ĐẬP
CHIM
TRẦN VĂN
Đồng ruộng của ông
Hương Tuần, chim bay suốt không ngơi nghỉ chắc gãy cánh chớ không phải mỏi cánh
như người ta thường nói, ám chỉ những người có ruộng đất nhiều. Đến mùa gặt lúa,
khu trại ruộng của ông Hương Tuần, một dãy nhà lá dài chừng hai mươi căn nằm
trên bờ kinh số 1 gần rạch Cả Hàn bên phía Việt Nam, thuộc xã Vĩnh Hội Đông,
quận An Phú, Châu Đốc, phía bên kia thuộc tỉnh Tà Keo của Cao Miên. Khu vực này,
những cây cao to chỉ có chừng năm cây gáo, tràm ở cách khoảng xa nhau hàng trăm
mét, còn những cây cà na, cò ke, trâm bầu, cây hoang
mọc thấp lè tè ở bờ sông bờ rạch và ở vùng đất cao. Vùng đất trũng thấp đến mùa
nước lớn, cây cỏ đều bị nhận chìm dưới làn nước phù sa
nhiều tháng, không thể sống được.
Những đêm trời lờ
mờ, chim trời loại lớn con như chàng bè, gà đải, nhan sen, diệc thường chọn những cây cao, to để ngủ qua đêm. Còn loài cò, le le, vịt nước hay các loài chim nhỏ khác như trích,
cúm núm thường tìm cây thấp hoặc lùm bụi để nghỉ ngơi. Biết rõ thói quen
của loài chim, khi trời lờ mờ, người ta bố trí trên mỗi cây to, một anh thợ cày,
khỏe, nhanh nhẹn thủ (cầm) một cây tầm vông chừng một mét rưỡi, dài quá dễ vướng
vào cành cây và khó xoay trở. Người rình đập chim phải chọn
lựa nhánh cây nào thuận tiện nhứt mà trên mặt đất có nhiều cứt chim, chắc mẽm,
nơi đó chim thường đậu. Họ còn phải lựa chỗ có cành lá che ngụy trang, vì
chim rất khôn, chúng nghe thấy động tĩnh trên cây, có người ngồi ở đó thì chúng
bay đi nơi khác ngay.
Sau khi đi ăn về,
như thường lệ, chim đi có cặp, chim trống chim mái rất chung tình cùng đáp xuống cành cây, cánh còn "vấp với", chưa
thu hết lại, thình lình chúng bị một cái đập trời giáng vào mình rơi tõm xuống
đất. Thường bị đập đầu tiên là chú chim trống, chim mái chậm
chạp hơn cũng đáp xuống chậm hơn trong tích tắc, chưa kịp có phản ứng, cũng lãnh
thêm một cây tầm vông đập mạnh xuống cùng đi tàu suốt với chồng. Cây nầy động tĩnh, chim hoảng sợ bay qua lượn lại một chập tìm cây
khác đậu rồi cũng bị lãnh những cú đập trời giáng khác. Chim thì nhiều mà cây to ít quá, bốn năm người thợ cày rình đập chim
mất chừng hơn một tiếng đồng hồ cũng có hàng chục con chim lớn tha hồ mà nhậu
quắc cần câu. Một điều đáng quý của người dân quê, họ chất phác, khi đập
bắt được chim đủ ăn một ngày là họ thôi không sát sanh nữa. Lúc lên bảy lên tám
tuổi, Ngọc có tài làm bẫy cò ke, một loại bẫy chỉ cần một cành tre nhỏ với một
sợi dây chắc có cái thòng lọng, để một miếng mồi bên trong thòng lọng trên cái
cần bật như một con cá con, trùng, dế, cào cào. Bẫy cò ke chỉ
bắt được chim nhỏ thường từ cò ma trở lại. Người ta
phân biệt hai loại cò, cò trắng và cò ma; cò trắng lớn con hơn cò ma. Cò
trắng lớn hoặc những con chim lớn mổ mồi cái thòng lọng của bẫy cò ke không đủ kích thước siết cổ được chúng. Dù thòng
lọng có siết được cổ, chúng cũng bay đi mất, cành tre nhỏ dù có cắm sâu xuống
đất cũng không đủ sức giữ được chúng. Bẫy nhỏ bắt chim nhỏ,
bẫy lớn mới bắt được chim to. Khi chim mổ ăn mồi, thòng lọng bật lên siết
đúng vào đầu, cổ, chim bị treo tòn teng khỏi mặt đất, nếu chúng chạm đất, chúng
có thể đủ sức làm cho sẩy, thoát được. Trại ruộng của ông
Hương Tuần có hàng chục cái bẫy chim bằng sắt để bắt chim lớn. Cái bẫy có hình vòng bán nguyệt, hai lưỡi sắt tua tủa như lưỡi cưa
mà người ta dùng cưa nước đá. Bẫy sắt được đặt ở "men"
rìa vũng nước, thường có chim lớn kiếm mồi, đi qua lại tới lui. Bẫy sắt
có khi cũng có đặt mồi để nhử chim, nhưng thường không cần mồi, vì chim quá
nhiều, những con chim nhỏ không đủ trọng lượng đạp sập bẫy sắt được, chỉ những
con chim lớn mới dính vào bẫy sắt. Đặt bẫy sắt thường chọn
những vũng nước, xa trâu bò, vì nếu trâu bò và con người đạp phải bẫy sắt có thể
cũng què chân.
Một kỷ niệm khó quên Ngọc nhớ rất rõ, như mới
ngày nào, dù nay đã hơn năm mươi lăm năm. Một ngày trời mưa nặng hạt, gió giật mạnh
từng cơn, trời lạnh mà Ngọc nổi hứng, lén mẹ, mẹ của Ngọc rất cưng thằng con
trai thuộc loại con cầu con khẩn, khó nuôi, ra đồng đi săn bắt le le. Ngọc dẫn
theo hai con chó, một chú Vện, một thím Phèn, trang bị
thêm một khúc cây tầm vông dài chừng tám tấc vừa nắm tay và một cuộn dây nhỏ.
Trời ngã về chiều, mưa cũng giảm, Ngọc đội cái nón lá cũ, dầm
mưa đi săn le le. Lúc này khoảng đầu tháng năm âm lịch,
nước đã mấp mé nhảy bờ, lúa lên xanh tươi tốt cũng là lúc le le thay
lông. Chim le le hình dáng giống vịt xiêm nhưng nhỏ hơn nhiều, thịt ăn rất ngon, le le bơi lội cũng như vịt. Mùa này chúng thay lông và làm ổ đẻ, thường ở đủ đôi trống
mái. Ngọc vừa ra khỏi nhà, còn
ngoái cổ lại xem mẹ có hay biết gì không, không đời nào bà cho Ngọc đi
săn bắt chim trong lúc trời đang mưa vì bà sợ con trai út yêu quý của bà bị ấm
mỏ ác.
Cách nhà chừng hai
trăm mét, ruộng lúa xanh rì, cao quá đầu gối, những cánh đồng cỏ cũng lên cao
mơn mởn, le le làm ổ ở những chỗ rậm nhứt. Hai con chó
Phèn, Vện ve vẫy đuôi chạy lăng xăng đánh hơi, lùng sục
làm động anh chị le le đang âu yếm tâm tình giựt mình bay lên. Mới thay lông và mưa ướt, le le không bay được xa, có con chỉ sập
sận rồi chui lại xuống lúa, cỏ để trốn. Hai con chó tinh khôn tìm rượt
đuổi, trong khi đó Ngọc sẵn sàng "phang" khúc tầm vông đang cầm, không trúng
đầu, trúng mình, cánh thì le le cũng không bay xa được. Chúng lẩn quẩn bay lên
đáp xuống, chỉ trong vài phút hai anh chị le le thế nào cũng lãnh một khúc tầm
vông hoặc hai con chó cũng tóm được tha lại cho Ngọc, buộc vào dây máng lên cổ,
hai con hai bên. Chỉ trong vòng một, hai tiếng đồng hồ hôm đó,
nhờ sự tiếp sức của hai con chó, Ngọc bắt được cả chục con le le. Bắt le le bằng cách săn nầy chỉ được mấy ngày, và có mưa càng lớn
càng tốt. Khi chúng đủ lông đủ cánh bay vù vù rất khó rượt phang,
bắt.
o
Ở Bà Bài, vào mùa
dông bão, người ta không đi đặt lọp, giăng câu, giăng lưới hoặc câu cá được thì
người ta ăn khô, ăn mắm và cũng lúc nầy người ta thích
ăn thịt chim.
Ở
phía sau hè và cạnh bên hông nhà của Ngọc, có vài bụi tre nhỏ,
thấp. Những cây tràm, me
chua, me nước và tre to, cao; khi gặp gió mạnh, mưa to, chim không đậu vững
được, nên chúng phải bay xuống đậu những bụi tre hoặc những cây thấp, bị gió đưa
đẩy nhiều có khi nhánh lá tre chạm mặt đất. Lúc nầy là lúc thuận tiện nhứt để
bắt chim chỉ bằng tay thôi, không cần phải có đồ nghề
gì cả. Ba của Ngọc đang uống trà, nhìn thấy qua ánh sáng sấm chớp nhiều chim
đang kêu la chíu chít trên những cành cây. Gió đang đưa đẩy chúng chới với bay
lên rồi đáp xuống, bấu víu vào cành cây. Ông sai hai người làm
công thân tín nhứt và cũng là người khỏe mạnh nhứt, chịu lạnh giỏi trong số hơn
một chục người làm công cho ông.
- Búp, Ất, hai đứa
bây đi bắt chim về ăn nghe.
- Làm sao bắt anh
Hai, Chú Búp hỏi.
-
Ậy, tụi bây không thấy gì hết sao? Trời dông bão và mưa to như thế nầy,chim không đậu trên cây cao được, chúng đậu ở những cây thấp
gần nhà mình đó, tụi bây có nghe thấy tiếng chim kêu chíu chít
không?
- Dạ có, anh Hai.
Chú Búp nhanh nhẩu đáp.
- Búp, mầy lại đây,
nhìn xem coi chim nhiều quá, chúng bám theo cành cây
đang rạp xuống đến mặt đất. Ba của Ngọc vừa nói vừa chỉ, cả nhà nhìn ra bên hông
nhà cũng vừa lúc có ánh sáng của sấm chớp, mọi người thấy màu trắng của chim
chiếm hết màu xanh của cành lá. Trời gầm, sấm chớp liên hồi,
mưa lại nặng hạt, gió thổi mạnh, Ngọc lạnh buốt. Nhưng
chú Búp và anh Ất chuẩn bị đi bắt chim.
Chú Búp, Ngọc gọi
bằng chú vì lớn tuổi và có bà con xa. Còn Ất, Ngọc gọi anh vì nhỏ tuổi và cũng
là người mồ côi cha mẹ từ hồi còn bé mà ba Ngọc đã nuôi từ lúc lên 5 tuổi. Cả hai cũng trang bị một khúc tầm vông ngắn và một cuộn dây.
Đầu đội nón lá, choàng một cái áo tơi được trầm bằng lá thốt
nốt. Hai người đi hai hướng. Nhờ sấm chớp mới thấy được chim đang cố bám chặt trên những cành
tre, cành cây nhỏ bị gió thổi mạnh rạp xuống gần đụng mặt đất, hai cánh chớp lia
lịa gượng sức bám chặt vào cành cây. Chú Búp và anh Ất chỉ chờ đợi có sấm
chớp và gió mạnh là ra tay "thộp" nắm bắt từ con một,
đôi khi bắt một lúc hai con, buộc dây cẩn thận để nằm trên mặt đất. Khi thì cò ma, khi thì con diệc, cò trắng. Thỉnh thoảng họ
mới dùng khúc tầm vông đập một cái là có một con chim rơi xuống đất. Hai người chỉ dầm mưa khi ba của Ngọc hút được nửa điếu thuốc thứ
hai, có trên hai mươi con chim đủ đại gia đình Ngọc ăn buổi tối đó và ngày hôm
sau. Người dân quê ít tham lam, gặp đêm giông bão mưa lớn như thế nầy,
người ta có thể bắt hàng trăm con chim dễ dàng, những ngày khác không dễ gì săn
bắt được chim như thế. Họ bắt đủ ăn một hai bữa là đạt
yêu cầu, không bắt nhiều để dự trữ.
Quê Bà Bài quả có nhiều cái nghe như chuyện
khó tin nhưng có thật. Đó
là một dấu ấn kỷ niệm của một vùng có nhiều chim trời, cá nước với cuộc sống đơn
giản và gần gũi với thiên nhiên nhất của nhiều
nguời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét