Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

MÙA XOÀI

Lương Thư Trung 
Mùa xoài

Tháng Ba, tháng Tư âm lịch, miệt Long Xuyên, Châu Đốc, Cao Lãnh, Sa Đéc đang vào mùa xoài. Tháng Giêng, tháng Hai, khắp nơi nơi, đâu đâu cũng thấy tràn ngập những vườn xoài đang trỗ bông. Bông xoài đơm đầy nhánh, trỗ rộ trên những cành; những nhánh bông xoài treo lòng thòng đầy những nhụy bông lấm tấm vàng làm thành một  không gian chập chùng những núi đồi nhấp nhô với những bờ cao, vườn thấp ngập tràn cái hương thơm ngào ngạt của một loài hương đồng cỏ nội mà vùng vườn tược nơi này  dâng hiến cho con người…


Cái hương vị ngạt ngào dộc đáo của bông xoài dường như không có mùa cây trái nào ở miệt vườn làm cho nó bị lẫn lộn với các hương thơm của những mùa bông của các loài cây trái khác được. Bông bưởi, bông chanh, bông cam, bông quit có cái hương thơm thanh nhã sang trọng bay xa mà nhẹ. Buổi sáng ra vườn cam, quit, bưởi, chanh, người ta nghe cả khu vườn phảng phất một hương thơm tinh khiết làm lâng lâng tâm hồn. Người ta ngửi hương cau bay trong gió nghe trong lòng rộn rã niềm vui mùa sáo cưỡng về lót ổ mùa hè. Người ta ngưởi mùi hương của bông mận, bông lê nghe cái rạo rực của mùa Hè; mà nhất là vườn chùa có trồng nhiều mận, nhiều lê thì tiếng chuông chùa công phu buổi sớm hoặc buổi chiều lan xa trong xóm trong làng dường như có mang theo cái hương nhẹ mà dịu của bông mận, bông lê hoà cùng tiếng kinh, tiếng kệ nơi cổ tự đượm chút gì hiền lành, ẩn dật. Nhưng với mùi hương của bông xoài thì ôi thôi nó chất phác biết dường nào. Xoài là loại cây trái bình dân nên cái bông của nó cũng có cái hương thơm của cái chơn chất bình dân tràn ngập…

Vào mùa xoài trổ bông, bạn dù ở đâu, đi giữa chợ làng hay trên bờ mương, trên miếng ruộng, đâu đâu bạn cũng nghe hương thơm ngào ngạt của bông xoài. Những bụi vàng của các nhụy bông xoài tràn trong gió và gió đưa hương thơm bay rất xa. Chính vì vậy mà trời đất vào mùa xoài trổ bông là một trời đầy hương thơm đồng nội . Nhờ có mùi thơm của bông xoài mà ta nghe được gíó mùa Hè, ta biết được bên bờ mương bắp sắp ngậm bông và ta biết những cánh đồng lúa mùa đang vào mùa cày bừa phơi đất cho mùa màng năm tới. Và có lẽ bạn cũng sẽ nghe được tiếng dế gáy te te nơi vạt đất cày đã ráo phèn, khô khốc nay chỉ còn chờ bừa trở đất cho một vụ mùa sắp tới….

Qua khỏi những ngày bông xoài vàng nhánh là những nụ non kết trái lấm tấm khắp trên từng nhánh bông mới hôm qua, hôm kia còn vàng một màu vàng quyến rũ. Xoài đậu trái, quê tôi người ta gọi là xoài  đang có trứng cá vì những nụ mầm li ti này giống như trứng cá vào mùa mưa  khi cá sắp lên đồng quậy ổ đề đẻ. Trứng cá xoài nhỏ như hột cườm rồi lớn dần bằng đầu đũa ăn, rồi bằng ngón tay út, ngón tay cái, ngón chưn cái và bằng cườm tay. Những trái xoài lúc còn nhỏ tí ti này thì chua chua chát chát, nhưng khi xoài bằng cổ tay thì dù bất cứ giống xoài nào, cái chất trong những trái xoài này đều có cái  chất giống nhau như đúc đó là chất chua.

Rồi khi xoài lớn dần lên, mỗi giống xoài có cái nét chua khác nhau nhiều khi biết ớn như xoài giấm chẳng hạn. Xoài giấm thì khó mà ăn sống với muối ớt vì cái chất chua xé ruột xé gan của nó . Nên  dân nhà quê đặt tên cho nó là xoài giấm. Đặc điểm này cũng đáng lưu ý là khi xoài giấm già thì bớt chua đi nhiều; và khi nó chín mà nhất là lúc nó chin muồi, thì ôi thôi, chưa chắc loại xoài danh tiếng nào ngọt bằng nó .

Có một giống xoài ít chua hơn, đó là xoài thanh ca. Xoài thanh ca có hai loại: thanh ca trắng và thanh ca đen. Thanh ca trắng khi còn sống chua hơn xoài thanh ca đen. Và khi chín, xoài thanh ca đen ngọt mặn hơn xoài thanh ca trắng.

Xoài voi thì chua không kém gì xoài thanh ca nhưng xoài voi trái lớn hơn xoài thanh ca nhiều; thịt xoài voi có thớ, chưa nhiều nước nên khi chin, xoài voi có hơi lạt, không ngọt gắt như xoài cát. Xoài voi cũng có hai loại xoài voi đen và xoài voi trắng. Sở dĩ có tên gọi xoài voi và xoài thanh ca như vậy vì người nhà quên căn cứ vào cái vỏ ngoài của xoài. Vỏ xanh đậm thì gọi là xoài thanh ca đen, vỏ xanh lợt thì gọi là xoài thanh ca trắng.

Xoài tượng khác với xoài voi dù “voi” hay “tượng” đều có nghĩa giống nhau. Sở dĩ gọi xoài tượng vì trái xoài lớn và dài như chân tượng. Nhưng có lẽ tên gọi loại xoài này đúng với hình dạng và chất chua của nó là “xoài đu đủ”. Vì xoài này có nhiều trái giống như trái đu đủ và đặc biêt loại xoài này không chua như các giống xoài khác nên chỉ để ăn sống với mắm đường sắt là ngon tuyệt diệu.

Xoài gòn vì trái nó giống như trái gòn. Thịt có nhiều sớ chạy dọc trong thịt xoài, nên ăn ít ngon miệng. Trái lại, có giống xoài hương, trái gần giống y chang trái xoài gòn, nhưng thịt lại mịn, ít chua và khi chin thì ăn ngọt và rất thơm nên nhà quê gọi là xoài hương.

Xoài nghệ trái nhỏ bằng nắm tay như xoài giấm nhưng thịt vàng như nghệ. Khi chin xoài nghệ rất ngọt và thơm.

Còn một loại xoài nữa không chua, ăn sống là hết sẩy, thịt xoài khi còn sống ăn nó giòn giòn, trái tròn tròn như củ khoai lang tháng hạn. Loại xoài trồng để ăn sống, ít ai đem vú vì chín ăn không ngon bằng. Ở nhà quê vùng Mặc Cần Dưng gọi là xoài khoai lang.

Ở miệt Long Xuyên, trước năm 1960, chưa có xoài cát. Xoài cát lúc bấy giờ có nhiều ở vùng Giáo Đức, Bắc Mỹ Thuân. Vế sau, ghe miệt vườn vùng Vĩnh Long, Bến Tre đem cây giống xoài cát miệt dưới lên bán trên này, nên mấy năm sau, miệt Long Xuyên có thêm nhiều vườn xoài cát. Xoài cát Hoà Lộc là nổi tiếng nhứt. Lúc đầu xoài trồng bằng hột. Về sau có phong trào xoài cát tháp, nên các vườn xoài cát phát triễn nhanh. Dường như nhà nào ở miệt Long Xuyên cũng có vài ba gốc xoài cát bên hiên nhà, ngoài bờ mương, trong vườn chuối.

Trồng xoài bằng hột, thường lấy hột xoài ngon, phơi khô, lấy dao chặt hai đầu, lột vỏ và đặt hột xoài trong ống tre đựng đất sông phơi khô cho tơi ra. Và đặt gần lu nước hay góc vườn nào đó rồi tưới nước cho hột xoài nứt nanh và thành cây. Khi thấy cây xoài con đủ sức ra sống nơi đất vườn là người nhà quê mới đem xoài ra trồng. Trồng xoài bằng cây con, nếu đất tốt, khoảng 5 năm là có trái. Nhưng trồng cách này có cái lợi là tàn cây cũa xoài rất lớn, nhiều nhánh và sống lâu hằng mấy chục năm.

Trái lại, sau này miệt Vĩnh Long, Bến Tre chế ra cách ghép tháp cây giống, đặc biệt là ghép tháp xoài cát, thì loại này khi mua về trồng rất mau có trái. Vì là cây tháp, nên tàn cây không cao, nhánh cây ít, do vậy xoài tháp trồng trái thấy đơm cây như vậy nhưng bẻ xuống không nhiều bằng xoài trồng bằng hột. Về sức sống của loại cây giống này cũng hổng bằng loại trồng bằng hột. Nó chỉ có cái lợi duy nhứt là trồng mau ăn.

Trồng xoài bằng hột như đã nói khoảng 5 năm mới có trái, nếu là đất tốt, tức là lâu ăn; nên dân quê thường nói “trẻ trồng xoài, già trồng chuối” là vậy. Người già mà trồng xoài chỉ với mục đích duy nhứt là trồng cho con cháu đời sau có mà ăn với đời. Người  nhà quê xưa thâm thúy thay!

Thuở nhỏ, lúc còn đi học sơ học, vào mùa xoài, lũ học trò chúng tôi đứa nào cũng có gói muối ớt trong chiếc cặp đệm để ăn với xoài sống. Xoài sống lượm được thời ấy thường là xoài thanh ca trái bằng cườm tay, phủi bụi cho sạch rồi kê vô gốc xoài đập mạnh một cái. Trái xoài nứt ra nhiều miếng và cứ thế tách ra chấm với muối ớt mà ăn ngon lành. Không cao lương mỹ vị gì mà tới ngày nay tuổi đời đã già rồi mà vẫn còn nhớ những đứa bé nhà quê đi học lượm xoài và ăn dọc đường như vậy. Nhớ lắm tuổi ấu thơ ơi !

Vào mùa xoài, có cái vui nhứt là lượm xoài vào những buổi mưa dông. Trời mưa dông, tụi nhỏ chúng tôi bắt đầu mỗi đứa một cái rổ đứng ngay dưới gốc xoài nào nhiều trái. Và cứ thế gió đưa, gió đẩy nhằm thử sức bền dai của các cuốn treo các chùm xoài tòn ten. Thế rồi chỗ này xoài rụng, chỗ kia xoài rụng. Có khi tàn cơn dông, xoài lượm đầy rổ hoặc tràn cả rổ mang về không hết. Lượm xoài rụng thì lượm nhiều như vậy nhưng về nhà có khi bỏ lăn bỏ lóc đâu có ai ăn. Có khi để lâu xoài bị bể rồi con bồ hông bồ hống bu đầy lại đem xuống mương rạch đổ bỏ. Sau này, ở nhà quê mới nghĩ ra cách gọt vỏ xoài, rồi rửa sạch mủ và xắt mỏng, ướp tí muối, rồi đem phơi khô để dành trong nhà khi hết me muối thì nấu chua bằng xoài phơi khô này. Sở dĩ có việc dằn một tí muối là để xoài phơi khô lâu ngày khỏi bị mốc meo.

Đến mùa xoài, đi đâu bạn cũng thấy xoài. Bơi xuồng dưới sông xoài lòng thong sát mặt nước. Đi bộ trên đường làng , những chùm xoài treo lòng thòng như mời gọi khách bộ hành. Nhưng những năm tháng xa xưa ấy, cây ai nấy trồng, xoài ai nấy hái, không ai ăn trộm ăn cắp của ai. Và xoài phơi trái đầy đường mà không phải rào rạu gì. Trên đường Long Xuyên đi Châu Đốc, khúc gần cầu Mương Trâu, sắp sửa tới ngã ba lộ tẻ Tri Tôn- Mặc Cần Dưng có một vườn xoài nổi tiếng trong vùng. Thời ấy tiền bạc còn mắc mỏ mà vườn xoài này bán cả trăm ngàn đồng, trong khi đó nhiều vườn xoài lớn vùng Lấp Vò rất trúng mùa nhưng cũng chỉ bán được vài chục ngàn. Và ở Rạch Gòi Lớn cách Long Xuyên chừng sáu bảy cây số về hướng bắc Vàm Cống có vườn xoài của ông Trường Tiền Hỹ  cũng sầm uất không kém và đây là vườn xoài cát lớn nhưt vùng vào thời ấy. Những thân xoài thấp vì đa số cây giống là xoài tháp, nên trái loà xoà sát mé mương vườn, nhìn mà biết mê .

Vào mùa xoài, dù là chợ quê, chợ làng, chợ quận, chợ tỉnh, đâu đâu cũng đầy chợ xoài. Hồi đó bán xoài bằng chục. Miệt quê tôi tính chục 12 trái, còn gọi là chục có đầu, ít khi nào bán chục 10 trái, gọi là chục trơn. Rồi sau này nhiều bạn hàng vì muốn bán xoài nhanh để tránh xoài chin rộ bán không kịp, người ta tăng chục lên nhiều trái hơn như chục 14, chục 16, chục 18, nhưng chục 20 là tối đa. Tuy vậy cũng ít khi thấy ai bán chục 20 trái vì chung qui, chục loại nào thì giá tiền cũng tương đương với giá ngoài chợ, không rẻ hơn bao nhiêu.

Nhưng vào mùa xoài mà không nhắc xoài chín cây là chưa đủ. Khi xoài già và bắt đầu có trái chin cây lai rai, thì ban ngày có chim trau trảu, ban đêm có dơi dạo quanh vườn xoài. Các giống này khôn lắm và chúng cứ lựa trái xoài nào đỏ ức là chúng lấy mỏ mà mổ. Trái xoài đong đưa qua lại vài bận, có khi vết mổ gần sát cuốn, dù trời đang đứng gió, xoài vẫn rụng cái bịch… Dù bạn đang nằm ngủ nửa đêm bạn cũng lồm cồm ngồi dậy xách cái đèn hột vịt ra lượm trái xoài vừa rụng. Dù nhiều lúc bạn không ăn xoài chin cây rụng, nhưng cái hấp lực của xoài chin rụng làm bạn không cách nào từ chối lạnh lùng ngồi đó chờ trái xoài chin khác rụng tiếp được.

Ở bắc Mỹ Thuân vào dạo ấy họ bán trái cây, như xoài, ổi bằng cái xây họ đựng. Mua trái cây ở đây thường người mua bị lầm vì họ chất trái hư, trái nhỏ ở dưới đáy xây, nên nếu không để ý kỷ, mua về một xây ổi, một xây xoài chỉ ăn được một nửa. Còn lại phải vứt bỏ vì trái cây bị hư, bị giòi đục . Sở dĩ có tình trạng này là vì hành khách qua đò là khách hàng lạ và đi gấp vì có khi xe qua bắc nhanh chưa kịp lựa hàng thì bạn hàng đã hối trả tiền rồi. Do vậy, mà ai đi ngang qua bắc này một lần là bi gạt một lần, khó tránh khỏi.
Ngày nay bắc Mỹ Thuận nằm yên trong ký ức mọi người ngày xưa rồi nhưng có lẽ cảnh mua trái cây ở đây mỗi lần qua bắc quả là những dấu ấn khó quên khi nghĩ về một thời xa lắc ấy.

Dường như khoa học càng ngày càng tiếng bộ làm cho miệt nhà quê không tránh khỏi những thay đổi các mùa màng. Ngày nay mùa xoài không còn nhất thiết vào mùa Hè, mà còn rải rác khắp những ngày mùa nước lên, mùa tết hoặc mùa nào lá xoài thấy chưa ra lá non, là người ta xịt thuốc kích thích cho nó ra bông, rồi xịt thuốc dưỡng bông, dưỡng trái. Thế là có mùa xoài. Xoài ngày nay cũng không còn bán chục trơn hay chục có đầu như xưa mà cân bằng kilô và tính tiền theo số ký.

Ngày xưa chủ vườn muốn kêu lái bán xoài, trước hết đếm thử một nhánh xoài trung bình coi được bao nhiêu trái. Rồi sau dó đếm nhánh cây và rối nhơn ra mà tính số thành coi xem vườn mình có mấy thiên xoài. Thiên là ngàn trái. Thiên có đầu là 1,200 trái hoặc 1,600 trái tùy theo chục 12 hay chục 16. Vậy mà rồi dưới con mắt nhà về của chủ vườn và con mắc chuyên nghiệp của lái buôn thường cũng không sai chạy con sô trái là bao nhiêu. Thường chủ vườn ngày xưa hay lấy câu “cây nhà lá vườn” làm chuẩn nên bán có lầm đôi chút cũng hổng đến đổi nào. Và lái buôn nào mua bán tử tế với chủ vườn và nghĩ đến công lao săn sóc, giữ gìn cây trái ít bị thất thoát, thường mỗi lần ghé thăm chủ vườn nhớ mua cho vài lượng trà hay gói thuốc rê, thì chắc mùa xoài năm sau, chủ vườn sẽ dành ưu tiên cho mình mở hàng trước nhứt.

Việc buôn bán, mà nhứt là buôn bán ở nhà quê lấy cái chơn thực là cái thước đo lòng tử tế. Mọi ý nghĩ sẽ lừa dối nhau dường như không có mặt trong cách buôn bán này. Do vậy chủ vườn nào mà đã nhận tiền đặt cọc của lái buôn rồi, họ sẽ còn cực hơn hồi vườn xoài chưa bán vì họ sợ hao hớt về gió rụng, về trẻ con bẻ phá hay về bất cứ lẽ gì đi chăng nữa đều làm họ rất khó chịu, mất ngủ. Mùa xoài cũng là mùa chủ vườn hay mất ngủ là vậy. Ngày nay, xoài cân ký, việc còn mất không quan trọng nữa vì còn nhiều thì mình ít lỗ, rủi ro có hao hụt chút ít thì chờ mùa tới, và cái thước đo về lòng tử tế của chủ vườn có cái cân đo giùm rồi, khôg việc gì phải lo đến mất ngủ như ngày xưa nữa….

Về cách ăn xoài, loại trái cây từ hồi đời Lê Quý Đôn đã phải công nhận là loại trái ngon nhứt rồi, nên ăn cách nào cũng ngon. Không câu nệ phải gọt xoài như thế này hoặc thế khác, đó chẳng qua là kiểu cách của người thành thị sợ dính tay. Người nhà quê ăn là lấy no, nên có khi gọt xoài ăn với cơm. Trưa trưa, ngồi buồn miệng, lấy trái xoài chín khỏi cần dao gọt vỏ mà chỉ lột vỏ và cạp vài miếng là xong; rồi lại lu nước múc một gáo nước rửa tay là có một bụng xoài thơm râu, thơm miệng rồi. Nhưng không mấy ai ăn xoài quá hai ba trái vì xoài ăn nhiều dễ bị nặng bụng và nóng hai con mắt, làm mắt bị đổ ghèn.

 Mùa xoài coi vậy mà ngày xưa có liên quan tới mùa lúa. Năm nào mùa xoài trúng thì y như rằng năm đó thất mùa lúa và ngược lái năm nào lúa trúng mùa thì nhà vườn lại thèm xoài. Cái gì cũng có thuận và khắc với nhau ráo trọi. Hồi xưa làm ruộng và trồng xoài là phú cho trời nên thường gặp những bất cập như vậy. Ngày nay nhờ có thuốc trừ sâu rầy, nên lúa hay xoài gì mạnh ai lo có trái theo mùa của mình, không còn chờ gió đưa hương dù hương lúa mới hay hương bông xoài đang vào mùa thơm bát ngát trời đất như xưa nữa !!!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét