Lương Thư Trung
Mùa cày bừa và phát cỏ
Mùa xoài rơi vào những ngày nắng
tháng Ba, tháng Tư và kéo dài qua mùa mưa và cuối mùa xoài vào tháng 5 âm lịch,
thì mùa cày bừa lại bắt đầu vào tháng Hai sau khi những cà lang lúa trên đồng
vừa được trâu bò đạp xong và chuyển lúa hột về nhà với những cánh đồng cò bay
mỏi cánh, được bà con nhà quê châm những ngọn lửa từ đuốc lá dừa đốt đồng để
chuẩn bị cho một mùa cày bừa mới.
Những ngọn lửa cháy lan từ miếng
ruộng này đến miếng ruộng khác lan toả khắp đất trời mùi khói đốt đồng thơm thơm
khó tả. Vào những năm đầu thập niên 40, 50, và lan dần qua thập niên 1960, cả
một vùng Long Xuyên, Châu Đốc, Cao Lảnh dường như cùng hè nhau vào mùa cày bừa
cho kịp mùa sạ lúa tháng 4 âm lịch. Do vậy mà, không ai hẹn ai, ở nhà cứ lo dọn
đất để sẵn sàng vào mùa cày bừa.
|
Những năm tháng ấy, mỗi nhà đều
có nuôi vài đôi bò hoặc vài ba con trâu để dùng vào việc đồng áng . Trâu thì
mạnh, nên khi kéo xe lúa hột hoặc cộ lúa bông để gom lại thành cà lang trong mùa
cắt gặt, thì thường chỉ dùng một con là đủ sức kéo nổi một cộ lúa hay một xe lúa
hột chừng 25 giạ. Nhưng khi cày hoặc bừa thì trâu và bò cùng được dùng như nhau,
nghĩa là phải hai con mới kéo cày hay bừa mới nổi. Và dùng hai con cho một cái
cày hay bừa cũng tránh được cái nạn luỡi cày làm đứt chưn trâu bò.
Cây cày gồm ba phần là bắp cày,
chuôi cày và gọng cày nối dài từ bắp cày chạy dài tới cái ách để gác lên đôi vai
trâu bò. Cái ách phải được bào cho láng bóng để khỏi làm phồng da cổ bò trâu.
Gọng cày không dài quá làm trâu bò dễ lộn ách, mà cũng không ngắn quá dễ làm
trâu bò bị đứt chân, đứt gót vì khi đi chưn bò trâu thường giơ lên cao nên dễ
chạm vào lưỡi cày, răng bừa. Bò trâu mà bị đứt chưn, đứt gót là bỏ mùa, dân làm
ruộng sẽ gặp nhiều khốn đốn.
Ngày xưa, trong vườn cây mọc
hoang còn nhiều, nhứt là những năm tản cư Tây trở về, vườn hoang nhà trống, nên
các loại cây mọc hoang lâu năm như bằng lăng, mù u mà làm bắp cày, chuôi cày,
thân cày thì hết sẩy. Lưỡi cày phải dùng sắt hoặc thép để rèn, bản lớn, mủi
nhọn và bén, uốn nghiêng để gắn vào bắp cày ở tư thế dễ làm xóc đất vừa đủ lật
lớp đất lên và lật úp lại cho cỏ bị đè và chết khô dần, mà không ăn xuống sâu
lắm làm bò trâu kéo mệt và đuối sức Trái lại, răng bừa thì có thể dùng hai loại
bằng cây hoặc bằng sắt để làm răng. Bừa phá đất thì chỉ dùng răng suông là được;
nhưng nếu muốn bừa cho nát đất thì dùng răng muỗng. Và răng muỗng phải rèn bằng
sắt chứ không dùng cây được. Dù răng bừa loại nào đi chăng nữa cũng không dài
quá 20 cm, vì dài quá bò trâu kéo rất năng, mà ngắn quá thì răng bừa không đủ
sức làm bể vụn đất cày.
Mùa cày bắt đầu với những luống
“cày mở vạt”, tức là luống cày đầu tiên khởi đầu cho vụ cày miếng đất của mình.
Tùy theo miếng ruộng lớn hay nhỏ mà “luống cày mở vạt” nên bắt đầu từ đâu trong
miếng đất cho hợp lẽ. Luống cày mở vạt rất quan trọng về tâm lý và tính chơn
chất của người làm ruộng. Tâm lý là khi mở vạt nhỏ thấy miếng đất được chia nhỏ
và cày ít ngán. Bạn thử tưởng tượng một người làm ruộng một mình với đôi bò, đôi
trâu giữa cánh đồng nắng tháng Hai, tháng Ba cùng với miếng ruộng bao la bát
ngát mà cày hoài không giáp đất, thì nỗi mệt mỏi và ngán ngẩm biết dường nào.
Cho nên dân ruộng hay nói “liệu cơm mà mở vạt cày” là vậy. Do vậy mở vạt cày nên
chú ý là mở vạt vừa phải, không lớn lắm mà không không nên nhỏ lắm vì mở vạt mà
nhỏ quá làm cho việc xoay trở khi cày giáp đất nhiều bận sẽ bị mất thì giờ, trâu
bò và người nông dân cũng dễ mệt mỏi vì cứ mở vạt cày mới hoài; còn mở vạt lớn,
lúc đầu thấy đất rộng mà ngao ngán, nhưng được cái lợi là cứ cày hoài, không
phải mở vạt mới lắt nhắt. Trường hợp miếng ruộng vài ba chục công, thông thường
người nông dân mở vạt cày ngay giữa miếng đất, do vậy mà miếng đất nào cũng có
đường nước ở giữa trũng xuống vì năm nào họ cũng mở vạt ngay giữa miếng đất, lâu
ngày thành đường nước trũng như vậy. Đường nước trũng này có cái lợi là làm
đường thoát nước ra mương, ra rạch khi ruộng lúa bị ngập hay dẫn nước vào ruộng
khi mùa khô cần bơm nước vô ruộng, miếng ruộng sẽ mau đầy nước.
Còn về tính chơn chất, theo lệ
thường, khi mở vạt cày là nên mở cho luống cày lật vô phần đất của mình để tránh
luống cày đầu tiên nằm úp lên ranh, chồm qua phần đất của người giáp ranh, để
không làm phiền lòng chủ đất liền ranh. Ngày xưa, đất đai nhiều vô số, nên việc
lấn ranh đất ít có. Ranh đất giữa hai miếng ruộng thường là một lối mòn mà hai
đầu có cắm hai trụ đá xanh. Rồi hai chủ ruộng cứ nhắm chừng chỗ ngay chính giữa
là cày bừa cắt gặt, để không xê qua xích lại vài tấc đất gây bất hoà làm gì. Do
vậy mà ranh đất những cánh đồng lớn miệt Kinh Xáng Bốn Tổng, Đìa Bèo, Cầu Số Năm
hay bên Cao Lảnh, trong Tân Hiệp, Ba Thê, Núi Sập, Thới Lai thường là một giồng
cỏ ở giữa hai miếng ruộng.
Mở vạt đất cày mà ví thì khi cày
trở phải mở vạt cày phá. Ví là đất úp vô, còn phá là đất lật trở ra. Còn bừa chỉ
có mục đích làm bể đất cày ra chứ không có phá hay ví gì. Muốn cục đất lớn thì
chỉ bừa một bận, muốn đất nhuyễn thêm thì bừa hai hoặc ba bận. Do vậy con bò hay
con trâu mà đứng ở vị trí ví bao giờ cũng bị lép vế hơn con bò con trâu ở vị trí
phá. Vì con trâu hay bò ví nó phụ thuộc vào con trâu hay bò phá. Phá đứng bên
trái cái cày, ví đứng bên mặt cái cày. Khi người cầm cày la ví là con bò bên tay
mặt phải lo chúi đầu qua tay mặt và ngược lại cái anh trâu hay bò ở thế phá, khi
chủ mà la phá thì anh ta chỉ còn có nước thong dong mà bước về phía trái một
chút là an toàn mà không phải bân tâm gì ráo trọi. Ví là vô, phá là ra, đời là
vậy. Cùng một kiếp bò trâu mà có đứa sướng đứa cực rất khác nhau !
Thường thường sau khi cày phơi
đất cho ráo phèn và cho cỏ chết, mãi tới gần mùa sạ người ta mới bắt đầu mùa
bừa. Vì bừa sớm quá, đất chưa thiệt khô nên khó bừa cho rã đất. Hồi xưa, chưa có
máy cày, nên viêc khẩn hoang mở ruộng phần lớn là do sức người và sức trâu bò.
Lúc khẩn đất là đất còn cỏ lâm, sậy đế trùng trùng, nên người đi khẩn đất cũng
không thể cày bừa liền được vì đất lâm chằng chịt rau muống, cỏ chỉ, cỏ song
chằng, cỏ ống, đưng, lát, cỏ sướt, rau dừa …, nên người ta phải dùng cái phãng
lưỡi dài chừng 70 hoặc 80 cm, bề dày ở chót lưỡi phãng có khi dày 1 tấc. Phần
chuôi phãng được tra vào một cái cán bằng đoạn tầm vông dài khoảng hai tấc vừa
với tay cầm. Khi phát cỏ, người cầm phãng khòm lưng xuống chém cỏ với cây cù nèo
vừa là dụng cụ để kéo cỏ làm cho người phát cỏ dễ phát, vừa là vật cản nhằm đề
phòng trường hợp người phát cỏ chém hụt lưỡi phãng sẽ đưa vào ống quyển, vào
chân. Do vậy cây cù nèo là vật phụ nhưng không thể thiếu nó trong công việc phát
cỏ bằng phãng được.
Mùa phát cỏ rơi vào mùa nắng nếu
làm ruộng sạ, có khi rơi vào mùa mưa nếu làm ruộng cấy. Vì phát vào mùa nắng, cỏ
phát xong được phơi khô và sau đó nhà nông đốt cỏ và cày bừa để kịp mùa sạ lúa.
Còn ruộng cấy thì phát cỏ xong thì chỉ còn gom cỏ trên đồng qua hai bên giồng
ranh và bứng mạ và cấy là được rồi, không phải qua nhiều giai đoạn như đốt đồng
và cày bừa như lúa sạ. Nói ruộng cấy là nói vậy, chứ phát cỏ rồi mà muốn cấy,
nhà nông cũng phải phát cỏ con lại lần thứ hai hoạc thứ ba, các lần phát sau này
được dân quê gọi là chế đất. Chế đất có cái lợi là làm cho cỏ non không mọc nữa
để lúa vừa cấy xuống không bị cỏ lấn lướt. Do vậy có phát là phải có chế mới
đúng là làm ruộng thời khai hoang mở ruộng.
Trong các loài cỏ vừa kể, người
đi khẩn điền bằng cách phát cỏ bằng cái phảng, họ ngán nhứt là hai loại cỏ song
chằng và cỏ chỉ; hai loại cỏ này vừa nhiều mà rầt nặng phát vì nó bám chặt xuống
đất rất khó chặt cho nó đứt. Do vậy mà dân làm ruộng có câu :”Nhứt song chằng,
nhì cỏ chỉ”.
Khi phát cỏ dọn đất cũng như phá
lâm làm ruộng, ở nhà quê có cái vui là thức ăn nhiều vô số kể. Nào rắn nào rùa,
nào chim nào chuột, mặc tình dân ruộng bắt đem về mà khìa mà nướng hay xào lá
cách, lá lốt, trăm thứ trăm ngon vì thịt rừng vừa tươi vừa ngọt mà dân ruộng thì
giản dị với món ăn, không chế biến cầu kỳ nên món mào món nấy cũng ngọt ngon,
thơm tho vì chất tươi của thịt cùng rau cỏ miệt ruộng làm thành món ăn ngon
miệng.
Sau này, những năm đầu thập niên
1960 có máy cày, mày xới, việc làm ruộng đở cực hơn nhưng dân ruộng chuyên
nghiệp vẫn thích cày bừa bằng trâu bò hơn vì trâu bò dù làm chậm nhưng làm kỹ
càng hơn, do đó, ruộng dù làm ít nhưng trúng hơn. Hơn nữa, máy cày xốc đất lớn
nên luống cày lớn là nơi tốt nhất cho chuột bọ có nơi ẩn trú và miếng ruộng nào
do máy cày cày rồi thì khó mà kêu trâu bò cày trở và bừa phá đất vì luống cày to
mà sức trâu bò yếu, được chủ cưng sợ trâu bò đau móng, nên khó kêu công cày bừa
và thường việc sạ tỉa gặp trở ngại là hay bị bê trễ mùa màng. Hễ cày bừa mà bị
trễ rồi thì coi như các giai đoạn kế tiếp theo sau đó đều bị trễ theo và hậu quả
trước tiên là bị thất mùa. Do vậy mùa cày bừa coi đơn sơ và dễ ăn vậy, nhưng nếu
bạn không quan tâm tới ngày tháng bắt đầu và kết thúc thì miếng ruộng của mình
khó trúng mùa dù ngày xưa chỉ có sạ lúa và chờ mưa là có gạo ăn. Dễ mà không dễ
là vậy !
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét