Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

GIĂNG CÂU TRỜI



GIĂNG CÂU TRỜI

TRẦN VĂN

Miền Tây Nam Phần Việt Nam, một vùng đồng bằng mênh mông, sông rạch chằng chịt. Màu xanh của ruộng lúa, vườn cây ăn trái chạy dài đến tận chân trời. Mọi người ngất ngây trước sự giàu có, một nơi được thiên nhiên ưu đãi nhứt của đất nước Việt Nam.
Ấp Bà Bài thuộc xã Vĩnh Nguơn, dọc theo hai bờ kinh Vĩnh Tế. Một con kinh lịch sử được đào vào những năm đầu của triều đình nhà Nguyễn khi an định được đất nước từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Kinh Vĩnh Tế nối liền hai tỉnh Châu Đốc và Hà Tiên bằng đường thủy. Mãi cho đến bây giờ (1998) đường bộ để cho xe hơi chạy được thông thương giữa Châu Đốc và Hà Tiên vẫn chưa có. Từ Châu Đốc vào quận Tịnh Biên 24 cây số, xe chạy thêm đến xã Lạc Quới và chỉ ngoặt lên đến Núi Tượng, thánh địa của Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, một hệ phái của Bửu Sơn Kỳ Hương do Phật Thầy Tây An sáng lập. Từ hướng tỉnh Hà Tiên, đường bộ cũng  chỉ  đến  địa phận quận Giang Thành còn một quãng vài chục cây số đến địa phận Châu Đốc, người ta chỉ dùng phương tiện xe hai bánh và gặp nhiều trở ngại kinh, rạch mà chưa có cầu cống lớn chắc chắn. Đây là một con đường chiến lược về quân sự và kinh tế rất quan trọng mà bao thế hệ, chế độ chưa làm được.
Ấp Bà Bài, một ấp cuối cùng của xã Vĩnh Nguơn thuộc quận Châu Phú, tiếp giáp với xã Nhơn Hưng thuộc quận Tịnh Biên, Châu Đốc. Tịnh Biên có nghĩa là vùng biên thùy an tịnh, một vùng trước đây do triều đình Thủy Chân Lập (Cambodia) trị vì. Dấu tích của người Miên còn lại của vùng nầy là có nhiều ấp, làng (phum, sóc) toàn người Miên sinh sống như trên đất Chùa Tháp. Nào chùa, trường học và những vòm cây thốt nốt cao vút, biểu trưng của dân tộc Khờ Me (Miên).
Thời Pháp thuộc, cả ba nước Việt Miên Lào trong Liên Bang Đông Dương. Mọi người dân của ba nước được quyền đi lại tự do, đầu tư, buôn bán, khai thác tài nguyên bất cứ ở nơi nào của cả ba xứ Đông Dương. Trước năm 1945, ông Hương Tuần ở ấp Bà Bài, một gia đình có thế lực nhứt trong vùng hợp tác với một ông thông phán tòa án Châu Đốc khai khẩn hàng mấy ngàn mẫu tây đất hoang trên xứ Chùa Tháp thuộc tỉnh Tà Keo tiếp giáp với ấp Bà Bài, cách bờ kinh Vĩnh Tế chừng 8 cây số. Đây là một vùng đất trũng thấp phẳng phiu, mênh mông, không có rừng tràm hay rừng đước như nhiều nơi vùng đất trũng thấp khác. Riêng đất của ông Hương Tuần có trên một ngàn mẫu tây. Chim cá ở nơi nầy có vô số, không biết bao nhiêu mà kể. Ấp Bà Bài có nhiều cá chim thuộc loại nhứt nhì của tỉnh Châu Đốc nhưng so với đồng ruộng ở vùng Cả Hàn này, không thấm thía vào đâu cả.
                    o
Ăn cá, lươn, rùa, rắn, chuột mãi cũng ngán, mùa nào có mồi của mùa đó, món ăn đặc biệt của từng mùa.
Ông  Hương Tuần  có sáng kiến giăng câu trời bắt chim để thay đổi món nhậu.
Những thẻ câu đã giăng bắt cá vào mùa nước nổi. Nay đồng ruộng khô, những thẻ câu đó lại được sử dụng để giăng bắt chim trời vào tháng mười một âm lịch. Địa điểm để giăng câu trời thường là những thửa ruộng lúa chín vàng, cạnh bên những vũng nước, đầm lầy có nhiều cá.
Người ta chọn nơi có lúa chín, có nước, có cá để giăng câu trời. Chim, có loài chỉ ăn cá, tép, có loài ăn lúa, ăn côn trùng hay cỏ non, các loại củ... Và cần có nước để uống nữa. Thẻ câu dài mười lăm, hai chục mét, những lưỡi câu, cách khoảng nhau trên dưới năm tấc được buộc vào dây câu. Lưỡi câu nhọn hoắc, có ngạnh, lòng thòng dưới dây câu. Người ta dựng ba bốn cây sào bằng cây tầm vông già, dài căng buộc dây câu và cắm chặt sâu xuống đất. Chim khi dính, mắc vào lưỡi câu cố vùng vẫy mạnh, nếu cây sào không chắc, cả đường dây câu bị giựt sập xuống thì kể như thất bại. Vì vậy,  người ta rất chú ý khoảng cách của mỗi cây sào đủ sức chịu đựng giữ đứng được dù có nhiều con chim lớn mắc câu.
Đọc truyện Phong Thần, nghe nói đến pháp thuật hô phong hoán vũ, sái đậu thành binh, thiên la địa võng. Giăng câu trời, quả thậût là một trận thiên la, lưới trời nay đổi thành những thẻ câu để bắt chim. Những sợi dây câu được giăng khắp bao vùng lúa chín vàng và có nước có cá. Người ta thường giăng câu hai hoặc ba tầng chênh chếch nhau, cách mặt đất hơn một mét và cao hơn nữa nhằm đạt được hiệu quả cao. Chim bay từ trên cao xuống hay cất cánh bay xéo lên hay bay là đà đều có thể dính vào lưỡi câu.
Không phải đêm nào cũng giăng câu trời được. Theo kinh nghiệm, lựa những đêm có trăng non, trăng khuyết, hoặc trời có nhiều sao có ánh sáng lờ mờ, không sáng tỏ lắm để giăng câu trời. Trời tối om thì không thể nào bắt chim bằng cách này được. Sáng   quá chim thấy "thiên la" và nhứt là những cây sào cao, chúng sợ không dám đáp xuống ăn mồi uống nước, còn trời tối quá chúng cũng không thấy rõ đường mà tìm thức ăn.
Chim trời có nhiều chủng loại, thói quen. Con thì thích đi tìm thức ăn vào lúc chạng vạng, tối, khuya hoặc sáng sớm, lúc trời còn lờ mờ.
Chim trời ở miền Tây có nhiều vô số kể, các vùng có nhiều cá, lúa, có nhiều chủng loại như nhan sen, chân màu vàng, cao, mồng đỏ, lông xám đen; một loài chim thịt ngon nhứt trong các loài chim. Nhan sen thuộc nhóm chim quý của thế giới, nay còn rất ít ở miền Tây. Ở Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Kiến Phong, hiện nay (1998) cơ quan bảo vệ thú quí hiếm của hành tinh do Liên Hiệp Quốc tài trợ có thiết lập một vùng bảo vệ loại chim quý này. Đặc tính, nhan sen chỉ moi tìm ăn củ, cỏ năng, mà ở vùng Đồng Tháp Mười có nhiều cỏ năng hơn bất cứ vùng nào của miền Tây. Trên sách báo, nhan sen có tên gọi là sếu, chân vàng mỏ đỏ, loài chim quý hiếm của thế giới ngày nay mà chỉ ở Việt Nam mới còn. "Chim trời, cá nước", một cụm từ chỉ cho ta biết loài chim sống ở giữa trời, cá thì ở trong nước. Cả hai loài đều nhiều và khó bắt. Chim trời lớn có: chàng bè có cái đải dài ở dưới cổ dùng để chứa cá khi chúng bắt được. Chàng bè thả trôi trên nước khi cá lội lại gần chúng dùng mỏ chọt (mổ) sâu xuống nước, mỗi lần mổ cũng được một con cá. Chàng bè xốc vô miệng, cá vào cái đải để đó, sau mới đưa vào dạ dày. Cái đải của con chàng bè có thể chứa đến hàng chục con cá linh nhỏ, hoặc vài con cá "trọng trọng". Vịt trời, còn gọi là vịt nước, cò, diệc, le le... những chủng loại có nhiều nhứt ở miền Tây. Các loài chim dù ăn cá, côn trùng, củ cỏ năng hay ăn lúa đều phải uống nước. Chúng bay qua, lượn lại tìm mồi, tìm nước, bay lên, đáp xuống, hàng trăm hàng ngàn lượt, tiếng kêu chíu chít. Thế nào  cũng  có  con  chẳng may, tới số, vỗ cánh bay vướng mắc vào  lưỡi  câu  có thể bị móc  dính vào  cánh, vào đầu, cổ, mình...
Đặc tính chung của chim muông, thú vật và ngay cả con người khi bị dính mắc vào cạm bẫy đều cố gắng vùng vẫy để thoát ra. May ra, ba con chim dính vào lưỡi câu chỉ còn một con không bị sẩy, vì chúng bị dính ngập vào ngạnh lưỡi câu những chỗ yếu huyệt như da thịt, hoặc cánh. Càng vùng vẫy, lưỡi câu càng ăn sâu thêm làm cho chúng "chịu trận" không thoát được. Với hàng trăm hàng ngàn lưỡi được bủa giăng bao quanh mục tiêu chọn lựa và với số chim hàng trăm con, hết đàn chim nầy đến đàn chim khác ăn tối khuya, sáng sớm đều có đủ. Một đêm giăng câu trời, có đến hàng chục con chim lớn nhỏ dính câu trời đủ làm mồi cho vài bữa ăn của lạ.
Ở đồng quê, người ta thường ăn chim trời bằng cách nhổ lông khô rồi thui sơ qua cho cháy lông măng. Khi có chim nhiều quá hoặc chim lớn, người ta cũng dùng nước sôi trụng nhổ lông như nhổ lông gà, lông vịt. Những món ăn chim đơn giản nhứt là nướng, chiên, rô ti hoặc muối sả ớt để nướng, chiên. Món ăn thông dụng nhứt của dân quê là luộc, nấu cháo đậu xanh cà, món gỏi chim tha hồ mà nhậu với rượu đế được nấu cất tự biên, tự diễn mà người làm công của ông Hương Tuần rất rành sáu câu. Chim trời còn được xào, kho mặn để ăn cơm, đôi khi người ta còn phơi khô như là khô gà, khô vịt.
Thời gian giăng câu trời ngắn ngủi, một vùng chọn lựa giăng câu trời cũng chỉ được vài đêm, phải chuyển đổi chỗ khác. Chim rất khôn, chúng tránh cạm bẫy này nhưng gặp nguy hiểm khác đang chờ đón chúng như bẫy, rập, lưới chim kể cả ngồi rình đập chim, một cách bắt chim khác rất độc đáo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét