LÁ THƯ TỪ KINH XÁNG
Hai Trầu
Kinh xáng Bốn Tổng, mùa nước lên, ngày 25 tháng 08 năm 2013
Cháu Thái Lý thân mến,
Lâu quá rồi chú cũng mới nhận được lá thư từ Vĩnh Xương vừa rồi của cháu, may phước là chú cháu mình cùng “nghĩ về sanh mạng của một dòng sông, dòng Cửu Long Giang”, nên mới có duyên bày tỏ cùng nhau về số phận của con sông quê mình vậy!
Trong thư, cháu viết : “Thưa với chú, cá tôm bây giờ chỉ còn nuôi trong ao hồ với thức ăn công nghiệp, cá thiên nhiên ngày càng cạn kiệt (do lối đánh bắt diệt chủng và không kiểm soát); ruộng đồng bây giờ không còn phù sa màu mỡ, cây lúa sống nhờ phân hóa học và thuốc trừ sâu (do tham lam làm lúa ba vụ). Ai cũng hô hào phát triển bền vững nhưng lại chưa có hành động nào chứng tỏ là muốn cứu lấy con sông, chỉ thấy cái lợi trước mắt,…” (….)
Con nước năm nay không chảy xiết (cũng gần giống như năm ngoái), chứng tỏ dòng sông đang có xu hướng "chảy ngược" về phía thượng nguồn, kịch bản sông Mekong, "dòng sông nghẽn mạch" theo dự đoán của nhà văn Ngô Thế Vinh đã hiển hiện. Điều buồn cười là ở Vĩnh Xương muốn ăn cua ốc cá tôm thiên nhiên về làm đồ nhậu đều phải sang chợ Kaomsamnor-Cambodia (đối diện Vĩnh Xương) để mua vì cá, tôm, cua ốc... của họ đều bắt trên sông, trên đồng , còn ở VN cá tôm chỉ toàn nuôi.(…)”
Cá trèn, cá kết vùng Châu Đốc
Thật đúng như cháu nói, mấy hôm trước chú có ra chợ Long Xuyên đi một vòng quanh chợ cá, chú thấy cá ngoài chợ bây giờ không còn như mấy chục năm về trước nữa cháu ơi. Người bán cá thì lưa thưa mà cá càng lưa thưa hơn nữa vì chú thấy cá nào cũng hổng được tươi mà cá ngon lại càng hiếm, nhìn đâu cũng thấy cá hủng hỉnh không hà, ít có cá lớn như ngày xưa.
Cháu Thái Lý,
Mùa này là mùa nước lên, mà chỗ chú cũng như các vùng lân cận như Mặc Cần Dưng, Chợ Mới, Chắc Cà Đao, Lấp Vò … các cánh đồng còn khô vì chờ cắt gặt vụ ba xong người ta mới mở miệng bộng thả nước vô đồng, nên cá mú vùng này cũng chèo queo chưa thấy móng nào lên dọi hay ụp móng gì. Chỉ có các búng đập còn nước thì vài ba bầy cá rô cam tích đẻ hôm mùa mưa thì bị mấy đứa nhỏ rà điện bắt ráo trọi cháu à! Thành ra, coi như sông Cữu Long hết phương đem cá vô đồng nổi dù nay gần hết tháng Bảy âm lịch rồi chứ có sớm sủa gì đâu!
Cá linh móc hầu sẵn bán ở chợ
Như cháu viết:“Dòng sông Mekong ở hạ nguồn đang chết dần không chỉ do những yếu tố ở thượng nguồn mà còn do những chủ nhân của nó ở hạ nguồn không biết nâng niu, gìn giữ. (…) Thôi thì hãy cứ tiếp tục kêu cứu, hy vọng con người sẽ nghĩ lại và làm một cái gì đó thiết thực để cứu lấy nó. Thà muộn hơn không, phải không chú ?”
Một gian hàng cá cũng le que vài xây cá nhỏ…
Đúng như cháu nói, mình phải cứu con sông, hay nói cách khác là mình hãy lo cứu các loài cá tép, cua ốc, vì nếu cứ bắt cá bằng cách rà điện dưới sông, trên đồng thì rải thuốc trừ sâu hoài thì cá tép gì còn nổi nữa cháu. Còn việc chận nước đắp đập cũng vậy, lợi là có lúa đó, nhưng hại là đất bị tận dụng quá mức đất nào còn màu mỡ gì nổi nữa cháu; rồi cá tép, cua ốc cũng tiệt chủng luôn. Cháu thấy hông, chợ cá mà không có cá thì nói gì trong đồng trong bái có cá, có tép nuôi sống cư dân vùng quê mình đây?
Cá trê vàng Cá lóc
Cháu Thái Lý,
Hồi đời xưa, lúc chú còn học lớp ba, lớp tư, tới tháng bảy này cá rô câu, cá rô lưới con nào con nấy thiệt là béo, mập thù lù hà, chứ đâu như bây giờ cá rô không nhiều đã đành mà nó còn bị chết, bị ươn nữa mới chết một cửa tứ nhe cháu. Đó là chưa kể hổng biết có phải cá giăng lưới hay là cá nuôi nữa đây?!?
Cá rô đồng cũng không còn rột rẹt nổi Cua đồng ở chợ cũng ngữa bụng nhìn đời…
Ngoài ra, chú cũng thấy ở chợ thường có các loại cá trèn, cá kết, cá bụng, cá ba sa nhưng sao cá nào cũng chết ráo trọi cháu à. Thế đủ biết cá tươi đâu phải dễ tìm đâu cháu. Nói gì cá lớn như cá hô đất vảy bằng khu chén, cá chẻm, cá mè vinh cườm, cá dảnh, cá lăng, cá bông lau… thì ngày nay coi như lá những món cao lương mỹ vị rồi. Khó tìm và dĩ nhiên nếu có, chắc cũng mắt dàng trời mây chứ hông phải giỡn chơi đâu nhe cháu!
Thêm nữa, lướt qua các chợ, chú cũng thấy có khô cá sặt rằn, khô cá lóc. Có thì có vậy nhưng cũng hổng giống các loại cá khô ngày trước. Hồi thời còn làm lúa mùa khô cá sặt rằn , khô cá lóc tới mùa tát đìa ôi thôi khô làm gì cho hết cháu. Chú còn nhớ hồi thời xa xưa ấy cá sặt rằn bằng ban tay, cá lóc nhỏ gì cũng bằng cườm chưn; còn nay như trong hình cháu thấy cá lóc, cá sặt rằn gì cũng nhỏ ráo trọi mà còn cái nạn chưa biết cá đồng hay cá nuôi nữa đây. Nên nhiều khi chú muốn mua vài con nướng lai rai chút rượu nếp than mà cũng ớn mấy anh chị cá nầy nuôi bằng mồi “công nghiệp” như cháu nói thì ăn mất ngon mà nghĩ lại cũng tiếc đồng tiền vì mua lầm nữa. Nên ở dưới này chú nói sắp nhỏ mua đỡ cá biển trong Rạch Giá chở ra ăn bậy bạ vài chém cơm cho rồi bữa thôi cháu à!
Khô cá sặt rằng và khô cá lóc rất khiêm nhường…
Nhưng khổ nỗi mình ở đồng mà ăn cá biển nên không hạp mấy; do vậy chú thường bị ho và ngứa; nhưng biết làm sao bây giờ; thôi cũng đành lây lất sống qua ngày vậy nhe cháu!
Vắn tắt ít hàng hồi âm cùng em cháu để cứ nín thinh hoài sợ em cháu nó trông hoài.
Chú chúc vợ chồng cháu cùng gia đạo luôn mạnh giỏi, bình an, hạnh phúc nhe cháu.
Thân mến,
Hai Trầu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét