Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

MÙA ĐẶT RÙ


Lương Thư Trung
Mùa đặt rù, kéo bò, chận ụ và làm mùng


Việc kiếm cá tôm nơi làng quê là việc làm theo mùa. Có những mùa này, cách bắt cá tôm của mùa khác không áp dụng được. Chẳng hạn mùa đặt rù vào tháng chạp, tháng giêng không thể áp dụng cho những ngày tháng nước ngập tràn đồng; trái lại vào mùa làm mùng tháng tám, tháng chín không thể đem ra dùng cho mùa hạn, mùa khô. Do vậy, mùa nào thì cách bắt cá tôm tùy theo mùa nấy mà ông bà ngày trước bày ra mà dùng rồi truyền lại cho con cháu đời sau. Và chung qui, cũng là do đặc tính của từng loại cá tôm nơi vùng lúa mùa ngày xưa tại các vùng
Long Xuyên - Châu Đốc theo các con nước của dòng An Giang mà ra cả …

Trước hết, do đặc tính cá ưa dựa gốc, chun vô chà, người có nhiều chà thì chặt nhánh cây rồi phơi nắng cho nhánh cây rụng lá dùng làm chà. Trong bài “Mùa cá dại, chất chà và dỡ chà ”, tôi có kể cho bạn nghe qua các mùa chất chà này rồi. Ở đây tôi muốn nhắc đến mùa đặt rù vào tháng chạp, tháng giêng. Vào những ngày này, ngoài cách chất chà, dân ruộng vùng Long Xuyên – Châu Đốc mới nghĩ cách làm những cái rù để bắt cá.

Về hình thức và vật liệu làm cái rù thì rất đơn giản. Rù có hình chop nón, mà đầu trên bịt kín, đầu dưới tròn rộng, gọi là miệng rù, với đường kính cỡ chừng một thước với vành cứng làm bằng tre già hoặc dây cổ rùa loại lớn . Thoạt đầu, người ta lựa những đọt tre gai có thân lớn và già, lấy một khúc dài cỡ chừng hai thước hoặc hai thước rưỡi; rồi chẻ từ dưới lên cách ngọn vài lóng chia ra làm tám, hoặc mười rẻ. Phần vài lóng tre chừa lại nơi ngọn tre là dụng ý giữ các rẻ tre dính lại, không bị sứt rời ra để khi mình đan rù thì rất tiện. Và vài lóng tre này về sau sẽ là chỗ dành để cầm cái rù trút cá ra khi mình dỡ rù; tiện lợi lắm.


Phần thân tre còn lại, dân quê dùng mác bén chẻ mỏng sao cho những cọng nan này vừa dính một phần da và hai phần ruột, gọi là nan nghiêng. Những cọng nang nghiêng và dài này dùng để đan rù. Đan rù theo cách đan lông mốt, tức là rẻ rù đứng, các cọng nan dài nằm ngang, và cứ luồn cọng nan vòng qua một rẻ trong, rồi một rẻ bên ngoài cho đến hết các rẻ rù. Ngoài tám rẻ hoặc mười rẻ của ngọn tre được chẻ như vừa kể, khi đan rù, người ta mới chen thêm giữa các rẻ chánh một rẻ phụ nữa nhằm mục đích làm cho thân rù được cứng chắc, bền bĩ chịu đựng được sức nước chảy và mỗi khi dỡ rù trút cá nhiều lần rù không bị rúng mình hay yếu ớt sệu sạo…Khi đan rù tới mút các rẻ xong, người ta bẻ các cọng nạn sao cho bám chắc miệng rù; sau đó người ta dùng dây kẽm nứt vòng quanh vành miệng rù  nhằm làm cho miệng rù thêm chắc chắn. Mỗi cái rù đan xong, dân quê lấy nhánh tre khô dồn đầy vào trong rù . Mỗi nhà vào dịp này, nhà nào ít gì cũng đan năm ba cái rù dồn nhánh tre như vậy để đặt rù kiếm cá ăn.

Cách đặt rù cũng có chút kinh nghiệm như trong việc chất chà bắt cá. Dân quê ưa dò nền nơi đầu voi đuôi vịnh là chỗ cá ưa lai vãng mà chọn nền. Khi ưng ý chỗ nào rồi thì người ta mới lặn xuống chỗ ấy mà dùng hai tay móc bùn bỏ ra ngoài dòng nước sông sâu cho bùn trôi đi, gọi là dọn nền. Xong xuôi đâu đấy, người ta mới đặt cái rù nằm xuôi theo chiều nước ròng, tức là miệng rù quay về phía vàm các con kinh, con rạch. Vì quay miệng rù về hướng nước ròng như vậy là cũng do dân ruộng biết được đặc tính của các loài cá là ưa lội ngược nước và ưa đi ăn khi nước lớn và trở về dựa vô chà, vô gốc khi nước ròng. Ngoài ra, dân quê còn lấy hai cây khá chắc như ngọn tầm vông hoặc nhánh tre lớn cắm hai bên hông thân rù nhằm giữ cho cái rù không bị nước sông cuốn trôi hay làm cho nó xê dịch ra khỏi nền có thể cá ít dựa vô rù.

Ở miệt sông nước miền Long Xuyên- Châu Đốc ngày xưa cách nay năm, bảy chục năm dường như vào mùa này không có ai dỡ rù trộm vì cá tôm nhiều vô số kể, dân tình quá chơn chất hiền hòa; và lại nữa, dỡ rù là dỡ ban ngày ban mặt, đâu có ai làm cái chuyện lén lút xấu xa đó làm gì để rồi cá tép chẳng là bao mà tai tiếng cả làng, xấu hổ dữ lắm. Không những chuyện lặt vặt này mà nhiều chuyện khác ở miền quê dân quê lúc nào cũng sống với đời là sống bằng cái chân, cái thiện, cái mỹ trên hết dù họ rất ít chữ nghĩa trong bụng, nếu không muốn nói là đa phần dân ruộng là chỉ biết chữ ký tên, hoặc nhiều người ra làng, ra xã chỉ biết gạch thập khi cần ký giầy tờ khai sanh hộ tịch gì nhưng họ đều biết sống hết mực vì cái đẹp…

Cá chun vô rù thường là cá rô biển, cá rô đồng, cá trê vàng, cá lóc, cá chạch lấu. Sở dĩ người ta gọi dụng cụ này là “cái rù” vì mỗi khi lặn xuống dỡ rù lên, vừa cất miệng rù khỏi mặt nước là người ta nghe cá hoảng hồn chạy rù rù trong ấy. Có miền cón gọi cái rù là cái tụng như miệt Cái Côn, Mương Khai, Mương Cao dọc theo bờ sông Hậu vùng Cần Thơ, Kế Sách. Có người không đan rù bằng nang tre, mà dùng lu, dùng khạp, hoặc dùng thùng phuy đụt nhiều lỗ rồi cũng chất nhánh tre đầy trong mấy vật dụng này mà đặt cá thì người ta gọi theo tên gọi các vật liệu ấy như dỡ lu, dỡ khạp, dỡ thùng phuy. Có nơi như vùng quê Bắc Nam của anh Dương Văn Chung, tác giả cuốn “Nội ngoại đều thương”, không dùng lu khạp gì hết mà chỉ bó một bó chà rồi nhận xuồng kinh rạch và chờ khi nước ròng men theo bờ mà lội xuống sông ôm những bó chà ấy bỏ lên xuồng thật nhanh là có cá tôm mắc kẹt trong bó chà ấy nhiều lắm. Điều đó cho thấy cá tôm ngày xưa nhiều quá mạng, nên bắt cách nào chẳng những cũng có cá mà còn dư ăn dư để nữa như làm mắm, làm khô dành những lúc thắt ngặt, cực ăn…

Song song với việc đặt rù, vào những tháng chạp, tháng giêng này, vùng quê Long Xuyên Châu Đốc hồi xưa ấy người ta còn có cách bắt cá bằng kéo bò. Dọc theo các mé sông rạch như rạch Mặc Cần Dưng, Cần Đăng, Hang Tra, Chắc Cà Đao (quận Châu Thành – Long Xuyên), kinh xáng Bốn Tổng (xã Định Mỹ), rạch Tân Bình, rạch Mương Kinh, rạch Cái Tàu, vùng Thủ Ô, Gia Vàm (quận Lấp Vò – Sa Đéc), vùng Tân Châu, Tịnh Biên, kinh xáng Cây Dương thuộc Châu Đốc, và nhiều lắm, kể không xiết…., đâu đâu người ta cũng làm những ụ bò bắt cá tôm.

Về hình dáng cái bò nó giống như cái ghe mui lón, mà cái sườn được đóng bằng cây săn chắc như cây sao, hoặc ván cây mù u, cây tràm với chiều dài khoảng hơn ba thước, chiều ngang cỡ hai thước, chiều cao cỡ một thước. Xung quanh được rợp bằng những tấm đăng tre hoặc các tấm vỉ bằng tre có kẻ hở , không dày quá mà cũng không thưa quá , nhằm cho nước thoát ra ngoài khi kéo bò lên bắt cá và cá không bị lọt ra ngoài được.

Phần trên, từ phía đuôi, người ta cũng lợp một lớp đăng hay vỉ tre dài chừng một phần ba chiều dài cái bò, nhằm giữ cá mắc kẹt khi mình kéo bò. Phần này giống như mui lón của chiếc ghe trên sông nước miệt Long Xuyên. Và phía sau đít bò, dân quê có làm cái cửa với miếng ván chận ngang như đít lọp, dùng làm nơi bắt cá khi kéo bò lên khỏi mặt nước.

Phần đáy của cái bò, người ta làm cái sườn khá chắc, có thể lợp bằng ván; nếu sợ nặng quá, người ta dùng tre gốc chẻ mỏng đóng lại cho khít để làm sàn bò. Dưới đáy bò, để tiện việc mỗi lần kéo bò lên xuống, người ta lựa hai cây tre mạnh tông thiệt già và càng dài càng tốt buộc chặt dưới đáy bò dùng làm hai cái gọng như gọng cộ. Xong đâu đấy, người ta cũng lấy chà chất đầy trong cái bò như cách nhét chà vô cái rù . Chỉ có khác là cái bò thì lớn gấp nhiều lần cái rù nên cá tôm dạn vô trú ngụ và do vậy mà tôm cá nhiều hơn gấp nhiều lần…

Khi kéo bò, các người trong nhà xúm lại chia nhau nắm hai cái gọng này mà kéo bò lên. Về sau, nhiều nhà không kéo bò bằng sức người mà chế biến ra cái trục cố định ngay trên bờ chỗ làm nền bò, có lỗ thông qua trục này vừa vặn với ngọn tầm vông làm cây đòn để quay cái bò lên. Mỗi khi muốn kéo bò, người ta dùng dây lòi tói buộc vào miệng bò và dùng cây chắc như tràm,  hoặc tầm vông luồn qua cái lỗ của cái trụ cố định và cùng nhau cão cái bò lên như người ta thường dùng cão để kéo ghe lớn mỗi khi muốn lấp vò hoặc trét chai ghe tàu vậy. Khi cái bò được kéo lên khỏi mí nước, nằm trên bãi bùn dưới kinh rạch thì cá tôm chạy dồn về phía đít bò. Lúc bấy giờ người ta chỉ còn công việc là mở cái cửa phía đáy bò và bắt cá vô thùng, vô giỏ.

Việc kéo bò tương đối nặng và cần số đông người, nên các nhà có đông người mới dám làm bò vì nhờ số đông này mới kéo bò lên khỏi mặt nước được. Còn nhà nào mà ít nhơn công, ít ai dám làm bò bắt cá vì chẳng lẽ mỗi lần kéo bò lại phải đi nhờ lối xóm. Nhờ bà con chòm xóm cũng được, ít ai từ nan, nhưng người biết điều thì liệu cơm gắp mắm, ít ai dám làm liều quá sức và chẳng lẽ cứ nhờ chóm xóm giúp mình hoài, coi sao đặng.

Dĩ nhiên, để bò kéo cho nhẹ, người ta thường lựa nền bò nơi các bãi sông thoai thoải, không dốc đứng, nhưng cũng đừng cạn quá vì nền bò mà cạn quá cá ít chịu vô đó trú ngụ, trừ khi sông nước tàu bè ghe xuồng tấp nập quá cá tôm mới dội vô dựa đỡ rồi cũng lội ra tìm chỗ an toàn hơn. Do vậy, nếu chỗ nào bãi sông hơi cạn, người ra dùng tay hoặc dùng len miểng móc vùng cho nền bò hơi sâu một chút cho cái bò được ấm. Ngoài ra, muốn cho nền bò thật ấm để cá ưa dựa, người ta còn lấy chà cắm chà rào xung quanh nền bò và cho năm ba về lục bình bám vô chà chắc chắn cá ưa vô bò.

Giống như cá vô rù, mặt cá kéo bò thường thường bao gồm cá rô biển, cá trê vàng, cá lóc, cá chạch lấu, cá nhái; nhưng vào mùa mưa cá chốt, cá trèn, cá trê trắng là chiếm đa số. Tuy vậy, khi bắt đầu vào mùa mưa, ít có ai còn kéo bò hoặc đặt rù nữa vì mùa nầy các loại cá giợm mé lo kiếm đường lên đồng. Thành ra, khi mưa lai rai tháng ba, tháng tư là dân quê nghĩ ra cách đăng mé, đăng mương, chận ụ bắt các loại cá đen, cá trắng với cái bụng thè lè cặp trứng gần đẻ.

Nhắc đến cái ụ chận cá, thật ra, đây là một cái hầm nhỏ sát mé sông, mé rạch hoặc mé mương mà ba bề bao quanh bởi bờ đất cao và chỉ chừa một cửa ăn thông ra dòng nước làm cửa ụ. Tại cửa ụ này, thường thường người ta chừa cái cửa vừa nhỏ, vừa gọn, cỡ chừng hai thước bề ngang. Hai bên bờ đất nơi cái cửa này, người ta dùng tre hoặc cây cau lão chẻ làm hai như cái máng xối và cắm xuống cho chắc chắn dùng làm cái khoé ụ. Để chận cái cửa ụ, người ta làm một tấm sạp sao cho vừa nặng, vừa khít với hai miếng tre hoặc hai miếng cau cắm sẵn  đó để khi mình bắt đầu chận ụ là tấm sạp này theo hai cái rảnh tre từ trên sập xuống và đóng kín cửa ụ lại.

Muốn cho cửa ụ sập mau để cá không chạy thoát ra ngoài, thường thường người ta có treo thêm bên trên tấm sạp vài ba khúc cây, hoặc vài ba cục gạch, cục đá. Và cũng để cho tiện việc không phải lội xuống nước khi chận ụ, người ta cắm ngay miệng ụ một nhánh cây có nạng hình chữ Y. Ngay chỗ cây nạng chữ Y này, dân quê mới gác một cây tầm vông sao cho đầu cây tầm vông này giữa cái cửa ụ, và đầu kia gá lên bờ ụ để khi cá vô nhiều, người ta chỉ cần nhẹ tay cầm cái ngọn tầm vông rút mạnh và nhanh là cái tấm sạp rớt nhanh và đóng kín cửa ụ liền tức khắc.

Cái ụ chận cá mùa mưa hoặc chận cá mùa tháng tám, tháng chin có hình dạng giống nhau. Chỉ có điều chận ụ bắt cá tháng mưa thì chận ban đêm khi nước vừa nhửng ròng, không cần phải lội xuống quậy ụ cho đục nước và xúc cá như mùa tháng tám, tháng chín. Người ta chỉ chờ nước rút cạn là xuống bắt cá như đăng mương, đăng mé. Cá thường là cá chốt, cá trê, cá trèn, cá kết, cá leo. Trái lại, chận ụ tháng tám, tháng chin, tháng mười là chận bắt cá ban ngày. Cá thường là cá trắng như cá he, cá lòng tong, cá thiểu, cá éc, cá chài, cá mè vinh, cá dảnh. Sau khi nhử mồi và chờ cá vô nhiều là giựt cây tầm vông đỡ cái tấm cửa ụ sập xuống, người ta nhanh chân nhảy xuống coi lại miệng ụ có bị trống chỗ nào không và dùng rổ xúc hoặc cái sịa mà quậy cho nước đục và xúc cá như quậy đìa.

Hồi đời xưa nhà nào cũng có cái ụ chận cá như vậy. Mùa mưa chận cá ăn; mùa nước lên thì chận cá để ăn và để thả vô hầm phía sau nhà nuôi cho nó lớn sau này nữa.

Vào mùa nước lên, ngoại việc chận ụ, người nhà quê còn nghĩ ra cách làm mùng nhử cá lòng tong, cá thiểu, cá he, cá chài nữa. Sở dĩ gọi là làm mùng vì dụng cụ nhử cá chính là cái mùng mà dân quê dùng để ngủ. Thường thường ở nhà quê vào mùa này nước ngập ba bên bốn bề; có khi ngước ngập ngay trước sân sâu tới ngang ngực, ngang cần cổ và người ta lấy bốn cây trúc cấm làm bốn cái trụ vừa với chu vi cái mùng và buộc cái mùng làm bốn góc với  chưn mùng trở ngược lên trời, nóc mùng cho chìm xuống đất. Đặc biệt là ba vách mùng được kéo lên cao và một vách còn lại để chìm xuống dưới mực nước cỡ vài ba tấc dùng làm cái cửa cho cá vào mùng. Cửa mùng luôn luôn hướng xuôi theo chiều nước chảy để khi bỏ mồi cá bắt hơi lội ngược nước chun vô mùng. Ngoài ra, để cho đáy mùng chìm xuống sát mặt đất, dân quê thường lấy tô chén hoặc gạch ngói bỏ vào bốn góc trong mùng vì nếu không dùng chén tô dằn như vậy mùng sẽ nổi trồi lên mặt nước không có tùng, cá không dám vô. Tại cửa mùng, người ta còn buộc một sợi dây khá dài và chắc chắn nhằm khi cá vô mùng nhiều là cứ ngồi đâu đó trê bờ chỉ cần kéo sợi dây này lên khỏi mặt nước là cá bị mắc kẹt trong mùng không chạy thoát ra kịp.

Sau khi căng mùng đâu đó sẵn sàng, người ta bắt đầu nhử mồi cho cá vô mùng. Mồi thường thường là cám rang cho thơm được thả vào trong cái mùng với cái vòng tròn làm bằng bẹ chuối nổi trên mặt nước nhằm mục đích giữ cho cám đừng trôi ra ngoài mùng. Và cứ thề chờ khi nào thấy cá vô ăn móng đen nghẹt trong mùng là giựt sợi dây nhóng cửa mùng lên. Xong đâu đấy, người ta lội xuống mở các mối dây buộc mùng và gom mùng lại đem lên bờ hoặc lên xuồng để bắt cá . Cá làm mùng như đã nói là cá lòng tong, cá thiểu, cá he, cá éc, cá nhái, cá chài chiếm nhiều nhứt; ít khi nào có cá lóc, cá trê vì những giống cá lớn này rất khôn, chúng ăn ngầm và ít khi ăn mồi nổi như vậy.

Làm mùng, điều quan trọng là chọn nền. Nền thường thường là các nơi có bóng mát, mặt đất bằng phẳng, không có gai chà và nhất là không cạn quá vì nếu nền mà quá cạn thì cái tùng không sâu, không ấm  nên cá rất nhát vô. Mùa nước lên, ở nhà quê vào những năm xưa ấy, làm mùng là thú vui của phần lớn trẻ con nơi các làng quê vì người lớn thường bận lo giăng câu, giăng lưới trên đồng sâu và việc bắt cá bằng cách làm mùng là trẻ nhỏ ưa nhứt vì nó vừa vui, vừa bắt được cá cho những bữa cơm thanh đạm trong nhà. Ngày nay không còn lúa mùa nữa, chỉ làm lúa thần nông; có nơi còn làm tới ba vụ mùa trong một năm nên phải đấp đập ngăn nước, ngăn ruộng nên không còn cảnh nước lên ngập sân, ngập đồng như hồi đời trước, thành ra cái vui của việc làm mùng bắt cá lòng tong, cá thiều, cá he, cá chài cũng mất dấu lâu rồi…


Tóm lại, qua bốn hình thức bắt cá bằng đặt rù, kéo bò, chận ụ và làm mùng mà dân ruộng ưa mang ra áp dụng  trong sáu bảy mươi năm trước đánh dấu một thời kỳ trù phú, sung túc của vùng quê sông nước miền tây Nam Phần nói chung và các làng quê vùng Long Xuyên-Châu Đốc nói riêng. Những năm tháng ấy họ sống đúng với phương châm “làm chơi ăn thiệt” mà nhiều người ưa nói mỗi khi đưa ra nhận xét về công việc đồng áng vùng lúa mùa của thời xa xưa ấy. Nay thì cái nét trù phú, sung túc ấy bị bào mòn, hoặc hủy diệt đi nhiều lắm rồi. Môi sinh ô nhiểm bởi thuốc sâu rầy phủ đầy trong nước, trong đất và cả trong không khí, nên cá tép bị tiêu diệt gần như chẳng chút xót thương nào. Do vậy mà ngày nay làm thiệt mà nhiều bận không có mà ăn làm gì còn cảnh “làm chơi mà ăn thiệt” nữa … Than ôi, một thời sung túc cũ, thời của những cánh đồng lúa mùa bạt ngàn với cá tôm cua ốc lội sệt nước nay đã xa  rồi, xa lắm…, sáu bảy mươi năm !!!


Lấp Vò, ngày 12 tháng 5 năm 2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét