|
Lương Thư Trung
Mùa xuống bửng,
đặt lọp và đặt lờ (*)
Mưa
tháng tư, nước quay tháng năm và mùa cá về đồng cũng là bắt đầu những ngày xuống
bửng, đặt lọp, đặt lờ. Vào những tháng nước ương và xoay chiều ấy là lúc mấy chị
tôm trứng cũng dạo chơi khắp các vùng sông rạch. Chúng bơi từ những căn nhà
trên các con sông cái rồi trôi vô sông rạch nhỏ, kinh mương và khi nước nhiều,
chúng lại lò mò lên đồng lên ruộng như những chuyến giang hồ. Xuống bửng đặt lọp
cũng như chuẩn bị cho một mùa đặt lờ phải kịp thời khắc như vậy mới chắc ăn, nếu
không kẻo trễ.
Muốn có lọp và lờ để bắt cá tôm, dân quê họ chuẩn bị từ
rất sớm, vào những ngày còn mùa hè nắng nóng. Họ đi lục tìm trong các vườn tre,
vườn trúc trồng rải rác khắp thôn quê để tìm kiếm và lựa mua những cây tre,
trúc già và ngay thẳng về làm lọp, làm lờ, rồi bện đăng làm bửng. Khi có tre,
trúc rồi họ mới tùy theo muốn làm đăng thì họ cắt đoạn ngắn dài làm đăng; muốn
làm lọp họ lại lựa tre ngay cắt đoạn ra rồi chẻ tre làm rẻ lọp; muốn làm hom
lọp, họ lựa những khúc tre dao lóng và cắt theo ni tấc cho vừa vặn với kích
thước ngắn dài của từng loại lọp mà dùng làm hom . Rồi cũng còn tùy loại lọp
đặt tôm, lọp đặt cá lóc, lọp đặt cua, lọp đặt tép, lọp đặt cá chạch, mỗi loại
kích thước có khác xa nhau, nhưng loại nào, dù lớn hay nhỏ đều phải có hai cái
hom, một hom để nhử cá tôm vô và một hom để bắt cá. Còn lờ, nói thì chung chung
như vậy nhưng có hai loại lờ, một đan bằng tre dùng bắt tôm và một loại đan bằng
trúc để bắt cá sặt.
Lọp
khác với lờ ở chỗ lọp thì phải bện bằng dây choại, rẻ lọp tròn và dài; trong khi
lờ lại phải đan bằng nan tre chẻ nghiêng và đan long mốt như đan rổ với lỗ
vuông chừng một phân rưởi nếu lờ đặt tôm; còn lờ bắt cá sặt thì lỗ lờ nhỏ hơn.
Riêng lờ bắt cá sặt đan bằng nan trúc, người ta chuốt nan rất bóng, còn lờ đăt
tôm thì nan lờ chỉ chẻ nan nghiêng thôi và lấy bùi nhùi đốt lên thui cho nan
sạch những sợi tre nhỏ còn dính trong nan tre để sau này dễ đan và khỏi bị đóng
rong.
Về
kích thước, hình dáng của lọp đặt tôm thì dài cỡ từ tám tấc tới một thước. Miệng
lọp hình tròn, đít lọp hình bầu dục nhưng phía dưới chỗ tiếp giáp với nền đặt
lọp thì vòng cung rộng ra, còn phía trên hơi tóp nhọn lại như đỉnh hình tam
giác. Ngay chỗ phía đít lọp, phần nằm sát mặt đất, hoặc ngay phía sau đít lọp
người ta chừa cái cửa cỡ bàn tay dùng để trút tôm cá ra khi dỡ lọp. Cửa này
thường làm bằng miếng ván mỏng có dây buộc lại cho chắc chắn để cá tôm khỏi phá
lọp chun ra ngoài. Lọp tôm tương đối bện đừng dày quá, mà cũng không thưa quá ;
khoảng cách giữa hai rẻ lọp cỡ một phân hoặc một phân rưởi là vừa. Thường thường
cọng dây choại lớn cỡ đầu đủa ăn, khi bện mình lọp, người ta chỉ cần ngoai một
ngoai là vừa, nếu ngoai hai bận thì hai rẻ lọp sẽ thưa ra . Vì nếu bện lọp mà
thưa quá thì tôm lóng dễ bị lọt; còn nếu bện các rẻ cách nhau quá khít thì cái
lọp sẽ tối om om, nên cá tôm ít chịu vô lọp.
Còn
lọp đặt cá lóc thì rẻ lọp lớn hơn lọp tôm và bện lọp cũng thưa hơn cho cá thấy
cái lọp nó ít bị dội ra. Nhưng lọp đặt cá chạch, lọp tép thì trái lại vì các
loại cá tép này nhỏ nên không cần phải làm
lọp cho lớn làm gì và người ta chuốt rẻ lọp thật bóng cá tép mới dạn vô. Loại
lọp này ngày xưa thường làm bằng tre nhưng về sau này người ta chế biến ra
thường làm bằng trúc. Lọp làm bằng trúc chỉ xài qua một mùa là lọp bị yếu ớt
rồi, nên dùng tre làm lọp thì xài bền hơn. Nếu mua lọp, lờ làm bằng trúc miệt
Lai Vung, Đức Thành thuộc Sa Đéc, làm sẵn để bán, gọi là lọp hàng, thì lại càng
mau hư vì người ta làm lọp, làm lờ để bán nên phải làm nhanh, khéo và bóng, thấy
đẹp nhưng không chắc chắn bằng lọp, lờ ở nhà làm để đặt cá tép.
Ngày trước dân quê dùng toàn dây choại bện đăng, bện
lọp. Mấy năm 1980, người ta dùng dây nilon, dây chì bện đăng , bện lọp, nhưng
dây choại là loại dây thông dụng hơn cả vì cọng dây nó lớn dễ bện; hơn nữa, thuở
xa xưa dây choại miệt Cà Mau, U Minh thường đem lên miệt Long Xuyên, Sa Đéc,
Chợ Mới, Lấp Vò, Ba Thê, Núi Sập và các vùng phía trên thuộc “Thất Sơn Châu Đốc”
để bán cho dân làm bửng, nên các vựa lá tàu bán lá lợp nhà ưa bán dây choại này
, cho nên mùa làm lọp, người ta mua dây choại dữ lắm.
(
Xin mở ở đây dấu ngoặc để nói một chút về loại dây choại này mà những năm sau
1975, tôi có dịp mỗi ngày vô rừng tràm bứt dây choại. Chúng còn được gọi là “dây
chạy”, là loại dây leo, rất dài, có khi dài đến 20 thước, thân có vảy đen và rất
giòn không dùng trong việc bện đăng được; lá lưỡng hình dài cỡ một thước; lá phụ
bề rộng từ 2 tới 3 phân, bìa lá có răng cưa nhọn. Chúng thường mọc nơi ẩm thấp,
lầy lội trong các khu rừng tràm, cặp bờ mương, và có ngó bò rất dài, và người ta
bứt các ngó này về phơi khô dùng để buộc cột kèo cất nhà, cất trại và bện đăng
lọp. Loại ngó dây choại này có ưu điểm là khi phơi thiệt khô rồi đem ngâm nước,
dây trở lại mềm và dẻo, bứt không đứt.
Những năm tháng ấy ngày nào tôi cũng vô rừng tràm bứt
ngó dây choại này. Mỗi ngày bứt trung bình từ 500 cọng tới một thiên, tức là đếm
cỡ một ngàn cọng ngó dây choại như vậy rồi quấn tròn lại thành những bó tròn như
bánh xe hơi mang về phơi khô . Hồi mới khai phá rừng tràm trồng khóm, rừng còn
dày, nên dây choại dễ bứt lắm; có khi nửa buổi là xong một ngàn
cọng.
Nói
nào cho ngay, hồi đó một sợi dây choại dài cỡ ba thước được tính là một cọng,
nên dây choại nào dài 15 thước hoặc 20 thước, thì tụi tôi ngắt ra làm ba , làm
bốn . Do vậy, bứt dây choại mau đầy bó , một phần cũng nhờ cách ăn gian này. Nay
thì qua rồi 33 năm, nhắc lại chơi một thời gian khó nhọc và có nhiều kỷ niệm khó
quên là vậy. Sau này, ở lâu, rừng thưa dần và dây choại cũng bị nạn đốt rừng làm
chết nhiều nên nếu bứt một ngàn cọng ngó dây choại như vậy không dễ ăn như lúc
đầu.)
Ngày xưa, muốn làm vành lọp, người ta thường đi theo các
vườn tre hoặc các vườn cây mọc hoang như mù u, bằng lăng, gáo trắng, gáo vàng,
bần, bứa hoặc rừng tràm để bứt dây cổ rùa về uốn vành lọp. Dây cổ rùa là loại
dây bò trên các loại cây vừa kể, có nhiều dây lớn , chu vi cỡ nửa cườm tay, ngón
chưn cái, có đặc tình dẻo, bền, dễ uốn cong theo ý mình. Và dùng loại dây cổ rùa
này làm vành lọp có khi xài được vài ba mùa mà khỏi phải tốn tiền mua sắt, dây
chì, dây kẽm làm vành.
Còn
lờ tôm, lờ cá sặt thì không cần làm vành làm gì vì hình dạng hai loại lờ này rất
đơn giản. Sau khi đan lờ thành những miếng mê lờ như cái vỉ phơi cá khô, dài cỡ
một thước, ngang cỡ sáu, bảy tấc, người ta mới cuốn hai đầu mê lại thành hình
ống, nếu là lờ tôm. Rồi lấy dây lạt tre mà buộc hai mí lờ này lại. Sau đó mới
ráp mặt lờ hình vòng tròn vào mặt trước với cái hom lờ cũng bóp bằng tre rất
bóng; mặt sau ráp cái đít lờ hình chữ nhật. Xong đâu đấy, mình có cái lờ tôm.
Mỗi người ngày trước muốn đặt lờ có tôm nhiều, họ phải đan cả trăm cái lờ như
vậy.
Còn
lờ cá sặt công phu hơn nhiều. Nan lờ loại này chẳng những phải chuốt cho nhuyễn
và bóng láng, mà mỗi cái lờ cá còn phải có hai mặt và mỗi mặt đều có một cái
hom, cũng thiệt là bóng, nó bóng hơn cả hom lờ tôm nữa. Lờ cá sặt, đặc biệt là
không có đít lờ như lờ tôm, nên làm loại lờ nầy rất tốn công. Khi ráp cái mê lờ
cá sặt thì không buộc tròn như lờ tôm. Người ta kéo bốn góc mê lờ sao cho cái lờ
có cái bụng nhô lên một chút và có hình như cái bánh ú, mà đỉnh cái bánh ú này
là cái cửa trống nằm ngay trên lưng cái lờ và cũng dùng dây lạt buộc hai mí lờ
giáp với nhau này. Cái cửa lờ hay còn gọi miệng lờ này khi đặt lờ chúng được
nằm khỏi mặt nước sao cho cá không nhảy ra được và dùng để mỗi khi dỡ lờ người
ta trút cá ra xuồng.
Trở
lại việc xuống bửng, trước hết là chọn những nơi đầu voi đuôi vịnh làm bửng.
Trường hợp không đủ nền làm bửng như ý muốn, người ta thường chọn mấy chỗ nước
ít xoáy mạnh hoặc các khúc sông nước gần vàm mương, vàm rạch là tốt vì khi cá
tôm lên đồng bắt buộc chúng phải tìm mấy cái vàm này mà lên đồng. Do vậy, mà
những ngày xa xưa ấy dường như vàm kình, vàm rạch nào trong các làng quê miền
quê vùng Long Xuyên –Châu Đốc, đi đâu người ta cũng thấy bửng là
bửng.
Có
người thích bửng miểng, tức là bửng từ trong bờ chạy ra gần giữa lòng sông, dài
ngắn tùy theo sông rạch lớn hoặc nhỏ. Tới cuối bửng, người ta thường dùng một
tấm đăng chận đầu bửng thành hình chữ L, hoặc ngườ ta xây cái rọ nơi đầu bửng
này với dụng đích là làm cho cá tôm khi gặp đăng bửng, chúng sẽ mon men theo mé
đăng rồi lội lòng vòng kiếm đường chun ra ngoài. Thừa lúc đó, tại cái rọ này và
dọc theo mé đăng, người ta khoét vài rẻ chưn đăng làm thành các miệng trống để
đặt lọp ngay mầy cái lổ trống ấy. Tôm cá không đi đâu được, gặp lổ trống là
chúng vô ngay miệng lọp chờ sẵn dưới đáy sông và mắc kẹt suốt đêm trong lọp là
vậy.
Thường thường, mỗi ngày vào mùa bửng, ngày nào người ta
cũng dỡ lọp. Ngày xưa cá tôm nhiều lắm. Dỡ bửng mỗi ngày, mà ngày nào cũng có
tôm búng lách chách đầy trong đít lọp, ham lắm . Đôi khi có cá vảnh, cá kết, cá
bống mú, cá bống cát, cá bống tượng.
Trường hợp những người đủ sức về vốn liếng, người ta có
nhiều đăng, nhiều lọp, mấy người này họ bửng ngang qua sông rạch lớn như rạch
Mặc Cần Dưng, rạch Tân Bình hoặc mấy kinh rạch có chiều ngang khá rộng. Nếu bửng
băng ngang qua sông được thì bắt nhiều cá tôm gấp mấy lần bửng miểng, nhưng vốn
liếng cũng nặng lắm.
Có
bạn sẽ hỏi bửng ngang sông làm sao ghe xuồng tàu bè đi qua được?. Điều này không
khó. Khoảng giữa sông chừng năm, sáu thước, người ta cũng dùng đăng để nối liền
cái bửng qua sông này, nhưng đăng bửng khúc giữa này không cao, chỉ tám tấc hoặc
một thước là cùng, nhằm làm cho cá tôm nếu đi giữa sông bị dội lại và tạt vô bờ
chứ giữa sông này ít ai lặn sâu xuống đáy sông mà đặt lọp. Vì đăng thấp như vậy,
nên việc ghe xuồng tàu bè qua lại các khúc sông có bửng ngang sông như vậy không
bị trở ngại gì.
Vào
mùa bửng bắt đầu chạy tôm lai rai, thì dân đặt lờ tôm cũng lai rai xuồng lờ là
vừa. Lờ tôm không cần đăng bửng gì cho ruờm rà, mà chỉ cần treo trong lờ miếng
mồi bắng cơm dừa khô vuông vức cỡ năm phân. Miếng mồi được xỏ qua cọng lạt tre ,
rồi treo trong lờ sao cho hai đầu cọng dây lạt căng cho thẳng để miếng mồi dừa
khô không nghiêng gần thân lờ, tránh cho tôm cua ở bên ngoài vói càng vô lờ gắp
miếng mồi.
Thế
rồi, bỏ đầy một xuồng lờ tôm, mới bơi dọc theo các kinh rạch mà chọn nền đặt lờ
. Cái nền lờ lý tưởng là mấy chỗ đầu voi đuôi vịnh hoặc mấy chỗ nước hay vận, có
chút ít cỏ như cỏ ống, cỏ mồm càng tồt vì tôm khoái ở mấy khúc sông như vậy.
Người ta ngồi trên xuồng, vừa bơi vừa chọn nền. Gặp chỗ ưng ý là gác dầm lên
xuồng, thò tay lấy cái lờ có mồi, và tay kia lấy cây móc dài chừng năm tấc, xỏ
cho xiên qua lờ. Người ta dùng một cây móc bằng ngọn tầm vong dài cỡ vài
thước, một đầu có tra cọng dây kẽm uốn cong như lưỡi câu, dò dò tìm chỗ cho êm
và thả cái lờ xuống , mặt lờ xuôi theo chiều nước chảy, rồi lấy cây mốc ấn ấn
cái lờ xuống cho nằm yên đâu đó xong xuôi, người ta mới thò tay cắm cái cây móc
nhỏ xiên qua thân lờ cho lờ đừng bị trôi. Sau cùng nhớ gút cỏ thành cái gù nhỏ
làm dấu. Nếu quên gút cỏ làm gù, dù đặt lờ nhà nghề cách mấy, thế nào khi dỡ lờ
cũng sẽ bị lạc mất lờ như thường, mà nhất là đặt lờ nhiều.
Dân
quê ngày xưa, dù biết những chỗ có gù làm dấu như vậy là có lờ lọp ở dưới nước,
nhưng không ai tham lam lội xuống mò dỡ lờ người khác. Thường lờ bị lạc là do
nước cuốn trôi chứ ít khi bị mất cắp. Đặt xong cái lờ này rồi, tìm chỗ đặt cái
kế tiếp cho đến khi xong mới bơi xuồng về nghỉ ngơi chờ sáng hôm sau mới bắt đầu
dỡ lờ. Khi dỡ lờ cũng không ai lội xuống sông mà dỡ, chỉ ngồi trên xuồng và dùng
cái móc có móc câu bằng dây kẽm thò xuống nước móc cái lờ lên.
Nhớ
những năm 1980, lúc tôi làm lò gạch miệt Cái Côn, thuộc Cần Thơ, bên bờ sông Hậu
Giang, chiều nào tôi cũng lội xuống mấy gốc bần đặt chừng mười cái lờ tôm. Lúc
đặt thì nước ròng, tôi mới móc bùn thành chỗ trũng làm nền lờ, rồi lấy hai cái
rể bần mọc cao mà buộc lại giữ cho lờ khỏi bị nước cuốn trôi. Vậy mà trưa nào
sau khi làm gạch xong, nghỉ trưa, tôi chạy xuống mé sông cái để dỡ lờ, cái nào
cũng có vài ba con tôm càng lửa, ham lắm.
Hồi
đời xưa, cỡ những năm 1950, khi nước tràn lên ruộng nhiều vào tháng 7, tháng 8
âm lịch, người ta bắt đầu đem lờ tôm lên ruộng đặt. Thường thường những cựa gà,
những ngả ba kinh phèn và các lung vũng có nhiều rong là tôm hay đi lại kiếm
mồi; nên những chỗ này đặt xuống đó một cái lờ tôm với miếng mồi dừa sáng rỡ có
tính mời gọi, thì thế nào mấy chị tôm càng lửa, tôm càng xanh, tôm trứng, và cả
tôm lóng sẽ khó mà bỏ cái lờ này lội đi chỗ khác lắm. Do vậy mà người đặt lờ
chuyên môn họ dằn sẵn những địa thế này ngay từ đầu mùa. Lúc đầu nước chưa
nhiều, có thể bị cua phá mồi, nhưng khi nước nhiều và nhứt là có nước cỏ trong
vắt vào tháng 9, tháng 10, thì chắc ăn mấy cái lờ mấy chỗ này thế nào cũng có
tôm càng lội trong lờ búng lách chách, vui lắm..
Còn
lờ cá đặt ở đâu và khi nào xuống lờ, kể cũng là chuyện nên kể lại luôn thể.
Thiệt tình ra, cái giống cá sặt là giống không ăn câu vì cái miệng của nó quá
nhỏ; nhỏ đến độ luỡi câu uốn bằng cây kim may vá áo quần cũng ít khi câu dính cá
sặt. Do vậy người ta mới nghĩ ra cách đặt lờ cá sặt.
Thường thường lúc nước chưa lên đồng nhiều, cá sặt cũng
dợm mé lên đồng. Loài cá này thích đi theo ở trong các lung đầy bùn trấp, các ao
hồ, đìa bàu và chúng cũng khoái ở các con kinh phèn nhiều cỏ lác , đưng, đế,
năn, sậy, rong, mã đề và sẵn sàng làm ổ ngay các miếng lung trấp đó với dấu hiệu
là những ổ bọt nổi đầy mặt nước theo các bụi cỏ lác này . Khi có nước ngang đầu
gối, người ta bắt đầu xuống lờ cá.
Lờ
cá sặt đặt khác với cách đặt lờ tôm. Lờ tôm đặt ngầm, còn lờ cá đặt nổi, với
3/4 thân lờ nằm dưới nước và 1/4 còn lại với cái miệng lờ nằm phía trên mặt
nước. Người ta chọn nền xong là vẹt cỏ ra và đặt cái lờ xuống ngay chỗ vừa chọn,
rồi lấy cỏ đậy lên miệng lờ cho cá khỏi nhảy ra ngoài . Nếu nước quá sâu , người
ta đặt lờ bằng cách guộn cỏ thành một nùi sao cho cái lờ nằm trên nùi cỏ này mà
không chìm thì được. Kế tiếp theo đó , dân đặt lờ mới vớt mấy ngọn cỏ gần đó đậy
lên miệng lờ cho cá khỏi nhảy ra ngoài. Sau cùng, người ta mới gom mấy ngọn cỏ
chung quanh cái lờ buộc choàng cái lờ lại cho lờ đừng bị trôi và gió không làm
cho cái lờ bị lắc lư là yên bụng thế nào ngày mai ra dỡ lờ cá nhiều
lắm.
Nhưng cũng nên nhớ là đặt lờ theo hướng nào cá sặt mới
chun vô lờ . Theo kinh nghiệm dân quê lâu năm, giống cá này lội kiếm ăn theo
giọt nước chảy. Nên dân quê đặt lờ chỗ nào cũng được, nhưng cái chánh là phải
xoay hai hom lờ về hướng dòng nước chảy.
Chính vì những năm 1950 lờ cá chạy nhiều nên vào mùa này
cá sặt bán đầy các chợ làng như chợ Mặc Cần Dưng, chợ Vàm Xáng (Cần Đăng), chợ
Lấp Vò, chợ Chắc Cà Đao, chợ Cầu Số Năm, chợ Xà Tón, đâu đâu cũng cá sặt là cá
sặt.
Về
lờ cá sặt, lờ tôm, lọp tôm, ba loại này có cái đặc biệt là khi cá tôm chạy vô
lọp, vô lờ rồi, nếu ai đi ngang qua mà thấy lờ lọp có cá tôm vô lội lòng vòng,
rồi hiếu kỳ lấy tay nhóng cái lờ, cái lọp lên coi chơi cá tôm nhiều hay ít, và
coi xong như vậy rồi đặt cái lờ đó trở lại y chỗ cũ, thì y như rằng cá tôm
trong lờ, trong lọp thấy vị trí cái hom nằm như thế nào và chúng tìm mọi cách
chun trở ra khỏi lọp lờ ráo trọi, không còn sót một con làm thuốc. Nhưng hổng
phải lờ lọp nào cũng bị người qua lại nhóng lên coi thử như vậy. Một vạt lờ chỉ
bị một hai cái là nhiều. Vả lại, ngày xưa ai cũng biết cá tôm hay đi ra cách
này, và ai ai cũng biết đặt lờ lọp cũng cực nhọc lắm, nên ít ai đành đoạn nhóng
lờ lọp lên coi cá tôm nhiều hay ít làm gì. Nếu có, chỉ mấy đứa trẻ còn nhỏ thấy
cá vô lờ thì ham và làm vậy; chứ người lớn biết bắt cá tôm thì hổng dám làm
chuyện tổn đức này. Tội chết!
Còn
việc trải đăng dưới sông gọi là bửng, nhưng khi cá lên đồng bộn, người nhà quê
cũng lựa mấy rọc lung mà bửng đăng ngang lung thì gọi là “đăng miểng”. Cách đăng
này rất đơn giản. Dân quê cứ bện mỗi tay đăng dài chừng ba bốn thước, rồi lựa
mấy rọc lung cắm đăng ngang chia cái lung ra làm hai phần. Sau khi cắm đăng rồi,
ở mỗi đầu đăng người ta đặt một cái lọp chẻ đầu đăng, nghĩa là làm sao đầu đăng
chia miệng lọp làm hai phần đều nhau. Đặt lọp cách chẻ đầu đăng này có cái lợi
là cá tôm rùa rắn gì khi lội ngang lung gặp đường đăng thì dội lại và lần theo
mí đăng lội hoài tới cuối đầu đăng thấy lỗ trống và chun vô lổ trống ấy là đi vô
hom lọp đang mở cửa sẵn chờ chúng lội vào lọp. Vô đó xong là chúng nhảy lung
tung, hết đường trở lại những vạt lung sâu nữa.
Cá
trên đồng vô những đường đăng miểng cắt ngang những vạt lung này thì đủ loại cá
tôm rùa rắn, nhưng nhiều nhất vẫn là cá lóc. Vì vậy, cho nên những lọp đặt cá
tôm loại này là loại lọp lớn, rẻ lọp bện hơi thưa, cỡ hai ngoai là vừa và chiều
dài tương đối hơi dài để khi đặt lop, người ta có thể nhóng cái đít lọp lên khỏi
mặt nước chừng một vài tấc với mục đích để cho cá lóc, rắn, lươn, rùa khi nó vô
lọp có chỗ chúng thở. Cá lóc, rắn, lươn thở bằng cách lên ngốp hoặc lên vọi, nếu
đặt lọp chìm sát mặt đất như bửng dưới sông thì cá lóc, rắn, rùa, lươn sẽ chết
ngộp hết.
Còn
trường hợp bửng trên đồng với đường đăng dài cả năm bảy trăm, một ngàn thước,
băng liền qua nhiều vạt lung, vạt đất rồi xây rọ, đặt lọp bắt cá tôm, lươn, rùa,
rắn cả cánh đồng. thì cách bửng đăng này ngày xưa dân ruộng gọi là “lọp đường
ven”. Với loại lọp đường ven này, thời kỳ đất đai còn hoang địa nhiều, mỗi kỳ dỡ
lọp cá tôm chở cả xuồng, mê dữ lắm. Những năm 1949, 1950 và về sau lúc lúa mùa,
lúa nổi là chính, thì mấy cậu tôi vùng Mặc Cần Dưng , năm nào nước tháng 8,
tháng 9, dài tới mùng 10 tháng 10 nướt bắt đầu giựt, cậu nào cũng có lọp đường
ven dài cả năm sáu trăm, có khi cả ngàn thước đăng ven trên các cánh đồng xa như
Lỳnh Quỳnh, cầu số Năm, kinh xáng Bốn Tổng, Đìa Bèo…. Để dỡ lọp đở tốn công, hồi
xưa, cứ ngày nay dỡ lọp thì ngày mai nghỉ và ngày mốt lại dỡ lọp tiếp. Nếu lọp
nhiều quá dỡ một ngày không hết thì người ta chia ra làm hai hoặc làm ba kỳ dỡ
như cách xúc lùm bắt cá tép, bắt lươn vậy. Ngoài ra, có người lọp đường ven dài
quá, có khi cả tuần mới dỡ lọp một lần và họ mang theo gạo thóc, củi đuốc ở luôn
trên đồng cho đến khi dỡ xong lọp mới bơi xuồng tôm cá về nhà, rồi tuần sau họ
lại bắt đầu trở lại cánh đồng cũ thăm lọp tiếp .
Dỡ
lọp không chỉ là việc lấy cái lọp lên rồi đổ cá tôm ra xuồng và đặt lọp trở lại
là xong, Không đơn giản như vậy, nhứt là đăng và lọp xài vài ba mùa, thì lại
càng cực vì đăng lọp mà cũ quá, khi cá lóc, tôm, rùa rắn vô lọp xong, chúng hay
quậy phá tìm đường ra, nên lọp bị hư, đăng bị lủng và người chủ đăng còn phải
mất thì giờ giặm vá lại mấy chỗ bị cá tôm rắn rùa làm hư hao như vậy. Do đó, có
khi dỡ cả ngày chưa xong một đường lọp ven dài hằng mấy trăm thước đất xa vằng
vặc.
Tháng nước, lọp đường ven tới tháng 11 là gần hết mùa vì
cá ra sông gần hết rồi. Cá ra sông, nhứt là cá lóc, thường thường chúng hay kiếm
mấy chỗ trũng mà trú ngụ như dấu chân hay gốc cây, gốc chà. Biết cá khoái mấy
chỗ này, nên dân quê mới nghĩ ra cách bắt cá lóc bằng lọp cặm, hay còn gọi “lọp
cắm” là do cách đặt của loại lọp này là mình cắm nó xuống nước .
Những năm tháng xa xưa ấy, khi nước trên đồng gần khô,
lúa sắp chín vàng thì các loài cá xuống kinh rạch ụp móng cặp mé kinh như cơm
sôi . Người ta mới mon men theo các bờ kinh như kinh Bắc Dục miệt Phú Hòa, kinh
Cái Sao, Cái Dung, Rạch Gòi Lớn, Rạch Gòi Bé thuộc xã Mỹ Thới, kinh xáng Bốn
Tổng, kinh Ông Cò miệt Định Mỹ, mương Nhà Lầu, mương Hội Đồng miệt Mặc Cần
Dưng, Xáng Nhỏ, xáng Lớn, rạch Xẻo Da, hoặc rạch Bàu Hút đổ qua rạch Thủ Ô
thuộc Lấp Vò , đâu đâu người ta cũng đạp vùng để đặt lọp cặm.
Đạp
vùng là người ta lặn xuống nước, thường vào mùa này, nước cặp mé rạch sâu cỡ
ngang ngực, người ta dùng hai tay hoặc hai chân đùa bùn khuyết sâu một lỗ tròn
mà miệng cái lỗ này rộng cỡ miệng cái thúng dê dùng để dê lúa; và giữa hai cái
nền lọp này thường cách nhau khoảng mười thước là vừa.
Khi
có hằng trăm nền như vậy rồi, dân đặt lọp mới đem lọp xuống cặm vào mấy cái nền
dọn sẵn đó. Đã gọi là lọp cặm, nghĩa là đặt cái lọp sao cho miệng lọp vừa lọt
vào cái nền mình đã móc sẵn với vị thế hơi ngã về phía sau một góc chừng 15 độ,
để cái miệng lọp hơi nhấc lên cho cá có đường chui vô cái vùng mình đã móc vùng.
Hai bên thân lọp hơi nghiêng này, người ta cắm hai nhánh tre sát vào để giữ cái
lọp không ngã qua ngã lại khi nước chảy. Xong đâu đấy, người ta mới dùng dây lạt
tre hoặc lạt dừa nước mà buộc hai nhánh tre này vào cái đít lọp cho chắc chắn.
Rồi đi đặt tiếp những nền lọp khác cho tới hết lọp mới thôi.
Khi
cá bị tàu bè ghe xuồng đi lại trên các kinh rạch vào mùa cắt gặt này, cá tôm hay
chun vô mấy cái ụ tròn tròn dưới các mé rạch như vậy để trốn. Nằm trốn một hồi
thấy hơi ngộp thở, chúng mới lội vọt lên mặt nước để lên ngốp và thở; khi vọt
lên ngốp để thở thì các loài cá tôm lại vô ngay hom họp đang cặm này và mắc kẹt
lại trong ấy.
Lọp
cặm giống như lọp miểng, lọp đường ven nhằm bắt cá lóc, nên đít lọp bao giờ cũng
nhóng lên khỏi mặt nước vài tấc để cho cá thở, nên vào mùa này khi bơi xuồng
dưới các kinh rạch, người ta thấy cái đít lọp nào mà nước thấm ướt, thì y như
rằng trong lọp ấy đang có cá lội lung tung trong lọp. Thấy bắt ham nhưng người
đàng hoàng không ai muốn ghé lại dỡ lọp của người ta làm gì vì không phải lọp
của mình, và cho dù chủ lọp không biết, mình cũng không làm điều khuất lấp ấy vì
còn có lương tâm mình biết.
Tóm
lại, vào những ngày mùa nơi miền quê lúa mùa ngày xa xưa ấy, việc bắt cá tôm mỗi
mùa mỗi cách, không mùa nào giống mùa nào; bởi lẽ trời đất sanh ra cá tôm vạn
vật, trời đất cũng phú cho vạn vật cá tôm có những cá tính nhận biết riêng, nên
con người phải lần mò theo tính cách của những loài cá tôm ấy mà làm ra những
dụng cụ để mà giăng bắt cá tôm như vậy. Bửng đăng đặt lọp, đặt lờ tôm, lờ cá sặt
là những phương cách bắt cá tôm nương theo cách bơi, cách lội, cách ăn, cách thở
của các loài cá tôm khi chúng sanh sôi và chuyển mùa từ dưới các dòng nước miên
man chảy ấy.
Con
người, dù là con người nhà quê, theo cá tôm mà bắt cá tôm; nhưng con người lại
có tính cách riêng rất đặc thù mà dân gian thường truyền tụng với nhau qua câu
ca dao xa xưa :
“Đạo cang thường chẳng phải như cá tôm,
Đang mua mớ nọ, chạy chồm mớ kia…”
Câu
ca dao thì xưa và cũ, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, cái cũ, cái xưa và bình dị của
người xưa vậy mà thâm thúy, ý nhị , hữu ích biết dường nào !!!
Lấp Vò ngày
24-11-2008
(*) Thân
tặng các anh chị ĐĐ & LT (Châu Phong), anh chị DVC (An Phú), anh chị VT (Tân
Châu), anh chị ĐTT (Tân Châu), vợ chồng Út Thủy (An Phú) nhơn anh chị ĐĐ &
LT nhắc về “lọp và lờ
|
Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013
MÙA ĐẶT LỌP
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét