Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

MÙA CẮT LÚA VÀ ĐẠP LÚA


Lương Thư Trung
Mùa cắt lúa và đạp lúa


Sau khi Tết nhứt xong xuôi, tháng Giêng, tháng Hai âm lịch là mùa cắt lúa vào mùa chánh. Những cánh đồng lúa mùa vào các thập niến 1940, 50, 60 rạ lúa nằm rạp trên mặt đất với những bông lúa chin vàng rực một màu vàng. Với cái gió bấc se se lạnh của tháng Chạp, tháng Giêng vào buổi sáng sớm còn đọng những giọt sương đêm qua, làm những vũng nước ruộng có chút phèn quéo lại thành những lớp phèn mỏng váng lên mặt nước. Trong cái lạnh se se ấy, những thợ cắt lúa bắt đầu một ngày của mình bắng những tiếng í ới nhau với lưỡi hái trên tay khi trời còn tối mịt mặt đất rủ nhau ra đồng bắt công cắt.

Ảnh: http://spktforum.info/index.php?showtopic=1538

Họ là cư dân tại các làng quê, nhưng đa phần là những người thợ cắt lúa chuyên nghiệp từ các vùng miệt vườn Vĩnh Long, Bến Tre bơi xuồng lến các vùng lúa mùa để cắt lúa. Những đoàn ghe xuồng vào mùa cắt lúa từ miệt dưới họ giòng tàu thành những đoàn ghe xuồng dài loằng ngoằng trên các con sông cái, như những con rắn khổng lồ lội ngược dòng nước đổ về các làng mạc có những cánh đồng lúa mùa bao la đang chín rộ, để lãnh công cắt kiếm lúa hột mang về phụ vào việc chi tiêu trong nhà với những cây trái có được qua những mùa cây trái trong vườn. Đổ dài từ miệt làng Tân Bình thuộc Lấp Vò, qua Cái Sắn, Phú Hòa, Bờ Ao, Định Mỹ, Chắc Cà Đao, Mặc Cần Dưng, Vĩnh Hanh, Hang Tra, Cần Đãng, Cầu Số Năm, Tri Tôn, rồi chạy dài lên Năng Gù, Bình Mỹ, kinh xáng Vịnh Tre, những cánh đồng bao la bát ngát vùng Đìa Bèo, kinh xáng Bốn Tổng , dường như các thợ cắt lúa miệt Bến Tre, Vĩnh Long thời xưa ấy, người nào cũng rành từ con kinh vũng nước của những miếng ruộng mà mình có dịp ghé lại nhiều lần…

Thường thường, như một tập quán quen thuộc, nhóm thợ nào hồi năm ngoái ghé lại bến sông nào, thì y như rằng, năm sau họ trở lại bến sông ấy dừng ghe, dừng xuồng và bắt đầu mùa cắt lúa mới. Khi đi họ mang theo củi đuốc, là dừa và một ít cây trái như dừa tươi, dừa khô, mít, ổi bán cho dân địa phương kiếm chút ít tiền làm lộ phí và khi về thì họ lại chở đầy những xuồng lúa với tấm cà rèm bằng lá dừa nước để che nắng che mưa nay đã đậm màu thời gian nhiều lúc cũ mèm, tơi tả… Họ tá túc dưới bóng xoài, ngoài bờ chuối thành từng nhóm năm ba xuồng cùng đi chung với nhau cho có bạn. Vì muốn thoải mái, và sợ làm phiền chủ nhà, họ thường nấu nướng, ngủ nghỉ ngay nơi bến sông, ít chịu lên nhà chủ đất để ngủ nhờ . Nhưng cái tình của chủ ruộng và thợ cắt lúa không vì thế mà lợt lạt chút nào; trái lại, giữa họ và chủ nhà nhiều lúc cái tình tương thân tương ái thiết tha lắm.

Sáng sớm, họ thức dậy nổi lửa nấu cơm. Có người còn nấu nước châm trà nhâm nhi chén trà nghi ngút khói. Rồi lo cụ bị dỡ cơm, lưỡi hái, nón lá lên đồng. Hồi đời trước, khi nào lên tới đất ruộng người ta mới bắt công chứ  không như sau này làm lúa thần nông người ta bắt công cắt trước. Những cây sậy cắm dài dài được chủ đất đo sẵn và làm dấu một công tằm cắt, và cứ thế dân cắt lúa bắt công và cắt. Thường thường, dân cắt lúa nhà nghề họ nhìn công đất là họ biết công dư hay công đủ ngay lập tức. Trường hợp ngày nào cũng gặp công dư, thì họ tự ý tìm cách dời ghe đi nơi chủ đất khác, ít khi họ nói năng gì vì sợ làm mất lòng chủ ruộng. Nhưng chủ ruộng vùng Long Xuyên Châu Đốc được một cái là dân hiền lành, biết ăn chay niệm Phật, nên khi làm ruộng họ không thích đo phóng tầm cho dư công làm gì vì họ rất sợ việc tội phước. Lại nữa, với lòng thương người làm mướn cơ khổ, nên không ai ăn gian vài ba tầm đất làm gì; với lại ruộng lúa nhiều, mùa nào lúa hột cũng trúng đầy bồ, trong khi người xứ xa vì ruộng ít nên ra công cắt mướn, mình cho người ta không hết, có đâu đo ăn gian làm gì để mang tiếng thất đức bất nhơn kéo dài đời đời kiếp kiếp với đời, chứ chẳng chơi vì vài ba thùng lúa hột.

Hồi đời xưa, lúa mùa sạ lúa giống mỗi công có một thùng, nên lúa trúng gì thì trúng, nhưng rạ lúa vẫn thưa và họ cắt xong công đất nhanh lắm. Do vậy, dân cắt lúa thời ấy, nhất là dân cắt lúa miệt Bến Tre, Vĩnh Long cắt lúa giỏi lắm, họ lãnh mỗi người một công và trời gần đứng bóng là họ cắt xong một công đất . Thường thường, đàn bà cắt chậm hơn đàn ông nhưng nhiều cô thợ cắt trẻ có nhiều người qua mặt mấy ông như chơi. Người đứng tuổi hoặc mấy thợ còn nhỏ, thường thường hai người lãnh một công đất cắt chung cho nhẹ bớt phần hao hơi tổn sức….

Từ thời xa xưa, trong việc cày bừa cũng như mọi việc lặt vặt ở nhà quê, người ta hay vần công với nhau; nên trong mùa cắt lúa, những thợ cắt lúa cũng thường hay vần công như vậy. Công việc được vần công vừa mau, vừa đỡ mệt mà còn cho thấy dân ruộng luôn có cái tình tương thân tương trợ. Đó là cái tính cách rất đáng qúi trong đạo sống nơi chốn ruộng vườn của người làm ruộng mình, một nét đẹp của đồng quê vô cùng đơn giản và gần gũi mà ít người để ý. Rồi công cắt của mình, người ta còn xúm nhau qua tiếp những bạn cùng đi chung còn vài tầm đất chưa xong. Ít khi họ lên giồng ranh ngồi nhìn bạn mình còn đang hì hụt dưới ruộng. Xong đâu đấy, họ hè nhau bắt ít cá tép, cua ốc về cho bữa ăn chiều.

Thường thường dân cắt lúa trở về bến sông đậu ghe xuồng rất sớm với khói nấu cơm chiều, áo quần khô ráo, cơm nước chuyện trò vui vẻ với nhau hoặc với chủ nhà cùng lối xóm trong vùng. Vào những dịp này, trai gái trong làng cùng dân cắt lúa cũng có những giao tiếp chuyện trò qua lại và rồi tình cảm đâm chồi nẩy nhánh làm thành những mối tình quê chơn chất vừa đẹp vừa lãng mạn biết bao. Với ông già bà cả thì có thể quở trách những mối tình vụn trộm ấy, nhưng với tuổi trẻ thì cái thuở đi cắt lúa và rồi yêu thương nhau là thời kỳ đẹp nhất của tuổi đôi mươi trong đời họ. Dường như ngày xưa, đoàn ghe xuồng cắt lúa nào cũng gặp những mối tình trai gái ấy, nhưng chung qui cũng ít có ai thành vợ chồng gì vì đường xá xa xôi cách trở một phần, mà cũng vì tuổi trẻ mau quên. Quen nhau đó, nhưng cách giang cách đò rồi cũng quên nhau đó, nên năm sau có khi người năm ngoái nay đã có chồng, anh năm kia đã có vợ. Thế là thôi, ruộng ai cứ nấy đấp bờ, và chuyện đời như bến sông, ghe xuồng ghé tạm rồi nhổ sào đợi mùa lúa mới năm sau, người sau. Thời ấy, ít có ai tự tử vì tình, và cũng ít có ai ly thân, ly dị gì như thời văn minh vật chất sau này.

Ngày xưa, giá một công cắt lúa mùa là một thùng lúa hột. Sau này, nhân công hiếm, công cắt lên một giạ. Khi làm lúa thần nông vì lúa dày và trúng, nên giá một công cắt là một giạ rưởi lúa hột; có năm hút công cắt, có người còn mướn cắt mỗi công ăn hai giạ Dù ngày xưa mỗi công cắt ăn một thùng lúa, hoặc một giạ, coi vậy mà dễ ăn; mà nhứt là gặp lúa ngã cùng chiều, thợ cắt giỏi cắt nửa buổi là xong một công tầm cắt. Thợ miệt Vĩnh Long, Bến Tre vừa cắt lúa giỏi mà lại cắt lúa đẹp. Những lối lúa cắt của họ rất ngay hàng thẳng lối và mớ lúa nào để ngay ngắn như mớ lúa nấy như một đoàn binh lính đứng thẳng hàng; chiều dài của mỗi cọng lúa cũng bằng nhau, ít khi nào có cọng dài, cọng ngắn so le. Ưu điểm nữa là họ cắt bông lúa vừa vặn, không quá dài mà cũng không quá ngắn, nên khi gom lúa mớ chất lên cộ cho bò trâu kéo vô cà lang, lúa bông ít bị đổ tháo vì mớ lúa nào như mớ lúa nấy rất gọn gang, không vướng tay vướng chân. Trái lại, dân cắt lúa tại chỗ, phải thành thật công nhận là dân miệt mình cắt lúa hổng bằng dân miệt dưới, nhất là mớ lúa để không ngay hàng thẳng lối như họ. Do vậy mà dân mót lúa rất khoái những công lúa dân miệt mình cắt vì lúa gom dễ bị đổ, bị sót.

Hồi đời trước, mùa cắt lúa cũng là mùa mót lúa. Mót lúa là theo những miếng ruộng người ta đang gom lên cộ để trâu bò kéo về chất thành những cà lang lúa như núi mà lượm những bông lúa đổ, lúa sót. Thường là trẻ nhỏ hay đi mót lúa. Đôi khi có người lớn nhưng ngày xưa, người lớn ít ai mót lúa vì dân những cánh đồng lớn thường khá giả nên người lớn ít mót lúa. Các đoàn ghe đi cắt lúa cũng vậy, thường mót lúa là những đứa bé theo cha mẹ mót lúa kiếm thêm chút ít chứ người lớn là lãnh công cắt, ít ai chịu mót lúa vì thật ra mót lúa lâu ăn hơn lãnh công cắt. Ở miệt đồng lớn, như đã thưa là việc mót lúa thường do trẻ nhỏ, nên mùa mót lúa vui lắm. Ngày nào các đứa trẻ ở nhà quê cũng thích ra ruộng mót lúa. Có đứa bị cha mẹ rầy la, đôi khi đánh đòn mà vẫn mê mót lúa mà ít chịu ở nhà, nhứt là trốn học để mót lúa là ưa bị đòn nhứt hạng. Thế nhưng, vào gần cuối mùa, dù mỗi ngày mót chừng một thúng dê lúa bông, nhưng sau nhiều ngày gom lại thành đống lúa cao rồi đạp ra lúa hột, có người mót lúa giỏi có khi được cả năm ba giạ hoặc nhiều lúc được cả chục giạ lúa hột là thường. Rồi cha mẹ cho chúng bán mua áo quần mới, hoặc có tiền ăn hàng bánh khi đi học vân… vân… , nên đứa nào cũng ham mót lúa là vậy. Mùa mót lúa là mùa vui nhất đối với trẻ đồng quê vào những ngày xa xưa ấy.  

Thường thường dân cắt lúa hết miếng ruộng biền lại lãnh công cắt các miếng ruộng sâu và họ cứ dời xuồng ghe theo những cánh đồng xa xa nơi mới tới là vậy. Những miếng ruộng mới cắt xong lại bắt đầu vào mùa đạp lúa. Chuẩn bị cho mùa đạp lúa là công việc giẫy sân. Những sân lúa thường nằm cặp bờ kinh, bờ mương nhằm mục đích cho tiện việc di chuyển lúa hột bằng ghe về nhà; ngoài ra cũng tiện cho xuồng ghe qua lại mua bán rau cải, hàng bánh cho dân ruộng mua sắm trong lúc làm mùa. Sân lúa, theo lệ thường, phải bằng phẳng và năm trước sân lúa chỗ nào, năm sau lại cứ nền cũ mà giẫy cỏ làm sân lại, ít ai dời sân lúa ra xa chỗ khác vì mỗi lần dời sân mới rất tốn công phải làm cho mặt sân bằng phẳng như mặt nền nhà … Để đề phòng các cà lang bị những miếng ruộng làm trước đốt đồng cháy lan, người ta còn đào vòng quanh sân lúa một vòng hào sâu chừng năm tấc, bề mặt đường hào này rộng cỡ một thước. Nếu không đào đường tròn ngăn cách lửa như vậy, người ta giẫy cỏ cho sạch và cách xa sân chứa lúa khoảng vài ba thước hầu tránh cho lửa khỏi bắt vào cà lang lúa của mình. Bên cạnh sân lúa nào cũng có cái trại ruộng. Cơm nấu bằng rơm. Cá dưới ruộng bắt lên được nướng trui hoặc kho mặn vậy mà ăn cơm trong trại ruông ngon hơn ăn cơm ở nhà dù dọn lên bàn, lên mâm.

Gom lúa bông kéo về sân lúa chất thành cà lang là một trong những công việc rất vui vào mùa cắt gặt lúa. Những chiếc cộ làm bằng tre ngang chừng một thước rưởi, dài cỡ hai thước hơn với hai hai con bò kéo kẽo kẹt trên những cánh đồng còn thơm mùi rạ mới là niềm vui của nông dân sau những ngày tháng chân lắm tay bùn . Lúa bông chất cao lên và cộ lúa tới đâu những cánh cò vụt bay lên và trẻ con mót lúa theo sau cộ lượm những bông lúa sót. Vì trâu mạnh hơn bò nên kéo lúa bông hay lúa hột trâu kéo cộ, kéo xe chỉ một con. Còn bò lúc nào cũng đủ cặp thì mới quán xuyến nổi những cộ lúa cao khỏi đầu. Gom lúa về sân, người ta chất lúa bông ngay giữa sân thành vòng tròn rồi chất cao lên hoài cho tới khi thành cà lang lúa cao vút như ngọn núi nhỏ giữa đồng ruộng bao la. Với sức chứa trung bình của một sân lúa với đường kính chừng hai chục thước, có thể gom lúa bông khoảng từ năm mươi tới sáu mươi công tầm cắt. Hồi đời trước lúa mùa trúng nhứt mỗi công khoảng 20 giạ, còn lúa trung bình bổ đồng 17, 18 giạ là thường. Cho nên một sân lúa nếu gom 50 công, lúa hột sau khi ra hột và dê cho sạch đem lúa về nhà trên dưới sáu bảy trăm giạ. Thành ra, ngày xưa làm lúa là ví bồ , ví lẩm nếu ai làm ruộng vài ba trăm công là chuyện bình thường.

Đạp lúa bông là một trong các công đoạn rất vất vả. Khi chất lúa thành cà lang rồi, người làm ruộng mới bắt đầu ra bã . Bã lúa là một lớp lúa bông được kéo từ trên cà lang xuống làm thành vòng tròn bao quanh cà lang, trải đều và dày khoảng một thước. Hồi đời trước chưa có máy cày, máy xới, nông dân mới dùng bò hoặc trâu kéo những cái trục răng hoặc trục liền bằng cây để đạp lúa bông ra lúa hột. Vì thương trâu bò, nên người ta đi trên lúa và theo sau trâu bò cho chúng gẫm đạp lên lúa cho bông lúa rụng hột; ít ai cỡi trâu bò vì trâu bò lội trên rơm mau mỏi giò. Một bã lúa, tùy theo dày hoặc mỏng mà mau chín hay chậm chin. Bã lúa khi thấy rơm nhừ ra và rụng hết hột chắc thì gọi là chin. Nếu rơm mà còn dính lúa hột, chưa rụng hết thì giới làm ruộng gọi bã lúa còn sống. Nếu bã lúa đã chin nhừ người làm ruộng mở dây dàm thả cho trâu bò ăn và uống nước nghỉ ngơi. Và họ xúm nhau lấy mỏ xải vít rơm ra ngoài và lúa hột rớt xuống sân. Sau đó, họ lại ra bã lúa mới và tiếp tục cho trâu bò kéo trục mà đạp lúa tiếp cho tới khi nào hết cà lang lúa mới thôi. Sau này, vào cuối thập niên 1960, nông dân có máy cày, máy xới, người ta mướn máy cày, máy xới đạp lúa mau hơn. Tới thập niên 1980, thời kỳ làm lúa thần nông, ở miền Tây Nam Phần, người ta chế biến ra máy suốt lúa bông ra lúa hột, nên cảnh bò trâu đạp lúa như thời kỳ lúa mùa không còn nữa.

Lúa hột ra rồi, tới công việc dựng cái giàn cao để dê lúa cho sạch lúa lép và bui bui. Giàn dê lúa làm bằng bốn cây tre già dựng giữa trời cao chừng ba bốn thước. Trên cái giàn này người ta lót ván cho chắc chắn để đứng dê lúa cho vững, khỏi té. Ngoài ra, người ta còn trải một tấm đăng bằng rẻ tre để người đứng dê lúa họ đổ những thúng lúa hột chưa dê lên đó và lúa hột sẽ rớt xuống sân, rơm mắc lại tấm đăng và có gió là chúng sẽ bay lên cao và bay xa, không rớt lại dưới sân nữa. Dê lúa bằng giàn giữa đồng như vậy là nhờ gió. Tới mùa cắt đạp lúa gió thổi mạnh. Giữa đồng trồng gió thổi ào ào, nên cứ theo hướng gió mà làm giàn và có người đội lúa lên giàn, người đứng dê, cứ thế thay phiên nhau có khi sân lúa năm ba trăm giạ mà gặp gió mạnh thì dê hổng mấy hồi là xong. Tuy nhiên, có lúc nắng gắt, trời trong, gió yên, thì dê lúa lại mà một công việc rất cực vì bụi bậm xót ngứa mà lúa không dê được, nên dân ruộng rất vất vả. Gặp trường hợp này, ngày xưa, đành phải chờ gió. Có người cho rằng mình đứng ra dùng hai môi chum lại huýt gió thì gió sẽ nổi lên. Nhưng thực tế, có khi gió không nổi lên mà mình thì huýt gió hoài đâm ra mỏi miệng và đành chờ gió trở về. Sau này, người ta lấy máy đuôi tôm rồi chế ra cánh quạt và làm quạt dê lúa, nhưng không bằng dê lúa bằng gió vì trong gió có cái mát của thiên nhiên mà người làm ruộng lại ưa cái mát mẻ của gió là vậy.

Lúa dê xong đâu đấy tới mùa kéo lúa về nhà. Miệt nhà Lầu vùng Mặc Cần Dưng ruộng thuộc Đìa Bèo hay dọc theo mương Nhà Lầu thập niên 1940, 1950 người dân ở đây dùng trâu  bò kéo lúa hột về nhà. Xe kéo lúa gọng xe, sườn xe đóng bằng cây bằng lăng với vách thùng bằng ván dầu hay ván sao, bánh xe làm bằng sao sông lớn với đường kính cỡ một thước, hoặc một thước rưỡi, bề gáy dày nhằm tránh bị lún bùn khi qua các vũng lầy. Đời xưa vào mùa này, người ta thường kéo lúa hột vào ban đêm, nhất là những đêm trăng sáng vằng vặc. Ban đêm có cái lợi là trời mát, trâu bò ìt bị nắng hốc. Thường thường những đêm kéo lúa hột về nhà người ta bồi bỗ cho dân ruộng những nồi cháo gà, hoặc cháo cá. Còn trâu bò được cho ăn cỏ tươi, un muỗi và ngủ nghỉ nơi khô ráo. Cả một vùng vào mùa này vui lắm. Ngoài ra, vào mùa cắt lúa và đạp lúa, nông dân còn cắm câu mồi cua, mồi ốc nơi các lung vũng còn đọng nước; hoặc họ đem rơm chận ngọn mương, cựa gà, lung rộc đấp tàu bắt cá nhảy nửa đêm khi sương rơi ướt cỏ. Cả một vùng lúa mới thơm mùi rạ, múi cá lóc nướng trui, rồi có người còn gài bẩy cò ke bắt cò đáp trắng trên những lung vũng vừa gom lúa bông xong đang tìm mồi cua ốc cá tép.

Không khí mùa màng nơi các vùng lúa mùa ngày ấy hòa cùng thiên nhiên làm niềm vui dân ruộng vừa chơn chất mà trong lành, vừa cơ cực mà lâng lâng niềm vui cùng cánh đồng thơm thơm mùi rạ mới. Hồi đời trước làm lúa mùa, dân ruộng không phải lo trả những món nợ thuốc sâu, thuốc rầy, thuốc cỏ, phân bón, nên cũng ít bịnh đau vì những nỗi lo triền miền thời văn minh bây giờ mà dân ruộng nào cũng gặp phải trên những miếng ruộng thần nông. Nhớ lại mà thấy cái xưa vậy mà sướng, cái cũ vậy mà nhàn và lúa mùa so với lúa thần nông vậy mà làm lúa mùa đúng là “an bần lạc đạo”. Thời gian cứ trôi mãi trôi hoài. Con người sống trong dòng đời cũng phải trôi theo thời gian bất tận như vậy, nên những cái thú vui nơi những cánh đồng lúa mùa cách nay sáu bảy mươi năm dường như người nay  khó có được, dù chỉ một thoáng chốc nhớ về. Bởi lẽ người xưa của những ngày xưa ấy nay chẳng còn mấy người và thế hệ trẻ thì càng ngày càng xa dần những người già nơi các cánh đồng xưa cũ ấy. Thế nên, cái gần mà xa; cái giản dị mà khó tìm, cái chơn quê mà miền quê không giữ nổi là vậy….  Than ôi !!!

Lấp Vò ngày 02 tháng 3 năm 2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét