Lương Thư Trung
AN-GIANG, MỘT VÙNG CỔ TÍCH Ở PHƯƠNG NAM
Bạn
ơi, có lần nào bạn đi ngang qua An Giang chưa? Nếu chưa, xin bạn nên ghé lại
thăm An-Giang đôi ngày vì địa danh này đã gợi cho bạn nhiều hấp dẫn từ một dòng
sông, dòng An-Giang. Phải thế không bạn? Người nghệ sĩ ngợi ca dòng An-Giang có
cái lý riêng của họ mà tự dòng sông này cũng đẹp mát lạ thường.
Ngày xưa, khoảng những năm 1950-1960, nếu bạn từ miệt dưới Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre lên hoặc từ trên Sài Gòn, Tân An, Mỹ Tho xuống theo con đường liên tỉnh số 8, từ Sa Đéc lên khoảng ba mươi cây số là bạn đang ở địa phận quận lỵ Lấp Vò. Con đường số 8 thời xưa ấy hoang phế lắm với những lùm cây mắc cở, thù lù, cỏ lông gà mọc đầy hai bên đường và đá xanh trải mặt đường thì lởm chởm ổ gà, lỗ chân trâu làm cho bạn nhiều lúc đang ngồi trên chuyến xe đò cũ kỹ đôi lúc muốn nhảy chồm lên, dài khoảng ba cây số, từ chợ quận Lấp Vò sẽ đưa bạn đến bến bắc Vàm Cống. Nơi mà ngày xưa lúc Tây mới đến nơi này , để có nước sạch cho dân tiêu dùng, chính quyền địa phương hồi ấy bèn cho đào con kinh ăn thông vô một cái chợ nhỏ, nước lớn từ sông Hậu chảy vô rồi khi nước ròng nước lại tháo trở ra sông Hậu, ở miệng ra vào, người ta mới đặt ống cống rất lớn để điều chỉnh nước thông thương mà có tên là Vàm Cống (1), và ngày nay dấu tích cũ đâu rồi vì vàm nước từ sông Hậu này nay đã thành vàm sông rộng lớn mênh mông nước là nước.
Đây rồi, dòng An Giang đang rộng thênh thang phía trước mặt bạn. Từ mặt sông những ngọn gió nồm mát rượi thổi hiu hiu từ bên kia bờ phía An Giang làm bạn quên cái cảm giác mệt nhọc trên đoạn đường đá gồ ghề mà bạn vừa đi qua. An Giang đang chào đón bạn! Những chiếc bắc cồng kềnh như những "bè thủy lục" mệt nhọc chở những xe cộ cùng khách bộ hành từ bao mùa như chở những mảnh đời cũng mệt nhọc qua dòng An Giang xanh xanh nước biếc ngọt ngào. Những con sóng bạc đầu từ hướng Cần Thơ ào ào tràn lên mùa gió chướng hay những con sóng lưỡi búa nhấp nhô từ bên kia sông giạt về bên này sông vào mùa gió nồm từ hướng Rạch Giá kéo về như những kiếp bọt bèo chìm nổi theo gió, theo dông tuần hoàn bất tận. Những ngọn sóng làm chòng chành chiếc bắc như muốn xô hết những gì mà nó đang mang trong lòng một cách nặng nhọc, nhưng rồi chiếc bắc vẫn cố gượng dậy để đưa bạn đến bên kia bờ An Giang sau hơn hai mươi phút vượt qua con sông sâu có bề ngang phình rộng ra này.
Bắc Vàm Cống(Long Xuyên-An Giang)
Tuy nhiên, không phải lúc nào bạn cũng gặp những mùa gió chướng, gió nồm như vậy vì gió có mùa của gió, bạn đi qua dòng An Giang này có cái hạnh ngộ thật thú vị của bạn với dòng sông. Nếu bạn sang sông vào buổi sáng, bạn sẽ gặp dòng sông phẳng lặng đến hiền hòa. Bạn sẽ thấy cảnh bình minh trên sông với mặt trời bò chầm chậm từ dưới nước bò lên, vượt qua những rặng cây ở phía chân trời xa xa về hướng đông nơi làng Tân Lộc Đông, Tân Lộc Tây nằm vắt võng trên cái cù lao tưởng chừng lấp ngang dòng nước chảy xuôi ra biển, cách chợ quận Thốt Nốt một chuyến đò ngang. Ánh mặt trời để lại trên dòng nước một tấm thảm nắng ấm màu vàng ửng thật rực rỡ, chứa chan biết bao hy vọng của một ngày mới...Có lẽ nhân loại nói chung và cư dân vùng châu thổ dọc theo con sông Cửu Long này nói riêng, sống được là nhờ nước ngọt và sự có mặt của ánh sáng mặt trời.
Ngày nay khách sang sông nơi bắc Vàm Cống khi trời sụp
tối
Tại ngã ba Vàm Cống phía bến kia sông, giữa vùng đất phương Nam, nhưng bạn vẫn nghe nhiều người nói giọng Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Qui Nhơn hết sức bình thường, tự nhiên như ngay ngoài miền Trung mà thân tình. Nếu bạn rẽ về tay trái, bạn sẽ đi về Cần Thơ hoặc vào Rạch Giá theo hai lối rẽ khác nhau sau khi cùng đi chung một đoạn đường ngắn độ năm cây số. Cần Thơ xuôi về miệt dưới theo con đường số 9; Rạch Giá theo con đường số 8 về vùng biển ngàn trùng...Dĩ nhiên, bạn rẽ về tay mặt ngay khi vừa rời bến bắc là bạn đang đi về hướng tỉnh lỵ Long Xuyên, cách Vàm Cống chín cây số. Nhưng xin bạn cứ thư thả nhìn ngắm con đường mà bạn sắp đi qua vì có lẽ lâu lắm rồi bạn mới đến An Giang một lần, nên đâu phải vội vàng gì, phải thế không bạn?
Khởi đi từ Vàm Cống này, hồi ấy, bạn sẽ theo con đường trải nhựa mà hai bên đường là những vườn xoài, nhà cửa san sát chạy song song với dòng An Giang bên tay mặt và cánh đồng ruộng bao la về bên tay trái của bạn. Cánh đồng ruộng không có những rặng cây che ngang tầm mắt càng làm bạn thấy cánh đồng rộng thênh thang biết dường nào! Nó chạy tít mù xuống tới Cái Sắn, rồi chạy miết đến khu di cư của đồng bào miền Bắc năm 1954 trong Tân Hiệp với những con kinh đào băng ngang cánh đồng lúa hướng về con kinh Thoại Hà về phía núi Núi Sập, Ba Thê xa xa ở hướng tây nam; chúng mang tên những mẫu tự quốc ngữ như A, B, C, D, E, F, G, H... như những vết cắt nằm song song trên cánh đồng bằng. Nếu kể những địa danh gần hơn chút nữa, bạn sẽ nghe tên gọi quen quen những cánh đồng như Cái Sao, Bờ Ao, Bắc Dục, Vĩnh Chánh, Phú Hòa. Bạn có thể tưởng tượng giữa cánh đồng ruộng đất bùn lầy ngàn trùng này lại có một vùng đất toàn là đá với đá. Những tảng đá nằm lúp xúp pha lẫn những lung vũng mà nông dân nơi đây gọi là vùng đá nổi, cách Bờ Ao, Bắc Dục không xa. Có thời sau năm bảy mươi lăm, người ta lại đổ xô về đây bòn vàng. Tuy không rầm rộ nhưng cũng tạo cho vùng quê này chút không khí sôi động, ồn ào. Tôi đã tận mắt nhìn thấy những vồ đá thấp, cùng những vết tích do người ta đào ruộng bòn vàng nơi đây còn để lại vào những ngày của các năm 1980 ấy nhiều lần qua những lần nuôi vịt chạy đồng ngang qua những miếng ruộng nơi này vào mùa cắt lúa tháng Hai, tháng Ba. Nhưng có lẽ vàng bòn được không bao nhiêu, nên người ta không quấy rầy những miếng ruộng an phận giữa đồng không mông quạnh này. Và rồi đá vẫn nổi giữa cánh đồng, những vồ đá bằng phẳng như những mặt bàn lộ thiên của các vị tiên ngồi ngắm trăng mùa nước cạn... Lác đác các loài chim muông như cò, diệc, gà đãi, gà nước, trích rừng dừng chân rỉa lông, nghỉ cánh hoặc chân bước lăng xăng như những chú tiểu đồng mang trà, rượu cho các chàng "ngư, tiều, canh, mục" đang ngồi nhâm nhi giữa cảnh đẹp của thiên nhiên, ruộng đồng thơm thơm mùi rạ mới ngạt ngào...
Giữa cánh đồng sâu hun hút này, có lẽ bạn cũng không ngờ có con kinh đào mà cư dân dọc hai bờ kinh nói rặt giọng miền Trung như những người mà bạn gặp ở ngã ba Vàm Cống. Nghĩ cho cùng, có lẽ tổ tiên chúng ta từ những ngày xa xưa xuất phát từ Quảng Nam, từ Huế mà lưu lạc đến đây cho đến tận bây giờ như một dòng chảy bất tận của một dòng sông Nam tiến vậy. Nên người dân An Giang thời nào cũng dễ cảm thông và sống hài hòa với mọi miền như những ngày tháng sau hiệp định Genève 1954 với cư dân vùng các con kinh ở Cái Sắn, Tân Hiệp. Phải chăng đây là một trong những nét đẹp của tấm lòng người phương Nam nói chung và An Giang nói riêng.
Vì là vùng sông rạch chằng chịt, nên trên đường bạn đi, bạn phải đi qua những chiếc cầu đúc bắc ngang những con rạch nhỏ. Rạch Cái Dung, rạch Cái Sao, Cống Bà Thứ, rạch Gòi Bé, rạch Gòi Lớn, rạch Tầm Bót, rạch Cái Sơn để vào thăm Long Xuyên như về một thủ phủ thật đẹp và hiền hòa. Những con rạch mang phù sa từ dòng An Giang bồi bổ cho những miếng ruộng phì nhiêu bên tay trái đầy những bông lúa vàng. Long Xuyên mà bạn đang dừng chân có lẽ đã có từ thời có cuộc di dân từ hơn hai trăm năm mươi năm của tổ tiên chúng ta, nhưng nó được kiến thiết và mở mang rộng lớn như ngày nay là vào những năm 1950 với người có công lớn nhất với tỉnh lỵ Long Xuyên này là Ông Nguyễn Ngọc Thơ. Dường như Long Xuyên có cái dáng vẻ đặc biệt riêng, không giống bất cứ thành thị nào mà tôi có dịp đã đi qua hơn ba mươi tỉnh lỵ miền Nam. Khu hành chánh bên kia cầu Hoàng Diệu với Tòa hành chánh tỉnh, Tòa án, Ty bưu điện, Ty ngân khố, Sở giáo dục, trường học, nhà thương và nhiều ty sở khác như một vùng yên tĩnh. Bên này cầu Hoàng Diệu là khu thương mại, chợ búa, phố xá, khách sạn, rạp hát, bến đò, bến xe tấp nập, ngược xuôi... Và những đường phố của Long Xuyên khang trang với những dãy phố chạy dài cùng một lối kiến trúc giống hệt như nhau, không cao, không thấp, không trồi, không sụt như những bộ đồng phục mà bạn không thấy bất cứ nơi thị tứ nào mà bạn đã đi qua vùng đồng bằng miền Tây Nam phần.
Công viên Trưng Vương chạy dài từ đường Phan Đình Phùng đến đại lộ Tự Do như gương mặt diễm kiều của thị xã với những gốc trúc đào, những cây dương, những cánh hoa mười giờ màu tím than, những cây tùng xanh biếc quanh năm. Cầu Hoàng Diệu mà tên gọi thời Pháp thuộc là Henrie Rivière, bắc ngang con sông đào Long Xuyên-Rạch Giá như một kỳ quan vùng đồng bằng này, nối liền hai khu vực của thị xã như đan kết hai mảnh đời dính liền lại với nhau. Với hai dãy trụ đèn cao gần bằng những chiếc cột nhà ngói cổ dọc hai bên thành cầu từ xa xa bạn nhìn giống như những cổng tam quan đang đón bạn đi qua thành phố. Nếu bạn nhìn xuống dòng nước trôi xuôi về miệt núi Sập phía dưới chân cầu, bạn sẽ thấy chiếc cầu Hoàng Diệu đang in dáng dấp lung linh trên dòng sông tuyệt đẹp. Sau này có thêm chiếc cầu Duy Tân, song song với nó, nối liền bến chợ với nhà thương Long Xuyên, nơi mà những năm 1940-1945 chiếc ghe tam bản của tía má tôi tản cư đậu nơi bến nhà thương này, nhưng không sánh kịp về cái dáng đẹp đã có tự bao năm ...
Cầu Hoàng Diệu (Long Xuyên) nhìn từ bờ sông đường Quang
Trung với những dề lục bình, cỏ xước, rau muống thân thiết với bến sông xưa dù
có phải nhuốm màu thời gian qua bao mùa biến đổi...
Cầu Hoàng Diệu
(Long Xuyên) về đêm với ánh đèn dọc theo các trụ cầu phản chiều ánh sáng lung
linh lên mặt nước.
Hàng cây trứng sấu to lớn trở thành những cây cổ thụ trên đường Đinh Tiên Hoàng phía bên kia cầu Hoàng Diệu chạy ngang qua khu học đường thật bệ vệ trang nghiêm. Nào là trường Nam Tiểu Học tỉnh lỵ, trường Nữ Tiểu Học với lớp lớp học trò nhỏ vui đùa của biết bao thế hệ nối đuôi nhau theo dòng thời gian mà những năm cuối thập niên 1940 tôi có dịp dự phần cùng các lớp học trò bé nhỏ ấy. Trường Trung học Thoại Ngọc Hầu có cổng chánh bên đường Gia Long với những hàng dương liễu thướt tha chung quanh trường, có lẽ sẽ làm cho bạn nhớ về ngôi trường nào một thời mà bạn đã mài đũng quần. Trường này có may mắn là có nhiều vị giáo sư danh tiếng về dạy. Nhà văn Nguyễn Hiến Lê, ngày xưa cũng dạy nơi đây ba niên học.
Trường Trung học Thoại Ngọc Hầu (Long Xuyên) năm
1959
Phía trước trường, gần cổng chánh, có ngôi miếu tiên sư thật trang nghiêm để thờ phượng các vị giáo sư của trường quá cố như tấm lòng nhớ ơn của học trò cùng hậu thế dành cho các thầy, như một nét văn hóa thật đẹp và cao quý của trường. Và có lẽ, tại Long Xuyên này, học sinh hết mực thương mến thầy. Trong hồi ký, nhà văn Nguyễn Hiến Lê có nhắc lại tình thầy trò:" Dạy ba năm ở Thoại Ngọc Hầu mà non ba chục năm sau, bây giờ về Long Xuyên còn gặp được năm sáu trò cũ coi tôi như cha, có trò thân mật như người trong nhà; điều đó làm cho tuổi già của tôi được vui." (2) Tình thầy trò ngày xa xưa ấy thật đầm ấm, thiết tha nhưng trang nghiêm, cao quí biết dường nào!
Hoàng hôn trên nền trời Long Xuyên (An
Giang).
Nhưng có lẽ nên mời bạn đến thăm công viên Nguyễn Du bên bờ dòng An Giang, nằm song song con đường Lê Lợi, với những giàn bông giấy, những cánh hoa trúc đào, những cánh hoa phượng đỏ đứng soi mình lướt thướt bên bờ đá xây cặp dòng sông, nơi mà nhà văn Nguyễn Hiến Lê có nhắc trong hồi ký của ông, cứ mỗi lần đến đây ông có cảm tưởng như đang hưởng cái thú "giang thượng chi thanh phong" của Tô Đông Pha vậy. Công viên Nguyễn Du này tình tứ thật, nhất là những đôi tình nhân thời còn cắp sách thì tuyệt diệu vào những ngày năm sáu mươi năm xa xưa ấy. Ngày nay nước của con sông Cửu Long cạn dần vì các đập ngăn nước làm thủy điện trên các nước thượng nguồn và bờ đá nơi công viên Nguyễn Du cũng đành phải xa mặt nước sông để trơ ra bãi bùn và vài ba bụi cỏ dại lưa thưa nơi bến sông xưa, mà ngày xưa lúc nào nơi mé sông này cũng lé đé nước với những lượn sóng rì rào theo gió lô xô va vào bờ đá như một điệu nhạc của gió, của sóng, của sông nhịp nhàng không dứt ...
Công viên Nguyễn Du ngày nay với bờ sông Cửu Long nước
cạn xa bờ, để trơ những bụi cỏ bên bờ sông cạn.
Hồ Bình Đức (Long Xuyên) đường Lê Lợi, bên cạnh công
viên Nguyễn Du ngày nay nước cũng xa bờ .
Dù vậy, ngày xưa, nếu bạn xuống con đò nhỏ về bên kia cồn Mỹ Hòa Hưng, ngang công viên Nguyễn Du, bạn sẽ lạc vào chốn thiên thai với những vườn cây ăn trái phủ phục, oằn nhánh, nặng cành. Nào xoài, ổi, mận chẳng thua gì vườn ổi ở bến bắc Cần Thơ, nếu không muốn nói cư dân nơi Mỹ Hòa Hưng này chơn chất, ngọt ngào như cây trái mà họ trồng trong vườn... Bạn có thể ăn trái cây đầy bụng, nếu bị xót ruột, họ sẽ mời bạn dùng cơm với họ như người thân trong nhà.
Để tiếp tục cuộc hành trình, vì An Giang thì quá rộng, xin mời bạn trở lại Long Xuyên để về thăm Châu Đốc như một chuyến hành hương trở lại vùng cổ tích. Trước lúc rời khỏi Long Xuyên, có lẽ nên mời bạn ăn một bữa cơm với canh chua cá hô hoặc cá bông lau cùng cá rô kho tộ béo ngậy.
Cá hô đất trắng (mà người Thái gọi là chép), một loài cá
lớn và ngon của sông Cửu Long, chiều dài tối đa của chúng có thể lên tới 2,4m và
cân nặng tới 250 kg.( nguồn: hubpages.com).
Cá hô đất đen của sông nước Miền Tây. (nguồn: answers.com)
Cá tra dầu thuộc hạ lưu sông Cửu Long (nguồn: National
Geographic)
Nhưng ở đây có món mắm kho cũng ngon đáo để không thua gì mắm Châu Đốc mà ngay cả người sành điệu như Cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu có lần đã phải khen (3):
"Thú ăn chơi cũng gọi rằng,
Mà xem chửa dễ ai bằng thế gian.
Hà tươi cửa bể Tu-ran,
Long Xuyên chén mắm, nghệ An chén cà ."
(Thú ăn chơi)
Mà xem chửa dễ ai bằng thế gian.
Hà tươi cửa bể Tu-ran,
Long Xuyên chén mắm, nghệ An chén cà ."
(Thú ăn chơi)
Tôi
không biết "cà Nghệ An" thơm ngon như thế nào vì chưa có dịp được thưởng thức,
nhưng chắc chắn mắm Long Xuyên với hương vị đậm đà quê hương và độc đáo lắm!
Thế là mời bạn đi theo con đường liên tỉnh số 9 về miền Châu Đốc để bạn có dịp nghiệm lại mấy vần ca dao mà người miền quê ở đây ai ai cũng hát dỗ em như nằm lòng:
"Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc,
Đất nào dốc bằng đất Nam Vang,
Nghe tiếng anh than hai hàng lệ nhỏ,
Có một mẹ già, biết bỏ ai nuôi ?!!!"
Đất nào dốc bằng đất Nam Vang,
Nghe tiếng anh than hai hàng lệ nhỏ,
Có một mẹ già, biết bỏ ai nuôi ?!!!"
Bắc Châu Đốc (An Giang)
Trên con đường khoảng năm mươi cây số này bạn sẽ đi xuyên qua những cánh đồng đầy lúa là lúa. Khi bạn đến ngã ba lộ tẻ Mặc Cần Dưng, đường đi Tri Tôn, bạn có thể dừng lại nơi đây trong chốc lát để thưởng thức món bánh tét vùng này. Những hạt nếp mới mà mềm và thơm mùi lá dứa ngạt ngào, làm bạn nhớ mẹ ngày xưa cũng nấu cho mình những nồi bánh tét nhưn đậu, nhưn chuối vào những ngày giỗ chạp, tết nhất mà thương mẹ nhiều hơn vì đã quá vất vả với mình. Từ đây nếu bạn theo con đường rải đá xanh, bạn sẽ về Cần Đăng, Hang Tra, Trà Kiết, Cầu số 5, Tri Tôn. Ngày xưa, con đường này vắng ngắt, mỗi ngày chỉ có một chuyến xe đò hiệu Thành-Long ột ệt bò từ Tri Tôn xuống Long Xuyên rồi trưa trưa lại bò về hết sức mệt mỏi. Riết rồi, trẻ con trong vùng mỗi lần thấy chiếc xe đò bò ngang qua vạt lúa của mình mà nhớ câu hát huê tình cười đùa mang nhiều ý nghĩa:
" Thành Long chạy tắt đường đồng,
Mấy cô chưa chồng lại muốn Thành Long."
Xe đò Tri Tôn-Long Xuyên, Tri Tôn-Châu Đốc những năm
1950 (Nguồn: TSCĐ)
Theo con đường này, bạn nhìn về hướng tay trái, xa xa dưới kia có rặng cây băng ngang cánh đồng nối liền hai vùng Vĩnh Hanh, Hang Tra với Ba Bần là kinh xáng Bốn Tổng. Con kinh thẳng nên rặng cây xanh rì cũng thẳng như một nét mực Tàu vẽ lên nền trời trong vắt, mà hai ngọn núi Ba Thê, Núi Sập trong kia cũng khuất một phần chân bên kia rặng cây xanh. Ba bên bốn bề lúa là lúa. Bạn mà lọt vô vùng tứ giác này, có đủ các món nhậu để đãi bạn, từ chuột, rắn, rùa, cá lóc, lươn, tôm, chim muông đủ loại như một kho vô tận, nhất là vào những năm xa xưa còn làm lúa mùa chẳng thiếu món ngon vật lạ nào thuộc vùng đồng ruộng.
Ngã ba lộ tẻ Mặc Cần Dưng đi Tri Tô ngày
nay,
ngày xưa nơi này vắng vẻ lắm, chỉ lưa thưa vài ba mái lá
bán bánh tét nhưn chuối, nhưn đậu chokhách bộ hành
trên những chuyến xe đò Tri Tôn-Long Xuyên qua lại nơi này.(Nguồn: TSCĐ)
ngày xưa nơi này vắng vẻ lắm, chỉ lưa thưa vài ba mái lá
bán bánh tét nhưn chuối, nhưn đậu chokhách bộ hành
trên những chuyến xe đò Tri Tôn-Long Xuyên qua lại nơi này.(Nguồn: TSCĐ)
Tiện đây nhắc một chút về địa danh Hang Tra mà có lẽ các bạn mới nghe lần đầu. Là vùng heo hút nơi thôn cùng này, nhưng Hang Tra lại có lần ghi tên mình vào sử sách qua trận đánh Pháp của Quản Cơ Trần Văn Thành vào ngày 20 tháng Hai, năm Quí Dậu (1873). Quản Cơ Trần Văn Thành, theo sử sách, quê ở ấp Bình Phú (Cồn Nhỏ), làng Bình Thuận Đông, tổng An Lương, quận Châu Phú Hạ, tỉnh Châu Đốc (4); nay là ấp Bình Phú, xã Bình Hòa (Mặc Cần Dưng), quận Châu Thành, tỉnh An Giang. Để nhớ công ông, tại làng Bình Hòa trên con đường bạn sẽ đi qua ngang cầu sắt Mặc Cần Dưng có ngôi trường trung học mang tên Quản Cơ Thành.
Ngoài ra vùng đất An Giang còn rất nhiều sĩ phu, hào kiệt nữa mà bài viết ngắn này không tiện ghi ra hết được. Nhưng có lẽ cụ Thoại Ngọc Hầu là một trong những tiền nhân có công nhất trong việc kinh bang tế thế và mở mang vùng An Giang này mà ai ai đã đọc sử sách cũng đều am tường. Những di tích mà Ngài đã để lại như kinh đào Long Xuyên- Rạch Giá, kinh Vĩnh Tế dọc biên giới Việt-Miên là những bằng chứng cụ thể.
Để trở lại con đường số 9 về Châu Đốc, bạn sẽ qua khỏi cua Mặc Cần Dưng đến Năng Gù, một xóm đạo lớn nhất An Giang này. Và chính vị cố đạo Conte coi nhà thờ Năng Gù, vào năm 1891 đem một giống lúa ở Cao Miên về đây gieo giống thử. Nó sống và lên theo kịp nước lụt, nên người Pháp gọi là lúa nổi (riz flottant), còn người Việt mình gọi là lúa mùa, lúa sạ (5) vì giống lúa này chỉ cần cày bừa rồi chờ mùa mưa xuống là sạ, rồi chờ đến mùa lúa chín là cắt gặt và mỗi năm chỉ làm lúa một mùa duy nhất mà thôi (sạ vào tháng ba, tháng tư, cắt gặt tháng chạp, tháng giêng âm lịch).
Tại Năng Gù này, nếu bạn xuống đò đi ngang qua dòng An Giang bạn sẽ đến những ngôi làng trù phú trên các cồn cát với rẫy đậu, bắp, thuốc lá cùng vườn cây ăn trái, ruộng lúa. Những cù lao trên dòng sông Cửu Long trong địa phận An Giang này thật sự là một thánh địa với ngôi làng Hòa Hảo, làng Hưng Nhơn, quận Chợ Mới, với xã Mỹ Hội Đông, Nhơn Mỹ, Long Kiến, Mỹ Luông, cù lao Ông Chưởng, cù lao Ông Hổ, cù lao Giêng với xóm đạo Công giáo và trại mồ côi khá lớn được tạo dựng từ lâu đời. Riêng Cù Lao Giêng, vào những ngày gần cuối năm 1967, chúng tôi có dịp theo phóng viên Việt Tấn Xã đến thăm trại cô nhi cùng xóm đạo này, nhờ vậy mới thấy vùng đất An Giang, đâu đâu tình thương yêu cũng tỏa ra như một vùng đất thánh. Ngay địa phận hai xã Hòa Hảo và xã Hưng Nhơn, trên Chợ Mới một đổi, sông Tiền Giang phía Tân Châu và sông Hậu Giang phía Châu Đốc ăn thông với nhau bằng con sông Vàm Nao có bề ngang rộng đến hơn hai cây số với lưu lượng nước rất mạnh và những dòng nước xoáy ngầm làm xụp lở bờ sông mỗi ngày mỗi lớn thênh thang. Nơi đây thường xảy ra những cảnh chìm ghe chết người vào những mùa dông mưa, bão tố mà hồi còn nhỏ chúng tôi thường nghe ông bà xưa kể lại tại Vàm Nao này có ông Năm Chèo nuốt vào bụng nhiều mạng người mỗi lần ghe xuồng qua sông trên khúc sông sâu và rộng bao la với sóng to gió lớn vào mùa gió chướng. Sông Vàm Nao, theo tương truyền, vào thời cụ Thoại Ngọc Hầu đào kinh Rạch Giá-Long Xuyên và kinh Vĩnh Tế vào đời vua Gia Long, chỉ là một con rạch nhỏ nhưng rất nhiều cá sấu (6), nên việc qua lại vùng này vô cùng ghê rợn. Nhớ hồi còn nhỏ, mỗi lần trẻ con khóc mà dỗ hoài không nín, chỉ cần người lớn dọa:" Còn khóc, ông Năm Chèo nuốt vô bụng" là đứa bé nín liền.
Bắc Vàm Nao (Chợ Mới, An Giang)
Nhắc cù lao Ông Chưởng là nhắc cụ Chưởng Binh Lễ, người có công trong việc đánh tan giặc Xiêm và giặc Miên cùng với Đốc Binh Vàng vào năm 1837, nhưng cả hai ngài đều tử trận và để tưởng nhớ công đức, hai ngài đều được triều đình phong làm Phúc Thần và được dân chúng lập đền thờ, cúng tế trang nghiêm, cùng đặt tên các kinh rạch, cù lao, đường xá, trường học tại địa phương. Chúng tôi ghi lại câu ca dao này để các bạn biết cả một vùng sông rạch này cá tôm nhiều vô số kể:
"Chiều chiều quạ nói với
diều,
Cù lao Ông Chưởng còn nhiều cá
tôm."
Trên dòng An Giang mà bạn đang theo dòng, vào mùa nước giựt, bạn sẽ thấy hàng hàng lớp lớp những dề lục bình trôi bềnh bồng trên dòng nước xuôi về hạ nguồn với những cánh hoa màu tím đung đưa trong gió, mang mang nỗi buồn về những mảnh đời vô định không bến, không bờ... Thời Pháp đô hộ có cả những thây ma bị Tây giết thả trôi sông tấp theo những dề lục bình... Rồi chợt nhớ về những vần thơ của một thi sĩ thời tiền chiến đã cảm hoài:
"Lơ thơ cồn nhỏ
gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều .
Nắng xuống, chiều lên sầu chót vót,
Sông dài trời rộng, bến cô liêu .
Bèo giạt về đâu hàng nối hàng?
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng ..."
(Huy Cận) (7)
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều .
Nắng xuống, chiều lên sầu chót vót,
Sông dài trời rộng, bến cô liêu .
Bèo giạt về đâu hàng nối hàng?
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng ..."
(Huy Cận) (7)
Bông tím lục bình
Trở lại bến đò Năng Gù, mới bạn về thăm Châu Đốc với biết bao cảnh đẹp. Nhưng có lẽ từ trên bờ sông Châu Đốc được cẩn bằng những thềm đá xanh cao vòi vọi mà dòng nước tháng giêng thăm thẳm dưới xa kia cho bạn nhận ra lời ví trong ca dao gần gũi bạn hơn: "Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc..."
Đường xuống dốc bên hông lăng Thoại Ngọc Hầu (Châu Đốc,
An Giang)
Bồ Đề Đạ Tràng
(Châu Đốc) (Nguồn:Hình do ĐD& LT chụp năm 2005, TSCĐ)
Chợ
Châu Đốc thời xa xưa có đặc điểm là chuối thường để nguyên quầy, không cắt ra
từng nải một và dù ban đêm nhưng chuối vẫn treo đầy trong các sạp, không cần
phải dọn dẹp và sáng hôm sau lại bán tiếp tục mà không bị mất cắp. Dĩ nhiên bạn
nên mua vài keo mắm thái, mắm trèn ngon ơi là ngon để làm quà cho bạn bè. Tại
đây bạn có thể đi thăm Bồ Đề Đạo Tràng ngay trong thị xã, thăm Núi Sam với thánh
miếu Bà Chúa Xứ, lăng cụ Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An. Nhưng với Châu Đốc, có lẽ
cũng xin nhắc cùng bạn nơi vùng đất thuộc An Giang này có những mùa nước lên
ngập lút các đường phố vào những năm 1960, 1961 qua một vài tấm hình nước ngập
tràn bờ bên cạnh như một dấu tích một thời. Bạn đừng ngại, ngày xưa vùng An
Giang này hằng năm nước đều lên như vậy, và nhờ nước lên đồng ruộng mới được bồi
đấp phù sa mà xanh tốt, cá tôm trên sông trên đồng mới hè nhau làm vui bụng dân
nghèo sống bằng nghề câu lưới tới mãn mùa…
Công viên Châu Đốc ngập lụt năm 1961(Nguồn:
TSCĐ)
Đường Bạch Đằng (Châu Đốc) mùa nước lụt năm
196i.(Nguồn:TSCĐ)
Thị xã Châu Đốc mùa nước lụt năm 1961 (Nguồn:
TSCĐ)
Nếu bạn theo con đường liên tỉnh lộ dọc con kinh Vĩnh Tế để về thăm Ba Chúc mà từ những năm xa xưa cách nay hơn năm mươi năm chúng tôi đã đến vùng này vào lúc Ba Chúc bắt đầu được khai mở làm thành "khu trù mật". Rặng núi nằm chắn một vòng thật dài như một thành lũy ngăn bước gây hấn của quân Miên có tên là Bảy Núi in hình lên nền trời thật hùng vĩ. Chúng tôi không có dịp đi hết qua các ngọn núi này nhưng ông bà xưa có kể tên các ngọn "Thất Sơn" này như sau, xin ghi lại cho bạn: Núi Két, Núi Cấm, Núi Bà Đội Om, Núi Voi, Núi Dài, Núi Cô Tô, và Phụng Hoàng Sơn.
Đường vô núi Sam (Châu Đốc) ngày xưa. (Nguồn:
TSCĐ)
Việc đặt tên các núi, ông cha xưa thường căn cứ vào hình dáng ngọn núi mà đặt tên, nên mới có những tên núi như những hình ảnh vừa kể mà ai ai cũng nhận ra được. Thất Sơn là một vùng với nhiều giai thoại huyền bí nhưng có lẽ những người Việt bị giặc Miên giết chết năm Pôn Pốt tràn qua còn để lại
nhiều sọ người chất cao như núi tại một ngôi chùa là một
trong những niềm đau xót mà chúng ta cần chia sẻ. Xin các bạn dành một phút để
mặc niệm những oan hồn của đồng bào xấu số chết tức tưởi nơi vùng biên cương này
khi đất nước quá nhiễu nhương!
Tại bến đò Châu Giang, ngày xưa ấy, bạn sẽ bắt gặp các cô học trò đi học bằng đò chèo qua sông giữa sông nước mênh mông. Những bông hoa biết nói ấy ngày nay có lẽ tuổi đời đã chồng chất nhiều rồi nhưng họ đã có một thời làm nên nét đẹp vùng châu thổ ấy, tuyệt diệu biết dường nào!
Rồi
qua vài con rạch nhỏ, không đi học bằng đò,các cô nữ sinh ngày xưa với tà áo dài
trắng thanh khiết, thướt tha, họ bước chân lên những nhịp cầu tre lắc lẻo mà tâm
hồn thiếu nữ man mác trữ tình. Cầu khỉ và bóng dáng nữ sinh một thời áo trắng
làm bức tranh quê vùng An Giang thêm đẹp lạ kỳ! Phải thế không bạn ?
Đi học mùa nước ngập qua cây cầu tre lắc
lẻo(Nguồn:qdnd.vn)
Nếu bạn đi thêm mười bảy cây số về hướng đông, bạn sẽ gặp một thị trấn tơ tằm và buôn bán phồn thịnh nằm bên bờ sông Tiền: Chợ Tân Châu. Tân Châu nổi tiếng với hàng lãnh Mỹ-A, hang Cẩm-Tự đen tuyền nhuộm bằng trái mặc nưa, một loại hàng thông dụng khắp từ miền Lục Tỉnh đến Sài Gòn và cả miền Trung. Dòng sông Cửu Long nước chảy xiết, rộng thênh thang. Xa xa bạn sẽ nhìn thấy những tàu buôn ngoại quốc đang buông neo sừng sững ngoài khơi như những cù lao, cồn cát. Vì là con đường giao thương qua lại quốc tế, nên Tân Châu như một thương cảng vùng nội địa của An Giang khi tàu buôn dừng lại. Do đó có những mặt hàng ngoại quốc ở Tân Châu tràn ngập mà các nơi khác không có càng thu hút nhiều người buôn bán từ các nơi khác đổ xô về làm cho chợ Tân Châu lúc nào cũng nhộn nhịp. Nhưng "tang điền biến vi thương hải" vì dòng nước chảy xiết, cả con đường Bạch Đằng với khu chợ náo nhiệt ngày nào đã bị chìm theo dòng nước cuốn trôi mất hút từ lâu rồi. Giờ chỉ còn một khu hoang vắng ngậm ngùi, những căn phố, những viên đá xanh lót đường ngày nào thăm thẳm chìm vào lòng sông
vô
định qua từng mùa nước dâng, nước cạn... Khu chợ Tân Châu mới thì dời về sân
banh còn buồn so như chưa kịp lay hồn tỉnh dậy... Rồi vàm kinh Vĩnh An Hà ngày
xưa sâu là thế mà ngày nay vàm kinh cũ cũng đâu rồi một thuở đầy tràn những mùa
nước kinh xưa?
Vàm
kinh Vĩnh An Hà (Tân Châu- An Giang) những ngày chưa bị lấp.
Chợt nhớ mấy câu thơ của cụ Tú Xương:
"Đêm nghe tiếng ếch bên tay,
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò
!"
Ghe cui trên sông Tiền Giang (Tân Châu-An Giang) mùa
nước tháng 9 âm lịch.
Về Tân Châu bạn sẽ gặp những bè cá trên sông, những con cá he nghệ vàng nghín, cá ba sa đầy mỡ. Xuống Long Sơn, trên con đường đi về Hòa Hảo, bạn sẽ vui với mùa nhãn chín thơm đầy vườn bên tiếng chim gọi nhau líu lo xào xạc, nhớ câu thơ của Tế Hanh trong bài thơ Vườn Xưa đầy tình tự:
"Hai ta như sen mùa Hạ, cúc mùa Thu,
Như tháng mười hồng, tháng năm nhãn,
Em theo chim em đi về tháng tám,
Anh theo chim cùng với tháng ba qua ."
Nhưng có lẽ cũng xin mời bạn đọc bài thơ của nhà thi sĩ
vùng Long Sơn (Tân Châu), thi sĩ Nguyễn Hải Thệ còn có bút danh Ngy Do Thái,
viết về bến nước Tân Châu:
Sáng ra hỏi thăm dòng sông Trước
Ngó lên Nam Vang trùng trùng sóng nước
Bến Tân Châu bụi nắng long lanh
Trăm chiếc lá non rung rinh đầu cành
Ta mở lòng ra với trời xanh biếc
Hít thở không khí căng đầy lồng ngực
Đàn chim ríu rít theo đuổi bình minh
Lẽo đẽo bờ sông anh theo đuổi em
Và bài ngợi ca Châu Đốc:
Đêm về ngó ngọn đèn cao Châu Đốc
Dòng sông sau biêng biếc trời xanh
Nước trong mát ngọt thơm lành
Thuyền lênh đênh chở hoàng hôn bỏ lại
Tuổi trung niên dong bườm ra Đông Hải
Màu hoa vàng xưa đã chết trên ngàn
Câu điệu lý như mây quờ bóng trăng
Hồn ta chất ngất tình quê núi
Ngó đỉnh Thất Sơn vòi vọi
Đất lành chim đậu cành cây
Miền Viễn Tây nghi ngút sương bay
Trời với đất không còn phân ranh giới
Bờ với cõi viên dung giềng mối
Ta và em hiệp một trong nhau
Càn khôn phôi dựng xuân đầu
Em về mắt biếc nguyên màu biển xưa
Gót sen cỏ rộng đong đưa
Cành chim lá gió hai bờ ngửa ngang
Lục bình man mát Phương Nam
Thuyền qua Châu đốc lộng tràng giang em
Bàn tay thon lá cỏ mềm
Hiển hoa trăng ngọc lộ nguyên Nguyệt Hằng.
Ngó lên Nam Vang trùng trùng sóng nước
Bến Tân Châu bụi nắng long lanh
Trăm chiếc lá non rung rinh đầu cành
Ta mở lòng ra với trời xanh biếc
Hít thở không khí căng đầy lồng ngực
Đàn chim ríu rít theo đuổi bình minh
Lẽo đẽo bờ sông anh theo đuổi em
Và bài ngợi ca Châu Đốc:
Đêm về ngó ngọn đèn cao Châu Đốc
Dòng sông sau biêng biếc trời xanh
Nước trong mát ngọt thơm lành
Thuyền lênh đênh chở hoàng hôn bỏ lại
Tuổi trung niên dong bườm ra Đông Hải
Màu hoa vàng xưa đã chết trên ngàn
Câu điệu lý như mây quờ bóng trăng
Hồn ta chất ngất tình quê núi
Ngó đỉnh Thất Sơn vòi vọi
Đất lành chim đậu cành cây
Miền Viễn Tây nghi ngút sương bay
Trời với đất không còn phân ranh giới
Bờ với cõi viên dung giềng mối
Ta và em hiệp một trong nhau
Càn khôn phôi dựng xuân đầu
Em về mắt biếc nguyên màu biển xưa
Gót sen cỏ rộng đong đưa
Cành chim lá gió hai bờ ngửa ngang
Lục bình man mát Phương Nam
Thuyền qua Châu đốc lộng tràng giang em
Bàn tay thon lá cỏ mềm
Hiển hoa trăng ngọc lộ nguyên Nguyệt Hằng.
(Châu Đốc Quý Sửu
10/1973) (8)
Tân
Châu còn là rừng mía chạy mút tầm mắt, những vạt mía thơm diệu, mía tây, mía huê
kỳ, mía cọ cho nhiều đường ngọt lịm...
Trước khi bạn trở lại Sài Gòn hoặc về miền Cần Thơ, Cà
Mau, xin mời bạn trở lại thăm hai vùng thân quen một thời của An Giang ngày xưa,
giờ đã thuộc về hai tỉnh khác. Đó là Thốt Nốt thuộc Cần Thơ và Lấp Vò thuộc Cao
Lãnh (Đồng Tháp). Giống như hai đứa con gái mẹ cha phải gả đi xa, cư dân Lấp Vò
và Thốt Nốt luôn nhớ về An Giang không muốn rời căn nhà thân yêu cũ. Cực chẳng
đã, phải dính líu đến giấy tờ hành chánh, nhưng kỳ dư mọi giao dịch, mua bán,
thăm viếng họ đều gần gũi với An Giang hơn nhiều và lúc nào cũng tha thiết. Thốt
Nốt cũng giàu có với lúa, với vườn và tháng mưa, lúa hột phơi đầy trên con lộ số
9 về hướng Cần Thơ mà mỗi lần xe chạy qua nghe rào rào dưới lườn xe vùn vụt. Còn
Lấp Vò thì có nhiều trăn trở, đau buốt riêng của nó so với các nơi khác ở quanh
vùng này. Bạn có tưởng tượng trong nhà lồng chợ Lấp Vò, thời thuộc Pháp, nhiều
người bị Tây bắt chặt đầu, xác thả trôi sông và lấy đầu treo đầy cây tre trong
nhà lồng chợ . Ngày xưa, nghe ông già bà cả kể, nơi chợ quận này có thằng Tây ác
dữ lắm, biết bao gia đình là nạn nhân của nó, bị chặt đầu mà kinh
hồn.
Ngã ba vàm Tân Bình và Xáng Lớn (Lấp Vò, Sa
Đéc)
Nếu
bạn qua sông bằng con đò chèo nơi bến đò Chợ Cũ để về Cái Tàu hoặc bạn bắt đầu
rẽ tay mặt nơi có ngôi nhà xưa của anh Sáu Louis chuyên chụp hình rất đẹp nằm
cạnh bến đò vào những năm 1950-1960 để về làng Tân Bình, Bồ Hút, Gia Vàm, Thủ Ô,
lúc bấy giờ nơi bến sông này có ông Tú Thường mưa nắng bao mùa chèo đò đưa rước
khách sang sông và bạn bồi hồi nhớ lại câu ca vọng cổ ngày nào và nhớ về một
kiếp người lăn lóc cùng sông nước qua bao mùa mưa nắng:
“Còn nước mơ màng mây vẫn vơ
Thì còn ông lão với con đò
Có tiền mua lấy vài chai rượu
Nhắp rượu xong rồi lão nói thơ
Thơ Vân Tiên
Linh đinh trời
rộng sông dài
Đò ngang một chiếc lần hồi sớm trưa
Chiều rồi nghỉ một chuyến mưa
Nằm nghe lá rụng như mưa trên đò
Cơm ngày hai bữa cầu no
Dám đâu bàn chuyện cơ đồ viễn vông
Đời này có cũng như không
Sớm còn tối mất bận lòng mà chi
Đò ngang một chiếc lần hồi sớm trưa
Chiều rồi nghỉ một chuyến mưa
Nằm nghe lá rụng như mưa trên đò
Cơm ngày hai bữa cầu no
Dám đâu bàn chuyện cơ đồ viễn vông
Đời này có cũng như không
Sớm còn tối mất bận lòng mà chi
Nói
lối:
Còn nước còn non
thì nơi bến cũ vẫn còn trơ một ông lão …
1.
… đưa đò. Sông nước miền quê như say
theo tiếng hát câu hò. Trên con thuyền cũ kỹ ai muốn sang bến sông này lão đưa
rước giùm cho, tiền bạc trả công chẳng nệ ít hay nhiều, lão chỉ cần ngày hai
bữa mà thôi, bởi lão đây yêu quý con đò như thiên hạ họ yêu một người tình lý
tưởng …”(9)
Và rồi bạn chợt
nghe một điệu hò quen thuộc của ông lão chèo đò mà như tiếng vọng từ trái tim
mình:
Hò
ơ…
Nước giữa dòng có khi trong khi đục
Người ở đời có lúc nhục lúc vinh
Gẫm ai vô sự như mình
Đò ngang một chuyến
Hò hơ …
Đò ngang một chuyến mặc tình nắng mưa .”(10)
Nước giữa dòng có khi trong khi đục
Người ở đời có lúc nhục lúc vinh
Gẫm ai vô sự như mình
Đò ngang một chuyến
Hò hơ …
Đò ngang một chuyến mặc tình nắng mưa .”(10)
Tiếp tục, xin được mời bạn đi theo con đường lộ đá cũ
lồi lõm này, bạn sẽ về Cái Tàu Thượng, Tòng Sơn nơi sanh quán của Đức Phật Thầy
Tây An. Ngôi chùa Tòng Sơn bên dòng sông Cửu Long, cách Cái Tàu Thượng vài ba
cây số về hướng Đất Sét Nhỏ, là một ngôi cổ tự mà nhiều thập phương bá tánh về
đây hành hương, cầu nguyện Phật Thầy . Nhưng có lẽ bạn sẽ qua rạch Xẽo Môn, nơi
ngày xưa trồng khoai môn nổi tiếng vùng này, nơi mà Phật Thầy trị bịnh, cứu nhơn
độ thế làm cho nhiều người khỏi chết vì bịnh dịch vào những năm đồ khổ, dịch
bệnh. Dọc theo con hương lộ đá từ Mương Kinh về Cái Tàu Thượng những vườn trầu
vàng, lá trầu non mượt, rải rác khắp một vùng làng quê lao xao theo cơn gió hiu
hiu. Bạn sẽ gặp những cô thôn nữ hái trầu đem bán những phiên chợ quận với đôi
má hây hây, tình tứ mà trầm trồ và buộc lòng bạn nhớ lại câu ca dao quen miệng
mà giật mình:
"Trồng trầu thì phải khai
mương,
Làm trai hai vợ, phải thương cho
đồng."
An
Giang quá rộng, nhiều nét đặc thù, nhiều con đường còn xa khuất mà tôi vì tài
hèn sức mọn không làm sao ghi lại đầy đủ, trọn vẹn hết được. Tôi chỉ là người mê
nét đẹp thiên nhiên và con người của An Giang, tôi muốn xin được chia sẻ cùng
bạn những gì tôi đã cảm nhận được qua năm sáu mươi năm lớn lên từ vùng đất An
Giang ấy. Suốt hai mươi năm chiến tranh, An Giang so với nhiều vùng khác là một
vùng yên bình; có người còn gọi An Giang là đất Phật, là Thánh địa; nhưng với
riêng tôi, dù hôm nay An Giang có nhiều thay đổi, chẳng hạn như dòng sông Cửu
Long bị ngăn dòng bởi các đập thuỷ điện nơi các nước thượng nguồn nên nước sông
càng ngày càng cạn hơn, từ đó kéo theo cá tôm khan hiếm hơn, đồng lúa đất đai ít
khi được phù sa bồi thêm sau mỗi mùa lúa thần nông ngắn ngày kết thúc, thì trong
lòng tôi, hình ảnh một An Giang những ngày tháng cũ cách nay năm sáu mươi năm
quả thật là một vùng cổ tích tuyệt diệu ở phương Nam này.
Có
lẽ An Giang là xứ sở của cổ tích, của huyền thoại thật sự của vùng đồng bằng
thuộc hạ lưu sông Cửu Long, mà bạn khó bắt gặp bất cứ nơi nào khác có những nét
đặc thù tương tự vào những ngày tháng cũ. Nhờ hội đủ ba yếu tố thiên thời, địa
lợi và nhơn hòa, An Giang có một thời đã mang tặng cho bạn cái nét đẹp của những
cánh đồng lúa mùa bao la bát ngát với những biển lúa chín vàng đồng, những bến
nước hữu tình, những dòng sông đầy cá tôm, những vườn cây ăn trái ngào ngạt hoa
thơm trái chín và một tấm lòng hiếu khách, hiền hòa , chơn chất của cư dân dọc
hai bên bờ dòng An Giang mát mẻ, ngọt ngào, quả từ rất lâu, từ những năm tháng
cách nay hơn năm sáu mươi năm, An Giang đã mang đến cho bạn một món quà rất đẹp
và nhiều ý nghĩa rồi vậy !
Ngày 19-8-1998.
(Trích trong "Bến Bờ Còn Lại" ấn hành năm
2000)
Ngày 25-6-2011,
đọc lại và bổ túc nhiều chi tiết, hình ảnh quan trọng.
----------------------------
Phụ chú :
1/Dạo Chơi Tuổi Già của Sơn Nam, nhà xuất bản Trẻ, năm
2003, trang 170.
2/ Hồi Ký (tập 2) của nhà văn Nguyễn Hiến Lê, nhà xuất
bản Văn Nghệ, California, Hoa Kỳ, trang 21.
3/ //Bảy Ngày trong Đồng Tháp Mười của Nguyễn Hiến Lê,
loại sách Học Làm Người, 1954, trang 99.
4/ Việt Sử Tân Biên (tập 5) của Phạm Văn Sơn in lần đầu
tại Thư Lâm ấn quán, năm 1962, trang 208.
5/Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười (sđd), trang 86. Ngoài
ra, theo cuốn Tân Châu Xưa của Nguyễn Văn Kiềm, qua tài liệu của ông Đặng Văn Ty
thong phán hồi hưu ở Châu Đốc thì ông Phan Văn Vàng, tục gọi “xếp Vàng”, người
làng Đa Phước, quận Châu phú, nay là xã này thuộc An Phú (Châu Đốc), thường năm
ông lên miệt sông lớn bên Miên bắt sấu về bán, đồng thời ông thấy người Miên có
trồng giống lúa nổi rất trúng, nên mua về trồng thử và kết quả trúng mùa; do
vậy dân vùng Tân Châu Châu Đốc qua Miên mua giống về trồng. Nhưng theo Địa
Phương Chí Tỉnh An Giang, trang 27, thấy ghi ông Phó Tổng ở Đốc Vàng Hạ (Long
Xuyên) là người tìm ra giống lúa sạ trước nhứt”(Tân Châu Xưa của Nguyễn Văn Kiềm
& Huỳnh Minh, 1964, nhà xuất bản Thanh Niên tái bản năm 2003, trang
54)
6/ Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười (sđd), trang
97.
7/ Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười (sđd), trang 93.
8/ Trang nhà TSCĐ.com, mục thơ, tác giả Nguyễn Hải
Thệ-Ngy Do Thái,(trích tập thơ Ảo Ảnh)
9& 10/ Bái vọng cổ “Ông Lão Chèo Đò” của soạn giả
Viễn Châu, Tuyển Tập Vọng Cổ, nhà xuất bản Trẻ, năm 2003, trang 88.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét