|
Lương Thư
Trung
Mùa bông súng, bông sen và củ co
Những cánh đồng
lúa mùa nơi vùng Long Xuyên- Châu Đốc ngày xưa, vào thập niến 1940, 1950. đất
lâm còn nhiếu, vào tháng 8, tháng 9 âm lịch, miếng ruộng nào cũng có bông súng
mọc rải rác khắp mặt nước; nhưng bông súng nở rộ có lẽ vào đầu tháng 8, qua
tháng 9 và suốt tháng 10. Những ngày nắng tháng 9, tháng 10 dân quê vùng lúa mùa
ưa bơi xuồng đi nhổ bông súng. Còn mùa móc củ có lại thuộc mùa nước giựt gần khô
đồng.
Bông súng trên
các cánh đồng ruộng Việt Nam thuở xa xưa ấy, dân quê thường chia ra làm hai
loại. Một loại có bông lớn, đài hoa màu xanh, cánh hoa trắng, nhụy hoa vàng,
được gọi là bông súng ta. Loại bông súng này có cọng mập. Mọc đất gò, cọng bông
súng ngắn; mọc đất sâu, cọng bông súng dài. Như các cánh đồng lớn miệt cầu Số
Năm, Luỳnh Quỳnh, Kinh Tám Ngàn, Bình Di Bắc Nam, Hồng Ngự, Đồng Tháp Mười cọng
bông súng có nơi dài tới năm sáu thước vì chúng phải vượt theo mức nước ngập.
Loại thứ hai có
cọng nhỏ, vỏ mỏng, cánh hoa màu xanh đọt chuối, đài hoa màu trắng, nhụy cũng màu
vàng nhưng mảnh mai hơn so với bông súng ta, được dân quê gọi là bông súng ma.
Có lẽ vì hình dáng cọng bông súng nhỏ hơn ngón tay út và bông nhỏ nên người ta
ví như vậy. Bông súng ma thường mọc và sinh sản vùng đất gò .
Nếu nhổ bông
súng ăn, ngưòi ta thích nhổ bông súng ma hơn vì nó mềm; còn nhổ bông súng bán
thì người ta thích nhổ bông súng ta vì nó lớn cọng và gặp những cọng dài cỡ vài
ba thước thì mau đầy xuồng. Vả lại, khi mang về chợ bán người mua bông súng cũng
thích bông súng ta vì cọng lớn và dài ; một bó chừng mười cọng có thể quấn thành
vòng tròn chu vi bằng miệng cái thúng dê.
Vào mùa này, ở
nhà quê, nhà nào trong bữa cơm luôn có món bông súng. Như bông súng nấu canh
chua cá lóc, bông súng bóp muối ăn với cá linh kho mía, bông súng xắt mỏng trộn
với bông điên điển, rau thơm làm rau ghém ăn với mắm kho . Ngoài ra, vào những
năm đồ khổ, người ta còn hái trái bông súng nấu ăn cho đở đói. Trái bông súng
hình dạng bằng nắm tay, có hột nhỏ li ti như hột trái thanh long, không có mùi
vị rõ rệt. Thuở nhỏ, tụi tôi thường lấy trái bông súng sống chẻ ra rồi cạp lấy
hột bên trong khi đi nhổ bông súng ăn chơi cho đở khô cổ. Còn củ bông súng ít ai
ăn, nhưng trong sách Vân Đài Loại Ngữ, chương IX, mục 173, trang 433 gọi “Hoa
lăng (củ ấu) nở trái hướng mặt trời; hoa khiếm (củ súng) nở về hướng mặt trời;
cho nên tính chất củ ấu hàn, mà tính chất củ súng noãn (ấm, ôn).”(1)
Từ chỗ sách gọi
“hoa khiếm là củ súng” như trên, tôi lần mò đi tìm hiểu thêm, được biết, bông
súng, còn được gọi “củ súng”, ngày xưa gọi là “khiếm thực” . Nhưng theo sách
“Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của giáo sư Đỗ Tất Lợi , “khiếm thực” có
tên khoa học “Euryale Ferox”, thuộc họ súng Nymphaeaceae . Theo sách này, “khiếm
thực” chính thức là một loại cây mọc ở đầm ao, sống quanh năm, lá hình tròn
rộng, nổi trên mặt nước, mặt trên màu xanh, mặt dưới màu tím. Mùa hạ, cành mang
hoa trồi lên mặt nước, đầu cành có một hoa, sáng nở, chiều héo.”(2) và chúng
được trồng bên Trung Hoa và nó khác với bông súng Việt Nam.
Vì sách có chua
tên “khiếm thực” là “Euryale Ferox”, chúng tôi lại lần mò tím hiểu thêm thì được
biết “Euryale Ferox” là một giống cây đặc biệt có lá rất lớn với đường kính từ
60 cm tới 1mét, bông nó lại nhỏ có chiều ngang chừng 5 cm. Người ta tìm thầy
chúng nhiều ở Ấn đô, Bangladesh và Trung Hoa.(3)
Thật ra, ngày
nay nhiều nhà nghiên cứu về bông súng (Waterlilies, tên khoa học là Nymphaea),
họ đã tìm thấy có trên sáu mươi lăm loại bông súng khác nhau và phân loại chúng
theo từng màu và trong mỗi màu như vậy người ta còn phân chia nó theo vùng khí
hậu thay đổi một cách khắc nghiệt và vùng nước ấm các miền nhiệt đới nữa.
Chẳng hạn màu
hồng, vùng hàn đới, có tất cả 17 giống khác nhau; nhưng cũng màu hồng, vùng
nhiệt đới có ba loại khác nhau. Màu đỏ, vùng hàn đới có 14 loại khác nhau; vùng
nhiệt đới có 6 giống. Màu trắng, vùng hàn đới có tất cả 8 giống; miền nhiệt đới
có 3 giống. Màu vàng, miền hàn đới có 4 giống; miền nhiệt đới có 2 giống. Màu
xanh, miền hàn đới có 3 giống; miền nhiệt đới có 5 giống.
Nhưng có lẽ
giống bông súng vùng Amazon có tên Victoria Amazonica là loài bông súng chúa
trong các loài bông súng. Lá nó lớn lắm, đường kính mỗi chiếc lá có nhiều khi
dài 1,8 mét, có bông màu trắng vào mùa hè và nhiều lúc mọc cao khỏi mặt nước cỡ
vài ba tấc (4). Theo giáo sư Phạm Hoàng Hộ, loại bông súng này còn có tên là
“Súng Mexico”, là loài thủy sinh đa niên; to. Lá rất to, phiến rộng đến 1 mét,
bìa lá vảnh lên; mặt dưới đỏ có nhiều gân lồi. Hoa lớn rộng tới 20-40 cm, nở vào
ban đêm; 4 lá đài gần như tròn 7-8 mm, nhiều cánh hoa; rất nhiều tiểu nhụy; noãn
sào hạ với 30-40 buồng. Trái có nhiều hột . Trồng ở Thảo cầm
viên.”(5)
Thông thường,
bông súng nở vào buổi sáng, chiều chúng xếp các đài hoa lại và hôm sau nở tiếp;
nhưng cũng có vài loại lại nở vào ban đêm như loại Victoria Amazonica vừa kể..
Chùa Bửu Môn ở Port Arthur, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ có sưu tập và phân loại theo
bông nở ban ngày và ban đêm gồm được 54 loại. Chẳng hạn như các loại bông súng
màu đỏ lửa tên là Red Flare, bông súng màu hồng lợt Tropical Aosis và một loại
bông súng màu trắng có tên Trudy Slocum nở vào ban đêm.
Bông súng Việt
Nam thuộc vùng nhiệt đới, nên đa phần sáng nở, chiều tóp lại, nên dân quê chống
xuồng nhổ bông súng là đi từ sáng sớm, lúc mặt trời chưa mọc, và bông súng nở
trắng cả vạt đồng dễ nhổ; tới chiều chống xuồng về vì trời hơi xế là bông súng
ngủ nên đâu đâu củng màu xanh trời nước hòa cùng màu xanh của lá bông súng và
rong rêu, nên khó thấy bông để nhổ .
Củ co, cũng là
một dạng cây mọc dưới nước, có lá và cọng như bông súng nhưng kích thước nhỏ
hơn. Đặc biệt, người ta ít thấy bông củ co nở . Theo giáo sư Phạm Hoàng Hộ, “Củ
co còn gọi súng vuông, có tên khoa học là Nymphaea Tetragona . Cỏ thủy sinh nhỏ,
củ đen, đứng. Lá nhỏ, tròn từ 3 tới 4 cm, bìa lá nguyên, mặt trên màu xanh đậm,
mặt dưới màu nâu đỏ, gân rõ mặt dưới. Hoa cỡ 3 cm, đáy vuông có 4 lá đài xanh,
từ 7 tới 15 cánh hoa trắng, tiểu nhụy cỡ 40, màu vàng. chỉ rộng, không có phụ bộ
ở đầu. bông nở vào buổi xế.”(6).
Có lẽ, do bông
củ co quá nhỏ và nở vào buổi xế chiều nên ít ai để ý và thấy bông củ co nở như
bông súng.
Vào tháng nước
giựt gần cạn đồng, người ta theo các bụi củ co già và lấy tay móc sâu xuống bộ
rể của búi củ co và người ta có được những chùm củ co lớn bằng ngón chưn cái. Có
nhiều bụi củ co lớn có củ bằng cườm tay. Hình dạng củ co tròn, khi đem về rửa
sạch và nấu chin ăn bùi bùi như dáu củ nưa ngập nước, hoặc giống như dáu khoai
môn.
Ngày xưa, ở nhà
quê ít ăn quà bánh có lẽ vì tiện tặn, nên vào mùa nước giựt này, nhà nào cũng rủ
nhau đi móc củ co về ăn. Có người quá nghèo, cũng nghĩ ra cách móc củ co đem ra
chợ bán có tiền mua gạo muối sống đắp đổi. Nhưng mùa móc củ co cũng là một mùa
mà ngày nay dường như ít ai còn nhớ vì đất ruộng không còn lâm như ngày xưa, một
phần; và một phần khác, giống củ co dường như cũng mất giống lâu rồi, nên giới
trẻ ngày nay ít nghe nhắc đến có một thời dân quê kiếm loại củ co này về nấu ăn
chơi như vậy.
Còn bông sen,
ngày xưa ở đồng quê miền Tây Nam Phần, sen được biết nhiều bên Đồng Tháp Mười.
Thập niên 1940, 1950 miệt đồng lớn vùng Tám Ngàn, cầu Số Năm, Tri Tôn, Thới Lai
và các vùng lung vũng cầm thủy là nhiều sen mọc lưu lai bốn mùa. Mấy năm sau,
những năm 1960, 1970, đất lâm không còn, dọc theo các kinh lộ xe hơi vô Rạch
Giá, xuống Cần Thơ vùng Ô Môn, Bình Thủy người ta ưa trồng sen lấy bông, lấy
gương, lấy lá sen và khi mùa nắng, nước cạn người ta lấy ngó sen. Sau này, chúng
tôi có thấy vùng Mỹ Luông thuộc Chợ Mới ( An Giang) có trồng sen dọc theo kinh
lộ xe hơi từ Mỹ Luông đi lên Tân Châu.
Đây là một
trong những loài cây sống dưới nước như bông súng. Mùa hái bông sen hoặc cắt lá
sen vào tháng 7, tháng 8 và tháng 9 . Các chợ vùng quê Long Xuyên Châu Đốc ngày
xưa dân quê thường lên đồng hái lá sen về bán cho bạn hàng gói những hàng hóa
khác như đường, bánh, kể cả gói cá tôm. Vào tháng 10, tháng 11 họ hay bán gương
sen với những hột sen tươi lú ra khỏi mặt gương sen mời gọi sự thèm thuồng của
trẻ con. Hột sen tươi ăn rất ngọt và giòn, ngon.
Xưa nay xứ quê
mình chỉ nghe nói một loại sen “bông trắng nhụy vàng”; nhưng ngày nay các nhà
nghiên cứu đã phân loại nhiều giống sen theo màu sắc như sen màu trắng có ba
giống chiều cao từ một 1,2 mét tới 1,8 mét như giống sen Alba Grandiflora, lá nó
có đường kính từ 40 cm tới 58 cm; giống Alba Striata, lá nó có khi lớn với đường
kính 70 cm; và giống thứ ba , có tên Alba Plena, bông màu kem trắng, lá chiều
ngang tới 62 cm, cọng sen cao từ 1 mét tới 1,5 mét.
Còn sen màu
hồng lợt và màu đỏ gồm cả thảy 7 giống. Sen màu vàng có giống Nelumbo lutea
“Flavescens” với bông màu vàng, nhụy vàng, đài hoa màu đỏ lợt.
Theo giáo sư
Phạm Hoàng Hộ, “Sen có tên khoa học Nelumbium nelumbo, thuộc loại nê thực vật có
củ dài có ngấn, thân và cuống có bộng to dài. Cuống lá tròn, có gai nhỏ; phiến
hình lọng, hoa to, nhiều phiến hoa trắng hay hường; tiểu nhụy có mũi cong; đế
hoa hình chùy lật ngược, tâm bì trong lỗ. Bế quả đen.”(7)
Giống như bông
súng, hiện nay tại chùa Bửu Môn vùng Port Arthur, Texas, Hoa Kỳ cũng đã sưu tập
và gầy giống được khoảng 44 giống sen lạ đủ màu sắc, kể cả giống sen Hồ Tĩnh Tâm
từ Việt Nam cũng có mặt trong bộ sưu tập này. Có thể nói chùa Bửu Môn là nơi
tập trung nhiều giống bông sen, bông súng và tre trúc nhất vùng này với 54
giống bông súng, 44 giống sen và 31 giống tre trúc khác nhau.. Quang cảnh chùa
là cả cảnh trời quê hương Việt Nam thu nhỏ với rừng tre trúc với rộn rã tiếng
chim đủ loại hoà cùng những ao hồ ngát hương thơm các loài bông sen, bông súng
khoe sắc màu rực rỡ dưới nắng hè …
Nhắc tới các bộ
sưu tập bông súng, bông sen ở chùa Bửu Môn, nhớ ngày xưa các chùa vùng quê miệt
Mặc Cần Dưng như chùa Kỳ Viên, Chùa Tân An, chùa Hòa An , chùa Tân Phước Tự ở xã
Tân Bình, chùa nào cũng có ao trồng bông sen, bông súng với hoa nở ngát hương
hòa quyện cùng tiếng chuông chùa hương thơm bay xa khắp làng mạc thuở thanh bình
ngày cũ…
Dù ngày nay,
trên thế giới người ta cập nhật và sưu tập nhiều giống bông súng, bông sen như
vậy nhưng vẫn có khác biệt giữa bông sen, bông súng Việt Nam và thế giới. Với
Việt Nam, ngày xưa vì nhu cầu đời sống nơi vùng nhiệt đới gió mùa nên dân quê
sống với lúa mùa theo cơn nước ngập lụt hằng năm nên dân ruộng mình nhổ bông
súng trên những cánh đồng lúa mùa hoặc đất lâm là để làm thức ăn với một đời
sống thiết thực . Còn các giống sen, súng các vùng đất trên thế giới chỉ cốt bảo
vệ các môi trường thiên nhiên hầu làm đẹp cho những ao hồ thiên nhiên hoặc trồng
trong các ao hồ các vườn sau nhà nhằm làm đẹp cảnh nhà và giải trí khi nhàn hạ .
Một đằng thể hiện tính cách giản dị và thiết thực nơi đời sống cư dân vùng nước
lụt lúa mùa, một đằng coi những loại bông súng, bông sen như những sắc màu của
đất trời làm đẹp thiên nhiên và làm đẹp cuộc đời.
Dù mọc ở nơi
nào, các loài bông súng, bông sen và củ co đều mang lại lợi ích cho con người về
cả hai phương diện vật chất lẫn tinh thần . Chính vì vậy mà chúng vẫn hiện diện
trong đời sống con người ở mọi miền, mọi thời , mãi hoài, bất tận….
Lấp Vò, ngày
22-12-2008
Phụ
chú:
1/ Sách “Vân Đoài Loại Ngữ” của
Lê Qúy Đôn, nhà xuất bản văn hoá Thông Tin, Việt Nam, năm 2006, chương IX, mục
173, trang 433.
2/ Sách “Những Cây Thuốc và Vị
Thuốc Việt Nam” của gío sư Đỗ Tất Lợi”, nhà xuất bản Y Học, năm 2005, trang
846.
3 và 4/ Theo Encyclopaedia
Britannica, cuốn VI , trang 339 (về Lotus), cuốn X, trang 570 (về Water lilies),
bản in lần thứ 15, năm 1976 . Ngoài ra, còn có các sách tham khảo khác như “The
Practical rosk & water garden” của Peter Robinson, nhà xuất bản Hermes
House, Anh Quốc, năm 2005.
5 và 6/ “Cây Cỏ Miền Nam Việt
Nam” của giáo sư Phạm Hoàng Hộ, do Bộ Giáo Dục, Trung Tâm Học Liệu xuất bản, bản
in lần thứ 2, năm 1970. Sài Gòn, Việt Nam. Quyển 1, trang 256
7/ Cây Cỏ Miền Nam Việt Nam
(sđd), trang 257
|
Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013
MÙA BÔNG SÚNG
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét