Lương Thư Trung
Mùa giăng lưới
Nơi
miền quê miệt Long Xuyên- Châu Đốc với các kinh rạch như con sông chảy vô Núi
Sập, Ba Thê, rồi lên nữa với rạch Mặc Cần Dưng vô Cần Đăng, Tri Tôn; phía trên
nữa có kinh xáng Vịnh Tre, rạch Cái Dầu; đổ qua Tân Châu, Cao Lãnh, xuống Sa
Đéc bên sông trước với Tùng Sơn, Mỹ An Hưng, Tân Mỹ, Tân Qúi Đông, Tân Qúi Tây
cũng như về sông Hậu Giang từ Vàm Cống chạy dài xuống Thốt Nốt dọc theo các
vùng quê Cái Dầu, Định Yên, Hòa Lạc, Định An, Lai Vung thuộc phần đất Lấp Vò cũ
và giữa dòng sông cái với các cù lao vùng Tân Lộc Đông, Tân Lộc Tây thuộc Thốt
Nốt hoặc kinh Cái Sắn vô vùng Tân Hiệp vào mùa tháng năm nước đục là cả một vùng
sông rạch rộng bao la này vào mùa thả lưới cá mè vinh, cá dảnh, cá hô, cá tra,
cá vồ, cá bông lau từ miệt Biển Hồ trên Cao Miên tràn xuống vùng châu thổ miền
Tây Nam Phần này như những ngày hội thả lưới thưa bắt cá trắng vào
mùa.
Những năm 1950, dân cư các vùng này thường sắm lưới rất
thưa, nhứt là lưới thả ngoài sông cái thì lổ lưới có người đan cỡ một tấc là ít.
Còn trong các rạch nhỏ thì mặt lưới nhỏ hơn nhưng nhỏ gì thì nhỏ mỗi lổ lưới
căng ra đo được cỡ tám phân. Sở dĩ ngày xưa vào mùa này dân ruộng ưa sắm lưới
thưa vì cá nhiều và cá lớn, nên ít ai sắm lưới dày.
Lưới hồi đời trước người ta tự đan lấy và đan bằng chỉ,
bằng gai nếu muốn bắt cá lớn; còn bắt cá rô người ta thích đan lưới bằng tơ vừa
mịn vừa bén cá . Với mùa thả lưới tháng năm, dân quê đan lưới xong và bắt viền
sao cho lưới không quá dùn mà cũng không căng mặt quá thẳng. Vì nếu bắt lưới mà
dùn quá khi cá gặp lưới cá không chịu đăm vào lưới, nhưng bắt lưới căng mặt quá
thì mặt lưới không có tùng đủ để giữ con cá khi cá vướng lưới . Do vậy, thường
thường người ta bắt viền trên hơi thẳng và viền dưới hơi dùn để cá đăm vô lưới
là dính liền không vùng vẫy đi đâu được.
Thường thường vào mùa này, lưới thả thường căng ngang
sông rạch nếu sông rạch nhỏ, ít khi thả lưới cặp mé bờ . Lưới sau khi bắt viền
xong, dân quê bắt thêm phao viền trên. Phao thường được chuốt từ thân gỗ xốp như
cây gòn vì gòn nhẹ và làng quê miền Tây nơi nào cũng có trồng gòn. Nếu không làm
phao bằng cây gòn, người ta làm phao lưới bằng gỗ cây vông đồng, loại cây thường
dùng là guốc vông những năm thập niên 1940, 1950, ván cũng nhẹ như gòn. Vả lại
vông đồng là loại cây mọc hoang nên vườn tre nào ngày xưa cũng có cây vông đồng
mọc đầy. Về sau này khi có lưới đan bằng nilon, người ta cũng chế ra phao lưới
làm bằng nhựa nilon luôn thể . Phao lưới được kết ở viền trên và hai phao cách
nhau khoảng từ năm tới sáu, bảy tấc là vừa, vì kết xa quá lưới dễ bị chìm mà kết
nhặt quá thì lại tốn nhiều phao. Ngoài phao ra, viền trên người ta còn gắn những
cây cờ bằng vải vàng, xanh hình cánh bườm nhằm cho xuồng ghe tàu bè thất lưới
đang thả mà tránh lưới.
Riêng viền dưới vì muốn cho khi thả lưới thì dạo lưới
phải thẳng, nên người ta kết chì; giữa hai cục chì cách nhau cũng cỡ năm tấc là
vừa. Vì lòng sông, lòng rạch vào mùa này thường sâu nên dạo lưới ít nhất cũng
phải một thước rưởi nếu lưới thả trong các rạch nhỏ như rạch Mặc Cần Dưng; còn
lưới thả ngoài sông cái, dạo lưới phải dài hơn, có khi bề dạo dài tới hai thước
tây mới đủ sức bắt cá hô, cá bông lau, cá vồ cờ, cá tra, cá vồ đém, cá leo, cá
kết …
Miệt Hòa Lạc, Định An, Định Yên, Lai Vung ngày nay còn
giữ được cách thả lưới bắt cá bông lau trên các vịnh thuộc sông Hậu Giang dù
ngày nay cá bông lau không còn nhiều như cách nay hơn nửa thế kỷ . Hồi đời xưa
chẳng những các vùng vừa kể mà đâu đâu cũng vậy, ai muốn thả lưới bắt cá lớn
trên sông rạch thì cứ thả; còn ngày nay vùng Hòa Lạc phải chờ tới phiên, tới
chuyến mới tới mình thả lưới bắt cá bông lau. Có nhiều người phải chờ tới một
tuần hoặc mười ngày mới tới phiên mình. Có người tới phiên rồi, lưới lại không
dính cá, phải chờ đáo phiên lần nữa … Thiệt là mỏi mòn trông đợi mấy chị cá bông
lau béo ngậy này vướng lưới, chứ đâu phải dễ dàng gì . Ngày nay khác ngày xưa là
vậy.
Những năm 1945, miệt Mặc Cần Dưng mùa thả lưới tháng 5
này cá dính thường là cá mè vinh, cá dảnh rất lớn với cặp trứng thè lè. Lúc bấy
giờ có con lớn bằng cái dĩa bàn. Lưới thường thả vào lúc nước đứng ròng. Sở dĩ
vậy vì dân quên đón cá đi ăn khi nước lớn và lúc nước đứng ròng chúng chuẩn bị
về chà, và người ta thả lưới lúc này là nhằm bắt cá về chà . Có khi người ta thả
lưới lúc nước đứng lớn là cũng nhằm bắt cá từ trong các đống chà cá ra sông để
kiếm ăn . Nhưng khi nước lớn mạnh cũng như nước ròng mạnh thì dân quê cuốn lưới
lên và bơi xuồng về nghỉ ngơi dù đặng thất gì cũng nghỉ vì nước lớn hoặc ròng mà
chảy xiết thì lưới dễ bị trôi xa và rách lưới.
Tháng bảy, tháng tám là ngưng thả lưới dưới sông vì cá
đã lên đồng nhiều rồi. Và dân quê theo cá lên đồng mà bủa lưới cá trên đồng. Vào
những tháng đầu mùa này, người ta có lưới cá rô, hồi xưa cũng đan bằng chỉ, bằng
gai chứ không có lưới nilon như sau này . Đặc biệt lưới cá rô viền dưới không
cần phải bắt chì và dạo lưới rất ngắn, cỡ tám tấc vì cá rô ưa ăn mồi trên mặt
nước , Lưới cá rô đầu mùa thì dày, lổ lưới cỡ 2 phân rưởi; đến tháng 9, tháng
10, cá rô lớn rồi và lưới cá rô cũng lớn theo và mặt lưới cỡ 4 phân, 4 phân
rưởi. Hồi xưa, lưới cá rô mà lổ lưới cỡ 4 phân, 4 phân rưởi thường bắt cá rô mề,
có con gần bằng cườm tay, bụng đầy mỡ, béo lắm. Vào mùa lúa giáng, nhất là món
lúa sóc so có gạo mới mà nấu cơm ăn với cá rô lưới 4 phân, 4 phân rưởi muối sả
ớt chiên cho vàng, ăn cơm hết nồi hồi nào không hay. Ngon lắm!
Cá
rô câu khác cá rô lưới ở chỗ cá rô câu thì có cá nhỏ, cá lớn lộn xộn; nhưng cá
rô lưới thì cá dính một cỡ với nhau đều rang, hổng có con lớn con nhỏ như cá rô
câu . Người nhà quê nói cá rô lưới là cá lựa là vậy.
Hồi
đời trước giăng lưới cá rô là giăng nền nằm, cố định một luồng, chứ ít khi dời
luồng mới như sau này . Dân quê bủa lưới theo các giồng ranh lúa mùa khi mùa
nước ngập sâu cá vô cạn kiếm mồi là dính lưới. Khi bủa lưới xong, người ta nằm
sấp xuống mũi xuồng, tay trái nắm viền lưới, tay mặt quạt quạt nước cho dạo lưới
thẳng và chìm xuống gần sát mặt đất. Chốc chốc, dân giăng lưới ngoái lên bốc một
nắm lúa ngâm rải dọc theo luồng lưới dưới lườn xuồng làm mồi nhử cho cá bu lại
ăn rồi dính lưới . Ngày xưa cá rô mê mùi lúa ngâm lâu ngày .
Sau
này, thập niên 1970, 1980, dân giăng lưới cá rô không dùng lúa ngâm làm mồi nữa,
mà dùng xác mắm cá linh trộn với cám rang và bùn non làm mồi.. Và họ cũng không
cần phải nằm sát mũi xuồng dằn lưới như xưa nữa. Cách bủa lưới sau này là vừa
ngồi ngay mũi xuồng, một chưn xếp bằng trên xuồng, một chưn kia cho xuống nước
nhằm đẩy mũi xuồng đi tới. Họ bủa lưới tới đâu, tiện tay lấy chút xác mắm cá
linh trộn với cám rang và chút bùn non rải tới đó làm mồi.
Sau
khi bủa xong hết lưới trên xuồng, họ mới bắt đầu quay trở lại và nằm sấp nơi mũi
xuồng mà dằn lưới như ngày trước. Dằn lưới cách này, khi họ bắt đầu trở lại dằn
lưới và rải mồi một lần nữa, cho tới khi giáp hết các luồng lưới vừa bủa xong,
chẳng khác nào họ thăm được một giác lưới rồi.
Lợi
là lợi chỗ đó vì cá rô thì ưa ăn mồi xổi, nên dân ruộng biết cá thích ăn mồi bất
kể chết nên dụ cá dính lưới bằng cách vừa bủa lưới vừa rải mồi. Nhưng giăng lưới
cách này có cái hại là cá dính qua một bận là hết cá, nên dân giăng lưới phải
dời luồng đi chỗ khác, nếu làm biếng không dời lưới thì cá không còn dính bao
nhiêu vì cá có bao nhiêu dính hết lúc mới bỏ mồi rồi.
Vào
tháng 8, tháng 9, tháng 10 cũng là mùa giăng lưới cá linh. Lưới cá linh hồi đời
trước vì đan bằng chỉ, bằng gai nên lưới không bén như mấy năm sau này đan bằng
nilon sơi nhỏ và mềm. Lưới cá linh dày cỡ một phân vào đầu mùa ; đến gần cuối
mùa, nhứt là lúc cá bắt đầu ra sông vào con nước kém mùng 10 tháng 10 âm lịch
thì lưới phải thưa hơn nhưng không lớn quá hai phân; trung bình lổ lưới một phân
rưởi là bắt cá linh lớn lúc cá ra sông là vừa.
Nhớ
mấy năm 1980, vào mùa này tôi bủa chừng năm trăm thước cá linh từ lúc chùa vừa
công phu hiệp nhứt, tới lúc trời còn tờ mờ sáng là bủa xong lưới, thì tới chiều
về, cá linh dính đầy vài ba khoang xuồng. Có năm tôi giăng lưới lắc nhắc mà ở
nhà ủ cả chục khạp mắm cá linh để nấu nước mắm, mỗi khạp da bò ủ được một giạ
rưởi cá tươi, ăn không hết. Rồi lại tới mùa, giăng tiếp, nước mắm cá linh còn
lại kêu cho bà con nghèo trong xóm lấy về ăn lấy thảo. Vui lắm.
Có
mấy nơi bủa lưới cá linh ăn tiền nhứt là trên cánh đồng nước bao la, nơi miếng
đất nào gần ngọn mương là cá linh nhiều. Thêm nữa, giữa cánh đồng nhiều rong
đuôi chồn, mã đề dày bịt mà có một cái láng trống nằm ngay giữa đất, và nếu bủa
lưới ngay láng trống này chắc chắn lưới vừa bủa xong vài chục phút là cá linh
sẽ dính guộn viền. Hoặc những miếng ruộng nào mà nhạn đất cứ bay vần vần trên
bầu trời hoài không chịu bay đi nơi khác, thì đây là dấu hiệu cá linh đang bơi
lôi trong rong, trong cỏ nhiều lắm; nếu chịu để ý các bầy nhạn và bủa lưới cá
linh vào những chỗ đó thì cá linh dính lưới nhiều lắm.
Nói
cá linh trên đồng nhiều vô số kể nhưng không phải lúc nào cá cũng dễ dính lưới.
Một ngày, thường thường, cá chỉ dính nhiếu nhất vào hai giác: buổi sáng khi mặt
trời chưa mọc và buổi chiều khi mặt trời sắp lặn. Do vậy, muốn giăng lưới cá
linh phải chuẩn bị đi cho thật sớm sao cho trời vừa hừng sáng là bủa xong hết
các tay lưới mà mình mang theo. Buổi chiều nán ở lại chờ cho tới trời gần sụp
tối mới cuốn lưới. Giác chiều này cá linh dính không cách gì gỡ cá cho xuể, phải
cuốn lưới mang về nhà và cả nhà xúm nhau giũ lưới tiếp cho cá linh văng ra, có
khi tới tối mịt mới xong. Nhiều lúc giăng lưới cá linh rất cực như vậy nhưng vui
lắm.
Còn
giác trưa, trời nắng gắt cá linh dính lai rai vì chúng trốn trong rong, ít đi
kiếm ăn. Khi trời đang nắng mà bổng đổ cơn mưa bất chợt thì coi như cá linh ở
đâu là cứ ở đó, không di chuyển cho dù đang mùa cá ra sông tháng 10, tháng 11 âm
lịch. Gặp mấy trường hợp này, chúng tôi thường cuốn lưới và chống xuồng về nghỉ
ngơi cho khỏe, vì cá có dính đâu mà ngồi chờ ….
Lưới cá trắng, còn gọi là lưới thưa, là loại lưới nhằm
giăng bắt các loại cá mè vinh, cá dảnh, cá thác lác trên những cánh đồng ngập
lụt tháng 8, tháng 9, tháng 10 âm liịch . Mặt lưới có kích thước từ năm phân tới
bảy, tám phân tùy theo cá đầu mùa hay cá cuối mùa, nhưng không thưa quá như lưới
thả dưới sông lúc tháng tư, tháng năm mưa già, nước đục.
Thường thường dân giăng lưới cá trắng vào mùa này là dân
biết hưởng nhàn, bởi lưới cá trắng là loại lưới nằm chờ thời chứ không như lưới
cá rô, cá linh là loại lưới bủa xong cá dính liền. Các đặc tính của cá mè vinh,
cá dảnh là chúng sống trong rong cỏ, nơi nào có rong đuôi chồn, mã đề nhiều là
chúng ưa ở trong mấy vạt đất đó vì mấy thứ này cũng là thức ăn nuôi chúng mập
mạp và mau lớn. Nhưng ở trong rong hoài cũng chán. Mấy loài cá này cũng thích
lội nghêu ngao từ lung vũng này qua lung vũng khác chơi cho vui. Biết vài đặc
tính như vậy, nên dân giăng lưới mới lựa những đám rong đuơi chồn và mã đề mà
dọn các luồng lưới cá trắng dài hun hút băng qua nhiều vạt đất tùy theo lưới
trên xuồng nhiều hay ít . Dọn luồng như vậy giống như dọn luồng câu mồi cua, miễn làm sao cho luồng lưới
nước chảy êm êm, nhè nhẹ mà hấp dẫn cá bơi qua bơi lại từ những chỗ rong mọc dày
bịt qua chỗ lúa lưa thưa như đi chơi, đi dạo vậy.
Ngày xưa, và mãi sau này giăng lưới cá trắng không cần
bỏ mồi như lưới cá rô vì giăng cá trắng thật ra là mình đón đường cá đi chứ
không phải mình dụ cá về với mình. Tuy vậy, đôi khi người ta cũng rải hột gòn,
lúa ngâm theo luồng lưới, nhưng hiếm lắm. Và nếu có chút mồi lai rai như vậy thì
cũng chỉ có tính kích thích tâm lý của niềm hy vọng nơi người chờ thời cá lội
thôi, chứ chẳng hữu hiệu gì cho lắm.
Dọn
luồng xong, có khi lưới nhiều phải dọn vài ngày mới xong, rồi bủa lưới. Dân
không chuyên môn thì ngồi trước mũi xuồng bủa lưới; dân chuyên nghiệp thì vừa
đứng chống xuồng, vừa bủa lưới, xuồng lướt tới thoăn thoắt mà lưới cứ xả ra đều
đều, không bị rối, đúng là nhà nghề . Bủa lưới xong là tới màn dằn lưới như cách
dằn lưới cá rô. Nghĩa là mình nằm sấp xuống mũi xuồng, một tay lần viền lưới đưa
chiếc xuồng đi tới, một tay quạt quạt nước cho dạo lưới chạy theo sức nước cuốn
do tay mình quạt mà căng dạo lưới thẳng ra gần sát mặt đất.
Xong đâu đấy, vài ba xuồng lưới tìm một gốc cây lớn giữa
đồng hoặc đám điên điển, hay rặng trâm bầu bên bờ kinh hay thềm đìa mà đậu xuồng
và căng cà rèm lên che nắng che mưa rồi lo nấu cơm, móc hầu mấy con cá mè vinh
vừa dính lưới khi mình dằn lưới bỏ vô nồi cơm hấp cho cá chín và cùng nhau ăn
cơm cho vui . Cá tươi mà hấp cơm thì ngọt thịt lắm . Giữa cánh đồng nước mênh
mông, hai ba người cùng giăng lưới với nhau có đủ chuyện để kể cho nhau nghe về
mùa màng, về mấy đêm trước giăng lưới vạt đất nào, chỗ nào có ma đè, chỗ nào
dính cá mè vinh cườm và chỗ nào bị cua kẹp … Tức là đủ thứ chuyện trên trời dưới
nước mà chân tình chia sẻ những kinh nghiệm trong nghề bắt cá tôm thời lúa mùa
giăng mắc khắp các cánh đồng nước lụt.
Cơm
nước xong, khoảng chừng 10 giờ đêm là mấy anh em rủ nhau thăm lưới giác nhứt.
Thăm lưới bắt đầu như lúc dằn lưới. Người ta nằm sấp trước mũi xuồng, một tay
nắm viền lưới phăng xuồng đi tới, tay mặt quạt quạt nước cho dạo lưới căng ra
trở lại như lúc ban chiều. Trường hợp dính cá, cách xa chừng năm ba thước là dân
giăng lưới nhà nghề là biết liền với các dấu hiệu như viền lưới bị liệt xuống
nước hoặc có sức cá vùng vẫy nên dạo lưới bị giựt giựt. Gặp những con cá vừa
phải, người ta cầm chắc con cá và gỡ xuôi theo lổ lưới; trường hợp con cá mè
vinh cườm khá lớn, dân giăng lưới chuyên nghiệp thò tay lấy cái vợt múc con cá
vô vợt và gỡ ngược con cá, tức là chỉ gỡ hai cái mang khỏi lổ lưới thôi vì cái
mình con cá không chui lọt qua lổ lưới được. Nếu không có mang theo cái vợt,
phải cầm con cá cho chắc ăn, nếu không cá lớn sẽ vùng mạnh và vuột khỏi tay như
chơi . Cũng có nhiều trường hợp gặp cá lớn như vậy, khi mình lần viền lưới gần
tới nó, chưa kịp cầm tới cái mình con cá thì nó lại giật mạnh một cái là không
còn thấy tâm hơi con cá đâu nữa, vừa chắt lưỡi hít hà vừa tức mình sao bàn tay
châm chạm quá mạng, để cá sẩy. Do vậy, dân quê hay nói “cá sẩy là cá lớn”, nghe
rất có lý.
Thăm lưới xong, chống xuồng về lại chỗ đậu xuồng cũ rồi
chờ bạn mình về hỏi thăm nhau cá dính khá hông, uống thêm một tuần trà, rôồ đi
ngủ và chờ chùa công phu hiệp nhứt rủ nhau thức dậy cuốn lưới và chống xuồng về
. Trên đồng nước mênh mông, họ ỳ hú nhau inh ỏi và hỏi thăm nhau đêm qua đứa
nào dính cá nhiều, cá ít, nghe rất thân tình và chơn chất lắm.
Hồi
xưa, thập niên 1940, 1950 cá nhiều nên ai cũng được cá đầy nhóc xuồng, toàn là
cá lớn. Sau này, những năm nào nước ngập sâu, đường sá, vườn tược ngập lút hết,
cá trên Cao Miên theo nước tràn xuống, giăng lưới cá trắng biết mê . Mấy năm
1960, 1963, là những mùa nước lụt lội rất lớn, dù lúa mùa còn ít so với trước
kia hoặc mùa nước lụt vào năm 1978 dù làm lúa thần nông, nhưng cá trắng nhiều vô
số kể . Nhứt là năm 1978, nhiều nhà thiếu gạo, nhưng nhờ lưới cá trằng dính
nhiều nên nhiều nhà nấu cháo bỏ cá mè vinh, cá dảnh vô nồi cháo cho nhiều mà ăn
cá cho đở đói . Ngày nay, vì các làng quê làm lúa ba mùa, nên chung quanh các
cánh đồng vùng Mặc Cần Dưng, Chợ Mới, Mỹ Luông, Lấp Vò và nhiều vùng khác phải
đấp bờ ven để chận không cho nước ngập lúa nên cá không lên đồng được và mùa
giăng lưới cá trắng giờ chỉ còn trong hoài niệm của những người nhà quê già…
Nhưng những năm 1948, 1949 miệt Mặc Cần Dưng và các vùng
phụ cận, dân quê còn có một loại lưới phất vào khoảng tháng chạp, tháng giêng
lúc cá xuống sông hết rồi, nhằm bắt cá rô ụp móng theo mấy gốc cây gáo, cây bảy
thưa, cây bần . Lưới được đan bằng tơ rất bén cá và có kích thước ngang khoảng
hơn một thước, dài chừng hai thước; không bắt viền như các loại lưới vừa kể mà
chiều ngang manh lưới được buộc vào một ngọn trúc dài chừng ba thước, ba bề kia
thả ra như lá cờ, nên dân quê gọi là lưới phất hay lưới cờ.
Thường thường vào lúc nước nhửng ròng, người ta bắt đầu
đi phất lưới này. Ngồi trên xuồng buộc vào bụi sậy bên gốc gáo, một tay cầm cái
cán lưới và trải mặt lưới cho xuôi theo chiều nước chảy. Cá rô trú ẩn trong gốc,
trong chà lâu lâu vọt lên mặt nước ụp móng và chúng ụp móng ngay tay lưới đang
trải dài trên mặt nước và hai cái mang của chúng có gai bén nên dính lưới không
sao vùng vẫy cho sứt ra được. Và người ta chỉ cần cầm cán lưới giơ cao lên xuồng
và gỡ cá . Có khi dính hai ba con một lượt vì cá rô ở theo bầy và thường lên
ngớp một lượt nên chúng dính mà các bạn ở dưới nước không hay biết gì . Hết gốc
gáo này tới gốc gáo khác và cứ phất lưới như vậy suốt ngày cá rô mề dính nhiều
lắm, ăn không hết; vì cá dính bắt ham, nên ngày nào vào mùa này bắt cá rô bằng
lưới cờ cũng là một trong nhiều thú vui ở nhà quê vào những năm xa xưa
ấy.
Nhớ
có lần tôi kể về người bạn nghèo cùng giăng câu, giăng lưới với tôi những ngày
xa xưa, một thời , nhưng nay anh cũng đã ra người thiên cổ rồi, và dịp này, tôi
xin ghi lại vài câu thơ cũ lâu rồi như một chút lòng của người giăng lưới già
nhớ bạn nghèo cùng giăng lưới ngày nào:
“Văng vẳng xa đưa tiếng trích rừng,
Kìa
bầy nhạn đất gọi tưng bừng
Chim ơi, đâu nữa mùa đẻ trứng,
Những luống cày sâu, nước ngập đồng.
Bạn
ơi, bạn có còn giăng lưới,
Chiếc xuồng câu, cũ mục rong rêu
Cá
ơi, cá có còn ụp móng,
Mang đến niềm vui một kiếp nghèo !
Điên điển vàng bông, trời cũng vàng
Bạn
tôi áo rách lòng không than
Bông ơi, cho dẫu bông đồng nội,
Làm
đẹp đất trời, bông điểm trang.
Xa
quê giờ đã mấy mùa mưa
Lòng vẫn man man nhớ chốn xưa
Nhớ
bạn lưới câu từ dạo ấy,
Chiếc xuồng, con cá, một bài thơ …”
Mùa
giăng lưới, cũng như giăng câu, ngày xưa là những công việc phụ nhưng vui vì cá
tôm lúc bấy giờ nhiều lắm và dính cá ai
cũng ham. Tuy vậy, nếu ai làm chơi thì cò ăn, bằng chí thú làm nghề này hoài thì
cực và không dư dả gì nhiều. Do vậy mà người xưa mới nói “nhất phá sơn lâm, nhì
đâm hà bá” cũng có cái lý của nghề hạ bạc...
Lấp Vò, ngày 09 tháng 12
năm 2008
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét