Con đường cũ (Phần
4)
LƯU NHƠN NGHĨA
Bên hông chợ phía
Tây, có năm tiệm buôn. Trước kia, vùng nầy là vườn dừa. Sau đó (khoảng 1910)
người ta (gốc Tàu) cất 4 căn nhà nhỏ, vách ván sơ sài, bán tạp hóa. Tôi chứng
kiến nhiều nhứt sinh hoạt con đường trước nhà, bên hông chợ nầy. Lúc đầu, nhà
lợp ngói, mái trước lợp lá.
Căn đầu của bà
Xí, bên Tàu qua, bà nuôi người con nuôi là củ Phú, cho về Tàu học, sau về đó
tiếp tục buôn bán. Củ Phú lúc đầu nói tiếng Việt chưa giỏi, ông uống rượu khá
nhiều, nằm trên võng đưa, ai hỏi mua đồ, ông nhắm mắt lim dim,"kha men tê"
(không có đâu). Thời đó người mua nhiều, người bán it, đời sống quá dễ dàng. Củ
Phú hiền, mỗi lần gia đình tôi xào xáo, ông qua can.
Kế bên là tiệm
gia đình tôi, lúc đầu sang lại tiệm tạp hóa của Chệt Chiêu, ông nầy "tứng Từng
Xua" (về Tàu).
Nhà chật, nhưng ở
Sóc ra, có chổ che mưa nắng là quí rồi. Sau nầy khá lên cất lại rộng rải thì con
đi xa hết, ngày nay đổi chủ. Hàng hóa cũng không có gì nhiều, dây mây, dây chì,
đinh, đường om, đường thẻ, đường mở gà, hột é (các bà Miên cứ tưởng hột é là
mè), họ cứ gọi "à ngô" (mè), ngày nào mẹ tôi cũng giải thích "crop chi (hột é)".
Thời đó, nhiều người Miên chưa có ý niệm trọng lượng. Bà già tôi cân đường chảy,
đựng trong cái om (loại nồi bằng đất cổ nhỏ). Lúc cân, bà trừ bì cái om, bán mắc
hơn người khác, nhưng họ cân luôn cái om, mà không trừ bì. Sau bà bắt chước bán
theo giá họ, cũng không trừ bì cái om, nhưng bà nhắc đi nhắc lại là bà không
chịu tội cân thiếu, vì bà đã giải thích mà họ không nghe. Mãi đến khi qua Úc, bà
vẫn còn sợ tội cân thiếu, gặp ai cũng phân trần chuyện nầy. Cũng như chú tôi ở
Sóc Trăng lên, mở cho ổng sạp vải bán, ai mua 1m, 2m, 3m chẳn thì ổng bán, mua 1
thước rưởi thì không bán. Có ngưới thắc mắc, hỏi ông già tôi mới vở lẻ là chú
tôi không biết tính lẻ.
Lúc nhỏ, tôi
không ưa người Miên (thời đó gọi la đàn thổ). Các bà Miên trong Sóc Ô Thôm ra
đều ghé tiệm mua. Mùa Đôn tà, Chô snăm, nhiều bà mang bánh ít, bánh tét đi bộ 12
cây số từ Ô Thôm ra cho mẹ tôi, "à Cầm Hon" (tên bà già tôi bằng tiếng Tiều là
Kim Hỏn). Bà già tôi biếu lại ký đường, mỗi lần nhận quà nhau, cả hai chấp tay
đọc kinh chúc phúc bằng tiếng Miên, người đọc, người kia chấp tay nghe, dù việc
buôn bán bề bộn. Ngày nay, tôi mới cảm được cái tình bạn thuở đó, nghèo mà thâm
sâu. Người Miên khi nhận cái gì của ai, thay vì cảm ơn, họ đọc tròn câu kinh
chúc phúc. Có lần, kêu ống nước thốt nốt uống, đưa tiền, anh không có tiền thối,
tôi cho luôn, anh gánh nước thốt nốt đứng đọc kinh, tôi mãi lo nói chuyện, vậy
là anh ấy không còn nợ tôi, ngược lại tôi không nhận được lời chúc
phúc.
Về sau, bán hết
đồ cũ, ông già tôi chuyển sang bán thí hụi, đồ sắt, không sợ ruồi bu kiến đậu.
Mẹ tôi cực khổ đã quen. Tôi lớn lên, im lìm, rất sợ đòn, chỉ chứng kiến, ghi lại
những gì tôi nghe thấy. Nhà tôi xào xáo thường xuyên, ông già tôi "highly
strung", ưa nổi cơn ẩu dù chuyện không có gì quan trọng, suốt đời tôi nhúc nhác,
mất tự tin từ đó.
Tiệm kế của ông
Lào Tán (lão Trần), con là hia (anh) Khù Khì,và chế (chị) Nghín. Ông có vợ sau,
bà nầy dữ lắm, vừa gây gổ ầm ầm ở nhà, vừa chửi lộn ngoài, may là không đụng
chạm gia đình tôi. Ông Lào ưa kể chuyện bên Tàu, cảnh đói khó, con nít ăn miếng
khoai mì phơi khô hấp. Tiệm bán cho củ (Cậu) Chi, Miên, bán đồ cho ông Sãi như
y áo, vàng khăn, ô ... hiền lắm, kiểm (Mợ) Chi con đông, mà vui "bao nhiêu cũng
nuôi hết". Kế bên quên mất chủ, gốc xứ khác, bây giờ tiệm hia Khén, đông con tới
không nhớ hết.
Căn cuối cùng của
ông Lào Xị, ông ít nói, tiệm bán cơm. Nghe nói ông có món giò heo và xa xíu ngon
lắm. Năm 1949, 1 đồng cơm, 4 đồng xa xíu, dĩa cơm 5 đồng ăn no.
Người thế hệ vừa
kể không còn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét