Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

CON ĐƯỜNG CŨ...PHẦN 6 VÀ 7

Con đường cũ (Phần 6 & 7)

LƯU NHƠN NGHĨA



Đối diện dãy phố củ Xál là một trong năm dãy phố cũ, cũng giống dãy phố đầu tiên. Căn đầu nhìn từ hướng Nam của Tỉa (dượng) Kim Xen, có ba người con, đứa con giửa tên Nghĩa, họ Trần, học chung lớp tôi năm 1952, lớp Ba. Gia đình buôn bán hàng sáo, ít giao thiệp, hình như ông Kim Xen mỗi ngày vô Sóc mua thổ sản, lúa gạo ra chợ bán. Thằng Nghĩa, cùng tên tôi, khoái chí mỗi lần tôi thi rớt, sau đi Cảnh Sát. Bà Kim Xen thích nghe chuyện tôi thi rớt để cười hể hả, bà già tôi mắc cở để trong lòng nhiều năm, chỉ có tôi mặt dầy. Ông già tôi chửi “thứ thi rớt mà đi ngoài đường không biết nhục". Cả nhà ông đã mất, nhắc cho nhớ chơi một thời, có còn gặp lại đâu mà oán thù ganh tỵ. Bên cạnh là phố ông Sỉnh, có mấy người con tên Ối, Là Hón (bạn học tôi), Xẻn, gốc Tàu, chết không còn người. Kế bên là phố Ông Bang Tốt, giàu xưa, cạnh là tiệm hút, ngày xưa, ai muốn hút á phiện thì vô hút, hút mấy ngao trả tiền mấy ngao, tuy bị cấm, nhưng không ai  bắt bớ, bà con với nhau cả .
               Tiệm cơm Việt Nam của cậu Hai Dư kế bên. Quán cơm VN duy nhứt, có khi nhận tiệc đám cưới.  Rồi tiệm Hiệp Lợi, tiệm bác Sáu Chung, ông bà hiền lắm, con ông là Đại úy Minh. Củ Bảy Chi mua thêm căn phố kế bên. Bước qua, tiệm vàng Cậu Mười An, rồi tiệm củ Dét. căn cuối cùng hiệu Vinh Hiệp Chành, bán đồ bazaar. Ông chủ không bao giờ ngồi tiệm ca phê, gốc bên Tàu qua lưu lạc tới đây, từ tay trắng làm giàu, khôn hơn mấy ông gốc Tàu bản xứ.  Ông khen xứ nầy "Hốc Tì" (Phúc Địa) cá thịt nhiều, dân Chợ Lớn ăn được con cá lóc lớn như xứ nầy, ngon tới " run râu" .
               Cách con đường, là tiệm Mai Xương Chành, còn gọi là tiệm Nam Vang, bán hàng mắc tiền, rồi tiệm Hương Ký, gốc Hẹ, bán Tạp hóa, khá phát đạt, ông Hương Ký ốm, cao lỏng thỏng. Một anh lính chọc phá cháu ông, ông đánh hắn té văng xa mấy thước, anh lính hoảng hồn rút lui, nghe nói ông có xìn tả ( Thần đả). Tiệm bên bán ca rem cây ( ice block ) từ năm 1950 hình như của ông Năm Quả. Người ta, thường là người già, trẻ con, tới đếm cà rem cây, để trong bình thủy, mang đi bán ngoài chợ, trường học ... Lúc bắt đầu có cà rem, người ta đồn, cà rem có chất acid, nên mỗi lần ăn, họ lấy ngón tay chà cây cà rem cho sạch chất " acid ". Từ đó, mỗi buổi trưa, chợ vang lên tiếng rao “cà rem cây, má mầy lấy Tây”.  Món giải khát nầy là món quà thay thế nước đá bào. Rồi lại có tin đồn Đàn Thổ (Miên), bỏ thuốc độc trong bình cà rem để đầu độc người Việt, cà rem bị bán ế, không thấy ai chết. Nhưng từ đó, danh từ "Miên" thay thế chữ “Đàn Thổ”, đở mích lòng nhau.

*********************

          Nhìn từ đầu bờ kinh, bên phải, đối diện  đầu chợ phía Bắc, là dãy phố giống hệt dãy phố đầu chợ phía Nam. Dãy nầy, bắt đầu từ đầu bờ kinh, căn đầu tiên hình như tiệm may hia Dịn và đứa em tên Tỳ con củ Mão. Củ Mão người thấp, nhưng vặm vỡ, củ có tài cạo gió rất hiệu nghiệm. Ai bị trúng gió độc, cứng miệng, củ cạo xong, uống chén trà gừng, sút mồ hôi hết cảm. Củ chỉ cạo giúp, chớ không lấy tiền. Cách chữa bịnh nầy rất cần thiết, trong quận không có bác sĩ. Kế bên là phố của con củ, hia Bé. Sát vách là hiệu Lâm Trinh Tường, củ Xưởng (Xưởng là âm tiếng Tàu, âm VN là Tường). Củ Xưởng gốc Ô Thôm, rể thầy Cai Tổng Ul, người con là Cà Tâm, học chung lớp tôi, không biết tên khai sanh là gì, chưa từng nói chuyện với nhau một tiếng. Năm 2001, tới thăm lần đầu, Cà Tâm lúc đó bịnh, miễn cưởng ngồi tiếp chuyện. Tiếp theo là tiệm anh Ái, trạc tuổi tôi, rồi tới phố ông củ Hội Đồng Kết, họ Trang. Hình như dãy phố nầy hầu hết của ông. Ông Hội đồng, mặc áo bành tô, hàng nút vàng, bốn túi, màu xanh dương nhạt. Ông hiền lắm, ít nói, không làm mất lòng đứa con nít trong quận. Phố củ Mẫu tiếp theo, buôn bán, tiệm may Sum Nguyên, may khéo nhứt, dành cho khách giàu. Củ Kiếm than, ông cò Hiến binh tới may, không trả tiền công lẫn tiền vải. Tiếp theo là mấy căn của ông Hội Đồng, căn của củ Năm Sạn, tiệm may, nghe bạn học khen các cô con gái ông đẹp nổi tiếng, tôi chưa gặp mặt lần nào, dù cùng xứ sở. Tiệm Gia Mậu (Kia Mẫu), tôi gọi bằng " chệt " (chú), chỉ nói tiếng Tiều với tôi. Chệt trắng trẻo, áo quần thẳng nếp khi ra đường, họ Bành. Năm lên 60 tuổi, lục tuần, chệt tổ chức lễ thọ rất lớn, nấu chè mì ngọt, gắp sợi mì bằng đủa, không cho sợi mì đứt. Chệt bị tên y tá rỡm chích thuốc, bị phản ứng thuốc chết. Con trai là Chiêu, lên Nam Vang học. Năm 1963, lính Sea Bee Mỹ đến lập đồn Châu Lăng, mướn nhân công đủ loại, mua đủ mặt hàng. Chiêu nhờ biết tiếng Anh, được vào làm.  Mỗi lần dẫn người Mỹ đi mua đồ, Chiêu dặn tính thật mắc, sau đó, Chiêu trở lại lấy tiền sai biệt.  Ai muốn vào làm trong đồn Mỹ, phải nhờ Chiêu. Chiêu kiếm rất nhiều tiền, (lương tháng $7000, lương giáo sư Đệ nhị cấp hơn $5000), lên Saigon mướn nhà cho bạn gái Hong kong ở. Sau Chiêu đổi theo Mỹ qua lại Cambodge, hắn buôn bán bạch phiến, bị nhốt Côn Đảo, chết trong tù sau 1975.

              Đi dọc theo hông phố Gia Mậu, sau lưng là tiệm cầm đồ của thầy Ký Seyla. Đây là căn villa lớn, củ Seyla có gần 30 căn phố trong quận, bây giờ ở Mỹ, nhớ xứ sở, than không có "lúi", làm sao về VN . Những căn kế tiếp cất không liền nhau, tôi không nhớ ...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét