|
Lương Thư
Trung
Mùa cấy lúa
Trong việc làm ruộng, hễ có
ruộng sạ là có ruộng cấy. Ca dao cũng đã xác định “cấy cày vốn việc nông gia” từ
lâu lắm rồi! Cấy lúa là một trong những kinh nghiệm làm ruộng áp dụng vào từng
loại đất trũng, đất gò, đất ngập nước, đất chờ mưa mà dân ruộng có
được.
Ruộng sạ, như trên tôi ghi lại
là vùng ruộng trũng, rộng bao la, vào tháng bảy âm lịch nước tràn bờ; tháng tám,
tháng chin nước ngập lụt; tháng 10, tháng 11 nước giựt và lúa sạ là lúa vượt
theo nước. Còn lúa cấy là những vùng đất nước sông Cửu Long không đủ lượng nước
tràn sông lên đồng như các vùng trũng. Những vùng làm lúa cấy là những ruộng
manh, ruộng hẹp, đất không nhiều và cũng không bao la như những cánh đồng lớn
vùng Long Xuyên Châu Đốc hoặc ruộng miệt Đồng Tháp Mười, Thới Lai, Cờ Đỏ, Cầu Số
Năm, Tri Tôn, Ba Bần, Ba Thê, Núi Sập…
Ngày xưa các vùng ruộng cấy
thường thấy tại các vùng Sốc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá, Tân An, Mỹ Tho, Vĩnh
Long, Trà Vinh, Bến Tre, Cần Thơ. Ở đó là những ruộng chờ mưa, chờ trời mang
nước cho mùa màng. Ngày xưa chưa mưa là chưa cấy lúa. Sau này có máy bơm nước
lên ruộng nên trời chưa mưa già dân làm ruộng cấy cũng cấy lúa được như
thường.
Làm ruộng cấy ngày trước có các
giống lúa mùa hoặc lúa ngắn ngày như lúa nàng hương, lúa trắng lún, trắng lựa,
trắng tép, lúa thơm, lúa ba bụi, lúa cù là, lúa móng chim, lúa nàng chô, lúa sóc
so….
Các giai đoạn của một mùa lúa
cấy bao gồm tỉa mạ, nhổ mạ, cấy giăm và cấy thiệt. Chẳng hạn như miệt Cái Côn
(Cần Thơ) người ta ưa làm lúa cấy qua các giai đoạn vừa kể. Trước tiên, dân
ruộng chuẩn bị cho mùa cấy bằng cách là tỉa mạ. Mạ được tỉa bằng những chày tỉa
làm bằng cây tram lớn cỡ cườm tay, dài cao khỏi đầu với một đầu nhọn cắm xuống
đất và khi rút chày tỉa lên , nó để lại một lỗ tròn nhỏ vừa bằng nắm tay và
người ta bỏ nắm lúa giống vào miệng lỗ ấy, rồi lấp lúa giống lại bằng nắm tro
trấu. Từ từ sương rơi hoặc mưa ướt đất, lúa giống sẽ nứt nanh và lên
cây.
Mạ tỉa như vậy dường như lỗ tỉa
nào mạ cũng lên xanh tươi tốt, một phần nhờ nắm tro trấu , một phần nhờ đất mềm
và xốp. Thông thường người ta lựa đất tốt để tỉa mạ. Mạ được tỉa như vậy chừng
đầy tháng là người ta bắt đầu nhổ mạ và cấy giâm cho mạ nở nang thêm cho đến khi
nào thấy mạ đủ sức cấy xuống ruộng, người ta mới dùng dao yếm bứng mạ và lúc bấy
giờ mới cấy lúa thiệt.
Lưỡi dao yếm có bảng rộng, mũi
bầu tròn vòng cung, rất bén chuyên dùng trong việc bứng mạ. Thông thường người
ta bứng một bụi mạ phải xắn ba dao nơi gốc mạ mới lấy bụi mạ lên khỏi mặt đất
được, nhưng người chuyên nghiệp thì chỉ xắn hai dao là bụi mạ đã rời mặt đất mà
không bị hư hoặc đứt gốc mạ. Xắn hai dao vừa nhanh, vừa làm cho bụi mạ dính ít
đất để khi cấy người thợ cấy tách mạ cũng nhẹ nhàng và nhanh hơn là bụi mạ bứng
còn dính nhiều rể và đất.
Mạ bứng xong gom lại thành từng
bó cỡ hai gang tay và dùng lạt tre hoặc lạt dừa nước mà bó mạ lại từng bó như
vậy. Tiếp theo là đất cấy lúa đã sẵn sang, nhà nông mới chuyển mạ bằng cách gánh
từng gánh rải đều theo từng lối trong miếng ruộng sắp cấy.
Thường thường các bạn đi ngang
qua vùng Tân An, Mỹ Tho, bạn thấy người ta căng hàng ngang cấy lúa có khi đến
mươi, mười lăm, hai chục người một miếng ruộng . Đó là những giống lúa ngắn ngày
cần cấy dày nên một tầm đất có khi cấy tới vài chục bụi lúa. Có lần chúng tôi
làm lúa mùa mà cấy miệt Hoả Lựu (Chương Thiện) thì mỗi công chỉ có ba người cấy
và một tầm 3 thước tối đa chỉ cấy mười bụi lúa mà thôi.
Vùng này sạ mạ, với mạ sạ người
ta không dùng dao bứng mạ mà phải nhổ mạ. Loại mạ này không cấy giâm như mạ tỉa,
mà chờ cho mạ đủ tháng, thường thường là một tháng kể từ ngày sạ mạ và nhổ rồi
cấy luôn xuống ruộng. Người ta thường cấy mạ non như vậy, ít ai để mạ già. Vì mạ
non mau bén rể và khi cấy xuống gặp đất bùn chúng mau phát triển và lúa nở tốt
tươi; còn mạ già thì bộ rể hút chất đất chậm, nên lúa lâu phát hơn mạ
non.
Việc chuyển mạ vùng Hoả Lựu mấy
năm cuối thập niên 1970, là dùng dây mây nối dài và luồn vào bó mạ, có khi cả
trăm bó và lội xuống các con kinh phèn mà kéo dây mạ dài lòng thòng như vậy hết
kinh này qua kinh khác để đến miếng ruộng mình chuẩn bị cấy.
Trường hợp cấy đất cứng, đất
rừng mới khai hoang, phải vùng nọc cấy. Cây nọc cấy này phải vừa với tay cầm,
dài cỡ từ hai tấc rưởi tới ba tấc, một đầu chuốt nhọn, một đầu bằng. Cách đầu
bằng cỡ một tấc, người ta đục một cái lổ thông ngang cái nọc cấy và tra vào đấy
một thanh tre hoặc bằng gỡ tròn cỡ ngón tay cái và dài chừng một gang tay dùng
làm cài tay nắm để người thợ cấy cầm cái nọc cho êm và vững để xắn xuống đất
mỗi khi cấy mạ. Cái nọc cấy luôn luôn được chuốt cho láng, nếu không láng, dễ
bị phồng tay. Thường thường người thợ cấy thuận cầm nọc cấy tay mặt; đôi khi có
người thuận tay trái, nhưng rất ít. Tay mặt vừa cầm nọc cấy, vừa xắn nọc cấy
xuống ruộng, vừa cầm nắm mạ và tay trái vừa ra mạ,
vừa nhét mạ vào lỗ nọc
.
Tuyệt đối cấy không bẻ gãy cò
gốc mạ vì bẻ gốc mạ gãy cò như vậy lúa sẽ chết và cũng không nên nhét mạ xuống
lỗ nọc sâu quá; vì nếu nhét rẻ mạ sâu quá bụi lúa sẽ không nở được. Do vậy mà
thợ cấy chuyên nghiệp thì cấy lúa giáng trên mặt bùn, ít cấy sâu.
Trong nghề cấy có câu thiệu
“bắt nhẻ, cấy thưa, tầm đưa vô đít”. Chữ “nhẻ” ở đây có nghĩa là quá ít. Do vậy,
tay ra mạ phải ra đều tay, không lớn quá mà cũng không nhỏ quá. Vì bắt mạ lớn
quá lúa ít nở và hao mạ; mà bắt mạ nhỏ quá có khi mạ non không chịu được thời
tiết nên bụi lúa khó phát triển, èo uột, lúa sẽ hao hớt và dễ bị thất
mùa.
Việc cấy lúa không chỉ có các
vùng vừa kể trên, mà nó còn ngay trong vùng lúa thần nông miệt Long Xuyên Châu
Đốc vào thập niên 1960, 1970 nữa. Đó là những miếng rẫy bắp, rẫy đậu, khoai lang
.. trễ mùa sạ lúa, dân quê thường gieo mạ để cấy lại những miếng đất này. Hoặc
giả người ta còn sạ vài công mạ để phòng hờ lúa bị hao và nhổ mạ này mà giặm vá
những chỗ hao hớt. Số mạ dư có thể bán cho nhiều chủ ruộng bị hao mà thiếu
mạ.
Giặm lúa vào thời kỳ xa xưa ấy,
người ta cũng kêu công cấy và dùng nọc cấy như từ trước tới giờ. Công cấy thì ăn
công ngày chứ không tính theo diện tích từng công một. Mỗi ngày cứ tính từ mặt
trời mọc là bắt đầu cấy ; trưa, khi trời đứng bóng, là nghỉ ăn trưa; chiều bắt
đầu lúc mặt trời qua khỏi đầu và cấy cho tới khi trời công phu là xong một ngày
công cấy.
Công cấy hồi xưa rất ít vì dân
cư thưa thớt, nên dân quê thường rủ nhau năm ba người xúm lại cấy vần công; hôm
nay cấy cho người này, ngày mai cấy cho người kia, cứ xoay tua vòng vòng cho tới
khi nào cấy giáp vòng và xong xuôi đâu đó mới thôi. Điều này cho thấy, trong đời
sống nhà quê thuở xưa dân cư còn thưa thớt, việc cấy vần công thể hiện cái tình
lân láng giúp đở lẫn nhau của dân làm ruộng rất tận tình.( Xin mở dấu ngoặc ở
đây, ngoài việc cấy hái, dân quê còn vần công nhiều thứ khác như lợp nhà, đào
mương, tát đìa, gánh đất bồi vườn, phát cỏ, dọn đất, cày bừa, cắt gặt họ cũng
vần công luôn.) Phải chăng đây là cái nét đẹp rất dễ thương của những người làm
ruộng mà nơi thành thị chúng ta khó thấy có ai vần công như vậy.
Ngày nay, người ta chế biến
thêm là muốn giặm những lổ lúa bị hao, chủ ruộng không giặm lúa bằng cách chiết
mạ và cấy bằng nọc cấy nữa. Họ coi chỗ lúa nào mọc dày và mướn nhân công nhổ
những bụi lúa dày này rồi quăng đều ra những lổ lúa bị hao hớt. Giặm cách này
vừa nhanh mà vừa làm cho các bụi lúa mới giặm này mau bén rể và nở nang tươi tốt
hơn phương pháp cũ có từ trước.
Làm ruộng ngày xưa vì có nhiều
miếng ruộng mới khai khẩn còn nhiều chất phân cùng cỏ mục, bã trấp nên đất mềm
và tốt. Sau khi phát cỏ chuẩn bị đất đâu đó sẵn sàng, người ta cũng chiết mạ và
cấy bằng tay, không dùng cây nọc cấy. Làm ruộng cấy tay này được gọi là ruộng
giáng. Giáng là để những rẻ mạ lên mặt đất ruộng và dùng tay ấn nhẹ cho rể mạ
vừa dính xuống bùn là được. Lúa gíang thường nở những bụi lúa rất lớn vì nằm
ngay trên mặt đất bùn, tép lúa mập, bông lúa nặng quằn xuống, trĩu hột là
hột.
Thời xa xưa ấy, ruộng giáng
thường làm các giống lúa như lúa cù là hột hơi tròn, gạo trắng, giáng tháng 4,
tháng 5 tới tháng 8, tháng 9 thì có lúa chin; lúa chuối hột nhỏ mà dài, gạo
trắng, giáng vào khoảng 25 tháng10 âm lịch, thì tháng giêng lúa chín; lúa nàng
chô, vỏ có sọc, gạo đỏ, giáng vào nước kém 25 tháng 10 âm lịch, khoảng rằm tháng
giêng là lúa chín; lúa sóc so giáng tháng 9 âm lịch, thì tháng giêng cắt; nếu
không giáng, mà sạ thì tháng tư sạ, tháng 10 cắt.
Đặc biệt lúa sóc so, nếu sạ
tháng 4, thì tháng 8 lúa có đòng đòng, tháng 9 lúa trổ bông và ngậm sữa, tháng
10 lúa chín. Vào mùa này vì ngoài đồng nước ngập, chung quanh toàn là lúa mùa
đang nặng mình sắp ngã theo chiều gió, mà chỉ có một mình mình làm lúa sóc so
sắp chin, chim chóc đói mồi sẽ bu lại đám lúa sóc so như gặp một bữa tiệc thiệt
là ngon.
Do vậy mình phải cất chòi giữa
miếng ruộng để đuổi chim chóc ăn lúa chin. Vì lúa chín đang còn nước ngập, mình
đâu có thể chạy ngược chạy xuôi mà đuổi chim cho được, nên đành phải ngồi trong
chòi cất giữa miềng ruộng lúa sóc so gần chin, rồi dùng thùng thiêc mà đánh xèng
xèng, xèng xèng cho chim sợ để chúng bay đi; hoặc lấy dây bố da mà nối dây cho
dài và buộc vào đầu dây kia mấy cái lon sữa bò, lon chao rồi ngồi trong chòi mà
giựt giựt cho lon khua với nhau cho chim sợ và chúng bay chỗ khác. Còn cách nữa
là làm những hình nộm bằng rơm hay lá chuối khô đội nón lá rồi dựng rải rác
trong đám lúa cho chim sợ mà không dám tới, nhưng cách này không công hiệu bằng
cất chòi đuổi chim như trên.
Các giống chim ăn lúa sóc so
mùa này thường là chim se sẻ, chim dồng dộc nhưng nhiều nhất là chim sắc, chim
manh manh và chim áo dà. Thuở nhỏ, tôi rất mê chống xuồng ra chòi vừa đuổi chim
ăn lúa vừa câu cá rô. Bữa nào về cả khoang xuồng cá rô câu no mồi và mập nước,
vì chúng đua nhau nhảy lên ăn những bông luá quằn xuống chí mí nước nên con nào
con nấy béo lắm.
So với ruộng sạ thì ruộng cấy
hao công tốn sức và chi phí cao hơn nhiều. Cấy lúa rất cực vì mình phải đứng
trong bùn, trên trời thì nắng, dưới nước thì nóng lại phải khom lưng cả ngày nên
nhức lưng và ê ẩm cả chưn tay mình mẫy. Do vậy, làm ruộng cấy thì không ai đủ
sức làm nhiều được, nhưng bù lại, lúa cấy thường thường ít thất mùa mà hột lúa
làm ra vỏ lúa sáng rỡ vì lúa cấy ít bị ngã nằm bẹp xuống bùn. Mặc dù lúa sạ đôi
lúc bị nằm dài trên mặt nước do mưa bão nhưng vùng nào sạ lúa được người ta cố
gắng sạ cho đỡ hao công, còn vùng nào không sạ được thì dân ruộng mới tiếp tục
cấy lúa như cũ.
Điều này cho thấy dân làm ruộng
luôn có khuynh hướng hưởng nhàn, tránh cái cực được chừng nào hay chừng đó và
đôi lúc không tránh được cái cực là do cái nghiệp làm ruộng của mình và họ đành
bóp bụng mà thương cho cái thân phận nông dân của mình mà thôi, không trách trời
mà cũng chẳng trách người !
Người làm ruộng lúc nào họ cũng
thân thiết với cánh đồng lúa của mình, với đôi trâu, đôi bò làm bạn ngoài đồng
với một tâm hồn tràn ngập niềm vui khi nghe gió thổi rì rào tràn qua những biển
lúa xanh rì lúc lúa đang vào thời con gái hoặc gió đưa hương thơm ngào ngạt lúc
mùa lúa chín vàng đồng mà nghe mùa cắt gặt sắp trở về. Trong cái cực, có cái
sướng, trong cái lo có niềm vui ló dạng, trong cái nghèo có cái chất thanh đạm
trong lành và trong cái chân quê có cái chất thanh khiết của ruộng đồng, một thứ
của qúy mà dù trải qua bao cuộc bể dâu của thời cuộc, bao bận thăng trầm của
dòng đời, nhưng các nét rất riêng đó của cuộc đời những người làm ruộng vẫn bền
bĩ biết dường nào … Vì vậy, người làm ruộng giỏi không bao giờ bỏ ruộng
và họ luôn luôn biết tiếc từng tấc đất như Tô Đông
Pha có lần bị đày xuống Hoàng Châu làm ruộng, ông đã viết 8 bài thơ gọi là “Đông
Pha bát thủ”, trong đó bài thơ thứ V mở đầu bằng câu “Lương nông tích địa lực”.
Thật vô cùng ý nghĩa vậy!
|
Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013
MÙA CẤY LÚA
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét