Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

CON ĐƯỜNG CŨ...PHẦN 3

Con đường cũ (Phần 3)

LƯU NHƠN NGHĨA


Tôi hỏi tìm Giếng nước Nòl Tô, sau chùa Prea Theat, cách nhà cũ hơn cây số. Xưa nghe kể lại, mỗi buổi trưa, mẹ tôi một mình gánh nước cho cả gia đình xài. Giếng nước còn đây, Xiếm đi rồi, muốn nghe thêm chuyện cũ mà không ai nhớ. Quanh giếng, vài cô thôn nữ Miên giặt áo, nước giếng đục, đây không phải chổ Tây Thi tích nhựt cán sa tân (đây chốn Tây Thi giặt lụa xưa).

   Trở về ngang bên phía Tây núi Tô, mẹ ơi, đó là một đống đá khổng lồ màu xám, không có cây cối, trên những tảng đá có ghi tọa độ để pháo binh bắn thời chiến. Bên Đông núi, xe chở đá vô ra ầm ầm, núi lùi xa dần, sẽ có ngày núi thành bình địa. Dọc theo đường, các ngôi chùa Miên cỗ đang được đào bới xây dựng lại, cái gì cũng cement.

   Chiều nay, tôi nôn nóng trở lại múa Lam Thol, tưởng tượng những cánh tay vờn theo nhạc. Chiếc lều căng tạm bợ, chung quanh rào lại, giữa treo mấy ngọn đèn, dàn nhạc từ băng cassette phát ra các điệu giựt, các cô mặc quần jean hay đồ bộ, (mắc cở gì mà không mặc xarong?) mấy anh thanh niên nhảy nhót, quơ quào, giửa sân có bàn chưng bình hoa plastic. Ai vào nhảy thì mua vé, chứ không mua bông như trước. .

   Trong chùa, chen chân không lọt, tiếng micro chát tai, tiếng đọc kinh, tiếng sư sãi đọc kinh. Sân chùa người ta tổ chức thêm các trò chơi mới sau nầy, pháo bông lẹt xẹt, trai gái tùng tam tụ ngũ ăn uống vui thiệt là vui. Các cụ già cũng đội nón cap Texas, mode mới ..

Tôi biết mình mất Sóc Ô Thôm rồi, mất cả người lẫn thú cầm , cảnh vật. Nếu chỉ có vậy, thà tôi ở  lại Thailand .
    
   Buổi sáng, đứng nhìn từ đầu bờ kinh cũ. Kinh bị lấp lâu rồi. Dãy phố cất khoảng năm 1900, nóc lợp ngói âm dương, lót gạch Tàu, tường gạch tô cement, lầu ván, có hàng ba, cửa cây xếp, cài bằng những cây thông hồng sắt.
   Tôi nhớ như in. Căn đầu tiên hiệu Đức Phong, nguyên chủ là ông Củ Tư Phan ở Châu Đốc, gốc Mỹ Đức. Ông có mấy căn liền. Năm 1945, vì có con theo kháng chiến chống Pháp, lại sợ Thổ dậy, ông bỏ về Châu Đốc, cho ông ngọai tôi vừa ở Ô Thôm ra mướn, nhờ vậy gia đình bên ngọai tôi làm ăn khá lên, ơn nghĩa vẫn còn tới ngày nay, xem nhau như bà con ruột thịt. Nhờ địa điểm tốt, ngay đầu chợ, đầu kinh, dân Miên trong Sóc quen ra mua, nên có mấy năm đã khá lên, có xe hàng, nhà máy, hảng nước mắm, trạm xăng dầu. Bộ hạ Bảy Đởm tìm bắt cóc chuộc tiền, ông cậu tôi lẻn lên Sài gòn lập nghiệp, rồi chuyển dần về Sài gòn buôn bán.
  

   Tiệm kế bên bán tạp hóa của củ Ba Thực, có thằng Vĩnh ngọng, sau là tiệm thuốc Bắc Vạn Trường Xuân. Ông thầy thuốc hình như người gốc Hẹ, ưa hát dân ca Triều Châu, bà vợ ông rất hiền, ít ai biết bà là em Thiếu tướng Lâm Thành Nguyên (Hòa Hão). Tới tiệm Chiệp Xe (Tập Sanh), tiệm bánh, làm không lên, có lẽ vì hút á phiện, bánh chỉ bán trong vùng, sau nầy người con cũng bán bánh. Tiệm Hòa Sanh, nhớ Ý Tư Lềnh, lớn ngưới, nói lớn, ai có việc gì, Ý cũng tới giúp đở, an ủi. Tỉa Tư hiền, ít nói, gia đình đông, tôi nhớ không hết tên. Tiệm vàng Ý Ba Lại, tiệm bánh mì, tiệm Đại Đức Chành, bán bánh, tiệm thuốc Bắc Bảo An Xương, củ Phò nấu món thuốc Bắc ngon lắm, nghe nói vậy. Căn cuối cùng của bác Bảy Đạo Chuối, bác có chiếc xe cũ chạy đò, thấy bác sửa xe mỗi buổi chiều. Sau, căn phố nầy bán cho ông Cả Lol, Ý Xẻn làm phòng ngủ. Ý Xẻn cho vay, trả trể là chết với bả, bả chửi tới khi trả mới thôi. Cái Block Côte thời Tây trước phố Ý Xẻn đã dẹp lâu rồi. Tôi muốn nhắc, xứ tôi ai cũng hiền, bị người xứ khác tới hiếp đáp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét