Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

MÙA BẮT LƯƠN


Lương Thư Trung
Mùa bắt lươn và bắt lịch


Mùa nắng tháng Hai, tháng Ba, sau những ngày tát đìa, làm lóng, dân quê không làm gì thêm ngoài cày bừa và chờ mùa sạ lúa tháng Tư, thì họ thường đi kiếm thêm món lươn vàng nơi các đìa mương đã tát cạn từ mấy tháng trước hoặc xuống các kinh rạch cạn nước rút khô để lại những bãi bùn mà theo dấu lịch hầu bắt đem về làm lẩu, nấu canh chua hoặc kho mắm.

Trước hết, xin nói về giống lươn.. Lươn có hai loại và chúng thích sống hai nơi tương đối khác nhau. Do vậy mà hai giống lươn này cũng có hình dạng và màu sắc hơi khác nhau đôi chút . Giống lươn vàng thích sống nơi các miệng đìa, các lung vũng trên đồng.; trái lại, giống lươn bông lại thích sống nơi các hồ ao, mương vườn; nhưng cả hai loại lươn vàng và lươn bông đều thích ở những nơi đất trầm thủy với nhiều cỏ, trấp. Còn về giống lịch thì chỉ độc nhứt là sinh sống dưới những bãi bùn trong các con kinh, con rạch. Giống lịch này dường như không thích lên đồng lên ruộng như lươn. 

Cũng cần nhắc sơ qua hình dạng giữa các giống lươn và lịch này đôi nét. Lươn vàng là loại lươn thích nhứt là vùng đất sét. Ngoài những thức ăn như cua ốc, cá tép, chúng cũng thích ăn đất sét và cái bụng vàng nghính. Trái lại lươn bông cái bụng không vàng như lươn vàng, mình mẩy đầy bông nguệch ngoạc màu xanh lá cây, đôi lúc cái bụng của chúng chỉ vừa hơi ửng vàng pha lẫn với màu bông trên mình. Riêng về lịch, thân hình giống như lươn bông nhưng có cái đuôi ngắn và cậy đuôi ngắn ngủn và lịch lớn nhứt cỡ ngón chưn cái; trong khi đó lươn bông cũng như lươn vàng có con lớn cả ký và  có đuôi dài, cậy đuôi nhỏ. Nhưng cả hai giống lươn và lịch này có cái đặc tính chung là cậy đuôi của chúng đều béo ngang nhau.

Hai giống lươn và lịch có chung cách sống trong đất bùn là chúng làm hang ngay trong đất trong bùn và dấu tích mà chúng để lại cho dân ruộng biết nơi nào mà chúng đang ở là những vệt bùn non từ dưới đất trào lên thành một vòng tròn đường kính vài ba tấc tùy theo lươn và lịch lớn hoặc nhỏ. Căn cứ vào những vệt bùn loan ra đó mà dân quê theo dấu để mà bắt lươn, bắt lịch.

Trước hết, cách bắt lịch thì rất đơn giản. Dân quê họ chỉ cần mang theo cái giỏ hay cái thùng thiết, rồi lội dọc theo các bãi bùn dưới kinh rạch và thấy chỗ nào có hang lịch là cứ lấy tay mặt thọc theo miệng hang, và tay kia đón ở trên, cho tới khi nào tay thọc trong bùn đụng được con lịch là cứ dùng một ngón tay trỏ hoặc ngón tay giữa mà ngoéo chắc con lịch, bất cứ khúc nào, nhưng nếu ngoéo được khúc giữa thì chắc ăn nhứt. Vì khi dùng một ngón tay mà ngoéo con lịch, chúng khó thoát vì làm như ngón tay khi mình ngoéo thật chặt như vậy làm cho các sợi gân nơi sống lưng bị xiết lại và chúng không còn cựa quậy gì được. Trường hợp mình dùng nguyên bàn tay mà nắm con lịch, da chúng rất trơn và chúng sẽ vùng vẫy và sẽ vuột ra khỏi bàn tay; do vậy mà bắt lươn hoặc lịch ít ai dùng nguyên bàn tay để nắm con luươn  hoặc lịch.Do cách bắt lịch chỉ dùng tay móc theo hang dưới bùn nên dân quê thường gọi đi bắt lịch là đi móc lịch.

Lịch con không lớn nên thịt và xương của chúng rất mềm. Người nhà quê thường làm các món ăn như lịch um rau ngỗ, lịch kho mắm, lịch nấu chua  vân .. vân…,  nhưng dù làm món ăn nào đi chăng nữa, lịch phải được làm sạch sẽ, rửa sạch nhớt bằng nước giấm rồi cặp gắp nướng sơ qua cho con lịch héo da rồi mới muốn nấu nướng món gì thì nấu cho miếng thịt lịch hấp dẫn thêm vì không còn mùi tanh như khi chúng còn sống.

Khác với lịch, người ta bắt lươn có nhiều cách như đăm lươn bằng chỉa, đặt trúm, độn mô, soi lươn và câu lươn. Dụng cụ đăm lươn là cây chỉa  bằng cây sắt tròn đường kính cỡ một phân, dài cỡ một thước được tra vào cái cán hình ống ngắn tra ngang dài khoảng hai tấc vừa tay cầm; mũi chỉa được thợ rèn đập mỏng và chẻ ra làm hai dài khoảng  ngón tay nối liền với thân chỉa. Khi muốn đi đăm lươn nên đi từ sáng sớm vì trời còn mát tiện cho việc đào hang mỗi khi gặp hang lươn. Dụng cụ mang theo gồm cây chỉa, cái xuổng và cái giỏ đựng lươn. Chỉ có vậy, nhưng ngày xưa khi ruộng còn lúa mùa, nhiều bữa đi đào lương về vác giỏ lươn nặng mà biết mệt.  

Như trên đã thưa, mùa đăm lươn vào tháng nắng. Thường đăm lươn cặp theo các bờ kinh, các thềm đìa. Ngày xưa, dân ruộng đăm lươn nghề lắm. Có người xách giỏ và chỉa đi một hồi là có mấy ký lươn như chơi. Họ gặp hang lươn thổi mà là họ cứ cầm chỉa xom chung quanh, một hồi thế nào cũng trúng lươn nằm trong vùng đất sâu bên dưới. Khi xom trúng lươn, chúng bị đau nên vùng vẫy dữ lắm và người bắt lươn phải cầm vững cán chỉa và nhấn chỉa sâu xuống đất. Đến khi lươn bớt vùng vẫy rồi, mới lấy cái xuổng đào đất theo mủi chỉa mà bắt lươn lên. Những con lươn đăm được ở các đìa cạn luôn luôn là lươn vàng, ít có lươn bông. Vào mùa này, lươn vàng đầy đủ thức ăn nên cái bụng vàng nghính và béo lắm. Nhưng nhớ một điều là trong nghề đăm lươn coi dễ vậy mà cũng có lúc khó ăn là gặp phải con lươn quá lớn, sức chúng mạnh, nên khi bị mũi chỉa đăm trúng, chúng dùng hết sức bình sanh mà bẻ mũi chỉa cho sứt ra và lúc bấy giờ coi vậy mà người đăm lươn dù có nhanh tay cũng khó có dịp đăm trúng lại con lươn vừa mới sứt này vì nó hoảng hồn chúi xuống sâu dưới bùn khó mà gặp lại. Trong dân gian hay dùng chữ “bẻ chỉa” có lẽ do thực tế lươn hoặc cá khi bị đăm trúng và chúng vùng thoát được bằng cách bẻ chỉa như vậy chăng?

Trúm lươn
(hinh: BaoBinhDuong)
Đặt trúm lươn lại rơi vào mùa mưa. Sau những ngày nắng đi đăm lươn, rồi qua tháng năm, tháng sáu là có mưa. Mưa dài  qua tới tháng bảy, tháng tám thì các lung vũng đìa bàu bị nước đọng lại và ngập nước. Ở lung vũng nào có nước đọng là có lươn. Người ta dùng ống trúm mà đặt lươn. Hình dạng ống trúm là một khúc tre dài chừng một thước rưỡi  hoặc tới một thước bảy là dài nhứt với một dầu bịt kín bằng cái mắt tre; đầu kia để trống dùng làm miệng trúm . Người ta dùng cây tràm cỡ bằng cườm tay và thiệt ngay để thụt các mắt tre cho bể ra và chỉ chừa lại mắt tre cuối cùng dùng làm cái đuôi ống trúm. Người ta bện một cái hom hình nón bằng những rẻ tre chuốt mỏng dài chừng gang tay mà miệng hom rộng bằng chu vi cái miệng trúm, chót hom túm lại. để khi lươn chun vô trúm rồi là không trở ra được. Nơi miệng trúm người ta còn nướng cây sắt nhọn nóng đỏ để giùi hai cái lổ dùng để xỏ cây ngang dài cỡ ba bốn tấc để cắm ống trúm xuống đất cho ống trúm đừng bị nổi và trôi đi nơi khác. Ở đuôi ớng trúm, người ta còn khoét cái lổ dài hình chữ nhựt cỡ gang tay, ngang chừng một phân, dụng ý để cho lươn chun vô trúm chúng nó có  không khí mà thở, lươn khỏi chết ngộp.

Cách đặt trúm khó nhứt là mình chọn chỗ nào ấm mà lươn thích sống ở đó. Về điểm này là do kinh nghiệm của mỗi người, lươn chạy vô trúm nhiều hay ít cũng là do yếu tố kiếm nền trúm sao cho êm và nhứt là chỗ đó chưa ai đặt trúm lần nào càng tốt. Khi chọn được chỗ rồi, mình lấy bàn chân đạp nhẹ xuống bùn và chà láng cái nền sắp sửa đặt ống trúm xuống. Sau đó mình cắm miệng ống trúm xuôi theo chiều nước chảy và đuôi ống trúm được buộc chặt vào một bụi cỏ với độ nghiêng chừng 30 hoặc 40 hoặc 45 độ  tùy theo nước nơi đó cạn hay sâu, miễ sao để cho cái đuôi ống trúm lúc nào cũng không bị chìm xuống nước. Vì đặt miệng ống trúm xuôi theo chiều nước chảy như vậy là dụng ý để cho mồi trôi theo dóng nước và lươn ở dưới nước bắt hơi mồi mà lò mò lội ngược nước để kiếm ăn rồi chun vô trúm.  Ngoài ra, nếu ống trúm mà bị chìm thì khi lươn chui vô trúm chúng bị ngột và chết hết. Do vậy, người ta mới khoét ở đuôi ống trúm cái lổ nhỏ hình chữ nhật là vậy.

Nhưng địa điểm dù ngon ăn nhưng mồi trúm mà không hấp dẫn thì lươn cũng nhát vô vì vô trúm là vô chỗ chết mà, mồi không ngon thì ai dại mà vô chỗ chết! Thế nên mồi đặt trúm cũng có nhiều loại. Nào là trùn trộn với cua ốc đăm nhuyễn vắt với đất sét thành cục; cá linh hoặc cá sặt kho muối trộn chung với mồi trùn cua ốc; có người còn dùng xác mắm cá linh trộn với cám rang cho thơm. Có người cón dùng mối thuốc pha chế thêm như trộn cua ôc trùn với đại hồi, tiểu hối mua ợ tiệm thuốc bắc. Nhưng nói gì thí nói, lươn là giống ưa mồi trùn đăm nhuyễn với cua ốc và vò viên với đất sét là mồi chánh vào những năm đất đai còn hoang phế, dân cư thưa thớt, vũng lung còn nhiều bã trấp nước ngập lưu lai, dân nhà quê chỉ dùng món mồi này mà bắt lươn bằng ống trúm.

Trường hợp đăt vài ba chục ống trúm kiếm lươn ăn thì muốn đặt sao cũng được vì số lượng ống trúm không nhiếu lắm, nên không sợ lạc mất trúm. Nhưng nếu đặt cỡ năm ba chục ống trúm hoặc có khi cả trăm ống trúm, thì người ta thường đặt theo từng vạt đất, vạt lung và mỗi ống trúm sau khi đặt xong cần phải làm dấu bằng cách gùi các bụi cỏ chỗ đuôi ống trúm mà buộc lại thành một cái gùi bằng ổ chim dòng dọc để hôm sau trở lại dỡ trúm dễ nhân ra và đở lạc mất trúm và cũng đở mất thì giờ đi tìm lung tung, có khi chưa tìm ra ống trúm này lại bị lạc mất ống trúm khác. Trường hợp đặt trúm nhiều, việc chọn nền chỉ lựa chỗ tương đối thôi chứ khó lựa được nền vừa ý như mình đặt năm mười ống trúm, cái chánh ở đây là chọn vạt đất nào nhiều lung vũng và nhiều trấp cỏ là chắc ăn sẽ có lươn vàng.

Còn đặt trúm bắt lươn bông thường đặt theo các mương hoặc hầm hố trong vườn. Ngày xưa vườn tược bị hoang phề vì tản cư nên mương vườn nhiều lục bình và không ai về mà tát mương tát hầm gì. Do vậy mà lươn cứ năm này qua tháng nọ mà sanh sôi nẩy nở. Nói là đặt trúm ở các mương hầm bắt lươn bông nhưng đôi khi cũng có lươn vàng chui vô trúm hà rầm. Và lươn bông thấy bông hoa rằn ri vậy nhưng ngày xưa cá tép nhiều, không ai bắt lươn nên chúng mặc sức mà ăn cá tép cua ốc và chúng mập ú  mềm mụp và cũng ngon không kém gì lươn vàng.

Dỡ trúm là một trong những cái thú của người nhà quê mà nhất là dân làm nghề đặt trúm. Bạn chống xuồng hoặc đi bộ, bạn bước nhè nhẹ gần tới ống trúm, bạn thò tay mở nhẹ cài gù ở đuôi ống trúm, và bạn nhanh tay cầm cây cắm miệng ống trúm, nhổ lên thật lẹ và đưa miệng ống trúm ngược lên trời và trút cài đuôi ống trúm xuống cho lươn dồn về phía đáy ống trúm. Khi bạn trút ống trúm ngược như vậy mà bạn nghe tay mình cầm ống trúm hơi nặng và nhứt là ở đuôi ống trúm chỗ lỗ thông hơi mà không có nước chảy ra, coi như ống trúm của bạn lươn chạy vô trúm nhiều lắm; có khi năm ba con là thường. Làm nghề đặt trúm cũng không phải là sướng nhưng đi dỡ trúm mà gặp nhiều ống trúm lươn chun vô nhiều như vậy làm người ta mê mà đeo đuổi hoài cái nghề này là vậy! Rồi cứ thế hết dỡ ống trúm này lần mò tới ống khác, hết vạt lung này tới vạt lung khác, hết hầm mương này qua hầm mương khác cho tới khi nào đủ số trúm của mình thì thôi. Và để tránh lươn hay nhảy ra khỏi xuồng, thường về tới nhà mới đổ trút lươn từ những ống trúm có lươn ra cho chắc ăn, sau đó rửa ống trúm cho sạch rồi chất lên một cái giàn để phơi cho hết mùi lươn để xế xế một chút là lo chuẩn bị làm mồi và chở trúm đi đặt tiếp.

Làm nghề trúm bắt lươn nói riêng và nghề hạ bạc nói chung, trúm còn ướt là có đồng ra đồng vô nhưng trúm mà khô queo rồi thì cả nhà đều cực ăn như những ngày ăn cực!

Cách bắt lươn khác nữa là mùa mưa nước ngập mấy lung vũng và nhất là mấy rún cày, lươn cá ban đêm thường bò ra mấy vũng nước này kiếm ăn. Biết được đường đi nước bước như vậy nên dân quê thường xách đèn dầu đi soi cá, soi lươn. Sau này có đèn manchon, người ta rủ nhau đi soi lươn, soi cà càng nhiều.

Đi soi cá lươn dụng cụ ngoài cái đèn ra, người ta cần con dao dâu, hay cái mác cán dài, mang theo cái giỏ để đựng cá, lươn. Và cứ thế ra đồng vào chạng vạng hoặc chờ khuya sương xuống cũng tốt vì càng khuya cá lươn càng dạn ra đi kiếm ăn. Trường hợp gặp cá, bạn nhanh tay cầm con dao giơ cao chém xuống ngay chính giữa mình con cá. Nhưng với lươn bạn không nên dùng bề lưỡi mà chém lươn vì lươn bị bạn chém đứt làm hai khúc, chúng vẫn vùng vẫy chúi vô cỏ bạn khó bắt được chúng dù chúng bị đứt lìa làm hai. Nên bạn phải trở bề sống lưỡi dao và nhanh tay chém mạnh xuống xương sống con lươn. Khi bị sống dao của bạn chém trúng, con lươn không bị đứt lìa mà chúng bị gẫy xương sống và không còn bơi lội gì nổi nữa rồi và bạn cứ thò tay xuồng nắm nhẹ con lươn cho vào giỏ và đi qua các vũng khác mà rọi đèn soi cá, soi lươn tiếp.

Ngày xưa, cá tôm nhiều, nên lươn cá cũng nhiều. Có nhiều đêm đi soi như vậy mà cả giỏ cá trên đường trở về nhà nhiều lúc xách biết nặng và mỏi tay chứ chẳng chơi. Nhưng soi cá lươn hồi xưa chỉ để ăn trong gia đình là chánh, ít ai đi soi để bán. Sau này, mấy năm 1970 về sau, có người soi cá, soi lươn bán mua gạo, mua dầu lửa sống đắp đổi qua ngày vì quá thắt ngặt.

Có một cách bắt lươn khác không cần dụng cụ gì ráo trọi vì lươn bị nước phèn rồi trồi mình lên trên đất cày nằm phơi mình hết nhớt và chờ dân ruộng ra lượm bỏ vô giỏ mang về. Con nào còn tươi, mới ngột thì nấu chua, con nào chết hơi lâu thì đem về làm cho sạch rồi xẻ khô để dành ăn khi thắt ngặt khó kiếm cá kiếm lươn. Sở dĩ có tình trạng lươn chết vì bị phèn là do những vùng đất mới khai khẩn chưa có kinh đào hay mương rạch đủ để rút nước phèn ra, nên trời đang nắng mà có một trận mưa lớn đổ xuống  vùng này là nước phèn dâng lên và lươn đang sống trong hang phải trồi mình lên kiếm đường bò đi chỗ khác nhưng nước phèn làm cho lươn khô nhớt và chúng bị chết vì nước phèn đầu mùa là do vậy. Đạc biệt mấy năm thập niên 1950, 1960, những vùng thường có lươn bị chết vì phèn bao gồm vùng cầu Số Năm, miệt Tri Tôn, miệt kinh Tám Ngàn và nhứt là vùng Lỳnh Quỳnh với những khu tràm lục, bà con ngoài Mặc Cân Dưng, Cần Đăng, Hang Tra, Vĩnh Hanh thường lên các vùng này lượm lươn về làm khô.

Trên đây là cách bắt lươn vào những mùa khô nắng ráo hoặc vài ba cơn mưa đầu mùa, nhưng tới mùa nước nổi tháng tám, tháng chin âm lịch, những cánh đồng lúa mùa ngày trước hay những cánh đồng lúa thần nông sau này bị ngập nước rất sâu, do vậy mà lươn phải kiếm những ụ cỏ để mà dựa vào sống đở qua mùa nước lụt. Biết được cái thế lơi bơi của lươn như vậy, dân ruộng mới nghĩ ra cách độn mô xúc lươn

Vì nước ngập sâu nên những bờ cỏ gần mé kinh, mé vườn và giữa hai giồng ranh đất, những chỗ lung vũng cỏ dày, rậm rạp là những nơi lý tưởng để độn mô. Trước nhất, người ta chuẩn bị lưỡi hái với chiếc xuồng và cứ thế dỡ cơm mang theo rồi lội xuống cặp theo mấy vạt cỏ này mà dùng luỡi hái cắt cỏ và đùa lại thành đống cho gọn làm thành cái mô cho lươn chun vô ở. Mô không quá nhỏ, nhưng cũng không quá lớn vì nhỏ quá lươn không thích ở mà lớn quá mình xúc mô giũ cỏ mau mệt, nên không xúc được nhiều. Một cái mô mới độn khoảng ba ngày sau là bắt đầu xúc được vì cỏ độn mô vừ úa, và cỏ úa lươn mới khoái vô ở. Trung bình mỗi người nên độn khoảng 100 cái mô là vừa và chia ra làm hai lần xúc. Hôm nay xúc 50 mô, ngày mai xúc 50 mô còn lại; và cứ tiếp tục luân phiên như vậy mà xúc cho tới khi nào cái mô bị rã ra và cứ lại cắt cỏ mà độn mô lại và xúc tiếp đến khi nước cạn hết xúc mô được thì mới thôi.

Dụng cụ xúc mô ngày xưa, người ta xúc bằng cái rổ xúc đan bằng tre, đường kính chừng một thước, đáy khá sâu cho lươn không lội hoặc nhảy ra ngoài. Có người còn xúc lươn bằng cái sịa, nhưng cái sịa phải đan cho hơi sâu đáy một chút vì nếu lòng sịa cạn quá lươn cá sẽ dễ nhảy và vọt thoát ra ngoài. Sau này khi có lưới nilon, loại lưới làm đệm phơi lúa, người ta nghĩ ra cách làm cái rổ xúc lươn bằng loại lưới này. Rổ xúc bằng lưới có cái tiện dụng là con lươn bị lưới nhám nên có vùng vẫy cách nào cũng khó thoát ra ngoài được. Xúc lươn đi bằng xuồng và phải cần hai người vừa giữ cái rổ vừa giữ cho xuồng đừng trôi và vừa giũ cỏ cho sạch bỏ ra ngoài để gom lại thành cái mô cho kỳ sau xúc tiếp.

Xúc lươn có cái vui là nhiều cá, tép, và lươn, cua ốc. Dường như người ta xúc mô nào cũng có cá tép và lươn, nhưng lươn xúc mô thì ít có lươn lớn, thường lươn lớn cỡ ngón chưn cái, nửa cườm tay là nhiều. Nhưng có điều này là một trở ngại và cũng là mối nguy hiểm khi xúc lươn là thường hay có rắn mà nhất là rắn hổ đất thì cần phải cẩn thận. Vì nước ngập, rắn cũng không có chỗ ở nên chúng dựa vô mô; mà nhất là trong các mô lại có sẵn mồi như cua ốc, cá tép và lươn, nên rắn thường ở trong các mô lươn là vậy. Thành ra, xúc mô lươn cần phải cẩn trọng khi giũ cỏ bỏ ra ngoài rổ và lúc nào gặp rắn thì không quá lo lắng mà phải bình tĩnh và thủ sẵn khúc cây săn chắc để trên xuồng và sẵn sàng đập rắn khi cần. Không nên chặt rắn bằng dao, mác vì người nhà quê thường hay truyền tụng nhau giai thoại nếu chém rắn bằng dao, chúng sẽ báo thù khi mình trở về nhà. Theo đó, rắn sẽ nằm sẵn trên mái nhà, nơi cây đòn tay chỗ cửa nhà mình ra vô và chờ mình vừa bước vào nhà là chúng thò đầu xuống cắn mình. Dù là chuyện khó tin, nhưng ít ai dám chặt rắn bằng dao mác, mà chỉ dùng cây để đập rắn.

Ngày xưa xúc mô quanh quẩn chỉ để kiếm ăn thôi. Về sau này có người xúc mô để bán kiếm thêm chút tiền.. Nhưng thời nào, việc xúc mô lươn cũng phải đề phòng rắn độc trong mấy chục cái mô là hệ trọng nhất….

Còn một cách bắt lươn khác nữa cũng xin kể ra luôn. Đó là câu lươn. Lươn là loại ăn tạp nên câu lươn bằng mồi gì cũng được, nhưng chúng ưa nhứt có lẽ mồi trùn. Khi gặp một hang lươn, người ta mới móc mồi thả xuống miệng hang. Nghe mùi tanh của trùn, chúng ở dưới hang vội vàng chuyển dộng và bò lên nuốt lưỡi câu với mồi trùn còn tanh rình. Thế là anh chàng lươn này lôi lưỡi câu chạy xuống dưới hang vù vù làm người câu lươn không kịp ghì lại.. Nhưng trường hợp này bạn không cần ghì lại làm gì và cũng đừng nôn nóng giựt con mồi lên vì bạn làm như vậy sợi dây câu sẽ đứt và bạn sẽ mất luôn lưỡi câu mà chẳng đuợc luươn lịch gì. Bạn cứ ngồi giữ nhợ dây câu và chờ cho tới khi nào lươn không còn lôi đi nữa, bạn căng dây câu thẳng ra và cứ dùng hai ngón tay cái và tay giữa mà búng cho dây câu rung  lên và miệng con lươn bị đau vì lưỡi câu rung rung như vậy. Và bạn cứ tiếp tục vừa búng vừa căng nhợ câu cho thẳng tới khi nào con lươn trồi ra khỏi miệng hang là chỉ còn bắt lươn bỏ vô thùng thiếc hay vô cái giỏ là xong một hang lươn.

Tóm lại mùa câu lươn thường rơi vào tháng nước cặp theo mé hầm, mé mương hay bờ chuối, bờ vườn và việc câu lươn so với các mùa đăm lươn, đặt trúm, xúc mô hay soi lươn, thì ít người làm vì câu lươn coi vậy cũng khó ăn và ít được lươn hơn các cách bắt lươn khác rất nhiều.

Về các món ăn làm bằng lươn có nhiều cách nhưng cách nào ngon nhất thì khó mà nói chắc vì mỗi người mỗi khẩu vị khác nhau, không ai giống ai nên ngon dở cũng khác nhau. Nhưng các món thường nghe là hấp dẫn có món lươn um nước dừa, món lươn um rau ngổ, lươn nấu canh chua, lươn nấu lẩu, lươn kho mắm, lươn xào sả ớt, lươn kho cà ri, lươn nướng. Tóm lại lươn vào mùa nào ăn theo mùa nấy, gặp lươn tháng ba, tháng tư đăm được từ những miệng đìa cố cựu là những anh chàng thường hay bẻ chỉa, tức là lươn già mà đem kho mắm hay nấu canh chua thì dai nhách, dù tài nấu khéo léo cách mấy lươn vẫn dai và ăn biết ớn, lươn vẫn không ngon là vậy!

Tiện đây, cũng xin nhắc qua vài kỷ niệm về các món lươn cứ đeo theo tôi suốt đời. Trước nhất là món lươn xào sả ớt của má tôi, không ai xào món  này mà tôi thấy hấp dẫn hơn kể cả nhà hang. Dường như khi làm món lươn xào sả ớt, má tôi để hết cái tình bao la của má vào món ăn này nhằm làm cho cả nhà ăn cho ngon vậy.

Còn món lươn kho cà ri của bà cô tôi là món ngon không bao giờ tôi quên được. Hồi nhỏ, khi còn học lớp đệ lục, đệ ngũ, tía má tôi có cất một căn nhà nhỏ trên Long Xuyên để tôi ở đi học và về tự nấu cơm ăn. Lúc ấy, có ông dượng sáu tôi làm việc bên Toà Hành Chánh tỉnh cùng ở chung với tôi. Ngoài ra, ông dượng tôi còn có đứa con trai học dưới tôi vài lớp, cũng ở chung căn nhà trọ này. Tôi và thằng em con ông dượng thường đi chợ mua cá về nấu cơm ba dượng cháu cùng ăn. Hồi đó học ngày hai buổi nên việc nấu ăn tự túc như vậy mất rất nhiều thì giờ, nên tụi tôi thường luộc trứng vịt dầm nước mắm ăn cho khoẻ và tiện vì đở tốn thì giờ cho việc học bài. Thành ra, cứ mỗi cuối tuần khi về nhà lấy thêm gạo, nước mắm, muối và bẻ thêm chanh, quit, xoài, mảng cầu, tức là có gì mang theo nấy để tiện dụng trong một hoặc hai tuần, rồi lại về nhà lấy tiếp mang lên nhà trọ. Vào mỗi cuối tuần như vậy, bà cô thường hay kho thịt, kho lươn cà ri rất thơm ngon và ông dượng tôi đem lên nhà trọ những món ngon ấy. Ngày nay, sau hơn sáu mươi năm, mà ngồi nhớ lại tôi mới nhận ra rằng chưa ai kho lươn cà ri ngon như cô tôi kho ngày xa xưa ấy.

Vào tháng 6 hoặc tháng 7 năm 1975, tôi bị đưa xuống Chủng Viện Cái Răng “học” tiếp chin bài đầu mùa “cải tạo”. Cùng xuống Cái Răng lần này , ở chung một tổ, có các bác sĩ Nguyễn Phước Thọ, Giám đốc Trung Tâm Y Tế Toàn Khoa Ang Giang; bác sĩ Nguyễn Văn Tương, Trưởng Ty Y Tế An Giang; bác sĩ Nguyễn Văn Trí, Trưởng Khu Tai Mắt Mũi Họng bệnh viện An Giang và cả anh Thái Bình Đẳng, Chánh sở Giáo Dục An Giang và nhiều người quen khác từ Long Xuyên đi theo chuyến này. Ở Chủng Viện Cái Răng khoảng 4 tháng rưởi như vậy, chúng tôi ngày nào cũng ăn món lươn xào sả ớt, hoặc lươn kho cà ri và lươn này chở từ Cà Mau lên đựng trong các thùng nhôm, loại thùng mà xe hàng chở cá, chở lươn hay dùng. Khi tới Chủng Viện Cái Răng, chúng được nhà thầu đổ qua các thùng phuy đầy nhóc lươn là lươn. Lúc đầu mới ăn thấy món lươn này ngon dù trong bụng rất là rầu rĩ về thân phận mình. Nhưng dần dà lâu thêm mà chưa có tin tức gì cho tương lai gần cho mình, mấy anh em chúng tôi mới tà tà xuống dưới nhà bếp chơi khi trưa nắng, rồi nhìn vô những thùng phuy lươn, ôi thôi hằng trăm, hằng ngàn con lươn bằng ngón chưn cái bị rộng chật trong thùng phuy như vậy, chúng không lội được mà cứ lúc nhúc cái đầu tìm chỗ thở, tôi bất giác biết ớn món lươn xào sả ớt mà ngày nào cũng ăn này. Nhìn lươn dựng đứng mình trong thùng phuy để thở, nhớ cá kèo nhóng mỏ lúc đông ken và nhớ lại những ngày nhìn qua ngoài rào kẻm gai với người thân chờ thăm nuôi bên kia rào, sao mà tương hợp quá chừng. Tới bây giờ tôi vẫn ớn món lươn xào sả ớt và vẫn nhớ những người xưa một thời chung cảnh ngộ nhưng “hồn của họ ở đâu, bây giờ!!!”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét