|
Lương Thư
Trung
Mùa xúc lùm, nhảy hùm, quậy đìa
Đời sông nơi đồng quê vốn dĩ là
một đời sống tự lực cánh sinh, nên người dân nơi ruộng đồng tìm cách này hay
cách khác bắt cá tép cho mâm cơm gia đình thêm chút thức ăn là một lẽ vô cùng tự
nhiên và giản dị.
Vào tháng tư trời hơi mưa lai
rai, nước trên các kinh rạch còn theo mực nước thủy triều lên và xuống mà dòng
nước khi lớn khi ròng. Đến gần cuối tháng tư, bước qua đầu tháng năm âm lịch màu
nước hơi đục và giữa tháng năm, các con rạch nước ương ráo trọi. Vào thời điểm
này, các bãi bùn không còn phơi mình dưới ánh nắng như những ngày hè, và cặp mé
kinh, những bờ cỏ dường như mừng nước ương, chúng lại bỏ ngọn bò dài ra thêm. Và
cá tép cũng có dịp sanh sôi thêm và thường lội lòng vòng kiếm ăn nơi các về
cỏ. Biết được đường đi nước bước các loài cá tép vào mùa này như vậy, nên dân
ruộng mới bày ra cách buộc lùm là chuối khô xúc cá tép.
Nơi thôn quê vào những năm thập
niên 1940, 1950, 1960, dân cư còn thưa thớt, nơi làng quê nhà nào cũng có vườn
chuối nên lá chuối khô do vậy mà nhiều vô số kể. Có người cắt lá chuối khô làm ổ
cho heo ngủ đừng bị mũi cắn, nhưng vào những ngày tháng năm, người ta cắt lá
chuối khô buộc lại làm lùm treo dọc theo hai bên mé kinh, mé rạch, trong các
mương vườn, hoặc nơi búng đập để dụ cá tép vào trú ngụ cho những ngày mùa xúc
lùm bắt cá, bắt lươn. Muốn giữ cho cái lùm không bị trôi, thường thường người ta
buộc nó vào những nhánh tre gai hay tre mỡ róc sạch lá và cắm xuống bùn. Từ lùm
này cách lùm kia khoảng từ năm tới mười thước. Vì nếu buộc hai cái lùm mà gần
quá thì khi xúc lùm này nước chao động dễ làm cho cá tép trong lùm bên cạnh giựt
mình và vội vàng lội tránh ra ngoài. Còn buộc lùm này cách lùm kia xa quá thì
lại hao đất đường dài, nên buộc chẳng được bao nhiêu lùm.
Hồi những năm xa xưa ấy, mỗi
người xúc lùm có thể có cả trăm lùm. Người nào hơi hổng siêng thì ít nhứt họ
cũng có năm ba chục lùm là thường. Vì thuở ấy cá tép nhiều, kinh rạch nào cũng
đầy cá, nên với năm ba chục cái lùm như vậy và ngày nào cũng xúc lùm, thì coi
như trong nhà không cần phải mua cá tép thêm làm gì. Còn người có cả trăm lùm,
không phải ngày nào họ cũng xúc cho đủ cả trăm lùm như vậy. Người ta chia ra,
ngày này xúc ba bốn chục lùm, ngày mai xúc ba bốn chục lùm kế, rồi ngày mốt xúc
ba bốn chục lùm còn lại; rồi cứ trở lại mấy chục lùm lúc đầu và cứ xoay vòng
hoài như vậy mà cá tép lại có như cũ.
Ngoài những lùm lá chuối, muốn
bắt được cá lớn như cá lóc, cá trê, cá chạch, lươn người ta đương một cái rỗ xúc
miệng tròn, vành rỗ được nức bằng cật tre già cho miệng rỗ cứng chắc, với đường
kính cỡ một thước, miễn sao khi mình xúc thì cái lùm phải nằm gọn trong rỗ; và
đáy rỗ sâu cỡ năm sáu tấc là vừa vì cá dù lớn khi lọt vô rỗ sâu như vậy khó nhảy
vọt ra được, ngoài ra, lổ rỗ bằng đầu đũa ăn để cá tép nhỏ không bị
lọt.
Người ta thường xúc lùm vào lúc
nước dưới rạch vừa đứng ròng. Sở dĩ chọn nước đứng ròng là vì cá tép có thói
quen đi kiếm ăn lúc nước lớn, nhưng khi nước ròng là chúng lội về cái lùm quen
của nó để nghĩ mệt. Do vậy, không ai xúc lùm vào lúc nước đang lớn.
Khi đi xúc lùm, người ta đem
theo cái nồi đất, loại nồi nấu cơm, miệng tròn, đáy nồi sâu để đựng cá . Cái nồi
được buộc ngang lưng quần bằng cọng dây chuối hay dây bố gì cũng được, miễn sao
mình lội tới đâu cái nồi trôi theo mình tới đó nhằm khỏi phải lội tới lội lui
khi bỏ cá tép vào cái nồi. Ngày xưa, khi còn nấu cơm bằng nồi đồng, người ta
cũng thích dùng nồi đồng đưng cá vì nồi đồng miệng nhỏ, đáy nồi sâu nên cá khó
nhảy ra ngoài. Sau này, khi dân quê có nồi nhôm, nồi gang, người ta cũng dùng
các loại nồi này trong việc đựng cá tép khi xúc lùm.
Về cách xúc lùm, thật ra chẳng
có gì khó hay mới lạ trong công việc quá 1à đơn giản này. Dân thiện nghệ thường
họ bước chưn xuống nước rất nhẹ và họ đi dưới nước chầm chậm tránh cho nước ít
chao động. Hai tay họ cầm chắc vành rỗ và đẩy nhẹ cái rỗ xúc gần cái lùm và họ
lẹ làng nâng rỗ xúc lên khi cái lùm nằm gọn trong cái rỗ. Tiếp theo, họ lui gần
bờ và giũ lùm lá chuối cho cá tép rớt ra rỗ. Sau đó họ bỏ nhẹ cái lùm trở lại vị
trí cũ. Khi giũ cái lùm, nếu có cá chạch, lươn hoặc có cá lớn là chúng chạy rần
rần chung quanh thành rỗ và người ta nâng rỗ cao lên cho cá khỏi
nhảy.
Khi bỏ cá tép vô nồi, bạn nhớ
hái lá môn nước hoặc đọt tàu lá chuối tươi đậy lên miệng nồi cho cá đừng nhảy
hoặc bạn ngắt mấy đọt cỏ mồm bỏ phủ lên trên miệng nồi cũng được, miễn sao làm
cho cá tép không nhảy ra ngoài là được rồi. Xúc lùm này xong, lại tiếp tục xúc
lùm kế tiếp, cho tới khi nào bạn xúc hết lùm thì thôi, nếu bạn có khoảng ba ốn
chục lùm; trường hợp nhiều lùm như trên tôi có ghi lại là bạn chừa các lùm còn
lại cho hôm sau xúc tiếp .
Xúc lùm, cái chính là di chuyển
cái rỗ xúc vừa êm mà nhanh, còn nhảy hùm mà tôi sắp kể, người nhà quê họ làm
những động tác trái ngược với xúc lùm. Vì nhảy hùm vào mùa nước đổ này, người ta
không phải buộc lùm hay nhữ mồi cho cá tép gì hết mà chỉ có cái rỗ xúc là đủ. Và
cứ thế, người ta đi dọc theo các bờ kinh rạch rồi quan sát xem chỗ nào ít cỏ, bờ
kinh hơi lài lài, đừng hẩm sâu quá và nhứt là mực nước ngang lưng quần là tốt,
nếu có sâu thì ngang ngực là tối đa. Vì nếu sâu quá nó làm cho mình đứng không
vững, mà đứng không vững thì khó mà nhảy hùm cho nước dội mạnh và cái rỗ xúc
mình cầm cũng không đủ vững để mà xúc cá cho lẹ.
Sau khi chọn địa điễm xong là
người nhảy hùm để cái nồi đựng cá trên bờ, lựa chỗ cho bằng phẳng để cái nồi cá
tép không bị lật đổ. Rồi họ từ từ bước xuống nước, lựa thế đứng cho vững vàng và
hai tay cầm vành rỗ cho chăc chắn, rồi bắt đấu đưa cái rỗ xúc lên cao ngang đầu
và đẩy mạnh cái rỗ xuống nước cho nước văng tung tóe như mình tắm sông quơ hai
tay đập nước vậy. Tùy theo sức hai tay mạnh hay yếu, người ta nâng cái rỗ lên và
xuống như vậy năm mười lần, có khi mười lăm hai chục lần và khi gần mỏi tay, họ
mới lẹ làng đưa cái rỗ ra xa trước mặt và xúc nhanh vô bụng một rỗ nước đầy ,
rồi nâng lên mặt nước ngay lập tức. Cá tép vậy mà không chịu lội tránh chỗ khác,
chúng lại mắc kẹt trong rỗ cũng bộn. Có khi được năm mười con tép rong, tép đất,
tép bạc, năm ba con cá chốt giấy, cá chốt sọc, cá chốt chuột. Nhiều khi cũng có
cá linh già sắp lên ruộng cũng dính vô rỗ; rồi nào là cá chạch, cá rầm, cá vảnh,
cá mè vinh lớn bề ngang cỡ ba bốn phân.
Không biết tại sao khi mình
quậy đùng đùng như vậy mà cá tép vẫn bu lại, không chịu lội chỗ khác. Dân quê
giải thích ngày xưa cá tép nhiều, mỗi khi mình lội xuống kinh rạch là y như rằng
cá tép bu lại rỉa vào da thịt mình. Bạn nào có ở nhà quê, có lội tắm dưới sông
rạch thì sẽ biết cá nó rỉa mình đến mực nào. Nhứt là cá linh, cá lòng tong, cá
chốt và ác hơn nữa là thứ cá nóc nó cắn ngón chưn mình khuyết một lỗ tròn ,chảy
máu ròng ròng. Do vậy, mà vào những năm xa xưa ấy, người ta nhảy hùm là có ý dụ
cá bu lại rỉa mình rồi mình dùng rỗ xúc mà xúc nó.
Một buổi nhảy hùm, tùy theo cá
nhiều cá ít, tùy theo các địa điểm còn mới chưa ai nhảy qua rồi, mỗi buổi như
vậy nếu mình có sức nhảy vài chục nền, cá tép có khi được khá bộn. Hồi nhỏ, chỗ
tôi biết, mỗi nền như vậy ít khi nào mà người ta xách rỗ không đi lên bờ vì thế
nào cũng được năm ba con cá tép là thường.
Nhưng có lẽ, cái thú quậy đìa
cho nước đục để cá nổi râu mà bắt cá là ham nhứt. Vào những tháng mưa này, những
đìa cạn tháng hai, tháng ba có nước mưa trở lại và là những căn nhà cũ một thời
để đợi chờ các anh chị cá tép một thời sống những nơi này, rồi ra sông rạch và
nay được dịp quay lại những đìa bàu. Bởi cá nhớ đồng, ếch nhớ hang và con người
nhớ chốn cố hương, nên nơi miền quê sông rạch, nơi nào cá trê năm trước quậy
hang làm ổ đẻ con, thì y như rằng năm sau cũng cái hang ấy cá trê lại trở về
quậy hang làm ổ. Do vậy cá năm trước ở đìa, lung nào là năm sau, phần đông chúng
thường trở lại những đìa, lung năm cũ, chỉ trừ một vài trường hợp “lạc
đường”.
Sở dĩ người nhà quê biết được
đặc tính cá về đồng cũ này là do sống ở ruộng từ nhỏ rồi giăng lưới, giăng câu,
tát đìa, bắt lóng mà người ta nhận ra như vậy. Chẳng hạn vạt lung nào nhiều cá
mè vinh hay cá vảnh, thì năm nào vạt lung đó cũng nhiều cá vảnh, cá mè vinh. Còn
cánh đồng nào giăng câu nhiều cá trê vàng, hoặc cá trèn, cá kết, thì năm sau vào
mùa giăng câu, giăng lưới, khi mình trở lại cánh đồng đó mà bủa lưới, bủa câu
thì sẽ bắt được rặt những màu cá như vậy.
Một đặc tính nữa của loài cá
là cá quen gốc, bò quen chuồng, chim quen cành. Những gốc cây nào năm trước
người ta thường cất tum ngồi rình cá bông, thì năm sau y như rằng cá bông ưa dựa
vào những gốc cây cũ ấy và ít ai chịu dời cái tum sang địa điểm khác. Cá sông
cũng vậy, dưới chưn cầu Nguyễn Trung Trực ở của Lò Thiêu (Long Xuyên) là nơi cá
lăng ưa dựa. Chúng ở quen đến độ ngày xưa, khoảng năm 1956, 1957, tôi đi theo
một người quen mà tôi ở trọ nhà đặng đi học, một hôm câu cá lăng bằng mồi thuốc
dưới dạ cầu này, chỉ dính cá lăng toàn là cá lăng thôi, đôi khi có vài con cá
khác như cá chạch lấu, cá ba sa, cá vồ đém nhưng cá lăng vẫn là loại cá chính
nơi những trụ cầu này..
Biết được cá về đìa sau cơn mưa
và sông rạch những ngày nước ương, nên cư dân miền quê thường rủ nhau đi quậy
đìa vào những ngày mùa nầy. Vào mùa này, đa phần nước dưới đìa thì trong vắt vì
đìa nào cũng là chỗ trũng chứa nước phèn trên ruộng rỏ xuống. Nhưng khi có mưa
mang theo bùn của đất cày, một vài đìa có nước đục. Do vậy cái quan trọng đầu
tiên là người ta chọn đìa nào để bằt đầu xuống quậy. Vì đìa nào cũng nước là
nước, nếu không chọn kỹ lưỡng, gặp đìa không có cá mà xúm nhau quậy thì sẽ uổng
công.
Hai dấu hiệu đìa có cá ở là cá
lên ụp móng nhiều, và nước đục ngầu. Cá lên ụp móng là có cá nhưng chưa chắc có
cá lớn; còn nước mà ngầu đục, thì thế nào đìa này cũng có cá lóc, cá trê quậy ồ
đẻ.
Sau khi quan sát kỹ lưỡng đâu
đó rồi, mọi người cùng nhau lội xuống đìa, thường thường nếu số người hơi ít,
thì chừng ba bốn người hoặc đông hơn thì năm mười người một miệng đìa và bắt đầu
quậy bằng cách lấy nôm úp lia chia cho cá hoảng hồn, rồi lấy tay chưn quơ đạp
cho nước dậy bùn lên, mục đích làm cho cá tép bị nước bùn làm cay mắt và nổi lờ
đờ cặp mé cỏ hay bơi bơi giữa vùng nước đục.
Khi thấy cá tép bắt đầu nổi,
người ta dùng lưới kéo, hoặc rỗ xúc, hay cái xịa mà xúc lớp cá nổi trên mặt nước
hoặc cặp theo mé đìa. Còn ai cầm nôm thì cứ nôm bắt cá lóc, cá trê, cá rô. Có
người còn thọc tay vô hang bắt cá trốn trong hang hoặc mò cá rô, cá sặt, cá lóc,
cá trê trốn dưới các dâu chân.
Sau khi thấy hết cá trong đìa,
cùng kéo nhau lên bờ và đi kiếm thêm miệng đìa khác gần đó để quậy đìa tiếp. Một
ngày như vậy, người ta quậy tối đa chừng ba miệng đìa là nhiều vì vừa quậy vừa
bắt cá tép, tùy theo đìa lớn hoặc đìa nhỏ, cá nhiều hoặc cá ít, nhưng trung bình
mỗi miệng đìa cũng phải mất vài ba tiếng đồng hồ mới xong.
Việc bắt cá, vì cùng quậy đìa
chung, nên cá bắt để chung với nhau, chừng nào xong đâu đấy rồi, anh em mới ngồi
lại chia cá cho mọi người. Cách chia cá này giống như chia chuột vậy, tức là
cũng chia theo mớ nhắm tương đối thôi, chứ không phải cân phân nhỏ nhặt gì.
Người nào đứng ra chia thì nhường cho những người khác bắt phần trước, mình bắt
phần sau chót. Tuy nhiên, có nhiều lúc không bắt cá để chung như vậy dù cùng
nhau quậy một miệng đìa, mà họ bắt riêng, ai được nhiều thì nhờ, ai được ít cũng
vui vẻ nhận là bữa nay mình bắt cá dở, hổng có hên; rồi người nào bắt cá nhiều
cũng cùng chia bớt lại cho bạn mình. Nhiều lúc quậy đìa như vậy rất mệt, nhưng
trên đường về nhà với mớ cá trong thùng, ai cũng vui vẻ và hẹn hôm sau hay bữa
nào rảnh rang đi quậy đìa nữa, vui lắm.
Tóm lại, qua ba hình thức bắt
cá tép như xúc lùm, nhảy hùm, quậy đìa mà tôi vừa kể, vào những ngày xa xưa ấy,
dân quê miền sông nước thuộc những cánh đồng lúa mùa miệt cầu số Năm, Kinh xáng
Bốn Tổng, Ba Bần, Định Mỹ, Bờ Ao, Bắc Dục, Cái Sao, Cái Dung, Tân Bình, Lấp Vò,
Mỹ An Hưng, Chợ Mới, Mặc Cần Dưng, Hang Tra, Trà Kiết…, đâu đâu vào mùa nước
ương này, dân ruộng khắp nơi không hẹn mà lại gặp nhau qua ba cách bắt cá tép vô
cùng đơn giản này hầu chứng thực rằng câu nói mà nhiều người thường nói “làm
chơi mà ăn thiệt”, ngoài ngụ ý chỉ việc trồng lúa, thì trong trường hợp bắt cá
tép này cũng trúng lắm…
|
Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013
MÙA QUẬY ĐÌA
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét