Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

MÙA CHUỘT



Lương Thư Trung
Mùa chuột

Về mùa chuột, có lần tôi đã kể rồi trên hai trang điện báo Talawas và Thất Sơn Châu Đốc, được nhà văn nam Dao gọi là “bản kỳ thư”, thiệt tình ra, tôi xin nói thiệt là tôi không dám nhận hai chữ “kỳ thư” này vì tôi chạnh nghĩ đây chỉ là những gì tôi biết về những mùa chuột vùng quê tôi mà tôi nhớ  và ghi lại không thêm bớt chút nào. Nay xin được ghi lại với phần bổ túc vài chi tiết mà khi trước viết về chuột còn thiếu.

Hơn sáu mươi mấy năm về trước, những ngày tháng Giêng, tháng Hai lúa mùa, những cánh đồng bát ngát vùng Mặc Cần Dưng, Ba Bần, Cầu Số Năm, Phú Hóa, Bắc Dục, Định Mỹ, Kinh xáng Bốn Tổng, Hang Tra, Vĩnh Hanh… là những cánh đồng chuột. Vì làm lúa mùa, mỗi năm một vụ, đát đai mênh mông nên cỏ lát nhiều, bờ kinh còn mịt mù nên làm thành những tổ âm cho chuột đồng sanh sôi nẩy nở . Những năm tháng xa xưa ấy là những năm tháng cư dân vùng sông rạch này vui cùng những mùa chuột biết bao nhiêu !

Dân làng đang săn chuột
(Hình:www.doisongphapluat.com.vn)
Vào những ngày mùa ấy, bạn cứ dằn bụng bằng chén cơm nguội với miếng mắm chưng, thê là bạn dắt theo con chó phèn, chó mực lên đồng với cái xuổng , cái giỏ tre và cái nỏ. Cái xuổng và cái giỏ thì bạn biết dùng vào việc gì rồi, còn cái nỏ thì dùng trong việc bẻ răng chuột . Thế rồi bạn cứ ra ruộng, theo giồng ranh, lên bờ đìa, cặp bờ mương, ôi thôi, chỗ nào bạn cũng gặp hang chuột đùn đất còn mới ràng ràng…Nhưng bạn đừng vội đào gấp vì chuột nó khôn lắm, không khéo bạn lại mất công tốn sức mà chẳng dào được bao nhiêu chuột. Bạn hãy từ từ, chờ cho con chó mực hay con chó phèn của bạn nó khịt khịt nhiều lần một cái hang nào đó, rồi bạn sẽ khởi đầu nhét lỗ ngách và bắt đầu đào. Trong lúc đào bạn nên nhớ là mình luôn ở”thế đào thủ thế”, không khéo chuột nghe đông tịnh lại thừa cơ hôi bạn mê đào, nó lại vọt lẹ ra ngoài , đôi khi nó lại hoảng hồn chun vội vô quần bạn, lúc bấy giờ bạn lại bị chuột đào lại bạn hổng chừng !

Đào chuột như vậy bạn đừng bao giờ ham đào nhiều vì tốn sức lực nhiều. Bạn cứ thư thả chọn hang, hang nào phải thì đào chơi, hang nào coi mòi không ngon thì bỏ đi và tìm hang khác . Nhiều lắm, bạn đừng lo không có hang chuột để đào mà chỉ lo mình không có sức để theo chuột . Nhưng bạn cũng nên nhớ một điều là ở đâu có chuột y như rằng ở đó có rắn. Vì thế cho nên bạn cần phải cẩn trọng coi chừng răn cắn, nhưng trong dân quê chúng tôi vì cữ nói rắn cắn mà chỉ dám nói “rắn chạm”. Thôi thì ‘cắn” hay ‘chạm” gì thì bạn nên coi chừng là chắc ăn.

Đó là tháng hạn, khô ráo. Còn tháng mưa khoảng tháng Ba, tháng Tư trời gầm sấm nổ, những cánh đồng bát ngát sau những cơn mưa lớn làm ngập hang cua, hang chuột thì vui, bạn muốn đào chuột chơi thì đào; còn không thì bạn chờ tối thắp đèn măng sông đi dập chuột . Sau những cơn mưa như trời trút nước, cả cánh đồng đâu đâu cũng ngâp nươc mưa thì chuột đành bỏ hang chạy giỡn đầy đồng và đây là lúc bạn nên biết cách đập chuột . Ở ruông rẫy chúng tôi mỗi vụ mùa có cái thú vui riêng nhưng mùa đi đập chuột là mùa vui hơn cà. Bạn thử tưởng tượng cả cánh đông bao la bát ngát nhìn không thấy rặng cây chắn ngang chưn trời nhưng những bóng đèn măng sông giăng mắc khắp mương đìa lối ngõ hang ngách để rượt mấy anh chị chuột đồng đang lang bạt kỳ hồ thì ôi thôi còn gì vui cho bằng.

Chuột bán ngoài chợ
(Hình:www.doisongphapluat.com.vn)
Cuối mỗi con kinh hay cuối mỗi dây đất, cuối mỗi vạt lung, những người đi đập chuột chúng tôi tụm năm tụm ba mà kiểm lại coi giỏ ai đầy giỏ ai còn lưng. Thế rồi hè nhau đập tiếp cho bạn mình mau đầy giỏ để cùng về một lượt cho vui cửa vui nhà . Hồi đời xưa ấy, dù nghèo nhưng chúng tôi giữ được đạo thanh bần và không có cảnh “hùm bắt được hùm ăn, sấu bắt được sấu ăn một mình” . Mà thưa bạn, theo tôi thời nào mà an phận thanh bần là thời đó vui vậy !

Vì những năm tháng xa xưa ấy, phần đông nhà nghèo, nên nếu bạn không có đèn măng sông, bạn cứ rủ người có đèn đi dập chuột, và họ sẽ sẵn lòng. Vả lại, đap chuột là phải có nhiều người cùng đập mới vui. Người nhà quê chúng tôi sống là sống cầu vui thôi mà. Nếu có ai đó đi đập chuột xé lẻ một mính thì y như rằng người đó đi tìm ma, đi tìm bóng dáng cô hồn bị sét đánh chết ngoài đồng , ngoài ruông đang xiêu hồn lạc phách….

Nhưng thưa bạn, chuột vốn khôn lanh, nhưng không qua khỏi tài nghệ của con người. Con người biết từng đường đi ngang về tắt của chuột nên con người biết chận lối tắt về ngang của chuột. Do vậy mà có đuổi xà di, gày bẩy, đặt rập, nhưng dậm cù chuột là cách dở nhứt của con người . Khi bạn gày rập, đặt bẩy, đặt xà di là bạn dùng tài chọi với tài, còn bạn dậm cù chuột là bạn dùng số đông đè bẹp số ít, bạn đang chơi cái thế kém nhất trong mọi thế bắt chuột. Đó là chưa kẻ bạn sẽ bị dập đầu bể trán do tranh nhau bắt chuột vì sợ nó chạy vuột khỏi tay mình .

Trong nghề gài rập chuột coi vậy mà có phân ra kẻ khá người nghèo, kẻ túng bấn người dư ăn dư để. Và tiền nào thì của nấy nhe bạn . Người gài rập bằng lồng dây chì thì bắt được chuột sống, người gài rập đất chỉ bắt chuột chết mang về. Chuột sống bán có giá nhưng dễ có mùi khai vì khi rộng chung lồng lớn chúng đái lên nhau; còn chuột chết có cái dở là thịt nhiều khi bị bủn vì chuột bị sập bẫy vào lúc đầu hôm . Cách nào cũng có cái hay và cái dở như vậy, không hoàn hảo được !

Còn bắn chuột bằng nạn giàng thun hay đâm chuột bằng chỉa một mũi thì có cái hay là ở xa, vì lại gần chuột chạy nhưng bắn chuột hoặc đâm chuột bằng cách nào thì cũng chì đủ miếng ăn cho bữa cơm trong ngày là cùng . Làm sao giàu có cho nổi với ba cái nghề dâm chém. này. Phải không bạn ?

Nói là nói vậy, nhưng vào mùa nước lụt thang 8, tháng 9, tháng 10, những cánh đồng lúa mùa đang nặng mình vì lúa mập nước và có nơi lác đác dòng đòng, chuột thừa cơ mất hang đành cắn đọt lúa làm ổ và ăn lúa đang ngậm sữa, con nào con nấy ú thù lù . Những mùa vụ chưa tới kỳ cắt gặt như vậy, dân ruộng chúng tôi rủ nhau đi đâm chuột . chống xuồng rào rào qua hết lung nầy đến lung khác và rồi lung nào cũng kiếm được năm ba anh chị tí tục đang nằm trong cái ổ lót bằng đọt lúa mùa thè lè bong búp với cái bụng trắng phau, cái lưng phè phè béo ơi là béo .

Cách dâm chuột mùa này cũng chỉ là một cách dạo chơi nhàn tản, không có gí phải âu lo mất mùa đâm chuột hay thua lổ hoặc lời lóm gì . Chung qui cũng chỉ mua vui mấy ngày chờ lúa trổ bông rồi lúa chin vàng đồng mà vui thú ruộng nương qua ngày trong cảnh thanh bình của những tháng năm làm ruộng một mùa duy nhứt trong năm . Nhớ lại ngày ấy, đối với dân ruộng chúng tôi qủa là thần tiên qua rồi khó kiếm lại được nữa rồi bạn
ơi !!!

Thưa bạn, trong các cách bắt chuột có lẽ cách bắt chuột bằng thuốc là tệ nhất . Tôi nói tệ nhất chứ không phải là dở nhất. vì dở đỡ hơn tệ . Tôi nói tệ là vì ngườ ta nói “đâm heo thuốc chó” là phường chẳng ra gì và thuốc chuột theo tôi cũng không khác thuốc chó là mấy .Khi bạn ra bất cứ chợ làng, chợ quận nào bạn hỏi mấy bà bán thịt chuột rằng chuột này là chuột đập hay chuột thuốc, thì khi người ta trả lời bạn là chuột đập, bạn cứ chắc mẻm rằng chuột đó là chuột bị thuốc , vì người bán họ lanh lợi lắm . và bạn thử mua chuột ấy về ăn, rồi bạn sẽ nghe hơi thở của bạn khô hơn, gắt hơn, khò khè hơn . Đó chính là cái tệ của nghề bắt chuột bằng thuốc. Và bạn bị người ta thuốc bạn rồi đấy ! Về lâu về dài, người nào mà ăn nhằm chuột thuốc mà không bị đau gan đau phổi bao giờ ???

Giống như cá bị thuốc sâu rầy chết vậy mà . Nhớ ngày xa xưa ấy cũng cách nay vài ba chục năm. Lúc đó chưa hết lúa mùa, nhưng lúa ba tháng lại lấn dần đất rộng, rồi chúng tôi tập tành xài ba cái vụ thuốc sâu trị mấy chị sâu keo, sâu cuốn lá và thê thảm cho các loài cá dưới ruộng dưới đìa, cá nhỏ cá lớn gì cũng đều ngất ngư rồi chết nằm sắp lớp đầy mấy đám ruông. Người nhà quê chúng tôi tiếc hùi hụi mấy anh cá lóc mập thù lù . Cứ thê mà vớt về và muối sã ớt làm khô. Khi khô vừa rao ráo là cho vô cà ràng than đỏ au, lai rai vài cốc đế đỡ thèm. Vậy mà rồi năm tháng qua mau khi gặp cơn cảm cúm ghé thăm là cổ khan khan vì thuốc sâu trong khô cá lóc nó thấm vào máu và lúc này mới biết thế nào là miếng ăn là miếng tồi tàn nhe bạn, chết vì ngấm thuốc sâu chết không nhắm mắt …

Còn năm ba cách bắt chuột khác nữa như chất chà chuột, đăt lọp chuột, đổ nước hang chuột, gày bẫy ống tre, bẫy cò ke, bẫy đạp, bẫy cần, bẫy bật, bẫy lổ … Nhưng nhắc chuột mà không nhớ món ăn chuột thì có chút gí thiêu thiếu …

Ngày nay nghe kể chuột vô tới các nhà hàng, làng nướng với đủ thứ món ăn làm bằng thịt chuột hấp dẫn. Tôi nghe nhưng chưa có dịp ăn lần nào nên khó nói ngon dở gì được. Chỉ biết ngày xưa, xưa hơn nửa thế kỷ, món chuột ngon nhứt là món cặp gắp nướng tươi chắm nước mắm bằm xoài sống là ngon hết sẩy. Một món ăn thuần chỉ có chuột và lửa làm thơm phức cả mâm bàn mà hổng cần gia vị gì ráo trọi . Nó vừa gần với tạo vật mà cũng gần với con người nhưng không mang tính “hoang dã” chút nào vì nó được nướng chín hẳn hoi chư có ăn sống ăn sít gì mà gọi là “hoang dã”?!?

Dần dần có các món khác gia giảm thêm cách này cách khách khác mà thịt chuột có tới hàng chục món nhe bạn. Như chuột muối sã ớt chiên, chuột khìa nước dừa, chuột kho tương hột, chuột làm bánh xèo, chuột làm mắm, chuột nương đất, chuột bằm xào lá cách, chuột bằm xào lá lốt, chuột xào kiệu, chuột xào hủ qua, chuột xào hành, chuột nấu cà ri, chuột kho mắm, chuột làm khô, chuột xào sã ớt, chuột bó bẹ chuối nướng… Ôi thôi vô số kể bạn ơi . Nhưng món chuột nướng tươi như tôi vừa kể bên trên là nhứt xứ …

Hôm nay gần cận Tết năm Tý rồi, ngồi nhớ lại hơn sáu mươi năm bắt chuột những mùa mà hồn lâng lâng những nỗi niềm khó tả. Chuột ngày xưa bắt là bắt chơi trông lúc chờ mùa màng về. Không ai sống vì nghê bắt chuột như bây giờ  mà mang danh làng chuột, chợ chuột, dựa chuột . Đời xưa chưa xưa lắm, chừng ba bốn chục năm trước chuột cũng còn nhiều vì đất lâm còn nhiều, lúa mùa còn nhiều, nên bắt chuột chỉ là giải trí chơi cho vui, dặm thêm miếng cá miếng khô cho bữa ăn mạnh miệng chứ ít ai nghĩ bán chuột kiếm sống hay làm giàu  làm có gì . Thôi thì xưa và nay nó khác nhau là vậy !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét