Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

MÙA TÁT MƯƠNG


Lương Thư Trung
Mùa làm lóng, tát mương và tát đìa

Song song với mùa đốt đồng để chuẩn bị cho mùa cày bừa, dân nhà quê cũng bắt đầu mùa làm lóng và tát đìa. Vào những năm 1940 - 1950, miệt Mặc Cần Dưng, Hang Tra, Vĩnh Hanh, Cầu Số Năm, Ba Bần thuộc An Giang đều làm lúa mùa. Những ruộng lúa ngày xưa không dùng thuốc sâu nên môi trường rất sạch sẽ, tinh khiết và cá mú thì ôi thôi, mặc tình mà sanh sôi nẩy nở nơi lung, bàu, đìa, mương đầy cỏ lác, rau mác, lục bình. Có nhiều ngọn mương hay lung vũng nước trầm thủy lưu lai, nên cá ở đó sống quanh năm rồi sanh con đẻ cháu nhiều khi người nhà quê bắt được bằng cách cấm câu hay câu nhấp, câu phượt nhiều con cá lớn không thể tưởng tượng nổi. Dân ruộng gọi cá lớn như vậy, nếu cá rô thì gọi cá rô mề; nếu cá lóc thì gọi cá lóc cối, hay cá mọc râu….

Vì ruộng không có mương thoát nước nên ruộng thường bị chìm. Để tránh nạn ruộng chìm, dân quê mới nghĩ ra cách đào mương thoát nước. Những kinh mương này lúc mới đào bề ngang không lớn, nhưng sau vì người người qua lại, rồi trâu bò lội nên các con mương đều bị sạt lỡ nên mương lớn thêm ra và mương cũng được nạo vét thường để lòng mương sâu thêm hầu dễ thoát nước; do vậy mà cá trên ruộng cũng rút xuống các con mương này khi mùa nước trên đồng bắt đầu rút xuống sông rạch.

Tát mương bắt cá
Những mương nhỏ này thường đổ về một con mương chánh do các chủ điền lớn đào, ví như mương Nhà Lầu là mương của ông điền chủ lớn trên Mặc Cần Dưng, vì ông có cất cái nhà lầu lớn, nên dân ở đây gọi là mương ông Nhà Lầu, và cá chứa trong mương này là của ông chủ điền. Hằng năm ông Nhà Lầu có thể tự mình cho xây rọ bắt cá và tới mùa khô thì cho đắp từng khúc để tát và bắt cá. Có khi ông Nhà Lầu bán đấu giá. Ai trúng thầu thì lo việc xây rọ bắt cá lúc nước dưới mương còn sâu và tát lòng khi nước rút cạn vào mùa nắng. Việc đắp từng khúc để dùng gàu dai mà tát cạn và bắt cá, gọi là làm lóng, hay tát lóng. Lóng nghĩa đen là một khúc. Người ta đấp đập chia mương ra làm nhiều khúc và dùng gào dai để tát khô mà bắt cá.. Tát hết khúc này, rồi khai nước khúc kế tiếp và tiếp tục tát như vậy cho tới hết ngọn mương.

Ngoài việc thoát nước, các con mương còn có lợi ích khác là làm đường lưu thông để vận chuyển lúa hột về nhà sau mùa cắt gặt. Ngày xưa, người nông dân chuyển lúa hột về nhà bằng hai cách là dùng trâu bò kéo lúa về hoặc dùng ghe nhỏ hoặc xuồng lòi lúa ra bờ mương, sau đó dùng ghe lớn chở lúa hột về nhà. Lúa hột ngày xưa làm ra là ví bồ, cất lẫm chứa lúa chứ không có bán liền như ngày nay. Thành ra, lúc nào trong nhà cũng có bồ lúa đầy sẵn, ít thiếu gạo ăn.

Lớp khác, các đất có nhiều lung vũng, thì chủ đất thường đào vài miệng đìa trong khu đất của mình để vừa làm chỗ chứa nước cho lung đở bị ngập sâu, vừa làm nơi  cho cá rút xuống trú ngụ để khi làm lúa xong, khoảng tháng hai là người ta bắt đầu tát đìa  hầu có cá ăn và làm khô, làm mắm dự trù có thứa ăn trong những ngày khô hạn cày bừa.

Mùa làm lóng và tát đìa là một trong những mùa vui ngày trước. Vào mùa này, ngày nào dân ruộng cũng có cá ăn dù bạn là chủ đìa, chủ mương hay dân bắt hôi. Chủ đìa, chủ mương thì có cá lớn, cá nhiều; nhưng dân bắt hôi thì có cái vui là bắt cá sót, cá vạt nhưng vui với giỏ cá đầy vừa bắt trên đồng về là do cái tài bắt cá sót của mình. Vào mùa này, cá nhiều vô số kể. Người đi bắt hôi không cần phải chen lấn, giành giựt gì mà vẫn có đấy cá vì cá nhiều quá chủ đìa, chủ mương bắt không thể nào mà không sót cá. Nên cứ thư thả mà theo những miệng đìa đang tát chờ cho người ta bắt xong rồi từ từ mà xuống thấy anh chàng cá lóc, mấy chị cá rô mề bị ngộp bùn vừa trồi mình lên là mình lượm bỏ vô giỏ là chắc ăn, không sợ ai quấy rầy mình. Hồi xưa ấy, vào mùa này, trẻ con nhà quê đứa nào  mình mẩy cũng bị hôi sình, tóc bị cháy vàng và khét nắng vì suốt ngày thường dan nắng và ngâm bùn theo các khúc lóng đang làm, các miệng đìa đang tát cạn. Ở nhà quê mà trẻ con không hôi sình và khét nắng không phải là trẻ con  nhà quê.

Chắc bạn sẽ hỏi sao các trẻ con không lo đi học. Có chứ, đứa nào cũng phải đi học nhưng bắt cá mùa làm lóng, tát đìa là việc còn vui hơn đi học nhiều. Và chúng tôi mê bùi bùn, mùi khét nắng hơn là tới trường bị các ông thầy lúc nào cũng sẵn sàng cho học trò vài cây thước bảng, vài ngọn roi mây hoặc vài bạt tay nhá lửa khi dọn bài…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét