Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

MÙA DƯA LEO


Lương Thư Trung
Mùa dưa leo, dưa hấu, dưa gang
  
Sau khi người làm ruộng cắt lúa xong và chở lúa hột về nhà, dọc theo các miếng ruộng cặp bờ mương, bờ kinh, để kiếm thêm chút hoa lợi phụ, vào mùa này đất ruộng còn mềm, người ta hay bỏ hột dưa leo, dưa gang, dưa hấu cho kịp thời, kịp lúc.

Dưa hấu
Việc trồng dưa hấu, dưa leo, dưa gang, thì chỉ cần phát dọn đất rồi tủ rơm đốt đất và giăng dây bỏ hột giống là có miếng rẫy dưa. Tùy từng loại, mà khoảng cách giữa hai cây trồng có khác nhau. Ví dụ như dưa leo hai cây cách nhau khoảng từ 5 tấc tới một thước; còn dưa hấu, dưa gang thì cần khoảng cách rộng  hơn để dây dưa đủ sức bò nên giữa hai bụi dưa này có khi cách nhau tới từ một thước rưởi tới vài thước một bụi. Vì trồng mà gần quá, dây dưa không đủ chỗ bò nên chúng bò chồng lên nhau , do vậy mà dưa rất ít trái.

Riêng dưa hấu có người có đất gò không ngập nước, người ta trồng vào tháng 10, tháng 11 âm lịch để có trái đúng vào dịp bán dưa chưng Tết. Thường trồng dưa hấu Tết, mỗi dây chỉ để lại từ một đến hai nụ là nhiều. Vì nếu chừa nụ nhiều quá, đất không đủ cung cấp phân, nên trái dưa sẽ nhỏ. Vì cách trồng ngày xưa không như bây giờ, đa phần nông dân thường dùng phân dơi, phân tôm, phân cá bón dưa nên dưa dù trái không lớn như phân hóa học ngày nay nhưng dưa rất ngon, chắc thịt và rất ngọt. Ngày nay dưa hấu rất lớn trái, nhứt là dưa Tết, có trái bề hoành cỡ ba bốn gang tay, nhưng thịt nhiều nước, chất dưa lạt, không ngọt thanh như ngày xưa; đôi khi vì người trồng dưa bón phân nhiều cho dưa mau lớn, nên nhiếu trái dưa mua về chưng ba ngày Tết chưa kịp hạ nêu là dưa bị chạy ruột, bị hư không ăn được.

Về điểm này, ngày xưa dưa hấu chỉ chạy ruột khi nào mùa dưa bỏ hột trễ, do đó, dưa có trái trễ; đến  khi mưa già dưa mới vừa hường hường, chưa chín thiệt và ruột dưa bị lỏng ruột. Trường hợp này, người làm rẫy dưa gọi là dưa chạy dây. Mà khi dưa đã chạy dây rồi thì chỉ còn nước là già non gì chủ rẫy cũng phải hái hết dưa về mà bán quạ bán diều hầu gỡ gạc, vớt vát lại chút đỉnh sở hụi. Dưa non, dưa canh thì bán dưa canh cho bà con trong ruộng kho mẵn với cá rô, cá lóc. Dưa hơi đỏ ruột thì bán cho dân ruộng ăn với cơm trong nhà hay đi cày bừa ngoài đồng. Dù vậy mùa dưa hấu  giữa tháng hai tới tháng ba, tháng tư âm lịch được bà con miệt ruộng vườn nhà quê gọi là mùa dưa hấu chính trong năm; còn các mùa khác mà có ai trồng dưa hấu như dưa hấu Tết, dưa hấu tháng tám, các mùa dưa này đều được xếp vào mùa dưa lỡ giống như mùa cam lỡ, mùa xoài lỡ là những mùa cây trái này không phải mùa chính, mùa đông ken của nó.

Dưa chuột
Về dưa leo, từ khi bỏ hột tới lúc dây dưa xây bàn than là bắt đầu trổ bông và kết nụ. Nụ dưa leo mau lớn. Từ lúc nụ lớn bằng ngón tay là có thể ăn được rồi. Loại dưa này có cái dễ trồng là đất bờ mương là nó chịu. Khi bỏ hột, người ta bỏ dưới gốc của nó một nhúm tro trấu. Khi cây lên, thì tưới nước phân ốc, phân cua, phân cá ngâm trong cái khạp da bò là dưa leo chịu liền và dây dưa bò bỏ ngọn ngó thấy. Nhớ hồi nhỏ mỗi lần đi học về chúng tôi đi tắt ngã đồng theo đường mòn cộ bò, cộ trâu kéo lúa rồi đi ngang qua những đám dưa leo của dì tôi trồng cặp bờ mương ông Nhà Lầu, và đứa nào cũng có gói muối hột trong cặp đệm bàng và mỗi đứa hái vài ba trái dưa leo xanh dờn ăn với muối, vậy mà ngon vô cùng. Nhưng có điều này, mấy đứa nhỏ tụi tôi rất sợ là ăn dưa leo mà uống nước lạnh múc dưới mương, dưới đìa, vì ăn dưa leo mà uống nước mương, nước đìa dễ bị đau bụng và tào tháo rượt chạy không kịp thở…

Dưa gang
Riêng loại dưa gang, không giống dưa hấu, dưa leo vì khi dưa gang còn non không ăn sống được. Phải đợi dưa gang già hay gần chin người ta mới hai dưa bỏ xuống xuồng bơi đi bán lòng vòng trong xóm, trong rạch, trong kinh theo các chòi ruộng hoặc ra chợ làng bán. Dưa gang già muốn mau chín thì ngâm vô lu nước lạnh để cho trái dưa hút nước và nứt ra.Vì thịt dưa gang lạt nên thường được ăn với đường sắt, đường thẻ hoặc đường cát . Vào mùa nắng ăn được dưa gang thì mát mình mát mẩy, vì dưa gang giống như dưa leo có tính hàn, trong khi dưa hấu cũng có tính hơi hàn nhưng vị ngọt nên ăn dưa hấu nhiều dễ bị lở miêng, đau nớu răng và hai con mắt bị đổ ghèn.

Dù không ăn sống đươc như dưa leo và dưa hấu canh, nhưng dưa gang non cũng được bà con nhà quê ưa mua về sắt ra làm tư và rửa sạch rồi để ráo nước mới ướp muối nhận vô lu, vô khạp da bò để dành đó và khi cần thì lấy dưa gang muối này nhận vô hủ mắm dành riêng để làm dưa mắm trong một thời gian ngắn để dưa thấm chất mắm và thành dưa mắm. Sở dĩ người ta không nhận trực tiếp dưa gang muối vô khạp mắm để làm dưa mắm vì làm như vậy chất dưa sẽ làm  mắm mất mùi mắm và mắm sẽ không thơm ngon. Dưa mắm mà làm bằng dưa gang thì giòn và ngon không thua gì dưa mắm làm bằng trái đu đủ sống.

Ngày xưa, vào mùa dưa gang, dưa leo và nhứt là dưa hấu đông ken thì xuồng ghe bán dưa bơi dưới sông nườm nượp. Nhà nào cũng mua dưa là dưa, nhứt là dưa canh có khi mua cả mấy chục có đầu, đựng đầy cả thúng giạ để trong nhà để kho mẵn với cá rô, cá lóc ăn với cơm. Dưa ngày xưa bán tính theo chục, thường là chục có đầu, ít ai bán chục trơn. Chục có đầu gồm 12 trái, 14 trái, hoặc 16 trái. Cứ thuận mua vừa bán, nếu ưng giá thì cứ đếm dưa và trả tiền. Không ai tranh hơn tranh thiệt với ai vì dân quê ai cũng cực nhọc, lam lũ như nhau; nhiều khi các ghe dưa còn cho thêm người mua vài ba trái vì dân quê quan niệm “bán không thêm, nằnm đêm khó ngủ” mà. Còn ngày nay, dưa không còn bán chục như ngày xưa nữa. Giống như mọi loại trái cây khác, dưa cũng được cân ký tính tiền như xoài, như lúa, như mận, như dâu, chôm chôm, sầu riêng, nhãn … Cân ký thì cũng gọn nhưng cái nạn cân già, cân non cũng là một cái vấn nạn giữa  cõi đời này… Quả là xưa khác nay ở chỗ tính chục và tính ký vậy!


Tóm lại, ngày xưa trồng dưa leo, dưa gang, dưa hấu là trồng chơi trong lúc chờ mùa lúa sạ tháng ba, tháng tư, cho nên với vài ba tháng ngắn ngủi mà trồng được miếng dưa vài ba công vừa có dưa ăn, vừa có thêm chút tiền mà đất cũng thêm được chút phân của mùa dưa còn sót lại trong đất và mùa lúa sắp tới cây lúa sẽ tốt tươi thêm phù hợp với thành ngữ nhà quê  hay nói “một công ba bốn việc” là vậy !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét