Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

CON ĐƯỜNG CŨ...PHẦN 19

Con đường cũ  (Phần 19) - Trước cổng Trường Thủ khoa Nghĩa

LƯU NHƠN NGHĨA
         

          Anh Tỷ dẫn tôi qua  thăm thầy Vận. Thầy đang lặt lá mai đợi Tết, thầy  nhắn vài lời, tuổi già,  thầy nói  chậm rãi, kỹ niệm lúc thầy nhờ quen biết Tòa án, đi xin "thế vì khai sinh" cho học trò đi thi Trung học đệ nhưt cấp. Thời đó có nạn tròng tréo khai sanh, vì cha mẹ ở nhà quê không rành. Thầy bận cuối năm, không mời được thầy ly ca phê. Tôi chào thầy, trở lại cổng trường . Học sinh qua lại dập dìu, xe đạp, xe gắn máy.
              Tôi đứng trước cổng trường lâu lắm, cố tìm người quen chia sẻ kỷ niệm, nhưng vô vọng. Hỏi thăm Cẩm, học chung Ariz và Liêm, một nữ sinh đại diện trường trong giải thể thao Toàn quốc tại sân Cộng Hòa Sai Gòn, năm 1959 hay 1960. Không ai biết Cẩm, bỗng có người nói, " cô giáo Cẩm hả, chết rồi ".  Tôi cứ nhớ Cẩm năm 1960.  Cẩm có làm bài thơ tôi còn nhớ hai câu "Thức trắng đêm trường viết trắng lòng, Gởi người con gái bước sang sông". Thời đó đọc nghe buồn lắm. Hỏi thăm chị Lượm, chị bán khô mực và cháo dưa mắm, chị mất lâu rồi.
               Trước cổng trường hai buổi sáng chiều đều có bán quà cho học sinh. Người lâu đời nhứt là chú Bảy Được, bán nước đá bào, nhận nước đá trong ly, xịt xi rô, có khi bán nước đá đậu. Ban đêm, chú đẩy xe bán ở các xóm. Chú Bảy người mập khoẻ, vui tính, an phận làm ăn. Tôi quên bà bán xôi, khoai mì, bánh tầm. Sau năm 1954, hiệp định Genève, có một người Bắc bán bánh mì pâté. Ông đẩy chiếc xe, thành xe có chữ "bánh Tây ba tê", người Bắc gọi bánh mì là bánh Tây, một khúc 3 đồng trong có kẹp pâté hay thịt nguội, một miếng củ cải trắng, một cọng hành lá, rắc muối tiêu, ngon lắm. Tôi ăn hai khúc chưa no.
                Một dạo, có anh người Bắc bán kẹo kéo, nghe nói anh giỏi tiếng Anh lắm, trên xe đẩy kẹo, có cuốn L'Anglais vivant, bọn nó đồn anh đọc hay trúng giọng. Khi có người mua, anh dùng miếng vải kéo thỏi kẹo cho dài ra, bẻ cây kẹo bằng ngón tay cái, trong là đậu phọng, gói giấy. Mãi tới giờ, tôi không biết anh xoay sở cách nào để sống, với chiếc xe đẩy bán kẹo. Thỉnh thoảng nghe anh rao "kẹo ké  ...o, Ông Tây mà lấy bà đầm, thấy hàng kẹo kéo đâm sầm ra mua , kẹo ké...o ." . 
Khi học sinh đã vào học, anh đẩy xe đi dọc theo đường hàng sáo rao " kẹo ké  ...o .
        Cô nào chồng bỏ  về Tàu, ăn 5 cắc kẹo, chồng nhào  trở qua,
        Cô nào chồng bỏ về Tây, ăn 5 cắc kẹo, chồng quay trở về
        Cô nào chồng bỏ chồng chê, ăn 5 cắc kẹo chồng mê tới già
        Cô nào xấu xí như ma, ăn 5 cắc kẹo quan ba  ưng liền, kẹo ké ...o."
Xe lăn lọc cọc, tiếng rao ngân dài, vang vang trong cơn nắng xế trưa, dọc theo xóm vắng hay đường phố, len qua ngỏ hẻm. Hai chữ kẹo kéo gây cho anh nguồn cảm hứng, nhưng chắc không làm anh bớt nghèo.
            Trong xóm đối diện trường, nhà cao cẳng, thời đó hay bị ngập nước, có một ông thầy pháp hay thầy cúng.  Một số học sinh đứng quanh nhà ông chọc phá ông mê tín dị đoan. Tôi nghe không rỏ. Bỗng nghe ông khóc. Ông khóc tức tưởi lâu lắm, tôi đn chắc bọn  học sinh học được khoa học mới, hỏi vặn  ông về chuyện ông cúng kiến trừ tà, ông trả lời không được. Vợ ông lớn tiếng " làm gì mà khóc, vô trường thưa thầy nó." Tôi chỉ nghe ông vừa khóc vừa nói "Từ nhỏ tới lớn, tôi chưa bao giờ khóc, mà ngày hôm  nay anh em học sinh làm tôi khóc".   Ông lập đi lập lại câu đó mấy lần.  Tiếng khóc ông áo não, như người bị xử oan ức, phải ẩn nhẫn, chỉ biết khóc, không làm gì hơn được. Ngay bây giờ, đang viết bài này, tôi còn nhớ và nghe tiếng khóc của ông, tôi xúc cảm thương ông, không biết sao diễn tả trọn vẹn tiếng khóc nhịn nhục của người yếu thế.
              Con đường tới trường, tiếng guốc rộn rã, chiếc áo bà ba, mái tóc kẹp dài năm xưa chỉ còn trong tâm tưởng, nhắc lại có khi bị chê lú lẫn. Tôi ôm cái ba lô đứng thơ thẩn, muốn bắt chuyện với học sinh trẻ hỏi thăm, khó quá.  Học sinh trẻ, lối suy nghĩ và kinh nghiệm sống khác nhau, ngôn ngữ thời đại lắt léo, khó trao đổi.

              Tôi dắt chiếc xe đạp lẫn lộn nhóm học sinh, tìm cách làm quen. Học sinh đi từng nhóm, sử dụng ngôn ngữ "thông dụng" với nhau như tiếng đệm bình thường trong mỗi câu nói, lập đi lập lại nghe ngộp thở.  Dù tôi có thời dùng nó trong lính, nhưng chắc không bao giờ dám dùng trên đường tới trường. Tôi bạo dạn hỏi: "Sao mấy cháu chưởi thề nhiều quá vậy ? ".  Mấy đứa bé nhìn tôi cười vui vẻ, pha trộn chút thái độ sành đời, ngước mặt vén hất, hãnh diện " Học sinh Thủ Khoa Nghiã mà chú ". Máu lính  ngày trước trào lên cổ tôi  bất ngờ, không kềm hãm kịp, " Ê, ĐM mầy, tao cũng Thủ Khoa Nghiã đây nghe".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét