Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

CON ĐƯỜNG CŨ...PHẦN 17 & 18

Con đường cũ (Phần 17-18) - Châu Đốc Ngày Xưa

LƯU NHƠN NGHĨA

          Chợ  Nhà Bàng nằm ở vị trí cũ, hai dãy phố còn dáng dấp xưa, cảnh cũ, người mới. Quán góc đường ra Châu Đốc xưa là quán cà phê, xe đò ngừng chờ xuống hàng, Bác Bẩy Tài thảnh thơi cầm ly la ve uống từng ngụm, nhìn mấy người lơ xe làm việc.  Qua khỏi một đổi, có mấy cây thốt nốt cuối cùng mọc lẻ loi, thốt nốt không chịu đi xa hơn. Hai bên, ruộng bao la, lúa non xanh mềm chạy tới chân trời, vùng Láng Linh, kẻ hậu sinh quên công lao tiền nhân. Bên trái, đồng xanh chạy tới biên giới, công ai?  xin đọc bài Văn Tế của ngài Thoại ngọc Hầu, nhớ người khai kinh nhọc nhằn, chết không mồ, cả lính lẫn dân. Dọc theo đường, những cây cầu đang sửa, đất đá ngổn ngang.
            Qua cây cầu cuối, núi Sam đây rồi. Năm 1952, người ta thầu hầm đá, xe chở đá nhỏ, phương tiện lấy đá thô sơ, hông núi khuyết dần. Những ngày Chủ Nhựt, dân Châu Đốc, nhứt là học sinh đi xe đạp, có khi đi bộ, quá giang xe chở đá vô núi nghỉ mát.  Núi còn linh thiêng, các thầy giáo ngồi làm thơ trên Bạch Vân Tịnh xá. Đường mòn lên tháp, pháo đài, đường hoang xa hơn. Mặt núi hướng về Châu Đốc hết xanh, mồ mả chen chút, lưng núi bị lở lói, bị thương nặng. Bên kia núi, phía Tây đền đài nghĩa địa " liệt sĩ ", người ta tiếp tục lấy đá, hông núi bị xén một  mảng màu đỏ thẩm, núi cũng có máu như người. Con Sam bị thương, nằm im lìm. Vài chục năm sau, Sam bỏ về trời, thân Sam bị ruồi đụt rã rời.
            Lăng Ngài Thoại Ngọc Hầu trùng tu lại, có con ngựa và người mã phu đứng trong chuồng sắt, màu hoa hòe, thêm tượng, thêm biểu ngữ  "Chào mừng quan khách". " Tân tiến quá ".. Chùa Bà đối diện, khách thập phương đến bằng xe bus du lịch. Gần tới Đầu Bờ, chùa Tây An, lạ quá, kiểng chùa không có trong ký ức tôi.  Chợ trâu bò ngay Đầu Bờ là khách sạn ...Nhà cửa dọc theo đường san sát, nhờ Bà mà có thêm nguồn lợi cho mướn phòng trọ, cho mướn heo quay cúng Bà, kẻ ăn xin, người bán vé số có cơ hội đấp đổi, biết làm gì ăn thời nầy.
            Con đường hẹp, xe gắn máy chen nhau chạy qua miếu Bar Thanh Đạm, miếu có vẻ mới mà hết linh.Tôi nôn nóng, bao nhiêu năm mới trở lại, cái gì cũng muốn thấy.
             Bây giờ không thấy trạm control xe từ Tri Tôn qua trước khi đến quán Chú Tư Phụng ngay góc đường Xe Lửa, xưa bằng lá, bây giờ là căn nhà lầu. Đối diện là thành lính nhỏ, hình như chỗ giam tù. Có lần tù chạy thoát, nhưng bị bắt lại. Người tù bị trói, lắc đầu.
            Ngơ ngáo nhìn hai bên đường Bảo hộ Thoại cố nhớ, tên đường mới, số nhà cũng đổi. Nhà Thầy Khoẻ, nhà bác hai Khá đâu, nhà đổi số, tìm không ra, không dám hỏi, chỉ nhắm hướng mà đoán. Dãy phố ông Đốc Công Cường, trước mặt  là hồ nước có cá nuôi, bây giờ chỉ thấy nhà phố. Rạp hát Tân Việt cũ kỹ, biết diễn tả làm sao, không biết có bị xóa tên như rạp Lạc Thanh không.  Trước dãy phố, có hàng cây dái ngựa, trời giông gió, trái rụng bể ra từng miếng, trẻ con chạy ra lượm làm củi chụm, thời đó còn chụm củi, than chỉ để nướng. Bao nhiêu kỹ niệm, nhắc lại người đọc thấy nhàm.
              Căn phố đầu dãy phố có thằng Nguyễn hữu Nghĩa, đẹp trai, có cây mãng cầu có trái ngon lắm  kế bên phố bác Hoành (thằng Bảo), phố Thầy Rớt (chị Bé Tư, chị Bé Năm,  em là Huỳnh Bửu Lý, bạn học đã mất, Phố thầy Thời, sau bán cho bác Ba Mẫn, phố bác hai Khá, tôi ở trọ tới năm 1956. Ngày nay là phố thầy Đồng, phố thầy Ba Trụ, sau bán cho thầy Cứ, phố ông Phán Nen, gốc Miên, thằng Ni con ông học giỏi, trưởng thành, học Nam Vang, nghe nói ở Pháp có vợ đầm. Ông Phán Nen không giao thiệp với ai, đi làm bằng xe đạp, ít thấy ông xuất hiện ra ngoài. Phố thầy (?) chú thằng Lễ, phố thầy Ơn, phố ông Phán Thành (anh Nhơn, chị Lý, chị Kim Thoa, Lực), phố thầy ký Lời (Tòng, chị Nga,Thảo), phố thầy Phương (chị Đức), căn cuối cùng có thằng Sĩ và chị Thu.  Tôi cố ý nhắc, để khi bà con đọc thấy tên mình, nếu ở gần, xin liên lạc thăm viếng nhau. Thời đó, vì là dân quê ra, tôi chỉ chơi đùa quanh quẩn trong xóm đó, không dám đi xa.
              Tôi có tật già chuyện, xin kể luôn. Dãy phố ông Đốc công Cường chỉ có công chức cư ngụ. Sau phố có hẽm khá rộng, cầu tiêu bên ngoài, còn dùng thùng. Ông đổ thùng kể chuyện, ông chở những thùng phân trên xe kéo, ra đổ ở giữa sông, cá bu lại ăn, ông cười tủm tỉm, " xin lỗi ...mình ăn cá đó"
              Gia đình nào cũng có người làm công chức sống sướng thật. Căn phố không rộng lắm, nhưng chứa bao nhiêu người. Thầy Thời nuôi vừa con vừa cháu 11 người, chưa kể bà Năm, người làm. Bà con các thầy ở nhà quê, có thể gởi con cháu ra tỉnh đi học, nuôi thêm cháu chưa là gánh nặng. Thầy Rớt  chẳng những nuôi cháu, còn nuôi luôn bạn con mình. Hầu hết nhà nào cũng nuôi con cháu đi học. Năm 1954, cả tỉnh Châu Đốc có cả thảy 7 lớp Nhứt (lớp 5 ngày nay). Các quận chung quanh chưa có lớp nhứt.  Nhờ vậy nhiều học sinh thành công sau nầy.  Bác hai Khá, nuôi con cháu thân nhân ở Tri Tôn ra học, thêm con cháu người quen ở trọ. Sau nầy con bác là Pierre (Cường) nghèo mất thở, không thấy ai ơn đền nghĩa trả. Tuy là vợ công chức có học, nhiều bà vợ không biết chữ, có năm phát động phong trào chống nạn mù chữ, các bà cuống lên, đâu cũng vô đó. Cuối tuần, một số thầy gầy sòng tứ sắc đều đều. Nhờ bác hai Khá mà tôi có chỗ trọ  học đàng hoàn. Sau năm 1975, bác về Tri Tôn ở. Buổi sáng, bác đi chợ ngang nhà tôi, bác hay hỏi thăm tôi. Bác lãng tai, nên hỏi lớn. Ông già tôi nhác, vì cái tịch tôi ở ngoại quốc, sợ bị tịch thu nhà. Khi bác hai hỏi thăm tôi, ông bỏ vô nhà một nước không trả lời. Bác hai Khá buồn không đi ngang nhà tôi nữa. Ông già tôi tâm sự, "đây là người ơn nghĩa, tao sợ bị lấy nhà nên không dám trả lời ". Bác hai Khá và ông già tôi đã mất, sự hiểu lầm bên kia thế giới chắc đã hóa giải.

*
*      *

          Từ đầu bờ sông Hậu Giang, tôi đi tìm cảnh cũ trường Nam Tiểu học Châu Đốc. Từ ngữ tôi dùng từ thời nhỏ (năm 1954-58),  nhiều  từ ngữ ngày nay thành cổ lỗ. Tôi viết về thời còn đi học, cảnh vật ngày nay ai cũng thấy. Xưa, có thành lính nằm ngay trên bờ sông, muốn lên tiệm rượu Vĩnh Phong Long phải đi qua thành lính. Năm 1954, có 1 tiểu đoàn Khinh quân đóng tại đây, oai hơn lính Garde  Auxilière (Trợ vệ binh). Lính khinh quân mặc quân phục, nón sắt, súng trường, đi diễn hành. Lính Trợ vệ binh, mặc quân phục vàng, đóng gần dinh Tỉnh trưởng, không được trọng như lính chính qui.
             Đi dọc xóm hàng xáo là trường Nam Tiểu học, ông Đốc Đỗ Chẹn (Đốc = Hiệu trưởng), có 1 lớp Tiếp liên  (đậu Tiểu học, rớt vô Đệ Thất) 7 lớp Nhứt (lớp 5), tôi đoán cả trường có độ 35 lớp, 7 lớp một cấp. Trường có 3 dãy ngói dành cho lớp Nhứt. Tôi học lớp Nhì B, thầy Dương văn Mậu, dãy lá bên trong.  Sân trường rộng, có mấy sân tennis, chiều chiều các vị công chức chơi quần vợt. Thời đó, hầu hết công chức đều biết chơi môn thể thao nầy, cũng như các thầy uống Martel soda là thường. Sở Giáo Huấn (ty Tiểu học) đặt ở trường Nữ Tiểu học. Các thầy đều có xe đạp đi dạy, nón nỉ, nón cối trắng, quần tây dài, ống rộng hết khổ, mang sandal, có khi mặc quần short, vớ cao tới gối. Ngày lễ, mặc complet trắng. Học trò còn đi chân đất, mặc quần xà lỏn  ngắn. Một số lớp Trung học còn học tạm bên trường Nam, giữa năm 1954, tất cả dời qua trưòng Thủ Khoa Nghĩa mới cất xong.
             Trường còn dùng trống vào học hay ra về, học 2 buổi, thứ Năm nghỉ, lớp Nhì học một buổi, thay phiên sáng chiều. Sướng nhứt là tuần ca sáng đổi thành ca chiều, nghỉ chiều thứ bảy, trưa thứ hai mới vô lại, về quê được ở lại thêm ngày chủ nhựt, còn ngược lại thì khỏi về.
              Trong sân trường có bán quà cho học sinh, gia đình chú  lao công độc quyền, bán xôi, bánh tầm, gỏi tép, thấy bọn nó ăn chịu.  Học sinh lễ phép lắm, trong trường, thầy có quyền đánh bất cứ đứa học trò nào, dù không phải học trò mình. Thầy Mô đánh thằng Ngoan tả tơi, lúc vô lớp thầy Tín hỏi lý do, nó đụng chạm với thằng học trò thầy Mô. Thầy Tín thở dài than, "binh học trò", dĩ nhiên chuyện đó ít khi xãy ra, bọn tôi biết tránh để khỏi  bị đòn.  Ngoài thầy, ông Đốc, ngay cả chú lao công không vừa  ý, cũng có quyền la, hoặc cho thầy hay, bọn tôi lãnh đòn. Tôi thuộc loại học trò ngoan, nhác, không phá phách, chỉ bị đòn vì không thuộc bài.  Có lần chú lao công khen tôi học giỏi, học lớp nhứt mà đậu thẳng hai kỳ thi Tiểu học và Đệ thất, khỏi cần học lớp Tiếp liên, chú không biết ông già tôi lo tiền 1000 đồng (5 tháng tiền cơm). Bà già tôi khen ổng tính hay, nếu rớt, học lại một năm, tốn thêm 12 tháng tiền cơm, lo 1000 đồng, còn lời 7 tháng 1400 đồng, dân buôn bán tính hay thật.
                Dãy nhà đối diện trường thường là của giáo chức, nề nếp. Tôi nghe đồn trẻ con xóm hàng sáo dữ lắm.
          Đó là trường Nam, năm 1954, tôi chỉ nhớ bấy nhiêu. Trường đã mất rồi. Ngày nay là trụ sở trường Thủ khoa Nghĩa mới.
                Tôi đã nhờ một bạn cũ, cựu học sinh TKN, nhờ xin cho tôi quay film lớp học xưa, giới chức thẩm quyền không cho phép, lý do, " sợ dân ngoại quốc thấy nước mình nghèo". May mắn vô cùng, hôm ấy thứ hai, học sinh kéo qua trường mới chào cờ, sân trường cũ vắng tanh. Tôi năn nỉ anh Tỷ lén vô đứng trước tượng ngài TKN hát. Anh đã già, hát thiếu hơi," TKN ai qua trường mà xem, TKN trông xa rộng bao la, hai dãy lớp chạy dài, học sinh đến hàng ngày, học cùng nhau ta xây dựng ngày mai, TKN vang danh trường miền Tây, TKN uy danh lừng trời mây, theo gương sáng ngàn đời, bình minh đón chào mời, đời học sinh ta xây đời thắm tươi ." Anh Tỷ ngày xưa đào hoa lắm, đờn hát hay, được bao nhiêu nữ sinh ái mộ.  Mỗi lần tất niên, anh lên ôm đờn hát vào dịp bãi trường. Khi anh xuất hiện, cả rạp nhìn anh, lắng nghe anh hát, hèn chi,  nói nghe rồi bỏ, anh có mấy vợ, chị nào cũng đẹp.  Không ai thèm để ý mấy anh học trò học giỏi được lên  lãnh thưởng.

          Sáng đó, tôi quay được mấy lớp tôi học. Không có gì thay đổi, chỉ cũ kỹ u ám, vì tường không quét vôi. Mấy cây cổ  thụ  trên sân bị đốn. Tường vôi mấy dãy lớp ngả màu tối sẩm, máy tôle bụi đóng dầy ...Lớp Đệ Thất C năm 1954 ... Nhờ dịp nầy, tôi còn được hình ảnh cũ trường TKN.  May quá.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét