Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

MÙA MÀNG THÁNG CHẠP

Lương Thư Trung
Mùa màng tháng Chạp


Những ngày đầu tháng Chạp gió bấc se lạnh. Ở nhà quê vào mùa này, sáng nào người ta cũng thức dậy sớm ngồi bên bếp lửa với những gốc củi mục cầm lửa làm cho không khí trong nhà ấm lại . Cái mùi thơm thơm của khói bốc lên bám vào áo quần, da thịt những người nhà quê như có chút gì báo hiệu những ngày cuối năm nơi tháng Chạp này sắp vào mùa đón Tết Nguyên Đán lại về .

Thế nhưng phải chờ thêm mấy mươi ngày nữa Tết mới thật sự khoác lên dáng vẻ khắp cỏ cây vạn vật. Ngoài đồng những vạt đất gò lúa ửng vàng. Nếp thì chin lai rai, nhứt là loại nếp nàng hương, nếp than với hột nếp màu tím than mềm cơm, nhưng dân quê vùng Long Xuyên – Châu Đốc những năm 1940 ưa trồng giống nếp “thằng Chệt” với đuôi dài mà thơm cơm, mềm gạo. Những ngày mới tháng Chạp với mùa nếp mới bắt đầu bằng những buổi chiều người lớn trẻ con quay quần bên bếp lửa rang nếp và đổ vào cối giã gạo, người quết, người dùa làm những chảo nếp đầu mùa mới rang thơm phưng phức thành những cối cốm giẹp ngạt ngào hương thơm mùa nếp mới.

Rang và giã liên tục những cối nếp làm nên món cốm giẹp đầu mùa ấy là tin vui đến với mọi nhà là cu sắp kêu ngoài vườn tre, mùa Xuân lại về và cái khô ráo những ngày tháng Chạp làm cho trời đất trở mình sau những tháng nước ngập loi ngoi lót ngót . Rồi trẻ con vừa thổi cho cốm giẹp bay hết bụi trấu, bỏ ngay vô miệng ăn chơi vài bụm nếp vừa quết xong. Người lớn thì chờ người trong nhà quết xong những cối nếp vừa rang và sàng sảy cho sạch trấu rồi trộn cốm giẹp với nước dừa tươi và một ít dừa cứng cay nạo mỏng làm thành những dĩa cốm giẹp vứa thơm hương thơm của nếp, vừa ngọt cái ngọt tinh khiết của nước dừa tươi và vừa béo cái béo của những sợi dừa nạo làm thành món ăn nhà quê vào những ngày mùa tháng Chạp thêm cái ấm của những ngày gió bấc sắp chuyển mùa.

Rồi lúa ngoài đồng, những vạt đồng gò có miếng vừa mới vàng mơ, có miếng lúa lại chin vàng rực một màu vàng lúa chin đủ chất phù sa nuôi hạt lúa đầy đặn . Những miếng ruộng chin sớm cũng là hợp với lẽ trời đất cùng lòng người, bởi tháng Chạp là tháng giáp hạt, lúa trong nhà cũng gần hết mà Tết lại về vào cuối tháng, nên lúa lai rai chin sớm giúp những người nhà quê có quần áo mới cho con cháu mặc  ăn Tết . Do đó, lai rai có người kêu công cắt để cắt gặt mấy công đất gò rồi lùa trâu bò gom lúa bông chất thành cà lan, rồi ra bã và bò trâu kéo trục đạp cho lúa tơi thành rơm và rụng hột để có lúa mới trong ba ngày Tết; để rồi ra Giêng mới vào mùa cắt gặt chánh của những cánh đồng lúa mùa bao la bát ngát chạy miết tới cuối chân trời, xa lắm bên kia những rặng cây xanh xanh của những dòng kinh làm giới hạn tầm nhìn của dân quê nơi những xóm làng xa xôi.

Ngoài vài chủ ruộng làm những vạt lúa gò, đa phần dân quê còn lại, vào những ngày tháng cuối năm này ai ai cũng trồng vài ba luống cải bẹ xanh (còn gọi cải trường), cải tù xoại, cải bẹ giún, cải củ dùng làm dưa ăn ba ngày Tết. Thêm vào đó, người ta cũng trồng năm ba liếp kiệu, năm ba liếp hành, năm ba liếp cải xà-lách có mà dùng trong những mâm cơm cúng rước Ông Bà vào dịp đầu năm.

Chợ hoa ngày tết

Rồi có người còn lo lặt lá mai vào ngày rằm tháng Chạp cho những cành mai vàng kịp nở đúng vào những ngày 29, 30 Tết. Người nhà vườn chuyên nghiệp trồng bông bán Tết miệt Sa Đéc, họ đã lo những bội vạn thọ, bội cúc đại đoá, loại cúc bông lớn màu vàng, từ những ngày còn xa tháng Chạp để kịp nở vào những buổi chợ Tết miệt làng, miệt quận, miệt tỉnh và ngay cả cung ứng cho các chợ Tết trên Sài Gòn . Dù bông vạn thọ, bông cúc đại đoá màu vàng là hai loại bông mà ai ai cũng biết là nó không sang trọng gì nhưng những ngày Tết mà thiếu những chậu bông bình dị này thì coi như hương vị ngày Tết cũng giảm đi bộn bộn rồi. Do vậy mà lúc nào nhà vườn miệt Sa Đéc cũng lo những vụ mùa này như mối lợi chánh trong cả năm của họ .

Ngoài ra, trong vườn nơi thôn quê miền Tây Nam Phần Việt Nam mình, nhà nào cũng lo vài khóm trường sanh, vài liếp bông huệ trắng, vài bụi bông trang đỏ, bông trang vàng có mà cúng nơi các bàn thông thiên đặt trước sân hoặc bàn thờ Phật trong nhà cho mùa Xuân về thật sự là Tết, là Xuân. Nếu nhà nào không trồng được thì nhín chút ít tiền bán cải, bán dưa leo, bán bầu, bán bí mà mua bông hoa cúng Trời Phật ba ngày Tết. Vào mùa này, những vạt bông bí rợ vàng rực một màu vàng khoe sắc thắm với gió xuân rì rào bên những vườn cây ăn trái như cam quit vào mùa Tết …

Mùa tháng Chạp, nhà nào có xoài trổ bông sớm sẽ có xoài đầu mùa ăn Tết; nhà nào có vài liếp dưa hấu với trái chiến đầu mùa chín ngay ngày Tết thì càng quý vì hồi đời trước chưa có phân hóa học như sau này, nên người ta trồng dưa hấu bằng phân tôm, phân dơi, nên dưa hấu chín là chín thiệt, và dưa ngọt là ngọt thiệt; chứ không giống như đời sau này quá tiến bô, người ta trồng dưa bằng phân hóa học rồi xịt khí đá làm trái dưa mau lớn mà ruột thì bộng rỗng hoăc chưa kịp cúng xong qua ba ngày Tết thì ruột dưa đã bị hư chảy nước ròng ròng. Tốt mã mà rã đám là vậy !

Những ngày cuối tháng Chạp, cá dưới sông cũng vô chà bộn rồi. Người nào có chà thì dỡ chà ăn Tết. Người nào không có chà thì  cũng tìm cách tát mương, tát hầm kiếm cá ăn Tết. Có người là chủ những miếng ruộng có lung, có mương mà cắt lúa sớm, nay đất ruộng có đường đi lên các lung mương ấy, người ta độn rơm đấp hầm, đấp tàu bắt cá nhảy hầm. Cá lóc, cá rô trong các vạt lung, vạt mương thường đi ngao du trời nước, rồi một hôm đường đi lui tới của mình bỗng có ai đấp ngang một cái hầm, vách đất khá cao làm cản trở những buổi đi chơi của mình. Thế là chúng lấy hết sức bình sanh nhảy lên cho cao đặng mà qua bên kia lung; nhưng than ôi, chúng lại rớt vô cái hầm mà các vách đều được tô bùng láng lẩy ấy. Càng về khuya, sương xuống lạnh làm mát đất trời, các anh chị cá lóc này càng rủ nhau nhảy qua đập dữ dội hơn lúc chạng vạng tối. Thế là chùa công phu sáng, khoảng bốn, năm giờ, chủ ruộng vô thăm hầm và thấy cá lóc, cá trê, cá rô lóc láng mướt đáy hầm. Cá thôi là cá. Và dân ruộng cứ lượm cá bỏ đầy giỏ và gánh cá về nhà  rồi lựa cá lóc lớn rộng để dành ăn Tết. Cá lóc lớn cỡ một ký-lô đổ lên mà kho với thịt ba rọi và nước dừa tươi thì nồi thịt kho cá lóc thời nào cũng ngon không chê được.

Cánh đồng và con kinh tháng Chạp
Nếu ai không có lung vũng, mương hầm thì nước kém 25 tháng Chạp rủ nhau xuống các mương lớn như mương ông Nhà Lầu (Mặc Cần Dưng), kinh Xáng Lớn, kinh Xáng Nhỏ (làng Tân Bình),  kinh xáng Bốn Tổng, rạch Ba Bần (làng Định Mỹ), kinh Bắc Dục (làng Phú Hòa), ngọn Cái Sao, ngọn rạch Gòi Lớn, rạch Gòi Bé (vùng Long Xuyên) vân… vân..  nôm cá lóc ăn Tết. Thường thường rủ được chừng vài chục người cùng đi nôm thì dễ bắt cá lóc lớn. Một phần vì nhiều người nôm, cá lóc lớn khó thoát khỏi những miệng nôm; một phần khác, nhiều người nôm làm cho nước bị quậy đục và cá lóc lớn ít khi nào lội khơi khơi như cá nhỏ và chúng thường chúi dưới dấu chân người đi trước hoặc người đi trước vừa nôm hụt thì chúng sẽ dội ngược trở lại và chúi ngay dưới chân mình. Do đó đi nôm đông có cái lợi là đông người cá quýnh quá không biết trốn đường nào nên bắt cá lóc bằng cách nôm này không lấy gì làm khó.

Theo kinh nghiệm xưa nay, nôm cá tháng Chạp, muốn được cá lóc, cá trê lớn là nên nôm giữa lòng rạch. Nôm giữ lòng rạch dù nước có hơi sâu hơn phía hai bờ mương nhưng cá lớn ưa ở chỗ nước sâu. Còn cách nôm giữa lòng rạch người ta không phải giơ nôm lên khỏi mặt nước rồi úp xuống như nôm trong cạn; mà chỉ rà rà cái nôm dưới mặt nước và úp nôm thật nhẹ nhàng và thật nhanh. Khi được cá vô nôm, phải nhấn nôm cho mạnh và giữ cho nôm vững vàng, không bị cá đội nôm chui ra ngoài. Cá vô nôm dễ biết lắm. Chúng chạy đụng rẻ nôm kêu lịch kịch … Và khi nắm được cá vô tay cho chắc ăn rồi, dân nôm chuyên nghiệp một tay trong nôm cầm cá, một tay giơ ngược miệng nôm lên trời nhằm đề phòng trường hợp cá có vùng vẫy mạnh cũng không lọt trở xuống nước được và lội vô bờ bỏ cá vô giỏ và theo đoàn nôm mà nôm tiếp. Nhưng có một lưu ý nhỏ này là khi nôm chung nhiều người thường thường người ta căng hàng ngang cho vừa lối nôm và cố tránh đừng úp nôm trúng chân hai người bên cạnh vì rẻ nôm nhọn mà trúng chân thì dễ bỉ lủng bàn chân, nguy hiểm lắm .


Ngày 23 tháng Chạp cũng là ngày bắt đầu giẫy cỏ mả ông bà nếu là mả đất; còn mồ mả nào xây bằng gạch thì con cháu lo quét vôi cho sạch sẽ. Ngày xưa mồ mả các đời ông cố, ông sơ, những nhà khá giả thường làm mồ mả bằng đá ong, loại đá xốp nhưng những khối đá lớn cũng nặng nề và nhiều tảng đá lớn lắm. Những mồ mả hồi đời xưa thường chôn cách xa nhà, nên các loại dây leo như dây vác, bìm bìm, hắc sửu, nhản lòng bò đầy chung quanh mả nên phải quét dọn mỗi năm như vậy để đón Ông Bà về ăn Tết.  Người nào không có đất, mà mồ mả ông bà chôn nhờ đất người khác, dịp quét dọn mả mồ này cũng là dịp mang gói mứt, gói trà cúng củu huyền thất tổ của chủ đất như một chút lòng tri ân với người có lòng tốt.

Vào những ngày cuối thánh Chạp, ai ai ở miền quê cũng nôn chờ ăn Tết, nên mọi việc ngoài đồng nếu đang làm thì cố gắng làm cho xong; còn việc gì chưa làm được lúc này thì để qua Tết, ra Giêng rồi hãy tính như mùa cắt gặt các vạt đất đồng lớn phải tháng Giêng, tháng Hai mới vào mùa chánh thức của những công việc cắt gặt. Nhưng nơi thôn quê vào những ngày mùa này nhà nào cũng lo rọc lá gói bánh tét, bánh ít, hoặc quết bánh phồng, ai ai cũng lo mùa ăn Tết trước cái đã, vui lắm.

Người lớn thì lo cái lo của người lớn, trẻ nhỏ thì có cái nôn nao của trẻ nhỏ. Chẳng hạn như sắp nhỏ mót lúa được năm ba giạ lúa rủ nhau đạp ra lúa hột rồi gom lại gởi cha mẹ mua áo, mua quần mới ăn Tết. Nhưng nghèo gì thì gì cũng phải chia ít giạ lúa thịt vào ngày 28 Tết để có mà kho với cá lóc mới nôm, hoặc cá nhảy hầm cúng Ông Bà ba ngày Tết. Ngày xưa, cũng như mấy năm sau này, thập niên 1960, 1970, 1980, việc làm heo chia lúa thịt vào ngày 28 Tết là cái lệ ở nhà quê không thể thiếu được . Chính vì thế sau này, như năm 2006, tôi để ý thấy Tết ngày nay ít ai làm heo chia lúa như xưa vì người ta làm lúa cực mà chia thịt phải một giạ rưỡi hay hai giạ lúa mới đổi được một ký-lô thịt heo thì ít ai chịu đổi . Họ thích ra chợ mua thịt ngoài chợ cho tiện nếu có tiền; nhưng khổ một nỗi là người ở nhà quê thấy cảnh hổng cón ai chịu làm heo chia lúa thịt như ngày xưa cho nên không khí Tết ở nhà quê ngày nay bớt vui, hổng còn xôm tụ như mấy mươi năm trước.

Còn vài ngày nữa, theo tục lệ ngày xưa, nhà nào cũng lo cây tre dựng nêu với vài nhánh cau tầm vung vàng vỏ, ít lá trầu là lệ dựng nêu tối 30 Tết, cúng Giao Thừa. Nhưng nay thì ít thấy ai dựng nêu. Ở nhà quê vùng Mặc Cần Dưng, Lấp Vò chỉ dọn trái cây, nhang đèn cúng ông bà và cúng nơi bàn Thông Thiên ngoài sân vào lúc Giao Thừa, rồi chờ nghe xem con gì cất tiếng kêu đầu tiên vào giờ phút đầu năm mới ấy để đoán xem Năm Mới thịnh hay suy. Nhưng thường thường, chỉ đoán chơi cho vui, ít khi trúng. Chuyện trời đất thấy mưa nắng là biết trời đang mưa nắng, chứ làm sao đoán được vận mạng một Năm hoặc một đời người cho nổi, dù bậc tiên tri, thông kim bác cổ . Ý tưởng này ngày nay có vẻ cổ lỗ, lạc hậu nhưng ngày xưa cách nay sáu bảy chục năm, người bình tâm ít ai tin chuyện con gì ra đời vào đêm Giao Thừa . Bởi vậy khoa bói toán, tử vi, địa lý trước sau chỉ nói chơi cho vui, ít ai đoán trúng và ngay cả các thầy họ đoán vân mạng cho chính họ cũng chắc gì trúng trăm phần trăm, nói gì biết được những riêng tư trọn đời của người khác …

Mùa màng tháng Chạp cũng là mùa đòi nợ và trả nợ. Người nào có tiền, nếu thiếu ai món gì cố gắng mang trả cho người mà mình mượn để năm Mới cho hên, đừng vướng bận nợ nần. Còn người buôn bán, cho vay, cho mượn mà lâu ngày quá người vay mượn không tự ý trả thì họ hay sai con cháu đi đòi. Người nghèo quá thì xin khất lại, người có tiền ít ai để thiếu lâu. Nhưng những món nợ lặt vặt này vào dịp cuối năm, nếu xử với nhau không khéo dễ mích lòng, dĩ nhiên sự đời giao tiếp sẽ mất vui. Nhưng đa phần, dân quê ít ai để nợ thiếu qua hai năm, vì thiếu lâu như vậy hổng được hên, nên ít nhiều gì mùa chuẩn bị Tết nhứt này, nợ nần nhiều ít gì cũng trả hết cho nhẹ mà ăn Tết cho gia đình vui vẻ.

Ở nhà quê, dịp cận Tết này, trẻ nhỏ thường bẻ trái sung cho mấy người chị lớn mang ra chợ làng để bán cho người ta chưng Tết. Có người còn mang cam quit ra chợ bán. Có người còn bẻ xoài, mảng cầu, đu đủ ra chợ bán để cho đủ bộ vận “cầu, sung (túc), đủ, xài (xoài)” là qúy rồi. Riêng về cam quit, ngày xưa miệt Lấp Vò là miệt vườn, nhà nào cũng ưa trồng cam quit. Hối đời trước cam quit chờ mưa trổ bông và trái chin đúng dịp Tết, nên nhà nào cũng có vườn cam quit chin vàng hực trên cây. Sau 1954, khi hồi cư về quê Lấp Vò, vướn cam quit của Tía tôi có năm bán vào dịp Tết được 60.000 đồng tiền Đông Dương hồi đời đó. Cả vườn cam quit bán mão cho lái, khi họ bẻ hết vườn, trái chất thành đống cao như đống lúa mấy trăm giạ, thấy biết ham. Nhưng tía tôi hay bất cứ chủ vườn nào cũng vậy, khi bán cho lái cũng chừa lại năm mười cây cam, cây quit trái ngon và ngọt. Trước để con cháu trong nhà bẻ cúng ông bà ba ngày Tết, sau cho chúng ăn đã thèm và chiều 28, 29 Tết đem biếu cho chòm xóm, người một chục cam quit ngon để cúng Tết. Thường thường ở nhà quê khi muốn cho ai vật gì thì người cho đều lựa món ngon mới cho. Cam quit cũng vậy, người ta lựa những tái cam, trái quit lớn và ngọt mới cho, như cam thì cam tàu, quít thì quít đường, ít ai cho quít ta vì quít ta dân nhậu ưa nhưng ông già bà cả chê loại quít này chua .

Có lẽ cũng nên kể tới mùa làm ống lói bằng gốc tre gai hay gốc đu đủ để dốt cho nổ chơi trong ba ngày Tết. Sở dĩ kể ba cái vụ làm ống lói đốt khí đá trong mùa này vì những tháng khác không ai lo làm ống lói làm gì; trước nhất, nó không hợp thời, sau nữa những năm xa xưa ấy đâu phải lúc nào cũng thái bình, nên dân quê rất sợ tiếng súng nổ. Do vậy mà ống lói bằng gốc tre chỉ chơi được trong ba ngày Tết, ra Giêng rồi là người ta nghỉ chơi loại tiếng nổ chát chúa này.

Sau hết, những ngày chợ Tết cuối năm, làng nào cũng có người biết chữ Nho và rất khéo tay viết câu đối, viết liễn trên giấy hồng điều bày bán bán nơi các buổi chợ Tết; nhưng các nhà Nho chính thống với sở học uyên bác, cùng gia thế, dòng dõi danh tiếng một vùng, có dạy học trò thường chỉ viết giùm những câu liễn, câu đối cho người trong làng, không bao giờ lấy tiền. Việc viết liễn và câu đối vào dịp Tết của những nhà Nho bác học này là một niềm vui của các vị ấy trong thời buổi tân học phát triễn và  Nho học suy tàn vậy. 

Tóm lại, mùa màng tháng Chạp là những công việc mà dân quê làm vào những ngày gió bấc se se lạnh này ít nhiều đều nhắm vào ba ngày Tết. Xem như vậy, mà dân quê ngày xưa coi Tết là ngày trọng đại vô cùng. Tất cả mọi hưng thịnh hay trì trệ của một năm qua nó là vốn liếng được kết toán vào những ngày tháng Chạp. Theo xưa, thì việc mùa màng, trước hết là lo cho tô tiên mồ mả Ông Bà sạch sẽ, giường thờ cửu huyền thất tổ khang trang, bàn thờ thông thiên thì trang nghiêm mà bình dị qua những bông hoa đồng nội , cúng kiếng thì lấy lòng thành làm gốc, lấy thanh đạm làm ngon, lấy cây trái trong vườn làm lễ ; sau nữa là lo cho con cháu có miếng cá, miếng bánh phồng, bánh tét trong ba ngày Tết, không chủ ý se sua đua đòi làm gì mà chỉ lấy câu châm ngôn “tri túc, đãi túc, tiện túc hà thời túc” là chánh. Đời sống nơi thôn quê vốn dĩ là đời sống lấy “tự lực cánh sinh” làm nền, nên những mùa màng tháng Chạp không vượt ra ngoài câu châm ngôn ấy vậy …

Lấp Vò ngày 12 tháng 01 năm 2009
(Nhằm ngày 17 tháng Chạp năm Mậu Tý)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét