|
Lương Thư
Trung
Mùa cá về đồng
Tháng tư, trời mưa, thì cá về
đồng. Qua các mùa xúc lùm, quậy đìa, tôi có nhắc về mấy anh chị cá sông, cá đồng
bắt đầu những chuyến về đồng, trở lại những lung vũng, đìa bàu một thời theo
thời tiết tuần hoàn. Dường như trời đất sanh ra vạn vật muôn loài và trời đất
cũng ban cho mỗi loài có những nhận biết lúc nào mình nên sống ở đâu và lúc nào
về đâu. Các loại cá tôm cũng không ra ngoài các nhận biết ấy.
Khi trời vừa bắt đầu mùa mưa,
cá trong ao hồ sông rạch cũng sẵn sàng mang trong bụng những chùm trứng ửng
vàng ra tới ngoài lớp da mỏng dánh. Thế rồi mưa già, cá biết là mình không thể
nào ở mãi trong kinh rạch và các ao hồ này để mà sanh nở được; và rồi, chúng lục
tục rủ nhau vượt ao hồ, giả từ kinh rạch mà lên đồng như một chuyến chuyển
mùa…
Với cá lóc chúng không có mang
bén nhọn, nhưng chúng có thân hình thon dài nên chúng tận dụng lợi điểm này mà
dùng hết sức bình sinh nhảy vọt lên bờ đập, bờ mương mà lội ra rạch, ra kinh hầu
tìm đường vượt kinh vượt rạch phăng phăng kiếm đường nước, ống bộng, kinh phèn
để lên đồng.
Với cá trê trắng, cá trê vàng,
chúng dùng hai cái ngạnh nhọn hoắc mà leo trèo qua những bờ đất thấp vượt khô,
vượt cạn lần mò về lại những bến bờ ngày cũ. Trong trường hợp những nơi nào
thuận tiện cho việc bơi lội bình thường của các loài cá, chúng cũng như cá lóc,
cá rô, chúng lại bơi lội theo những dòng nước ngược mà chui vô bộng, vô hang cua
dọc theo các bờ đập cũ ăn thông ra ngoài kinh mương mà trở về đồng như mọi loài
cá đang tìm đường lên đồng theo cách thông thường.
Còn loài cá rô, chúng lại lên
đồng bằng cách dùng hai cái mang bén ngót làm dụng cụ mà bò, mà lóc lên những
vách ao hồ chớn chở hầu tìm đường ra sông rạch mà về đồng.
Cá đồng, còn được gọi là cá
đen, về đồng là thế; nhưng với cá sông hay còn gọi là cá trắng, thì chúng lên
đồng là nương theo những con nước ngập lụt tràn đồng, bởi lẽ giản dị là nước bò
tới đâu cá trắng theo tới đó. Những loại cá sông này chúng không háo hức vượt
cạn, vượt khô mà lên đồng sớm làm gì vì lên đồng sớm quá chẳng những không có đủ
nước để chúng bơi lội đã đành, mà còn vì từ lúc mới sanh ra đời chúng đã quen
sông sâu nước chảy rồi. Nên khi cá trắng lên ruộng, lên đồng vào những tháng
nước lụt, chẳng qua, đối với những loài cá trắng này chỉ là một chuyến du lịch
vậy thôi chứ không như cá đen là trở về chốn cũ, dù đôi lúc cá trắng cũng về lại
những vạt rong cũ một thời…
Biết được những mùa màng cá
thích di chuyển như thế, nên dân ruộng mới nghĩ ra cách làm sao bắt cá vào mùa
này, và đa phần là bắt cá chỉ để ăn thôi, khi nào dư giả mới bán lai rai vài ba
ký gọi là có thêm ít đồng bạc mua trà, mua thuốc lá lai rai những lúc thư
nhàn.
Với cá lóc, cá rô, cá trê trong
các ao hầm, vì thấy khi có mưa già cá trong hầm leo trèo hoặc nhảy ra ngoài khi
có nước mát ngoài sông chảy riu riu vô hầm ngay chỗ búng đập, nên dân quê mới
đào hai bên trong bờ đập này hai cái hố nhỏ và lấy hai cái hủ đựng đường chảy mà
ở nhà quê thường hay dùng đựng nước lạnh để xài trong nhà, đem đặt vào hai cái
hố mới đào này. Chung quanh miệng hủ, người ta lấy bùn non tô cho láng. Khi cá
nhảy lên bờ đập, cá không ra bờ đập được vì đập còn cao, nên chúng rớt lại bên
trong bờ đập và rồi tuột xuống ao hồ. Nhưng khi tuột dài theo mé đập như vậy,
chúng lại bị lọt vô hai cái hủ đường mà người ta đặt sẵn hai bên và mắc kẹt lại
trong này. Rồi những con cá khác lại nhảy lên tìm lối ra sông, rồi lại lò mò
chui vô cái hủ nữa.
Thế là, qua một đêm mưa như
vậy, dân quê ra thăm mầy cái lu chứa cá này vài ba lần và lần nào cũng có cá mắc
kẹt trong lu như vậy, hổng nhiều thì ít, ham lắm. Nhứt là đêm mưa đầu tiên, cá
nhảy vô lu nhiều lắm; rồi sau cũng có lai rai, dần dần cá trong ao hầm dường như
bị người ta bắt hết trọi rồi, nên cá không còn nhảy hầm nữa. Nếu có còn chăng
thì chỉ còn vài ba con cá trê trắng quậy hang ngay trong hầm để đẻ hoặc vài con
cá lóc không đi đâu được, đành phải quậy ổ đẻ thí mạng cùi trong hầm, với những
ổ trứng vừa mới nở còn đóng khói đèn đen nghịt, rồi lớn dần thành những bầy cà
ròng ròng lội lòng vòng theo cá mẹ, cá cha kiếm ăn trong những lùm cỏ xước, cỏ
mồm, hoặc lục bình, rau muống ta, rau ngổ mọc dài trong mặt ao.
Ngoài ra, người ta còn bắt cá
lóc, cá trê, cá rô trong các hầm ao bằng cách đặt lọp nơi các miệng ống bộng bên
ngoài bờ đập. Khi nước sông liu riu chảy vồ ao hồ, cá bắt nước mát nơi ống bộng
và tìm đường ra ngoài. Chúng chun vô ống bộng và rồi lò mò chui vô hom thứ
nhứt, lại chui tiếp vô hom thứ hai và mắc kẹt trong lọp chận ngay bên ngoài.
Sáng ra, chủ nhà ra bờ hầm thăm lọp, nghe cá nhảy lung tung trong lọp là chắc ăn
có cá nấu chua hoặc kho mặn rồi.
Người ta còn đặt lọp bắt cá lên
đồng trên những kinh phèn, hay các búng đập có ống bộng dẫn nước vô ruộng nữa.
Với các đường nước kinh phèn, người ta chọn khúc kinh nào cò đường nước hẹp mà
đặt cái lọp xuồng chỗ đó, rồi lấy cỏ ém cho cái lọp vừa kín vừa không bị nước
cuốn trôi đi. Nước trên đồng róc rách chảy xuống, cá dưới kinh lội ngược nước
lên đồng và tới chỗ cái lọp thấy cỏ phủ kín mít, không nghi ngờ gì nữa, chúng lò
mò vọt lẹ vô cái lọp và mắc kẹt ở trong cái lọp hoài dù có cố vùng vẫy cũng
không lội ra ngoài được.
Với các búng đập, ngược với
cách đặc lọp trong ao hầm chờ cá ra, đằng này người ta đặt lọp phía bên trong
búng đập. Sau khi vần xong cái nền cho êm, người ta mới đặt cái lọp xuống chỗ
nền mới vần sao cho miệng lọp nằm trùm lên miệng bộng. Hai bên hông cái lọp cặm
hai cây cho cái lọp không bị lúc lắc và cắm một cây phía sau đít lọp và buộc sợi
dây vào cây cắm này và căng cho thẳng bằng cách cột chặt vô các cây đà ngang nơi
búng đập với mục đích làm cho cái lọp không bị nước lớn cuốn trôi đi.
Khi nước trên đồng chảy nhẹ ra
sông, cá dưới sông bắt theo giọt nước mát mà lội vô bộng đập và lui cui chui vô
miệng lọp tìm đưnờg về đồng. Nhưng khi mắc kẹt trong cái lọp này rồi, thì ôi
thôi, sáng ra, chủ lọp đi thăm lọp thì trong bụng mừng mừng, còn các anh chị cá
mắc kẹt này chỉ còn nước lóc róc rách trong cái lọp vừa dỡ lên khỏi mặt nước mà
ngao ngán những ngày bôn ba tìm về cánh đồng năm cũ năm nào, nay đã hết đường về
nữa rồi !!! …
Với cá trắng như cá thác lác,
cá chạch, cá trèn, cá nhái, cá linh, cá rằm và nhiều loại cá khác ở sông, người
ta bắt chúng vào mùa cá lên đồng này bằng nhiều dụng cụ khác nhau tùy theo thói
quen của mỗi loài cá. Nhưng cách mà người ta ưa dùng nhứt là vó cất. Loại vó
cất này tiện ở chỗ là dùng bắt cá khi cá lên đồng, mà còn dùng lại được khi cá
trên đồng lại ra sông vào tháng mười, tháng 11 âm lịch, cũng tiện
lắm.
Về hình thức vó cất, chắc ai ai
đã sống ở miền quê thuộc Long Xuyên – Châu Đốc đều biết hết cả rồi. Mới đây,
trên báo chí, nhất là các trang báo trên liên mạng, người ta đem cả vó cất lên
đường phố Hà Nội bắt cá khi nơi này bị mưa ngập lụt. Tuy nhiên, ngày xưa nơi
miền quê tôi, người ta làm vó cất với các dụng cụ thường thấy như một dụng cụ
đòn bảy cất lên và hạ xuống bằng hai trụ đứng làm điểm tựa.
Thường hai trụ này người ta
dùng cây mù u già làm trụ thì xài được năm ba mùa vì cây mù u rất dẻo, ít bị
gãy. Giữa hai trụ này người ta khoan hai lổ ăn thông qua , hầu để đút qua hai lổ
đó một cây sắt tròn, loại sắt lớn, đường kính cỡ ba phân, hầu giữ cho hai cái
cần vó cất (có nơi còn gọi là càng) dính vào nhau tạo thành một hệ thống cất vó
lên và hạ vó xuống nhịp nhàng mà không bị bung ra.
Về hai cái càng vó cất, người
ta cũng làm bằng những đọt cây sao già, nếu không có đọt cây sao, người ta dùng
cây mù u, hoặc cây bằng lăng cũng được, miễn sao nó đủ sức chịu nổi sức nặng cái
vó khi cất lên hoặc hạ xuống.
Khi có cây làm càng vó rồi,
người ta mới dùng cưa mà cưa dọc theo chiều dài mỗi cây như vậy ra làm hai và ở
gần cuối ngọn cây khoảng một thước, họ để nguyên, không cưa cho cái càng rời
ra. Cưa xong hai cái càng rồi, người ta căng càng vó ra thành hình tam giác
dùng những cật tre gốc hay loại gỗ chắc như cây tràm bằng cườm tay để đóng thành
hình nấc thang . Đóng những cây ngang hình nấc thang như vậy có hai công dụng.
trước nhứt nó là làm cho cái càng vó cứng thêm và thêm nữa, những nấc thang này
sẽ làm cho các người cất vó khi di chuyển trên các càng vó này như đi trên cái
thang mà không bị lót chưn và khỏi té ngã.. Thế rồi, họ mới để hai cái càng này
ra ngoài nắng phơi cho cây ráo mủ, nhưng không phơi cây khô quá vì cây khô thì
giòn mà giòn quá lại dễ bị gãy.
Sau đó, họ lại tìm bốn cây tre
mạnh tông khá già dùng làm bốn cái gọng vó. Trường hợp không có tre mạnh tong,
họ xài tạm loại tre mỡ, tre gai, nhưng không gì bằng tre tàu, tre mạnh tông mà
làm càng vó thì bền nhứt . Người ta róc sạch nhánh tre và đốt lửa uốn cho cây
tre cong lại theo chiều cong vút như các gọng vó mà các bạn thường thấy. Ngày
xưa, người ta hay mua những miệng chài, hoặc lưới về ráp lại làm vó cất; nhưng
sau này ở các tiệm bán chài lưới vùng Long Xuyên có bán những miệng vó đan sẵn
bằng chỉ gai hoặc chỉ nilon, tiện và bền.
Dụng cụ sẵn sàng rồi, người ta
chọn những nền để xuống vó. Thường thường mùa cá lên đồng hay mùa cá ra sông ,
các loài cá theo những vàm mương, vàm kinh để di chuyển theo từng mùa. Do vậy,
những nền vò cất thường đặt nơi những vàm kinh rạch như vậy. Trường hợp nhà ở xa
vàm kinh, vàm rạch, người chủ vò cò thể hỏi chủ đất gần vàm kinh cho mình đặt
nhờ nền vó. Ngày xưa, không ai cho mướn nền bao giờ, mà chỉ cho mượn chỗ dười
kinh rạch vậy thôi. Để đáp lại, chủ vó thường cho chủ đất cá tép khi mình cất vó
có cá. Cho qua cho lại như vậy chẳng qua phép xử thế ngày xưa chỉ vì cái tình
chòm xóm hơn là so đo hơn thiệt gì trong các việc nhỏ nhặt này.
Khi có nền rồi, người ta mới
lội xuống dò xem chỗ này có gốc cây hay chà lú gì không. Nếu có gốc, có chà, thì
họ xúm nhau lặn hụp lấy chà, lấy gốc lên tránh cho vó không bị vuớng chà gốc sau
này có khi bị rách vó. Sau đó, người ta xuống hai trụ vó trước, rồi mới gắn hai
cái càng vó sau . Ở mỗi hai gốc càng vó này, người ta cũng khoan hai cái lỗ sao
cho cây sắt xỏ qua trụ vó lọt qua được làm thành điểm tuựa của vó
cất.
Muốn giữ cho hai càng vó có thể
kéo lên hạ xuống được, ngưới ta dùng dây kẻm gai buộc hai đầu hai càng vó sao
cho càng trong bờ vừa hạ xuống ngang mặt nước thì phần càng vó đầu kia kéo cái
vó lên khỏi mặt nước là thăng bằng. Muốn thế, hai càng này ở vị trí hai cạnh một
tam giác cân, và sợi dây buộc hai càng là đáy của tam giác cân ấy.
Xong đâu đấy, người ta mới buộc
bốn gọng vó bằng bốn cây tre mạnh tong vừa kể, gốc ở trên cao, ngọn quay về
hướng mặt nước, tạo thành hình chong chóng với bốn nhánh cong vòng xuống như
bốn vòng cung, mà trong ca dao thường hay nhắc:”Trời mưa nhà dột chảy re, Lá tre
hứng nước ngọn tre cong vòng”.
Sau đó, người ta mới căng vó
vào bốn chót ngọn của gọng vó ấy. Dù hứng cá về đồng vào tháng tư, tháng 5 hay
cá ra sông tháng 10, tháng 11 âm lịch, miệng vó bao giờ cũng quay về hướng ngược
nước và chìm sâu xuống cỡ năm bảy tấc để cá khỏi phải bị vướng lưới mà dội lại.
Ba phía kia của vó cất ở mức cao hơn mặt nước vài tấc cho cá tép khi vào vó cất
rồi là khó mà nhảy ra ngoài được.
Ngoài ra, để tiện việc cất vó
lên xuống, người ta buộc vào đầu càng trong phần gần bờ một sợi dây luộc dài .
Sợi dây luộc này giúp cho việc cất vó lên và hạ vó xuống nhịp nhàng mà không bị
trở ngại khi phải leo trèo lên để kéo cây càng vó xuống lúc chúng ở trên cao vòi
vọi. Thêm vào đó, người ta còn buộc ở bốn gọng vó bốn sợi dây kẻm gai dài và
căng sao cho bốn sợi dây này vừa đủ để giữ cho bốn gọng vó không bị xê dịch theo
gió hầu mỗi khi mình kéo vó lên xuống nó vững vàng, không bị lật nhào, gãy
đổ.
Thời khắc hứng cá tùy theo con
nước lớn ròng mà hứng. Thường thường khoảng thời gian lý tưởng nhất để hứng cá
lên đồng là khi nước bắt đầu vừa đứng lớn, hứng cho tới khi nước chảy hơi mạnh
thì ngưng vì nước chảy mạnh quá cái tùng vó bị nước bọc và căng tròn nặng quá,
chẳng những kéo vó lên vừa nặng, có khi bị gãy gọng, gãy càng và cá khi nước
chảy mạnh quá cũng khó mà hứng bắt chúng được.
Thường thường bắt cá vào mùa cá
lên đồng này chỉ được vài tháng. Tới nước dưới sông chảy xiết vào tháng sáu,
tháng bảy thì người ta cuốn vó về nghỉ chờ mùa cá ra sông vì lúc bấy giờ cá dưới
sông đã theo nước vô đồng nhiều rồi, nếu còn cũng chẳng còn bao nhiêu, mà nước
sông chảy xiết quá nên cất vó vào lúc này vất vả mà không được bao nhiêu cá tép
gí!
Ngoài những cách bắt cá lên
đồng vừa kể vào mùa này, trong bài mùa bắt lươn, bắt lịch, tôi có nhắc cách soi
lươn , soi cá vào mùa này. Ở đây, chỉ xin nhắc lại cách soi cá tháng mưa .
Thường thường, sau khi vượt sâu, vượt cạn lên đồng được rồi, các loài cá cứ tìm
lung vũng để quậy hang, quậy ổ mà đẻ. Và nông dân cũng biết như vậy, nên người
ta mới rủ nhau xách đèn đi soi cá dọc theo các lung vũng ấy. Người ta soi cá
bằng nôm, bằng chỉa, bằng dao dâu, dao yếm.
Dù soi cá bằng phương tiện nào,
ngày xưa cốt yếu là soi cá để ăn chứ ít ai nghĩ bắt cá để bán, vì hồi đó cá
nhiều lắm và ai bắt cũng có, nên bán cho ai. Và nếu có bán cá soi được thì bán
cũng chẳng được mấy đồng. Do vậy mà ở nhà quê vào những năm cách nay năm sáu
mươi năm có một thời cá tôm nhiều vô số kể và bắt cá theo từng mùa như mùa cá
lên đồng là một thú vui nơi thôn xóm quê mùa vậy.
Tháng bảy nước nhảy khỏi bờ là
thời khắc cá đã lên đồng nhiều rồi, để tháng tám chúng lội tung tăng trong những
cánh đồng lúa mùa rì rào; rồi tháng chin cá tôm lại có những cuộc sống thích hợp
với những cánh đồng nước cỏ trong leo lẻo với những đám lúa tròn mình. Chìm sâu
dưới những vạt lung xanh mướt ngọn mã đề, rong đuôi chồn, bông súng, củ co,
cùng những gốc lúa thơm thơm mùi nước cỏ che khuất cả một vùng yên tịnh mênh
mang làm ấm những căn nhà cho cá tôm nhàn du trong thế giới riêng tư của chúng,
và cũng là dịp để dân ruộng có những cuộc vui thú riêng của họ trong những mùa
màng tôm cá này sao cho phù hợp với thiên thời, địa lợi , nhơn hòa của mình.
Sống ở nhà quê vào những ngày xa xưa ấy là sống cốt lấy chữ nhàn làm chính, lấy
chữ tương thân làm trọng, lấy chữ tình cảm giữa người với người, giữa chòm xóm
làng giềng với nhau làm bền là một lẽ sống ý nghĩa một thời vậy!
|
Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013
MÙA CÁ VỀ ĐỒNG
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét