Lương Thư Trung
Mùa cá dại, chất chà và dỡ chà
Vào
tháng 11 âm lịch, các năm 1948, 1949 và các năm đầu thập niên 1950, hầu như khắp
các vùng sông rạch miệt tổng Định Thành thuộc tỉnh Long Xuyên và các vùng phụ
cận miệt Thất Sơn - Châu Đốc, đâu đâu cá cũng nổi đầu lội lêu bêu trên mặt nước
như nhởn nhơ chơi giữa cõi đời nhiều sông nước này.
Vì
ngày xưa các kinh rạch nhỏ rút nước phèn không nhiều, cả một làng lớn như làng
Bình Hòa (Mặc Cần Dưng) từ ngoài chợ chạy dài vô tới ranh làng trong cua Vàm
Nha, chỗ chùa Kỳ Viên, phía lộ xe lôi chạy chỉ có các mương chánh như mương Hội
Đồng, mương Khai (chỗ nhà ông Nguyễn Tấn Đời), mương thánh thất Cao Đài, mương
ông Xã Phú, mương ông Xã Cương, mương ông Nhà Lầu, và mương Vàm Nha. Phía bên
kia sông giáp với cánh đồng xã Hòa Bình, Bình Thủy, nếu tôi nhớ không lầm thì
chỉ có mương chỗ cua chùa Tân An Tự ăn thông lên kinh Ông Quít trên Năng Gù là
tương đối nước chảy mạnh, còn những con mương còn lại phía bờ sông bên kia đều
là những mương nhỏ như mương ông Hai Huấn, do ở nhà tự lực đào, nên không thông
thương lắm. Do vậy mà cả cánh đồng lớn chứa nước cỏ, nước phèn không thoát nhanh
được, nên cá tôm vào mùa này bị cay mắt và chúng cùng nhau nổi lờ đờ trên mặt
nước, nên dân quê mới gọi là cá dại hoặc cá dậy là vậy.
Vào
mùa cá dại, cá nổi bèo nước, vui lắm. Dọc theo các mé sông, kinh rạch, hầm hố
chỗ nào cá tôm cũng ngúc ngắc lội đưa ngạnh, đưa râu. Từ cá chốt, cá nhái, cá
rằm, cá mè vinh, cá dảnh tới cá chạch, cá éc, cá rô biển, cá trèn, cá nóc, đủ
thứ phơi mình trong nước cỏ đỏ ngầu. Vào mùa này, bắt cá dễ lắm, bắt cách nào
cũng được, không cần gì phải chuyên nghiệp, nhưng thông dụng nhất có lẽ là đăm
cá bằng chỉa làm bằng kèo dù hoặc căm xe đạp. Loại chỉa này, dân quê gọi là
“chỉa sà di”, thường thường người ta làm chỉa đăm cá vào mùa này từ ba đến năm
mũi. Mỗi khi nước ròng sát và nắng lên cao là cá càng nổi dữ. Dân ruộng cứ cằm
chỉa đi dọc theo bờ sông, mé rạch có những bầy cá đang nổi mà lựa cá để đăm.
Người nào muốn làm khô cá nhái cứ đăm rặt cá nhái; người nào gặp cá gì cũng ham,
thì lựa cá nào lớn nhứt trong bầy cá nổi mà đăm. Có khi đi lòng vòng chừng nửa
buổi là một xâu cá đầy. Có khi có cả cá lóc, tôm và nhiều nhứt vẫn là cá rô
biển, cá nhái.
Ngoài việc đăm cá bằng chỉa, có người còn hớt cá bằng
vợt. Vợt đan bằng chỉ, tra vô cái cán dài rồi ngồi ngay mủi xuồng và dùng cán
vợt làm giầm bơi tới, gặp cá là trở cán vợt và hạ vợt xuống nước mà xúc cá . Xúc
cá bằng vợt thường thường đi vào ban đêm vì cá gặp ánh đèn là chúng bị ánh sáng
làm chóa mắt nên ít chịu chạy đi đâu.
Còn
một cách bắt cá khác vào mùa cá dại này là kéo heo, cũng vào ban đêm. Heo là
hình thức kéo cá bằng tay đăng dày trải theo chiều ngang trên chiếc xuồng. Hai
bên miếng đăng này người ta làm hai miếng vách cao lên chừng ba bốn tấc, cũng
bằng rẻ đăng bện lại, nhằm ngăn cho cá khi vào đăng không nhảy trở lại xuống
nước được. Phía trước đầu đăng phần nằm dưới nước, người ta dùng nguyên cây tre
suôn và không lớn lắm như tre bông, tre mỡ chẳng hạn, hoặc chỉ dùng hai nẹp tre
mà nẹp cho đầu đăng cho chắc chắn nhằm làm cho đầu đăng không bị vướng cỏ. Rồi
chờ nước ròng, người ta mới bơi vô các ngọn mương mà bắt đầu kéo heo ra dài tới
ngoài vàm.
Việc kéo heo, theo cách thức này phải cần tới hai người.
Người ta lội xuống nước và mỗi người nắm một đầu cứ đi tới với tay giữ cho đầu
đăng dưới nước chìm khuất chừng năm ba tấc. Cá ban đêm cũng nổi trên mặt nước
như ban ngày, khi thấy cá vô heo nhiều, người ta tìm bãi nào êm, có chút cỏ càng
tốt, hai người mới hè nhau ủi cái heo vào bờ và nâng đầu đăng chìm dưới nước lên
thật nhanh cho cá đừng chạy kịp và nâng cái heo lên cao cho cá trút xuống hết
trong xuồng , rồi giũ cỏ trong xuồng bỏ ra và đi kéo heo tiếp cho tới khi ra tới
vàm mương, vàm rạch . Mỗi đêm như vậy, tùy theo nước rong, nước kém mà cá kéo
heo nhiều hoặc ít. Thường thường, nước kém là kéo heo khá lắm. Cá kéo heo nhiều
nhất là cá nhái. Do vậy, mùa này cũng là mùa làm khô cá nhái.
Ngoài cách kéo heo bắt cá, vào mùa cá dại, dân quê còn
có cách đi đăm tôm dọc theo hai bên mé lộ đá, như con đường lộ đá nối liền Tri
Tôn – Long Xuyên. Theo hai bên bờ mương lộ đá này vào những năm 1948, 1949 tôm
nổi râu cặp theo mé lộ nhiều lắm. Người ta có thể thò tay xuống nước bắt tôm
cũng được, nhưng đa phần là đăm tôm bằng chỉa một hoặc chỉa sà di như đăm cá dại
vậy . Vào những năm này dân quê ở đây đặt lọp đường ven, bửng ngang sông hoặc
chài tôm nên tôm nhiều lắm; nhiều người mua tôm về rồi ví đăng rộng ngay trước
sân và bắt chảo đụn lên rang muối và chở lên Sài Gòn bán, thường thường bán lỗ
vì không chuyên nghiệp như lái buôn tôm cá rành nghề.
Vào
mùa cá dại, dân quê còn xúc cá chạch bằng xuồng vào lúc nước ròng. Một người
ngồi sau lái bơi xuồng ngược nước và một người ngồi trước mũi xuồng cầm cái rổ
xúc vừa tay và xúc những về lục bình trong các ngọn mương trôi ra . Khi về lục
bình nằm gọn trong cái rổ, một tay nâng cái rổ, một tai giũ giũ lục bình bỏ ra
ngoài, vậy mà rổ nào cũng có vài ba con cá chạch cơm, cá chạch bông bự lắm. Xúc
cá chạch cách này chỉ xúc vào lúc nước ròng thôi, nước lớn không có cá chạch bám
trong rễ lục bình vì cá trên đồng xuống chứ không phải cá dưới sông lên
.
Vào
mùa này, dân quê cũng ưa ngồi tum đăm cá bông, cá rô biển, dù việc cất tum và
ngồi tum đăm cá bông bằng chỉa sào búp có từ khi có nước cỏ trong vắt vào tháng
9 âm lịch. Nay người ta vẫn tiếp tục ngồi rình cá bông gấm như vậy vì mấy loại
cá này không bị mờ mắt như các loài cá trắng cay mắt nổi bèo mặt
nước.
Trong mùa cá nổi này, những miệng đáy, miệng vó cất được
xuống rầm rộ chờ cá vô đáy, vô vó . Nhưng được mùa nhất vẫn là vó gạt căng ngang
sông với hai giàn gác cao hai bên khỏi mặt nước để hai người cầm cây tre dài
đặt ngang lên trên hai giàn gác này mà gạt vó dồn cá về cái túi ở cuối cái vó
xuống phía dưới nước . Mỗi lần gạt vó như vậy cá nhảy lung tung và nhiều nhất là
cá bông, cá trắng và đặc biệt là cá linh chiếm đa số . Mỗi ngày vào những năm
làm lúa mùa, vào mùa vó gạt này , người ta tính cá mấy chục giạ mỗi ngày chứ
không tính ký lô hay cân lượng gì. Và lúc bấy giờ người ta bán cá linh cũng bán
bằng thùng, bằng giạ . Nhưng có lẽ món cá heo là nhiều người thích mua về kho
tiêu, ngon lắm vì cá heo béo lắm; và người ta bán cá heo cũng bán nhắm, bán mớ
chứ hổng ai cân lường lắt nhắt gì . Đúng là thời cá tôm đầy sông rạch, ai cũng
rộng rãi, tốt bụng.
Mùa
cá dại, cũng là sắp hết mùa cá trên đồng. Dân quê có cá ăn ngày ấy bắt đầu lo
bắt cá tháng chạp, tháng giêng bằng cách chất chà và dỡ chà. Vào tháng 8, tháng
9, người ta chuẩn bị chà . Miệt Mặc Cần Dưng và các làng quê lân cận dường như
nhà nào cũng có trồng cây me nước, nên dân cư ở đây thường chất chà bằng nhánh
me nước . Ngoài me nước, nhiều nơi khác còn dùng nhánh bần, nhánh gáo, nhánh bảy
thưa, trâm bầu, nhánh gừa, nhánh sộp, nhánh xoài làm chà. Miệt sông cái ưa chất
chà bó bằng nhánh tre bắt cá he, chà gốc bắt tôm. Miệt Hỏa Lựu, Vị Thanh, Gò
Quao, Vĩnh Thuận dưới ngã ba nước trong ưa chất chà bằng đọt tràm, nhánh gừa,
nhánh bần. Mỗi loại nhánh cây làm chà dụ được một số loại cá mà chúng ưa thích.
Như trên có nói qua chà tre, thì cá he ưa
ở; chà gốc thì tôm ưa vô làm ổ, chà me nước thì cá thác lác rất mê; chà tràm,
chà bần, chà nhánh sộp, nhánh gừa thì cá nào vô cũng được nhưng chà tràm lúc mới
chất cá nhát vô chà vì mủ tràm thì chát, nên khi chà tràm cũ và hết mủ cá mới
chịu vô làm nhà, làm ổ.
Về
kích thước mỗi đống chà tùy theo trong rạch, trong kinh hoặc ngoài sông cái mà
mỗi đống chà có kích thước khác nhau, không buộc phải y như nhau. Nhưng thường
thường chiều dài cỡ 30 thước và ngang tối thiểu phải 10 thước, miễn sao với tay
lưới dỡ chà dài 100 thước mà bao đủ đống chà là được. Ngày xưa, người ta dỡ chà
bằng đăng, sau này tiến bộ hơn, người ta dùng lưới đậu 9 để dỡ chà .
Nếu
dỡ chà bằng đăng thì việc trải đăng phải nhanh và ít trở ngại chừng nào tốt
chừng nấy. Vì nếu trở ngại như đăng bị ngã hay trải đăng chậm quá cá sẽ hoảng
hồn chạy ra khỏi chà hết. Còn bao chà bằng lưới thì rất nhanh và tiện lợi nhưng
cũng gặp trở ngại là khi bủa lưới bị rối hoặc luýnh quýnh rồi bơi xuồng bị chìm
thì cá trong chà giựt mình lội ra ngoài thì cầm chắc phần tốn công mà cá quá ít
.
Tuần tự trong việc chất một đống chà là chọn nền.;
thường thường chọn đầu doi đuôi vịnh là cá nhiều . Chọn nền xong thì lo móc nền
chà . Móc nền chà là mình lặn xuống chỗ nền chà lấy hai chân nhấn những cục đất
cho lớn rồi ôm nó bỏ ra ngoài sông sâu với mục đích là làm cho nền chà sâu xuống
năm ba tấc để cá vô chỗ sâu này mà trú ngụ khi có chà . Móc nền xong, là bắt đầu
cắm trụ và buộc rượng chà chung quanh cho chắc chắn.
Thông thường trong giới chất chà hay trong giới cất
trại, cất nhà ở nhà quê có câu thiệu :”buộc không ong, cho không cũng không
thèm”. Tức là muốn cho rượng chà buộc chặt vô các trụ là mỗi nuộc lạt muốn cho
chắc đều phải quay chéo vài ba bận cho chặt để mối lạt không bị lỏng mà lung lay
hoặc sứt ra.
Cắm
trụ, buộc rượng chà xong là chờ nước kém mùng 10 tháng 10 âm lịch là xuống chà .
Ngoại trừ chà bó, chà gốc chất ngoài sông cái bắt cá he, bắt tôm, còn trong sông
rạch thường chất chà cắm, những nhánh chà cắm xiên xiên một góc 35 độ hoặc 45
độ. Đừng cắm chà nằm quá, chà sẽ mau bị bùn bồi lên; nhưng cắm chà mà đứng quá
làm đống chà không ấm, cá ít vô. Cắm xiên 45 độ, giống như mái nhà cá ưa vô ở và
làm ổ luôn thể. Có mấy loại cá tôm ưa làm ổ ngay trong đống chà là cá ngát , tôm
càng xanh và tôm càng lửa . Còn kỳ dư các loại cá khác thích dựa vô chà như trạm
dừng chân trên bước đường lưu lạc vậy thôi chứ ít ở nơi nào cố định.
Chà
chất, nếu cụ bị đủ vật dụng, trung bình một ngày là chất xong một đống. Những
năm 1976- 1980, tôi có hơn bốn năm rưởi làm nghề chất chà này. Lúc đó chúng tôi
có khoảng 10 anh em mà chất được gần 40 đống chà bằng đọt tràm, nhánh bần và
nhánh gừa, nhánh sộp, nên tôi biết cái cực và cái sướng của nghề dỡ chà ở vùng
ngã ba nước trong gần Vĩnh Thuận, đường đi U Minh …
Chất chà xong là phải lo kiếm mồi nhử cá . Các loại cá
trắng như cá dảnh, cá mè vinh, cá mè hôi, cá he thì thích dây cứt quạ; các loại
tôm càng thì thích khoai mì nướng, lúa hột rang cho thơm; còn các loại cá khác
như cá chẻm, cá ngát, cá lóc chúng tự động vô chà kiếm cá nhỏ làm mồi, nên khỏi
cần phải nhử mồi. Trung bình kể từ ngày chất chà xong, nếu chà mới phải chờ cá
vô chà cho quen, nên có khi một tháng rưởi mới dỡ chà được. Còn chà cũ, trung
bình mỗi tháng mỗi dỡ đều có cá như thường.
Về
điểm này, tôi có đọc chương 2: “Người lính già trên đồng bưng”, trong cuốn tiểu
thuyết “Về Đâu” của Đào Hiếu, phổ biến trên Talawas, tác giả viết : “Trong khúc
sông chảy ngang nhà, người ta thả xuống nhiều cành cây khô để “lót ổ” cho cá .
Trên mặt nước rải đầy lục bình để che nắng . Sau một năm, cá về thường trú ở đó,
con cháu đầy đàn . Đến ngày, người ta chỉ việc vây lưới chung quanh, dỡ lục bình
đi, dỡ chà bỏ lên bờ. Rồi kéo lưới .”
Theo mạch văn, tôi không thấy tác giả có ngụ ý hoặc “ẩn
dụ” nào khác, nhưng nói về vụ chất chà mà chất một năm mới dỡ là không đúng như
ngoài thực tế . Vì chà chất mà để lâu quá như vậy, lúc bấy giờ bùn nó bồi lấp
chà chìm xuống đất hết rồi, còn chà đâu mà dỡ với không dỡ gì nữa .Lúc bấy giờ
là mò chà có lý hơn!
Dỡ
chà lựa nước chánh kém là dỡ, nhưng bao lưới, bao đăng thì cho nước vừa đứng
ròng là bao lưới liền. Muốn bao lưới, bao đăng phải cần chiếc xuồng vơớ hai
người bơi và một người ngồi giữa xả lưới, xả đăng. Với đăng cần một người lội
sẵn dưới nước, đăng tới đâu người này nhấn đăng xuống bùn tạm chờ bủa đăng xong
là cùng nhau cắm đăng và dùng dây lạt buôộ vào rượng chà cho chắc chắn. Còn lưới
không cần một người lội sẵn như vậy . Khi nào bủa lưới giáp mí, tất cả cùng nhảy
xuống nước một lượt, mỗi người mang theo một số nhánh cây có nạng, dài cỡ sáu
bảy tấc, dùng làm cây móc để móc viền lưới lún sâu xuống bùn giữ viền lưới chắc
chắn cho cá đừng chui ra ngoài. Bao lưới xong đâu đấy, tất cả cùng nhau lội vô
đống chà hạ viền lưới bên trên chỗ cuôố đôốg chà phía dưới nước và tháo lục
bình trong chà cho chúng trôi ra ngoài.
Xong giai đoạn này, ai hứng cá trên chiếc ghe đậu bên
đầu trên đống chà thì hứng; ai nấu cơm thì nấu; ai làm cá kho mẳn thì làm vì
trên ghe hứng cá đậu trên nước đã có cá mè vinh, cá dảnh nhảy bộn rồi, mặc sức
mà lựa cá ngon kho ăn cơm . Ăn cơm xong là bắt đầu nhổ chà và chuyền chà ra
ngoài . Khi nhổ chà nhớ chừa lại một ít chà phía trên nước, chỗ ghe đậu hứng cá
nhảy lđể àm ổ cá cho cá dựa , và bắt đầu gạn lưới.
Gạn
lưới là giai đoạn quan trọng nhứt trong việc dỡ chà. Trước nhứt là phải có sức
khoẻ, chịu lạnh lâu, và lặn giỏi, dài hơi . Thường một đống chà bề ngang 15
thước, dài 40 thước, chỉ cần sáu người gạn lưới là đủ . trung bình mỗi người
chịu trách nhiệm khoảng từ hai thước, tới hai thước rưởi lưới là vừa. Nếu co dư
nhân công, thì thêm vài người nữa càng tốt. Thưa quá sợ lưới bị hỏng chưn, đông
người quá thì chật chội, khó xoay trở. Mỗi người gạn lưới đều có một cây say
láng bóng, thường làm bằng cây tầm vông, cây tre mỡ hoặc cây tràm nhỏ mà suôn
láng, cao ba bốn thước, với công dụng là giúp người gạn lưới sẽ lấy hai chân
ngoéo vô cây say này cho chắc và hai tay vừa nhổ cây móc lúc dắn lưới, vừa kéo
viền lưới vô phía bụng của mình.
Khi kéo viền lưới không được kéo nhóng lên khỏi mặt bùn
vì làm như vậy cá sẽ chui ra ngoài; và cũng không kéo lưới quá sâu dưới bùn , vì
viền lưới chém bùn sâu quá thì kéo lưới vô không nổi, nên gạn lưới bị trở ngại.
Thích hợp nhứt là kéo viền lưới sâu xuống bùn cỡ 5 phân là vừa . Mỗi mỗi lần gạn
lưới như vậy đống chà thu ngắn lại chừng vài thước, tùy theo nước chảy mạnh hay
yếu và địa thế nền chà . Nền chà tương đối bằng thì gạn lưới nhanh; nền chà mà
có vực thẳm thì khó gạn hơn . Và hai mí lưới gạn tới đâu người ta dùng lạt tre
hoặc lạt dừa nước nức hai viền lưới tới đó, làm cho cá khỏi ra ngoài.
Trong lúc dỡ chà, gạn lưới điều kỵ nhứt là không nên
tiểu trong đống chà, vì nếu có ai lỡ tiểu như vậy, thế nào cũng có người bị cá
gai đâm . Dù sông sâu nước chảy như vậy nhưng nước tiểu vẫn làm cho cá bị cay
mắt và chúng lội hoảng hốt mà va chạm vào mấy người gạn lưới . Các loại cá gai
thường đâm người dỡ chà là cá trê trắng, cá ngát, cá mang ếch, còn gọi là cá ba
gà . Loại cá mang ếch này có da như da con ếch và trên mình chúng có rất nhiều
gai . Ngoài ra, miệt nước pha chè còn có cá nâu đâm cũng nhức lắm.
Khi
gạn lưới lên tới ổ cá, người ta mới lấy hết chà trong ổ cá ra và dùng vợt xúc cá
đổ vô ghe . Cá trong ổ cá nhiều lắm nên mỗi vợt cá như vậy có cả chục ký là ít.
Trung bình hồi đời trước mỗi đống chà mà tới kỳ dỡ như vậy tối thiểu cũng vài ba
trăm ký cá trắng, chưa kể tôm càng, cá đen như cá lóc, cá trê cũng nhiều lắm .
Khoảng năm 1976, chúng tôi dỡ đống chà dưới dạ cầu sắt Vị Thanh (Chương Thiện)
có trên 500 ký cá tôm, mà tôm càng, tôm trứng chừng 5 cần xé, mỗi cần xé như vậy
chừng 50 kilô tôm. Khi gạn lưới đống chà này vì ngay vực sâu, nên nước chảy
mạnh, nhiều lúc chúng tôi phải nhóng lưới lên hỏng mặt bùn và đùa bớt cá tôm ra
vì sợ bị rách lưới, vậy mà cá tôm còn nhiều như vậy. Nếu không đùa cá tôm ra
bớt, chắc còn nhiều hơn, nhưng có khi lưới bị rách còn tệ hại hơn
nhiều.
Nhắc lại mùa cá dại, chất chà, và dỡ chà là nhắc lại một
chu kỳ cá mắm trong một năm với 12 tháng bắt cá theo từng mùa. Tháng tư mưa già,
bông xoài quằn nhánh là mùa chà cũng hết mùa. Hết chà vào tháng mưa cũng là lẽ
thuận theo tuần hoàn của trời đất, bởi khi mưa già là cá lại lo lên đồng trở lại
những lung vũng một thời, không muốn ở trong các đống chà thấp thoáng trên những
bến sông nữa . Nhắc lại mùa cá dại, chất chà và dỡ chà với một khoảng thời gian
dài gần bảy mươi năm trôi qua cũng là nhắc lại những cảnh đời chìm nổi theo dòng
sông đời nhiều biến đổi . Và đời sống hôm nay cũng như ngày mai sẽ còn mãi mãi
mà ký ức một thời thì có khi cũng vì màu thời gian làm lu mờ đi nhiều . Do vậy,
tâm tư người nhà quê già như tôi, tôi chỉ muốn chia sẻ cùng anh em bè bạn vùng
sông nước Long Xuyên-Châu Đốc mình một khúc sông nước quê mùa ngày cũ với cá tôm
ngừ nước một thời, như một chút tình quê mãi hoài êm đềm, tha thiết lắm nơi
những bến sông xưa!
Lấp Vò, ngày 10-12-2008
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét