Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

MÙA BẮT ẾCH

Lương Thư Trung
Mùa bắt cóc, nhái và ếch


Ngày xưa , khi vào mùa sạ lúa mùa được chừng một tháng, lúa lên cao, mưa lác đác, lúa gặp mưa lại vọt lẹ lên cho tới qua khỏi tháng năm âm lịch là lúa có chỗ cao tới ngang đầu gối. Nhất là đất gò, những chỗ giồng ranh, do lúa sạ dày, thì những chỗ lúa mọc cao và dày đặc này loài cóc ưa ở hơn hết.

Vì biết được cáy ý thích chọn nơi lúa mọc rậm rạp này mà ẩn cư hầu kiếm côn trùng như dê nhũi, dế mọi, dế than, dế lửa, dế cơm, cào cào, châu chấu làm lương thực sống qua ngày, nên dân ruộng vào tháng năm mưa lai rai thường ra dồng tìm những chòm lúa mọc dày bịt này mà bắt cóc. Cóc sống ngoài đồng thường là cóc lớn với cái ức mập, cái lưng phè phè, con nào con nấy ú ì  với cái lưng ửng vàng trông phát ham, chứ không như cóc trong vườn cái da màu rêu mốc đen lại không mập mạp bằng cóc sống ngoài đồng.

Về cách bắt cóc trong lúa thì rất đơn giản, không cần phải đèn đuốc hay dụng cụ gì khác mà chỉ cần cái giỏ đựng cóc hoặc không có cái giỏ thì lấy sợi dây chì để dùng xỏ vào chưn cóc khi bắt được. Thêm một vật dụng nữa rất dễ tìm là một nhánh tre gai hay tre mỡ gì cũng được, dài chừng hơn một thước và được dùng để quơ qua quơ lại ngọn lúa cho cóc giựt mình mà nhảy đi chỗ khác. Khi cóc nhảy đi như vậy, ngọn lúa sẽ rung rinh và các bạn chỉ còn cách là khòm xuống vạch lúa ra và nắm con cóc bỏ vô giỏ hoặc lấy dây chì xỏ bàn chưn của chúng thành xâu rồi tiếp tục đi quơ quơ ngọn roi tre tiếp như vậy.

Ngoài cách vừa quơ roi tre tìm cóc dưới lúa, người ta còn lấy bàn chân đùa lúa qua bên này, rồi đùa lúa qua bên kia cũng nhằm tìm xem có cóc nằm ẩn dưới gốc lúa không. Nếu có, là lấy tay bắt cóc bỏ vô giỏ liền, rồi cứ lội theo những chòm lúa cao và dày mà bắt cóc tiếp.

Hồi xưa, ở miệt ruộng,  bắt cóc trong lúa là bắt như vậy, cóc nhiều lắm. Nếu mình đi từ sáng sớm tới trưa, có khi được năm ba chục con là thường. Sở dĩ dân quê đi bắt cóc từ sáng sớm vì  sương mù còn đọng trên lá lúa và sáng sớm cũng chưa có gió, nên khi cóc nhảy từ bụi lúa này qua bụi lúa khác mình dễ nhận ra. Còn để trưa trờ trưa trật mới ra đồng, gió thổi ù ù, có khi cóc nhảy làm rung rinh ngọn lúa mình không phân biệt lúc nào là cóc và lúc nào là gió, nên đi bắt cóc trễ như vậy vừa bị nắng, vừa bắt  cóc không được nhiều như mình muốn.

Hồi đời xưa vì làm lúa mùa, thời gian cây lúa phát triển dài, nên bắt cóc trong lúa như vậy, dù mình đạp cò lúa xuống, nhưng  không ảnh hưởng gì tới lúa và cũng không làm cho lúa chết. Lúa nằm nghiêng ngữa như vậy rồi vài ba ngày sau lúa lại cất ngọn lên như thường, có khi cây lúa còn mạnh hơn trước. Cho nên hồi làm lúa mùa, lúc nước chưa bò lên ruộng, người ta thường thả bò cho ăn lúa mà không bị la rầy gì, nhất là những đám lúa gò. Vì lúa dày quá thì thường có lá ủ; nếu được bò ăn ngang đọt thì lúa bắt đầu mọc ra đọt mới, có khi đọt mới đâm  ra hai ba nhánh non, lúa lại xanh tươi và không còn nhiều lá ủ như trước. Thành ra, nếu bạn quần lúa mà bắt cóc như vậy bạn không bị ai rầy la gì ráo trọi, mà nhiều lúc bắt nhiều cóc nữa,
 nên vui lắm.

Hồi đó, có người còn ra đồng lựa mấy chỗ lúa dày cắt ngọn lúa rồi gom đống lại và bó đem về cho bò ăn. Những đám lúa bị cắt như vậy lại ít bị lá ủ và khi chúng ra đọt mới, lúa xanh mướt hơn là lúa chưa ai cắt đọt lần nào. Nhưng cắt lúa cho bò ăn thì tuyệt đối không ai cắt lần thứ hai những đám lúa đã cắt rồi. Vì cắt đi cắt lại hoài cây lúa yếu và vọt theo nước không kịp khi mùa nước bắt đầu dâng lên ào ào vào tháng 8, tháng 9. và rồi lúa bị sặc nước và chết luôn.  Ngày nay, làm lúa thần nông, lúa ngắn ngày, nếu bạn quần lúa mà bắt cóc như lúa mùa thì lúa thần nông sẽ chết luôn, không cựa quậy gì lại nổi, nên sẽ bị chủ ruộng la rầy dữ lắm khi gặp bạn vào miếng lúa của họ..

Tháng tư, tháng năm trời mưa, ngoài bắt cóc ngoài ruộng, dân quê thường bắt cóc trong vườn. Cóc trong vườn là cóc nằm dưới đít lu, đít khạp, nằm trong mấy gốc chuối, mấy tảng đá, nhứt là mấy tảng đá, mấy đống ngói nhà xưa thời kỳ loạn lạc bị bên này, bên kia đốt, thì cóc ưa ở những chỗ kín đáo này.  Ngoài ra, cóc còn ở trong hang theo các bờ mương, bờ vườn, hễ trời tối là chúng hay kéo nhau đi kiếm côn trùng để mà ăn. Do vậy, mà  trời vừa sụp tối là dân ruộng mới thắp đèn dầu bắt cóc.

Cóc vườn dễ bắt lắm, nhứt là những năm mới tản cư về, vườn tược còn hoang phế nên cóc nhiều lắm, chạng vạng đi một hồi qua ba bốn miếng vườn là cóc bắt được cả giỏ. Sau này, vào những năm thập niên 1960, cóc cũng còn nhiều vì dân số chưa đông lắm. Chỉ mới sau những năm 1980, thì cóc ít dần vì các phong trào bắt cóc nhái bán chuyên nghiệp nổi lên rầm rộ, nên cóc ít lại không nhiều như xưa nữa.

Ngoài hai cách bắt cóc đồng và cóc vườn, dân quê còn bắt cóc theo cách móc cóc nằm trong hang cặp theo mé vườn, bờ mương. Việc bắt cóc móc hang này nhằm vào những ngày tháng hai, tháng ba khi lúa ngoài đồng chưa sạ.

Dụng cụ thì chỉ là một sợi dây chì, loại dây chì gai làm hang rào, người ta tháo bỏ gai đi , rồi mài nhọn và uốn cong thành cái móc câu; chiều dài cây móc cóc này dài chừng một thước phòng hờ móc những hang cóc khá sâu.

Khi gặp hang nào miệng hang láng bóng thì mình cứ thả nhẹ cây móc vào; nếu cây móc đụng  vật gì hơi mềm mềm và có tiếng dội lại bình bịch mà người chuyên móc cóc dễ nhận ra  hang này có cóc. Thế là người ta mới di chuyển cái móc sao cho luỡi móc nằm sát vào hang cóc về phía dạ dưới bụng con cóc, rồi móc nhẹ  vào mình cóc  và kéo nhẹ con cóc lên. Bạn phải kéo nhè nhẹ thôi vì nếu kéo mạnh cái móc quá con cóc bị rách da làm con cóc mất hấp dẫn. Cứ thế hết hang này tới hang khác, có khi đi nửa buổi là có vài ba chục con, đủ một bữa ăn rồi.

Mùa bắt cóc khác nữa là vào tháng 9, tháng 10 âm lịch khi nước trên đồng gần giựt. Mùa này cóc theo những vạt lung nhiều  rong cỏ mà hội lại và chúng bắt cặp để đẻ từng dề, từng dề trứng ngay trên những bãi rong cỏ ấy. Cóc chỉ hội vào giác nửa khuya và khi cóc hội như vậy thì chúng kêu rền vang cả một vùng. Vì mê bắt cặp, mê đẻ, mê kêu nên dù có ai tới gần chúng cũng không cần biết và cũng chẳng chịu nhảy đi đâu hết mà cứ hai con đực con cái cứ nằm đó mà chờ người ta tới luợm từng cặp, từng cặp bỏ vô giỏ mang về nhà. Bắt cóc vào mùa này thấy ham lắm vì mau đầy giỏ. Nhưng có điều là mùa này cóc già rồi, xương cúng ngắt nên thịt cóc không ngon bằng mấy mùa cóc trong lúa múa hay cóc trong vườn, cóc trong hang. Ham thì bắt chơi cho
 vui vậy chứ ít ai ăn thịt cóc vào mùa này vì thịt nó không còn ngon như chúng chưa bắt cặp.

Mùa bắt nhái có khác mùa bắt cóc chút đỉnh, dù khi đi bắt cóc trong vườn, nếu gặp nhái bầu người ta cũng bắt luôn thể. Trường hợp cóc trong lúa, cóc trong hang thì nhái không có dự vào các nơi chốn này. Nên bắt nhái là phải chờ trời mưa mới có nhái , chứ chưa mưa là chưa có nhái nhiều như cóc.

Thời làm lúa mùa nhái cũng có vào tháng mưa và những tháng nước ngập lụt ngoài đồng. Vì ngoài đồng ruộng nước ngập lai láng nên nhái và cóc không còn cách nào khác là  phải theo đất vườn mà ở.  Nhưng tới khi làm lúa thần nông sau này, khi bơm nước lên sạ mùa lúa Hè Thu, nhái trong đất cày bị ngập nước, chúng phải nhảy ra ngoài và giúp dân quê có dịp bắt nhái vào dịp sạ lúa này .

Ngày xưa, thường người ta bắt nhái cơm, nhái bầu, ít khi bắt nhái bén, nhái hương, nhái chàng vì thịt các loại nhái này không ai ăn. Về sau, vì cóc nhái ít lại nên người ta bắt luôn các giống nhái vừa kể để về mang ra chợ bán cho mấy người giăng câu chuyên nghiệp để làm mồi cho câu giăng, câu cắm,  mà chủ yếu là nhằm việc giăng bắt cá lóc.

Hồi xưa họ bán nhái loại này tính trăm, tính thiên chứ không bán cân, bán ký.  Mấy người giăng câu chuyên môn có khi họ có tới vài  thiên câu, nên họ mua trùn, mua nhái cho mỗi chuyến lên đồng giăng câu xa như vậy có khi năm mười thiên mồi. Vì mỗi chuyến đi giăng câu có khi cả tuần hoặc mươi bữa mới về, nên họ mua mồi dự trữ trên xuồng nhiếu lắm để phòng khi cá đang lúc dính câu mà hết mồi thì uổng phí một chuyến đi . Do vậy mà ở nhà quê có thêm cái nghề bắt nhái và đào trùn bán làm mồi câu để giúp người nghèo có tiền mua gạo là nhờ mấy người giăng câu chuyên môn này họ không có thì giờ rảnh rỗi đi bắt mồi.

Soi  Ếch
Còn mùa bắt ếch lại có mấy đặc điểm riêng của nó. Ếch thường thường sống trong hang. Muốn biết hang nào có ếch hay không dân quê nhìn miệng hang là biết liền. Không như cóc chẳng để lại dấu tích gì ngoài cái hang hơi láng một chút, còn ếch thì ngoài cái hang láng, chúng còn để lại dấu chưn của chúng ngoài miệng hang. Hang ếch sâu, nên ít ai dùng cây móc cóc mà móc được ếch. Do vậy muốn bắt ếch là phải dùng cái xuổng đào hang ếch như đào lươn vậy; nó chỉ khác cách đào lươn là người ta không dùng cây chỉa như chỉa đâm lươn. Trường hợp phải dùng tới cây chỉa là khi nào trong hang ếch này có rắn vào ăn ếch và còn nắm lại trong hang. Nếu không có chỉa thì dễ bị rắn “chạm”. Dân quê hay dùng chữ “rắn chạm”, ít ai nói “rắn cắn”,
 vì họ cữ nói hai chữ “rắn cắn”.

Ếch còn bắt vào mùa sạ lúa Hè Thu như bắt nhái, vì khi bơm nước lên đất cày để chuẩn bị cày bừa trục sạ thì ếch bị ngập hang nên chúng nhảy ra khỏi hang và kêu rền vang cả cánh đồng. Dịp này, dân quê xách đèn soi ếch. Hồi xưa hay xách lồng đèn đóng bằng ván che gió, bên trong để cái đèm bánh ú hay đèn trứng vịt và lần theo dấu tiếng ếch kêu mà soi ếch.

Thập niên 1960 có đèn manchon, người ta dùng loại đèn này để soi ếch, đập chuột, bắt cóc, bắt nhái, soi cá vì loại đèn này khi thắp lên nó sáng cả một vùng rộng lắm. Người nào không có đèn manchon thì dùng đèn khí đá, sáng không bằng đèn manchon nhưng đở hơn lồng đèn bằng ván. Rồi mấy năm sau này của thập niên 1970, 1980, người ta dùng thêm đèn bình , tức loại bình “ăc-cu” (accumulateur), nên việc bắt cóc nhái  trở thành chuyên môn thêm.

Nhưng mùa bắt ếch tháng năm âm lịch là mùa cũng không kém phần hấp dẫn. Vào mùa này nước bắt đầu xoay rồi. Dân quê gọi là nước đổ. Nước sông đục ngầu và nước cũng ương rồi, không ròng sát đáy kinh mương nữa. Dẫn đến tháng sáu, tháng bảy nước muốn tràn đồng. Tháng 8 nước lên cao. Ếch nhái tràn lên bờ chuối, bờ vườn trú ngụ. Nghe bước chân người vào mấy tháng này, ếch nhái vội nhảy xuống mương mà lặn sâu ở dưới để trốn. Biết ếch không lội đâu xa, mà nằm im nơi cài bọt mà con ếch vừa lặn xuống và để lại theo đường chúng lặn; lúc bấy giờ, ngay lập tức người ta lấy cái vợt làm bằng lưới nilon, loại lưới dùng để thay đệm phơi lúa hột, mà bước nhẹ xuống và xúc chúng vô vợt. Bắt ếch bằng cách này mười con bắt
 được hết mười, ít khi nào sẩy lắm.

Cón cách bắt ếch khác là vào mùa nước lên tháng 9, tháng 10, người ta đi soi ếch bằng xuồng. Thường thường nước ngoài đồng ngập hết thì ếch hay ngồi trong các bụi cỏ trong các vạt lung, trên các giồng ranh cỏ mồm, cỏ ống cao mịt mù, trên những mô lươn, hoặc những gốc cây mục, những chòm mả mồ, mấy cái nền trại ruộng cao ráo giữa đồng, những sân phơi lúa, những ụ rơm và chỗ nào mà chúng bám được là chúng ở chờ nước xuống.

Trường hợp này, người đi soi ếch phải đi bằng xuồng và dùng cây chỉa một mũi  với cán làm bằng cây trúc hoặc cây tầm vông, dài khoảng chừng ba bốn thước vừa làm cây sáo chống, vừa làm cây chỉa đâm ếch luôn thể. Dân chuyên nghiệp họ đứng nơi mũi xuồng và chống tới, chứ không đứng đằng sau lái xuồng như cách chống xuồng mà ta thường thấy . Vì đứng ở mũi xuồng có cái lợi là khi mình gặp ếch là mình có phản ứng nhanh; còn đứng sau lái mà chống, mũi xuồng lướt tới trước, nghe động tịnh là ếch nhảy xuống nước liền nên mình khó bắt được chúng.  Khi gặp ếch đang nằm trong bụi cỏ là họ lẹ làng chậm xuồng lại và nhanh tay trở cán sào làm cán chỉa và đâm liền. Nếu chậm, nghe tiếng động là con ếch lẹ làng lặn sâu xuống nước,
 mà nước ngoài đồng bao la và sâu nên khó bắt kịp nó lắm.

Thường cách soi ếch này người ta hay đi vào ban đêm dễ bắt hơn là ban ngày. Ban đêm có ánh đèn sáng làm mắt con ếch bị choá ánh đèn nên nó nằm yêm tại chỗ không dám nhúc nhích cục cựa gì ; do vậy người ta chỉ cần đưa nhẹ cán chỉa lại gần là đâm được con ếch đang nằm liền.

Vào những ngày mùa bắt cóc, nhái, ếch, thức ăn chính trong các gia đình dân quê là thịt cóc, nhái và ếch. Nhà nào cũng ăn những loại thịt này. Những loại thịt này được liệt vào loại thịt rừng nên mọi nấu nướng chế biến đều có món sả và ớt để khử đi mùi tanh của chúng là chính . Trong ba giống vật mà tôi vừa ghi lại,  thịt của chúng, mỗi loại có đặc điểm riêng. Ếch thì thịt nhiều nhưng hơi tanh; còn nhái thịt ít nhưng thớ thịt trong suốt, hấp dẫn; riêng cóc thì thấy lớp da sần sùi trông thấy phát ớn, nhưng thịt cóc khi nấu chin ít tanh và ngọt nước. Âu, đó cũng chỉ là cách nhìn của riêng mỗi người thôi, không có gì chắc chắn nhận xét này là hoàn toàn đúng như vậy. Dĩ nhiên, điều này còn tùy ở mỗi người với ý thích và khẩu vị
 khác nhau và có khi có người còn không ăn nổi thịt cóc, thịt nhái và thịt ếch nữa. Biết đâu chừng !!!

Nhưng có lẻ các món xào nấu sau đậy là những món ăn thường thấy của ba loại thịt này như thịt cóc nấu cháo đậu xanh ăn rất bổ và mát; thịt cóc xào sả ớt; thịt cóc ướp tiêu hành tỏi gói lá mảng cầu non rồi cặp gắp nướng lửa than là hết sẩy; bao tử cóc hấp với nấm rơm, nấm mối rất ngọt nước; gan cóc ăn rất bùi; mỡ cóc, ở nhà quê còn gọi mồng tơi, rất béo và thơm, nhưng trứng cóc rất độc và ai ăn phải trứng cóc, nếu ít thì bị ói mữa, ăn nhiều thì chịu chết, không thuốc chữa. Về điều này, nhớ có lần tôi đã viết về nạn ngộ độc trứng cóc trong cuốn Bến Bờ Còn Lại, làm chết mấy chị em trong một gia đình nghèo ở quê tôi vào những năm đầu thập niên 1980. Trong dân gian thường hay nói “gan công, mật cóc”, nhưng trứng cóc
 mới là món thuốc độc giết người có thật.

Về thịt nhái, món mà dân quê thích ăn là nhái xào sả ớt; vì con nhái quá nhỏ nên ít ai nướng, nên món thông dụng khác là nhái xào măng tre. Vào mùa nhái cũng là mùa mưa nên măng tre trong vườn nhà nào cũng có măng. Do vậy nhái xào măng tre trong các bữa cơm nhà quê là món rất hấp dẫn. Như trên đã thưa là thịt nhái trong vắt nên các món ăn nấu bằng  thịt nhái luôn hấp dẫn không thua gì thịt cóc.

Riêng anh chàng ếch so với nhái và cóc thì lớn con hơn cả, do vậy thịt nhiều hơn. Món thịt ếch ở nhà quê ưa nấu nướng là món ếch xào sả ớt vì thịt ếch có mùi tanh nên chỉ có sả và ớt làm miếng thịt ếch hết tanh và ngon hơn . Tuy nhiên, người ta cũng hay làm món ếch xào lăn với nước cốt dừa như món lươn um nước cốt dừa. Ít ai ăn ếch nướng. Ở chợ búa người ta chế biến ra món ếch chiên bơ mà dân nhậu ở thành thị khá mặn miệng với món này; dân quê thì không , vì có bơ đâu mà chiên, vả lại bơ dù ngon là ngon với dân chợ búa chứ dân nhà quê thì khoái mỡ heo thắng trong vắt hơn nhiều.


Tóm lại, qua việc bắt cóc nhái ở nhà quê những mùa màng ngày xưa chỉ là việc kiếm thêm thức ăn trong những bữa cơm gia đình, không ai nghĩ là mình sẽ sống với nghề bắt cóc nhái ếch. Dần dà về sau, khi dân số sanh sôi nẩy nở thêm đông, người nghèo cũng nhiều và cóc nhái ếch cũng không còn nhiều như xưa, nên phải chuyên môn lắm mới bắt được chúng. Do vậy mà ở nhà quê mấy năm thập niên 1980 có nhiều nhà chuyên sống với nghề bắt cóc nhái này.

Thường thường sinh hoạt của xóm lao động này là họ lấy đêm làm ngày, lấy ngày làm đêm, nên mọi mất mát gà vịt, cây trái trong xóm trong làng thường thường người ta hay nghi ngờ mấy người bắt cóc nhái này lấy trộm. Về chuyện này không phải là không có, nhưng nói rằng hầu hết những người bắt cóc nhái để bán kiếm sống là những người ăn cắp vặt trong làng, trong xóm nhiều khi cũng rất oan cho họ. Thiết nghĩ , đó chẳng qua chỉ là một thành kiến cố hữu của nhiều người, nên mong mọi người lâu lâu nên nghĩ lại mà thay đổi một cách nhìn về những xóm nhà nghèo chuyên sống nghề bắt cóc, bắt nhái, bắt ếch lo cho đời sống quá cơ cực của họ.

Mọi sinh vật trong trời đất, loài nào cũng có lúc cần cho con người. Cóc , nhái, ếch tuy ở đồng ruộng, ở hang  nhưng  cũng giúp con người có miếng ăn  trong các bữa cơm dù thanh đạm. Rồi nhớ tới bài học mà Tô Đông Pha khi bị đày xuống Đam Châu . “Có lần ông nhớ những con ếch, con rắn ở dưới ruộng hay trong hang thường  ngóc cổ lên như đớp ánh nắng ban mai. Đói quá, ông cũng bắt chước chúng, ngồi trước cửa , há miệng ra hớp ánh nắng, một lát thấy bớt đói, mừng quá, ông ngồi ghi vào nhật ký về cái thuật ăn nắng của ếch: “Giản dị vậy mà sao người ta không biết mà thực hành? Có lẽ tại muốn vậy thì phải có đức tự chủ mà ít ai tư chủ được. Gạo ở Đam Châu này đắt quá, cha con tôi phải dùng thuật ăn ánh nắng – Ngày 14 tháng 4 năm
 1099”(*).


Do vậy mà  suy rộng ra, dân quê tuy quê mùa nhưng cũng có lúc dân thị thành cũng cần tới họ. Nói gì dân thị thành, ngay cả những người được người đời xếp vào hạng văn nhân trí thức mà rồi có lúc cũng phải nhờ tới dân quê  để họ mới nâng cái trí, cái tài của họ lên được với đời ! Nhưng, tiếc thay, qua biết bao mùa lúa trổ, qua bao bận đổi dời, bao phen chìm nổi có mấy ai biết thương tưởng dân quê như dân quê thường hay kính trọng những người chữ nghĩa nơi chốn thị thành; hơn thế có người còn biếm nhẻ, chê bai dân quê là ‘hai lúa” này, “hai lúa” nọ, nghĩ mà đau !


Ghi chú:
(*) Theo sách “Tô Đông Pha” của Nguyễn Hiến Lê viết tựa ngày 3 tháng 9 năm 1969, Xuân Thu tái bản, không ghi năm, California, Hoa Kỳ, trang 275.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét