Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

CON ĐƯỜNG CŨ...PHẦN 5

Con đường cũ (Phần 5)

LƯU NHƠN NGHĨA


Dãy nhà đâu vách cũng 4 căn. Căn đầu của Pề Xál, bán hủ tiếu và vé xe đò đi Long Xuyên. Pề (bác) Xál, lai Miên, họ Khưu, hiền lành, dân kỳ cựu, nấu ăn ở trình độ đầu bếp. Nghe nói xưa, Pề có nhà máy xay lúa, giàu lắm, ổng có vợ bé, kiểm Xál (kiểm là mợ, đáng lẽ kêu bằng úm, bác gái nhưng kêu kiểm đã quen) mướn người giết chết bà vợ bé. Người giết sau làm thợ mài dao, mỗi lần mài dao cho ai xong, ông tự cắt chân mình chảy máu để chứng tỏ là ông mài dao rất bén. Xưa giết người vì cơm gạo, bây giờ trả quả. Kiểm Xál người Miên, nói lớn tiếng, rất biết điều với lối xóm. Mỗi lần đi Long Xuyên, ngang nhà kiểm buổi sáng, Kiểm chúc lành, tôi còn nghe tiếng kiểm vang vang" đi mạnh giỏi nghe con". Con là hia Xền Hởi (mang giày), lên Nam Vang học tiếng Ăng Lê, về cưới vợ, đám cưới lớn, sau nầy gia đình đi xuống, nghèo, có người nói vì làm đám cưới lớn, con cái làm ăn không khá. Sau 1975, nhà đổi chủ, cất thành nhà lầu cao, hia Xền Hởi dời về Ô Thôm ở làm rẩy. Mỗi lần về quê ăn Tết, mẹ tôi biểu qua nhà Củ đốt nhang. Nhìn tấm ảnh, Củ nhìn tôi cười như lúc còn sống, vừa nghe kiểm Xái kêu lớn, thiết tha, nghe rợn người "Hia Xái ơi, Nghỉ nó về đốt nhang cho Hia đó, phù hộ cho nó mạnh giỏi ". Bây giờ nhớ tới nao lòng. Pề và Kiểm đã đi, muốn một lần ngồi nghe kể chuyện Ô Thôm mà có còn ai nhớ.
   Kế bên là nhà ông Hương Quản Hiếu, ngay sau nhà tôi, trước ông có xe ngựa cho mướn, hai người con là củ Minh Tân, đậu Certificat (Tiểu học), làm cho 2ème Bureau (Phòng Nhì hay là An ninh của Pháp), Đội Xếp và củ Minh Chánh. Sau ông bán xe đạp (lúc đó gọi là xe máy). Ông còn theo xưa, có khi bắt bà thím nằm xuống cho ông dùng roi đánh như đánh con nít, bà không được quyền khóc, phụ nữ ngày xưa khổ lắm. Bà thím cùng họ với ông ngoại tôi, nên nhận bà con, nhờ vậy, mấy củ tôi ở Ô Thôm ra có chổ trọ đi học, mới biết chữ, ở Ô Thôm chỉ có lớp Năm, tức lớp 1 ngày nay. Ơn nghĩa đó được gìn giữ trọn vẹn, gia đình bên ngoại tôi giúp đở củ Minh Tân tới ngày chết, coi như  bà con ruột thịt. Không biết tại sao, ở xứ tôi có cái tục nhận họ, cứ một họ là nhìn bà con, rồi giúp đỡ lẫn nhau, như gia đình củ Xên, bịnh hoạn liên miên, nằm ôm bụng rên, "mau mau mua lít rượu chắn lại", có rượu hết bịnh.
   Căn nhà nầy sau bán lại cho Củ Chón, gốc Tàu, rể ông Cai Tổng, khoảng năm 1950, củ Chón có Certificat, bán sách vở học trò, vừa đi dạy lớp Năm (lớp 1 ngày nay), lương lớn, có đứa con đầu, thằng Cui Hon, học rất giỏi, sau lên Nam Vang học. Mẹ tôi nhìn thèm thuồng lắm, bà khen "con dòng cháu giống", không ngu như tôi, bạn bè đặt tên tôi là "Nghỉ Khùng", mang luôn tên tới giờ, mỗi lần mở miệng là bị tiếng đó chận họng.
   Củ Chón có mấy căn phố, kiểm Chón, con ông Cai Tổng xưa, không làm động móng tay. Mấy cha Phú lích qua lại chờ bên nhà tôi có rác thì biên phạt. Tiệm củ Chón rác rến chung quanh mà đám phú lích giả đui không thấy. Ông già tôi đầu tắt mặt tối buôn bán, nhịn nhục đủ thứ, thèm địa vị củ Chón vô cùng, nên ông nảy ý bắt tôi đi học, để đi cours Cò, cours Đội. Mãi sau nầy, ông vẫn sợ lính, dù con đều là lính. Tiệm nầy bán lại cho Củ Sáu tôi, ông mở depôt lave nước ngọt, nhờ có chút chữ nghĩa, làm Đại diện xã, có 3 bà vợ. Cả gia đình không ai ưa được. Làm như Đại diện xã là cao sang uy quyền lắm, lúc bà già tôi cất nhà, ổng nghe lời vợ con, kêu bà già tôi lên xã hăm dọa. Bà ngọai tôi phải tới dàn xếp mới yên. Thằng em tôi đi lính về đòi thanh toán ổng. Con cái ổng cũng bị cái hào quang, cư xữ như tiểu thư, mấy đứa em tôi gọi rể ổng là Phò mã. Sau 1975, mẹ tôi nuôi ổng, nhờ vậy mới qua lại, bây giờ, tiệm lại đổi chủ.                        
   Tới tiệm Chú Xồi, thời năm 1951, có bàn billard và bàn đá banh bàn, thêm loto ban đêm. Tôi chỉ đủ khả năng mua 1 tấm, có lần kinh, được 35 đồng, ông Ráng chủ nhà cái, chần chờ không muốn chung tiền, nhưng không dám ép tôi, ổng đưa toàn tiền rách, tôi xài không hết, đành đưa cho ông già tôi, ổng hay tôi cờ bạc, muốn đánh tôi. Tiệm này lại thành tiệm ăn, bán cơm, rồi tiệm trồng răng. Tôi có ra lấy tủy răng, mỗi lần đụng tới đau thấu trờí, không có thuốc tê. Người chủ cuối cùng là Củ Dét, Miên, hiền và có trình độ, buôn bán. Củ có mấy người con gái đẹp cao sang, tôi chỉ dám nhìn chứ không dám làm quen, nên không nhớ tên.

   Tiệm cuối dãy nầy là Chệt Căn, bán cà phê hủ tiếu. Xiếm Căn bắt đầu từ 1948, đẩy xe nước đá bào bán ngoài chợ. Nước đá bào trên bàn bào vắt lại, xịt xi rô đỏ hay vàng, cầm nút, đã khát, nhờ ngay chỗ. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét