Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

MÙA BẮP

Lương Thư Trung
Mùa bắp, mùa đậu


Bắp và đậu là những giống rẫy bái người nông dân làm thêm giữa những mùa lúa sạ hoặc lúa cấy hầu có thêm chút bắp, chút đậu để ăn chơi cho vui vào những lúc nhàn hạ. Chiều chiều, ở nhà quê không có gì vui cho bằng ngồi bên nồi bắp lấy gốc tre chụm lửa cho trã bắp đang sôi sùng sục và bốc mùi thơm của những trái bắp đầu mùa sắp chín tới nơi rồi; hoặc có nồi đậu xanh non vừa mới hái vô và chụm lửa nấu cho sắp nhỏ trong nhà ăn sốt dẻo , thì thích thú vô cùng.

Nhưng muốn có bắp và đậu để nấu ăn như vậy, người nhà quê thường chọn những miếng đất gò cặp bờ mương mà tỉa đậu, tỉa bắp nếu là đất đồng. Còn ở các cồn , cù lao thì đất bãi, đất bồi mà trồng bắp, trồng đậu thì tốt dữ lắm. Do vậy, mà bắp dù trồng ở đâu cũng vậy, hễ đốn xuống nấu ăn liền là thơm ngon và ngọt ; còn bắp mà đốn rồi chở  bằng ghe, bằng xuồng qua sông rồi y như là bắp lạt đi một ít và bớt ngon.

Thật ra, không phải chở bắp qua sông làm cho bắp bớt ngon, mà ý nói là bắp chở qua sông là vì bắp đốn rồi chở đi bán là cách vài ba ngày rồi, tức là bắp hơi cũ nên hơi lạt và cái mức ngon không bằng bắp nấu tại đám ăn liền.

Bắp ngày xưa, vào những năm 1950 có giống bắp thường được ưa nhứt là bắp nếp hột nhỏ rức. Trái bắp khi vừa ăn, hột bắp nở đầy cùi bắp ra tới cuối chỗ râu bắp tua tủa. Một giống bắp khác ngày xưa người ta cũng rất thích trồng đó là giống bắp nâu. Giống bắp này trái lớn và hột bắp có màu nâu, màu trắng, màu vàng xen kẽ lẫn nhau trên cùng một trái bắp. Thường thường giống bắp này trái lớn, hột nhiều, nấu chính hột bắp hơi khô nhưng bắp già thì có nhiều nhựa. Trong dân quê thường hay để bắp này già và phơi khô rồi lảy ra để dành rang cho bắp nổ rồi ngào đường, hay chế chút nước muối ăn rất hấp dẫn. Ban tối ở nhà quê không có gì ăn giặm, người ta thường rang bắp ngào đường ăn chơi và uống nước trà cho vui. Mấy năm 1960,
 1970 dân ruộng rẫy còn ưa giống bắp nù, trái ngắn nhưng hột cũng nhỏ rức, khi nấu chin hột bắp dẻo và mềm như bắp nếp, và hột đầy đặn tới mút cùi bắp.

Ngoài ra, miệt Tân Châu ưa trồng giống bắp lớn trái, hột vàng. Những rẫy bắp vùng này chạy cặp theo mé lộ từ bến đò châu Giang chạy dài vô tới Long Phú, Long Sơn qua tuốt vùng Vàm Nao, Chợ Mới hoặc ngược lên trên Vịnh Đồn dài theo con lộ mới tráng nhựa trở lại đình Châu Phong, đâu đâu cũng bắp là bắp.


Đất trồng bắp thường được cày bừa cho nhuyễn. sau đó căng dây phân luống, phân hàng và dùng chày tỉa mà tỉa bắp. Các loại đậu cũng được tỉa như vậy. Thông thường mỗi hàng bắp cách nhau một thước bề ngang và từ gốc bắp này tới gốc bắp kia cách nhau ít nhất cũng phải ba tấc là ít. Đừng ham tỉa dày quá. Bắp dày quá , khi lớn bắp bị rập và trái rất nhỏ vì thiếu phân và thiếu nắng . Mỗi lổ tỉa, người ta bỏ tối đa ba, bốn hột bắp giống. Khi bắp lên đều, thường chiết bớt cây nhỏ và chỉ chừa lại hai cây mà thôi. Vì để nhiều cây, bắp không lớn và bắp không sung túc thì khi trổ bông trái bắp không lớn.

Khi bắp tỉa vừa lên khỏi mặt đất là vô chưn cho bắp mau mập. Các loại đậu cũng vậy, luôn phải làm cỏ đậu và vun gốc cho chúng đủ phân đủ đất mới mong đậu cho nhiều trái và ít bị lép hột. Cây đậu không cao, nhất là đậu xanh cao từ ba đến bảy tấc nên ít bị ngả; trái lại bắp cao từ một tới hai thước, nên bắp từ lúc nhỏ là phải vun đất vô gốc và dùng chân đạp cho kỹ càng, nếu không, khi có mưa dông bắp sẽ bị ngã đổ. Mà bắp mà bị ngả trái bắp sẽ bị háp, nhất là khi bắp có con chàng, tức bắp có trái non mà ngã thì coi như thất mùa bắp dù mình có cố nâng lại cho ngay ngắn, cây bắp cũng đã mất sức rồi.

Mùa bắp vì tỉa vào tháng hai, tháng ba nên tháng năm tháng sáu bắp đông ken. Tới mùa bắp đông ken, giống như mùa xoài đông ken, ra chợ là thấy bắp nấu bán đầy chợ. Rồi nào là xuồng ghe chở bắp từ các miếng rẫy bên cồn về bán lại vùng đất liền, đi đâu cũng thấy bắp là bắp.

Trường hợp có người không bán bắp tươi được, họ chờ bắp già rồi bẻ bắp về phơi khô và lảy ra để dành bán cho bạn hang mua bắp về để làm bắp hầm, bắp chà bán các buổi chợ hoặc bơi xuồng bán dọc theo kinh rạch vào mùa nước nổi. Bắp hầm hoặc bắp chà gói trong lá sen hoặc lá chuối, bỏ thêm chút đường cát mỡ gà, một nhúm dừa khô nạo, rồi lấy miếng sống tàu lá chuối chẻ mỏng mà vích bắp ăn thì hồi nhỏ tụi tôi đi học trường làng, đứa nào cũng mê các món bắp hầm, bắp chà này. Nhưng có lẽ món bắp nướng rồi chế mỡ hành với chút nước muối hơi mằn mặn là món mà ai dù quê hay chợ gì cũng mê mùi bắp nướng thơm bát ngát này.

Mùa bắp thì xôm tụ vậy với những nồi bắp mới nấu chín còn ngọt nước, những gói bắp hầm, bắp chà ngon ơi là ngon , thì mùa đậu đông ken không có cái ngon cái ngọt cấp thời như vậy; mà mùa đậu là mùa của bụi bặm, của những bao đậu xanh, đậu đen nặng trịch hột là hột. Làm đậu cực hơn vì mình phải tự tay hái đậu rồi phơi khô và dùng chày hay chưn mà đạp cho đậu ra hột, rồi lại phải dê cho đậu sạch vỏ, phơi nắng cho đậu khô đâu đó rồi mới vô bao hoặc vô lu khạp để dành đó có khi kéo dài vài ba tháng,  rồi lâu lâu mới đem ra chợ bán một lần vài chục lít, hoặc một thùng để lấy tiền mua dầu lửa cùng các vật dụng lặt vặt trong nhà…

Nông dân đang thu hoạch đậu  xanh
 Do vậy, so với mùa bắp thì mùa đậu kết thúc trong êm thấm  như vậy chứ không ồn ào, rạo rực, tấp nập như mùa bắp. Nhưng ở nhà quê, vào cuối mùa đậu, mùa bắp ít có ai đi mót đậu hoặc mót bắp như mót lúa rơi rớt ngoài đồng. Đơn giản chỉ vì đậu và bắp không nhiếu như lúa và khi hái đậu hoặc đốn bắp ít có ai hái đậu hoặc đốn bắp bị sót lại bao giờ .

Tuy vậy, người làm đậu khi gần dứt mùa, thì họ cho trẻ nhỏ trong nhà hoặc trong xóm lại hái đậu non về nấu ăn chơi thì có. Vì đậu khi ra bông thì ra rộ một đợt đầu, nhưng sau đó cũng có vài đợt bông trễ nữa. Thành ra lứa đậu đầu chín tới đâu người ta hái tới đó; rồi lứa đậu thứ nhì, thứ ba lần lượt được hái khi chúng già. Nhưng tới khi cuối mùa rồi, cần nhổ cây đậu để lo cày bừa sạ tỉa lúa lại, thì đậu non đậu già gì đợt chót này cũng phải hái cho hết để chuẩn bị cho mùa sạ tỉa. Nên cuối mùa đậu, trẻ con nhà quê được mùa ăn đậu non mới hái ngoài rẫy rất ngon ngọt. Nếu trái hơi cứng thì lột vỏ và ăn hột; còn nếu trái đậu còn non, vỏ mềm, thường thường bọn trẻ con tụi tôi ăn luôn cả vỏ lẫn hột.

Tóm lại, đậu và bắp là những thứ thuộc loại ngũ cốc, tức là năm thứ hột để ăn, bao gồm lúa gạo gọi là “lương”, đậu gọi là “thúc”, nếp gọi là “đạo”, lúa mì gọi là “mạch” và bắp gọi là “tắc”, vì thế bắp và đậu vào mùa thì có những háo hức như lúa vào mùa, dù không bằng những vụ lúa vào mùa. Chỉ có điều khác nhau là lúa thì bao la hơn, rộng khắp hơn, rần rần rồ rộ hơn khi sạ tỉa cũng như cấy hái và cắt gặt với số lượng nông dân ra đồng đông đảo hơn những ngày thường. Còn bắp và đậu thì khiêm nhường hơn, êm thấm hơn với sự chăm bón cũng thầm lặng hơn và khi gặt hái kết quả cũng nhẹ nhàng hơn những mùa lúa chín rộ. Bởi vậy, người nhà quê mới gọi lúa là ruộng và bắp với đậu là rẫy là cũng có cái
 ý cùng là ngũ cốc nhưng có cái khác nhau ở chỗ nhiều, chỗ ít là vậy ! 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét