Xứ. Miếu khởi đầu tọa lạc trên một vùng đất trũng, xoay lưng về hướng núi Sam. Gọi là Miếu, nhưng được xây dựng kiên cố, đồ sộ theo lối kiến trúc cổ kính Ðông phương. Mái cong lợp ngói xanh, tường cẩn gạch men bóng láng, tất cả đều nhập từ nước ngoài. Các cánh cửa bằng gỗ quý, chạm trổ công phu. Nơi bậc thềm có hai con sư tử đá với thế ngồi canh giữ. Phía trong, chánh điện thờ một pho tượng cổ bằng đá son thuộc loại tượng thần Venus, dáng ngồi nghĩ ngợi, thường gặp ở Campuchia, Lào, Ấn Ðộ. Tượng có giá trị nghệ thuật cao, ước đoán tạc vào cuối thế kỷ thứ VI, đầu thế kỷ thứ VII, dân địa phương tôn sùng là Bà Chúa Xứ và rất tín ngưỡng.
Về nguồn gốc tượng Bà Chúa Xứ có nhiều giả thuyết và truyền thuyết. Xin ghi lại tóm lược như sau : Tương truyền rằng cách đây gần 200 năm, có một toán người gặp tượng Bà trên đỉnh Núi Sam. Họ đã tìm cách đem về nhưng huy động bao nhiêu người cũng không lay chuyển nổi. Họ đã tức giận và đập phá làm tượng gãy cánh tay trái (nay đã phục chế lại). Một thời gian sau, Bà đạp đồng về bảo dân làng đem xuống núi thờ phượng. Hàng trăm dân làng tráng kiện mang dây lên khiêng tượng Bà nhưng không nhấc lên được. Trong lúc bối rối, Bà lại đạp đồng cho biết phải chọn 9 cô gái đồng trinh lên khiêng Bà mới đi. Quả thật, 9 cô gái ấy đưa Bà xuống núi dễ dàng. Ðến tại vị trí hiện nay, tự dưng tượng nặng trịch, không di chuyển được nữa. Dân làng nghĩ rằng Bà muốn ở lại đây nên lập miếu thờ. Lúc đó nhằm ngày 25 tháng 4 âm lịch, nên hằng năm dân làng lấy ngày nầy làm ngày lễ Vía Bà. Dân làng rất tin tưởng vào sự thiêng liêng và không bao giờ dám xúc phạm đến Bà. Cũng có người nói là dùng 50 tráng đinh lên khiêng không nổi, phải 50 cô gái mới khiêng Bà xuống tới đây được.(Ngày nay trên đỉnh núi Sam còn một tảng đá bằng phẳng, người ta nói là chỗ tượng Bà tọa lạc trước khi được di dời xuống). Các truyền thuyết hoang đường nầy phổ biến trong dân gian với nhiều dị bản. Tuy nhiên, tất cả đều nói lên sự huyền bí, mầu nhiệm và tỏ lòng tôn kính, tin tưởng sự linh thiêng đối với Bà Chúa Xứ.
Giả thuyết thứ hai sau đây, nghĩ rằng có phần hợp lý hơn, là vào khoảng những năm 1820, ông Thoại Ngọc Hầu vừa lo công việc đào kinh Vĩnh Tế, vừa đi dẹp giặc quấy nhiễu biên giới Tây Nam. - nhà, bà vợ lớn là Châu Thị Tế cầu nguyện cho ông thắng giặc và bình yên trở về sẽ lập miểu thờ tạ ơn Trời Phật. Khi bình yên trở về, nghe vợ kể lại, ông liền cho lập miểu và sai binh lính đi rước tượng Bà mà ông gặp trên đường dẹp giặc đem về thờ cho có phần linh thiêng. Lúc đầu, Miếu bà được xây dựng đơn sơ bằng tre lá, sau dần dần được trùng tu. Ðến khoảng năm 1870, Miếu được xây bằng đá miểng, lợp ngói. Năm 1972, Miếu Bà được xây dựng mới hoàn toàn, chỉ còn tấm vách đá sau lưng tượng Bà vẫn con giữ nguyên như cũ. Trước năm 1975, Miếu Bà có nhiều hình thức cúng bái như xin xăm, vay tiền, đeo bùa, uống nước tắm bà. Sau nầy, các hình thức đó có lúc bị ngăn cấm, nhưng rồi do tín ngưỡng trong nhân dân, việc cúng bái vẫn được sử dụng. Và hằng năm, tập tục cúng tế cổ truyền như lễ tắm Bà cử hành lúc 0 giờ ngày 24 tức đêm 23 rạng 24 tháng 4 âm lịch. Lễ túc yết, lễ xây chầu cử hành lúc 0 giờ ngày 26 tức đêm 25 rạng 26 tháng 4 âm lịch. Vào khoảng thời gian nầy, lượng người hành hương đến khu vực núi Sam đông vô số kể, chứng tỏ lòng tín ngưỡng của người dân đối với Bà Chúa Xứ thật vô cùng. Ðặc biệt, do lòng tín ngưỡng của nhân dân, nên từ thời xa xưa, những người phụ trách tại Miếu Bà nói rằng, không thể chụp được ảnh tượng Bà (nghĩa là máy nào bấm khi đem phim rửa cũng bị mất hình), hoặc những đồ vật gì của Bà nếu ai lấy trộm sẽ bị Bà trừng phạt v.v... Thực tế, anh NGỌC BÍCH, nhiếp ảnh của tỉnh An Giang đã chụp ảnh tượng Bà để in trên bìa quyển sách mỏng viết về MIẾU BÀ CHÚA XỨ (phát hành với số lượng lớn nhân dịp Vía Bà hằng năm tại núi Sam - có lúc bị chính quyền tỉnh An Giang cấm không cho bán ?). Và, nghe một vị trong ban quản trị tại Miếu Bà kể vào trưa ngày 21-3-1986, lúc chúng tôi có dịp ghé viếng Miếu Bà, vào tận tượng Bà, bắc ghế đứng lên cao để sờ xem loại đá tạc tượng Bà. Vị ấy nói: ỘNgay sau ngày 30-4-75, một ông trong ban lãnh đạo Tỉnh An Giang (nghe nói làm Trưởng Ty Tài Chánh) bảo có tin đồn tượng Bà đang đeo một cây kiềng bằng vàng 102 lượng ?. Rồi ông đã đến tận nơi gỡ lấy cây kiềng, bẻ đôi bỏ vào cặp táp, nói là đem về tỉnh lưu giữ để tránh bị mất cắp. Sau nầy không còn nghe ai nói tới cây kiềng đó nữa (?). Kể cả những đồ đạc của dân chúng hằng năm dâng cúng Bà, như áo, mão, vàng lá dát mỏng đặt trong hộp kiếng v.v..., mỗi lần có phái đoàn Liên Xô đến xem, tỉnh đều dùng làm tặng phẩm, nên lần lần bị thất thoát rất nhiều. Vậy mà... người phạm đến Bà cũng chưa thấy sự trừng phạt?Ợ
Tôi cũng được biết, hiện tại, dân trong nước càng tôn kính Bà bao nhiêu thì người Việt ở nước ngoài cũng tôn kính Bà bấy nhiêu. Hằng năm, dù không về nước dự lễ Vía Bà, nhưng Việt kiều nhiều nước trên thế giới đều gởi tiền nhờ thân nhân trong nước đi viếng, hoặc may các loại áo đắt tiền như ở Hồng Kông gởi về để cúng Bà thật xứng đáng, kể cả việc nhờ vay tiền Bà để làm vốn mua bán làm ăn tại xứ người vốn xa lạ với nhiều phong tục tập quán ở quê nhà.

CHÙA HANG
Ði vòng qua phía Tây núi Sam là gặp chùa Phước Ðiền, tục gọi Chùa Hang. Ðây là một di tích được Bộ Văn hoá Hà Nội xếp hạng. Chùa nằm hơi chếch bên sườn núi, êm đềm trong gió mát trăng thanh. Phía trước chùa có ngôi bảo tháp, nơi an nghỉ của Bà THỢ, người sáng lập ngôi chùa nầy. Bà THỢ tên là Lê Thị Thơ, pháp danh Diệu Thiện, sinh năm Mậu dần 1818. Bà sinh quán ở Chợ Lớn, làm nghề thợ may nên người ta gọi là bà Thợ. Sau khi có chồng, được hạnh phúc ít lâu, do sự khắt khe của gia đình chồng còn nặng óc phong kiến nên bà ra đi và đến quy y tại chùa Tây An. Ðược một thời gian, bà thấy khách thập phương ra vào tấp nập, quân lính cũng thường lui tới theo dõi Ðức Phật Thầy Tây An, nên bà dần sang phía Tây, gặp hang nầy yên tịnh, ít người lui tới, ở lại dựng am tu hành. Miệng hang có đường kính khoảng 2 mét, người chui qua dễ dàng. Ðáy hang sâu thăm thẳm, không ai biết trổ đến đâu. Trong dân gian có tương truyền một huyền thoại về cặp rắn tu ở Chùa Hang :
Vào một đêm khuya, bà Thợ tụng kinh xong chợt nghe có tiếng thở phì phò ở phía sau lưng. Bà quay nhìn thì thấy hai cuộn đen tròn bắt đầu di động. Bà lấy đèn soi sáng thì đó là hai con rắn to bằng khạp da bò đang ngóc đầu cao với cặp mắt sáng rực. Bà sợ hãi lùi lại cho đến khi đụng vào vách đá. Chợt hai con rắn gật đầu như kính cẩn chào bà. Thấy rắn không hại mình, bà lấy lại bình tĩnh và lên tiếng :
- Có phải các ngươi muốn tu ?
Hai con rắn đều mọp đầu xuống thềm đá. Từ đó mỗi lần bà tụng kinh chúng đều đến nằm khoanh bên chân bà lắng nghe. Ðồ chay cúng Phật, bà múc cho chúng ăn. Theo màu sắc, bà đặt cho con xanh đen tên Thanh Cô, con trắng có sọc xanh tên Bạch Xà. Ðêm đêm, hai con rắn thay phiên nhau canh gác am, ngăn chận thú dữ và kẻ gian đến quấy phá.
Chùa dần dần được người mộ đạo trùng tu và đến nay thì khang trang với tường vôi, mái ngói đỏ. Bà Thợ viên tịch vào năm Kỷ Hợi 1899, hưởng thọ 81 tuổi. Ngày nay trong chùa còn thờ ảnh bà, gương mặt phúc hậu, thanh thoát.
Các bô lão trong làng còn kể rằng, đệ tử của bà Thợ sau nầy có một vị sư võ nghệ rất cao cường. Hồi đó, ở vồ đá phía bên kia chùa có tay Sáu Quét giỏi võ, nổi tiếng với cú đá song phi điêu luyện, vượt khỏi đầu người rất hiểm hóc. Sáu Quét là tay thảo khấu, hay hà hiếp người khác. Y nhiều lần gây sự, đánh đập các đệ tử trong chùa. Một hôm vị sư trụ trì ấy ra gặp Sáu Quét và ông cho y trổ tài trước. Sáu Quét tự cao tung cú đá sở trường và bị nhà sư hốt gọn hai chân giơ hỏng lên trời. Từ đó Sáu Quét không dám bén mảng đến Chùa Hang nữa.

Trên đây tôi vừa kể cho bạn đọc bốn trong số nhiều di tích thắng cảnh quanh khu vực núi Sam Châu Ðốc, nơi mà hằng năm có đến hàng triệu lượt người hành hương đến tham quan và dự Vía Bà Chúa Xứ. Dù chỉ nghe kể truyền miệng, tham khảo ít tư liệu của bạn bè, nhưng tôi cố gắng ghi chép lại để gởi đến bạn đọc, vì nghĩ rằng, mỗi di tích lịch sử và văn hóa nước nhà đều góp phần tạo nên sự phong phú, sinh động của từng miền đất nước. Bạn tôi, anh Trịnh Bửu Hoài thì cho rằng: "Người ta thường nói đến An Giang mà không đến Châu Ðốc coi như chưa đến An Giang. Tôi xin nói thêm, nếu đến Châu Ðốc mà chưa đến núi Sam thì coi như chưa biết Châu Ðốc vậy".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét