|
Lương Thư
Trung
Mùa Sạ Lúa
Như trong phần nói về mùa cày
bừa vào tháng hai, tháng ba, qua tháng tư dân ruộng có nơi bắt đầu những ngày
cày trở, bừa trở cho đất nhuyễn ra và chết cỏ. Vào những ngày đầu tháng tư, có
nhiều nơi mưa lai rai, có nơi còn nóng hầm với nền trời nhiều mây kéo đen nghịt
một góc trời. Nhưng nhiều lúc trời vần vũ vậy nhưng trời vẫn chưa mưa nổi. Vào
những ngày này, ở làng quê cũng là dịp lễ kỳ yên cúng đình thần như đình thần
làng Bình Hoà (Mặc Cần Dưng), lễ cúng đình nhằm ngày mùng 10 tháng 4 âm lịch.
Sau lễ cúng đình trời thường mưa ướt đất. Và làng quê nơi này cùng nhiều làng
quê khác bắt đầu vào mùa sạ lúa mùa.
Ngày trước, lúa mùa có các loại
giống dân ruông thường trồng là lúa nàng tây, lúa thâm đưng, lúa tàu binh và lúa
đuôi trâu. Bốn giống lúa mà những năm 1940, 1950, 1960 dân quê ưa trồng vì chúng
có chung mấy đặc tính là nhóng theo nước, thân cứng ít bị ngã, ít bị bịnh tiêm,
chịu đất phèn và cho nhiều bông, chỉ trừ lúa nàng tây hột nhỏ và gạo trắng, dài;
còn ba giống kia hột gạo hơi tròn, đỏ, và rất mềm cơm.
Ngày xưa, người ta sạ lúa trung
bình mỗi công tầm cắt là một thùng, vì thế khi chọn giống, tùy số lượng đất
nhiều hoặc ít mà để giống trừ hao một chút. Giả dụ, làm một trăm công đất, chủ
ruộng phải để giống 50 giạ và dư ra khoảng vài ba chục giạ nữa là ít vì mùa sạ
lúa ít khi nào suôn sẻ lắm. Có khi gặp nắng hạn, bị hao hớt vì chuột bọ; có khi
gặp mưa dầm thì lại bị ngập, bị chìm. Do vậy mà để lúa giống dư là phòng khi mùa
màng bất trắc như vậy hầu có lúa giống dư mà giặm, mà vá những lung vũng hao
hớt.
Về phương pháp sạ lúa mùa ngày
xưa, dân quê có nhiều cách, tùy theo kinh nghiệm nhiều năm của cá nhân mỗi người
hoặc do kinh nghiệm của ai đó mà mình cảm thấy người ta làm ruộng như vậy mà lúa
trúng mùa thì mình sẵn sang bắt chước mà học người hơn mình. Làm ruộng ngày xưa
không có trường dạy như sau này ra trường nông lâm súc đào tạo cán sự, kỷ sư, mà
toàn là học lóm với nhau và nhất là lấy kinh nghiệm chính mình làm chính trong
các mùa sạ tỉa.
Thiệt tình ra, dù có nhiều vị
cán sự, kỷ sư được học hành tới nơi tới chốn , nhưng khi về quê bắt tay vào cày
bừa sạ tỉa những vụ lúa mùa thực sự, thì ôi thôi, nói không phải tự tâng bốc dân
ruộng với nhau kiểu “mèo khen mèo dài đuôi”, mà phải thành thật công nhận rằng
các ông các bà cán sự, kỷ sư nông nghiệp chỉ giỏi về mặt sách vở, lý thuyết, còn
làm ruộng thiệt thì đành phải chịu thua dân ruộng có mấy mươi năm cày sâu cuốc
bẫm dữ lắm.
Về trường hợp này, tôi có một
đứa em con ông cậu là kỷ sư nông nghiệp, ra trường Nông Lâm Súc Sài Gòn. Ở Mặc
Cần Dưng, cậu tôi bình sanh là dân làm ruộng lớn với vài chục con trâu lớn nhỏ
đủ hạng dùng để cày bừa, lúc nào cũng lúa đầy lẫm . Vào năm thằng em tôi ra
trường, cậu tôi mới giao cho nó làm thử một mùa lúa thâm đưng vì cậu một phần
cũng quá mỏi mệt, một phần cũng muốn thử sức thằng con kỷ sư nông nghiệp mới ra
trường. Thời xui, năm thằng em tôi lãnh làm mùa lúa thâm đưng năm ấy, vừa cày
bừa trễ vì nó nói cày trâu lâu ăn, để nó kêu máy cày cày cho sâu và mau; phần
khác cách sạ lúa của nó phá lệ các cách sạ cũ mà cậu tôi đã làm từ xưa tới giờ.
Nó nói ba sạ mà bừa dập thì hột giống sẽ bị nghẹt. Vả lại, ba mà sạ giống chỉ có
một thùng thì lúa lên thưa thớt và dễ bị cua kẹp và bị hao hớt. Nó đòi sạ khơi
và thay vì một thùng lúa giống như thường lệ, nó lại sạ một giạ lúa giống cho
lúa lên hơi dày, cho chắc ăn.
Vì mướn máy cày nên luống đất
cày ăn sâu và đất to, nên khi bừa lại bằng trâu, đất khó bể nhỏ. Do vậy, mà lúa
giống sạ khơi khi chưa mưa xuống hột giống bị dế, chuột ăn đi một mớ khá bộn.
Đến khi mưa xuống, những hột giống còn lại, chỗ nhiều, chỗ ít, nên lúa lên không
đều, thành ra, chỗ thưa chỗ dày và làm ruộng trăm, ruộng ngàn đâu có ai giặm vá
gì nổi. Do vậy mà sạ khơi nhiều lúa giống gắp đôi mà mùa lúa năm đó lúa của cậu
tôi gom lúa bông thành cà lang thấp chủn, thua xa cách cậu tôi làm mấy chục năm
trước.
Theo kinh nghiệm trong nghề làm
lúa mùa, việc sạ lúa có các giai đoạn mà dân quê thường hay làm tuần tự như bừa
trở cho đất bể nhỏ, để giống khô nếu sạ nhằm tháng nắng; nếu gặp mưa thì ngâm
giống một đêm rồi vớt ra ủ cho nứt nanh rồi mới sạ. Khi vừa sạ xong, trường hợp
gặp mưa không cần bừa dập vì hạt giống gặp đất mềm là châm rể lên cây. Nếu trời
đang nắng, không ai sạ giống ngâm vì làm như vậy mầm hạt giống sẽ bị nắng làm nó
quéo lại. Do vậy mà người ta sạ giống khô và bừa dập tránh chuột bọ, dế ăn lúa
giống. Sạ khô như vậy khi có mưa xuống, đất sẽ rã ra và hột lúa nằm dưới lớp đất
mỏng sẽ châm ngòi ra rể lên cây..
Kỷ thuật sạ ngày xưa, nói theo
danh từ ngày nay là “một động tác thật nhuần nhuyễn”. Người ta có một cái thúng
dê chuyên để dành dùng trong mùa sạ lúa. Thúng dê này không lớn lắm vì lớn quá
thì người bưng thúng dê giống để sạ sẽ bị nặng; mau mỏi tay; mà cũng không nhỏ
qúa vì quá nhỏ, phải châm thêm lúa giống hoài lại lthêm lắt nhắt, mất thì giờ.
Để đở mỏi tay, người ta buộc vào cái thúng dê cái quai để máng lên vai, chứ
không ai bưng thúng dê lúa mà sạ không có quai bao giờ.
Trước khi bắt đầu sạ lúa, để
cho lúa giống sạ xuống không bị chồng mí, thông thường người ta phải cấm rò bằng
lá dừa, bằng cây sậy, cây đế hoăc bằng những rẻ tre; mỗi lối rò như vậy bề ngang
khoảng một tầm đo đất hoặc xê xích chút đỉnh là vừa tay quăng giống; và chiều
dài từ đầu này vạt đất chạy tuốt tới đầu kia. Sạ lúa bắt đầu từ đầu này sạ xuống
đầu kia, hết lối rò này, người ta bắt đầu đầu kia sạ ngược trở xuống và cứ sạ
theo tua xuôi ngược như vậy cho tới khi nào giáp miếng ruộng thì
xong.
Trường hợp không cấm rò vì mất
thì giờ, vả lại nhiều lúc dùng cây đế, cây sậy mà làm rò, sau này đế sậy gặp đất
bùn lầy chúng lại sống như chỗ không người rồi lại mất công phải đi nhổ đế, nhổ
sậy cho nó chết, không sanh sôi nẩy nở nữa. Còn dùng rẻ tre hay nhánh tre cắm rò
có cái bất tiện là khi vào mùa cắt gặt, nếu sơ ý những nhánh tre, rẻ tre này sẽ
đâm vào mắt người cắt lúa, hoặc cắt lúa mà gom mớ nhằm rẻ tre có khi lưởi hái
bị vướng làm đứt tay người cắt lúa, rất nguy hiểm. Thế nên, người ta thường dùng
trâu bò cày đường rò, để người sạ lúa căn cứ vào những luống cày làm rò ấy mạ sạ
giống cho khỏ bị chồng mí hoặc khỏi bị sót đất.
Ngày xưa ruộng nhiều, mỗi vạt
đất năm ba chục công, có vạt đất cả trăm công, nên người ta không cắm rò nổi,
nên muốn sạ cho ngay hàng thẳng lối, nếu không cày những luống cày làm rò,
thường thường có một người lội rò để giúp người sạ lúa căn cứ vào đó mà sạ cho
khỏi bị trùng lối và cũng để tránh không bị sót lối. Do vậy người lội rò con mắt
phải tỏ để thấy hạt lúa giống nằm trên đất cày mà đi cho ngay lối đang sạ. Vì
vậy, người lội rò giỏi là người vừa đi không quá nhanh mà cũng không quá chậm
nhưng cái chánh vẫn là đi sao không bị trúng lối cũ và nhất là không bị sót đất
trống chưa sạ. Họ vừa đi như cò vừa đi kiếm mồi, vừa bị hạn chế trong lối rò mà
người ta đang sạ giống , cho nên ai mà đi lóm khóm như người lội rò, dân quê hay
nói người đó sao mà tướng đi “cò rò” quá mạng.
Thông thường, muốn sạ cho thật
đều, điều quan trọng là nắm lúa bốc lên đặng rải ra phải đầy bàn tay, và lúc nào
cũng phải đầy như vậy thì lúa giống khi sạ nó bung ra rất đều. Tuyệt đối không
bao giờ bốc nắm này nhiều, nắm kia ít; làm như vậy lúa giống sẽ không trải ra
đều trên mặt đất . Thường thường người ta thuận tay mặt và người sạ tay mặt thì
sạ từ phải sang trái. Trái lại, người thuận tay trái, thì lại rải lúa từ trái
sang phải. Nếu hai người cùng sạ mà thuận tay mặt hoặc tay trái với nhau thì
tiện việc quăng giống, không bị nghịch tay. Nếu có người nghịch tay, tốt nhất,
nên để một người sạ và người kia lội rò là hay hơn cả. Vì nếu hai người sạ lúa
mà nghịch tay, thì thế nào lúa giống sạ xuống hoặc là sẻ chồng mí lên nhau hoặc
là sẽ bị sót đất trống. Sở dĩ có trường hợp sợ sạ lúa chồng mí, nên người ta
quăng giống không giáp tay nhau, nên bị sót đất trống là vậy.
Đó là sạ lúa vào những năm làm
lúa mùa. Vào những năm 1960, 1970, vùng Long Xuyên Châu Đốc miệt đất sâu còn làm
lúa mùa, nhưng những miếng đất gò bắt đầu làm lúa thần nông rồi. Lúa thần nông
là lúa ngắn ngày, từ ngày sạ giống tới ngày lúa chín là ba tháng 10 ngày một
mùa, nên mỗi năm làm ruộng hai mùa. Mùa Đông Xuân sạ lúa vào tháng 11 âm lịch và
mùa Hè Thu sạ lúa nhằm tháng tư âm lịch. Vì sạ giống lúa thần nông vào hai mùa
khác nhau với hai tháng khác nhau như vậy nên cách chuẩn bị đất trước khi sạ lúa
giống cũng khác nhau cho phù hợp với từng vụ mùa màng.
Với mùa Đông Xuân, khi nước
tháng mười vừa giựt, nhà nông ra ruộng trầm mình dưới nước dùng phãng, hoặc bàn
đẩy cỏ rèn bằng sắt chữ V để ủi rong đuôi chồn, cỏ lác, đưng, năn và gom lại
chuẩn bị cho mùa sạ lúa sắp bắt đầu .
Rong và cỏ được dọn xong, khi
nước giựt nhiều vào vào lúc con nước kém mùng 10 tháng 11 âm lịch, ruộng gần cạn
cỡ ống chưn, dân làm ruộng bắt đầu cùng nhau đắp bờ bi giữ nước, không cho các
miếng ruộng giáp ranh chảy qua lại nữa và nước trong ruộng chỉ rút xuống mương,
canh chừng nước lớn là nhém ống bộng nơi bờ đập để nước dưới kinh không trở vào
đất ruộng nữa. Người ta bắt đầu vào mùa sạ bằng cách đặt máy bơm ở ngoài bờ
mương bơm nước ra sông. Gặp miếng ruộng có nhiều lung vũng có khi phải bơm cả
ngày nước mới rút khô lòi mặt đất.. Khi đất ruộng đã rút nước ra hết rồi, người
ta bắt đầu dùng trâu bò hoặc máy cày, máy xới mà trang đất, một phần cho đất cày
nằm dưới nước bị bể ra và mặt ruộng được bằng phẳng, một phần trang như vậy có
dụng ý làm cho gốc cỏ, gốc lác bị vùi sâu xuống bùn để tránh nnạn cỏ mọc nhanh
rồi ăn lấn lúa.
Sau khi trang đất bằng phẳng
như vậy, người ta mới dùng những cái trang làm bằng cây hoặc bằng nhôm, loại
trang dùng để cào phơi lúa, đi đánh đường nước cho nước rút thật khô. Đặc biệt
là không để sót lại bất cứ một vũng nước nhỏ nào trên mặt ruộng, vì nếu còn sót
những vũng nước như vậy, khi hột giống rớt vô mấy vũng nước này, chúng sẽ bị con
rệp nước cắn cái mầm hột giống và những hột lúa giống khi bị rêp nước cắn như
vậy coi như là bị hư luôn rồi, không mong gì lên cây cho nổi.
Mỗi miếng ruộng, như trong phần
cày bừa, chúng tôi có thưa là miếng ruộng nào cũng có đường nước ngay giữa ruộng
trũng xuống và là đường nước cái để nước thoát ra ngoài. Nên khi dùng cái trang
đánh đường nước, bằng mọi cách người làm ruộng phải chịu khó làm sao cho các
vũng nước nhỏ đều đổ về đường nước cái này.
Sau khi khai đường nước xong,
người cắm rò, người đội giống, người sạ lúa, họ kêu hú nhau ơi ới như ngày hội,
ôi thôi vui dữ lắm. Thành ra, trong công việc sạ lúa thần nông vào những ngày
mùa thập niên 1960, 1970, cái giai đoạn đánh đường nước nói riêng và sạ giống
nói chung là một trong những giai đoạn vô cùng vất vả.
Nhưng làm ruộng có cái vui là
vất vả thì vất vả vậy, nhưng khi lúa giống sạ xong rồi là thấy trong mình nó
khoẻ re giống như ai cho tiền cho bạc gì cũng hổng bằng. Mà nhất là vào đêm
quăng giống xong lại có màn cá trốn dưới bùn, trời hơi khuya rồi có sương đêm
rơi lai rai, cá mát mình lóc theo mấy đường nước mới khai hồi chiều để xuống
đường nước cái, thì mình dù cực gì thì cực nhưng không thể không ra ngoài bờ đập
nằm chờ cá lóc, cá trê, cá rô và nhiều loại cá khác kéo nhau dồn xuống miệng
bộng nơi bờ đập mà bắt đầy giỏ, đầy rộng mang vô nhà. Nếu có ai còn sức, sẵn cá,
sẵn củi rồi cùng hè nhau nhúm lửa lên là có mấy gắp cá nướng trui lai rai thì
còn gì bằng.
Đó là cách sạ lúa thần nông vào
những ngày vừa bỏ lúa mùa bắt sang lúa mới này. Nhưng dần dà về sau, làm vài ba
mùa thần nông coi cũng đỡ đỡ, dân quê mới nghĩ cách sạ sao cho đỡ cỏ lông heo,
cỏ chát, cỏ gạo mọc lẹ qúa mạng, vì sạ khô, nắng nóng, đất ấm là có cỏ mọc. Nên
dân ruộng nghĩ ra cách sạ ngầm.
Sạ ngầm vào mùa lúa Đông Xuân
là người ta bỏ qua giai đoạn bơm nước ruộng ra kinh rạch mà cứ đắp bờ bi, nhém
hang cua dọc theo bờ bi cho nước các miếng ruộng giáp ranh không chảy qua lại
được, rồi dọn rong dọc cỏ cho sạch và cũng bừa trục để trang cho bằng mặt đất
cày nằm sâu dưới mặt nước. Khi các công viếc này xong là bắt đầu rải thuốc sâu
cho chết cua ốc để chúng không cắn mầm hột giống hoặc không cắn lúa non khi cây
lúa vừa mọc xấp xải dưới mặt nước.
Thường mực nước trong miếng
ruộng không qúa sâu mà cũng không quá cạn. Nước sâu quá thì giống lên yếu; trái
lại, nước trong miếng đất sắp sạ lúa mà cạn quá thì nắng nóng làm cho lúa giống
cũng dễ bị hao hớt.
Còn thuốc sâu rải để thuốc cua
ốc, hồi đó người ta hay dùng hai loại Méthylmaration và Pasudine (loại thuốc hột
dùng trị sâu ống). Tuy là nói rải thuốc trừ cua ốc nhọn đít cắn lúa nhưng cá tép
gì gặp hai loại thuốc này cũng đều chết ráo trọi. Do vậy, một trong nhiều nguyên
nhân mà ngày nay cá tôm vùng Long Xuyên Châu Đốc khan hiếm là cứ bị nạn thuốc
trừ sâu rày này làm chết hàng loạt, hàng loạt, hết mùa này qua mùa khác, hết năm
này qua năm khác mà cá dưới sông dù sanh sôi nẩy nở cách mấy cũng không đủ để
bù lại nổi với tai ương mà chúng thường trực gặp phải trên những cánh đồng thần
nông ngắn ngày này!
Giai đoạn sạ ngầm đã sẵn sàng
sau khi dân quê rải xong thuốc trừ cua ốc. Các công việc cắm rò, hoặc lội rò,
quăng giống, tiếp giống vẫn giống y những công việc sạ khô, không khác mấy.
Nhưng có điều sạ ngầm không thấy hột giống nằm ở đâu vì khuất dưới nước. Tuy
vậy, người làm ruộng nhà nghề, họ sạ rất đều tay và khi lúa lên, không sót một
khoảng trống nào.
Sạ lúa thần nông mà sạ ngầm thì
tránh được nạn cỏ lông heo, cỏ chát, cỏ gạo mọc nhanh nhưng có cái thiệt thòi là
không còn cái thú vui là bắt cá cạn trên lung vũng theo đường nước mà lóc ra bờ
đập để ra sông khi sương khuya rơi ướt cỏ cây, vạn vật.
Giữa hai cách sạ khô và sạ ngầm
của lúa thần nông, cũng như hai cách sạ khơi và sạ bừa dập của lúa mùa, mỗi cách
đều có cái ưu và cái khuyết của nó, không phương pháp nào là tuyệt
hảo.
Cái đáng nói qua các cách sạ
lúa, dù lúa mùa hay lúa thần nông là cái vốn kinh nghiệm nhiều năm qua những mùa
màng. Mà muốn có các bài học về kinh nghiệm ấy không ai là không trải qua đôi ba
lần thất bại. Cái hay của nhà nông là dù thất bại vậy, nhưng họ không nản lòng,
vẫn bấm bụng mà chịu đựng. Rồi học qua học lại với nhau, rồi rút ra những kinh
nghiệm của những lần thất mùa và trúng mùa rồi lại lo cày bừa sạ lúa cho mùa
sau. Bài học mà ít ai để ý nơi người làm ruộng là họ biết chấp nhận những mùa
màng không vừa ý mình và từ đó họ hiểu mình, hiểu người, hiểu gió, hiểu mây,
hiểu mưa và hiểu trời đất hơn nhiều người khác. Khi nhắc đến dân ruộng ai cũng
nghĩ họ dốt nát quê mùa, nhưng họ hiểu trời dất và biết thuận theo lẽ trời đất
hơn nhiều người là vậy !
|
Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013
MÙA SẠ LÚA
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét