Lời
kết
Với các mùa màng
ngày cũ mà tôi có dịp ghi lại trong tập sách này mới chỉ là những mùa màng chính
nơi vùng quê Long Xuyên Châu Đốc vào những năm còn làm lúa mùa, cách nay sáu bảy
mươi năm.. Ngoài ra, hồi thời ấy, vào tháng nắng còn có mùa mận, mùa lê trổ bông
thơm ngát những mảnh vườn; vào tháng mưa còn có mùa ổi, mùa cóc; vào mùa nước
lên còn có mùa bông điên điển, mùa làm mùng, chận ụ xúc cá lòng tong, cá thỉu,
cá he. cá chài, cá éc; vào tháng giêng, tháng hai còn có mùa kéo bò, mùa đặt rù,
đặt lu bắt cá chạch lấu, cá rô biển; vào tháng mưa đầu mùa còn có mùa đăng
mương, đăng mé ; mùa nước bắt đầu đục ngầu phù sa chạy dài tới tháng nước giựt
thì miệt sông cái, dọc hai bờ sông Cửu Long còn có mùa ven đăng đặt dớn bắt cá
lòng tong, tép và cá linh; vào đầu mùa mưa miệt Tri Tôn- Xà Tón, Ba Chúc, Tịnh
Biên vào mùa khoai mì, củ sắn, mãng cầu dai, mít và nhiều sản phẩm khác thuộc
vùng Bảy Núi như măng tre rừng, măng le, đường thốt lốt…
Rồi còn có mùa
trầu vàng miệt Cái Tàu Thượng thuộc Lấp Vò; mùa nhãn vùng Mỹ Đức, Long Sơn thuộc
Châu Đốc; mùa củ nưa tháng tám, tháng chin âm lịch miệt Mặc Cần Dưng; mùa trồng
kiệu, trồng khoai môn miệt Hội An Đông, Tùng Sơn, Xẻo Môn thuộc Lấp Vò, Chợ Mới;
mùa mía huê kỳ, mía tây, mía cò cát, mía ép đường rải rác khắp nơi nhưng tập
trung trồng nhiều nhứt các vùng đất cù lao, đất cồn và miệt Tân Châu. Riêng miệt
Lấp Vò, Lai Vung thuộc Sa Đéc, miệt Cái Côn, Phong Điền thuộc Cần Thơ mùa cam
quit vào tháng giáp Tết, miệt cầu đúc Cái Sình, Gò Quao, Kinh Năm, Hỏa Lựu, Vị
Thanh mùa khóm tháng mưa và còn nhiều lắm những mùa màng ngày cũ một thời, kể
không xiết như mùa cuốc khoai lang tháng sa mưa và dỡ khoai tháng bảy âm lịch
chẳng hạn….
Tất cả những mùa
màng ấy, ngày nay dường như thay đổi đi khá nhiều; có nơi còn thấp thoáng một
vài nét cũ một thời nhưng đa phần bị thay đổi hoàn toàn vì cách trồng lúa thần
nông ngày nay thay lúa mùa ngày cũ đã làm cho dáng vẻ mùa màng ngày cũ biến dạng
hẳn hoặc mất dấu chẳng còn chút tăm tích gì, và những mùa màng đó cách nay sáu
bảy chục năm chỉ còn trong nỗi nhớ của những người già có một thời đã sống lây
lất giữa những làng quê xa xôi hẻo lánh tận cuối đất, cuối trời của miền Tây
Nam Phần đất Việt này…
Thời gian cứ
trôi, bến sông xưa có lúc hóa nên đồng, ngôi chợ cũ có khi thành dòng nước
xiết. Tất tất không có gì đứng yên cùng thời gian mãi mãi trôi bất tận. Nền văn
minh của loài người ngày một tăng tiến mở mang nhanh chưa từng thấy nên nền nông
nghiệp cũ với lúa mùa không sao tránh khỏi sự bồi lấp của văn minh kỷ thuật hiện
đại ngày nay. Nhưng có một điều, dù thay đổi thế nào chăng nữa, những mùa màng
ngày cũ dù nay mai một đi nhiều nhưng cái nét tinh túy của nó vẫn để lại một nét
đặc thù đáng qúi trong đời sống của cư dân nơi miền Tây Nam Phần là tính tương
thân tương ái láng giềng, tính hòa nhã , nhường nhịn trong cư xử giữa người với
người , ít xảy ra những cuộc tranh cãi hơn thua . Dường như người làm ruộng nào
cũng thích vui thú điền viên dù thanh bần và luôn tự lập với phương châm “tự lực
cánh sinh” làm lẽ sống…Phải chăng họ giữ được cái gốc từ tổ tiên nhiều đời
truyền lại là họ biết “sống theo thuở ở theo thì”? Do vậy mà sáu bảy mươi năm
xa xưa ấy dân ruộng vùng đất lúa mùa này có một đời sống an bần lạc đạo biết bao
dù thời cuộc có lúc cũng ba đào sóng dậy nơi vùng đất Phật này vậy!
Thương nhớ biết
mấy những năm tháng tuổi thơ của thế hệ tôi và các bạn già qua mau nơi những
làng quê êm đềm của mình cùng những mùa màng ngày cũ xa xưa ấy, nay đã xa rồi,
xa lắm sáu bảy mươi năm ! Nay còn đâu!?!
Nhân dịp này,
tôi cũng xin được bày tỏ lòng biết ơn đối với anh chị Đoàn Đông & Lộc Tưởng,
anh chị Vũ Thất, anh chị Dương văn Chung , cùng cháu út Thủy, anh chị Đỗ Kim
Bảng và nhiều bạn đọc của Thất Sơn Châu Đốc đã khen ngợi, khuyến khích, và nhờ
đó tôi đã hoàn thành tập sách mỏng này. Phải nhận ra một điều chắc chắc rằng,
nếu không có các anh chị đọc và khích lệ, tập sách
“Chợt nhớ về
những mùa màng ngày cũ” này sẽ không
bao giờ có mặt như hôm nay qua bản điện tử trên trang nhà Thất Sơn Châu Đốc này
vậy !
Trân
trọng
Lương Thư
Trung
Lấp Vò ngày 15
tháng 3 năm 2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét