Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

CON ĐƯỜNG CŨ...PHẦN 2

Con đường cũ (Phần 2)

LƯU NHƠN NGHĨA


   Hôm sau, ra chợ ăn bánh hỏi, rau ngành ngạnh đâu? Cô bán bánh ngạc nhiên hỏi, ngành ngạnh là rau gì, cây ngành ngạnh đã thành củi chụm thành tro, bây giờ còn hỏi chuyện chiêm bao. Giếng Ông Bảo nước thời đó lên gần tới miệng bị lấp thành giếng bôm cho "vệ sinh", mỗi lần bôm nước phải mồi. Mặt tiền dãy phố Vĩnh Phong Chành u ám, xưa đại lý rượu Công xi, ai ở Từng Xua qua đều ở đây, con cháu tứ tán, thời chiến tranh năm 1945, gia đình  tôi ngủ nhờ tiệm trên lầu phố nầy, cửa tấn bằng những bao muối an toàn, đạn không xuyên qua, Liếm ơi, Hạng ơi, Tỷ ơi, bọn mầy đâu hết rồi.        
   Hai bên đường vô Chưn Phnum, nhà nối tiếp nhà, ruộng trên bị đẩy ra xa. Giếng nước dưới Chưn Phnum, nước đục, ai cũng uống nước nầy từ nhiều đời, bây giờ, người xe nước vét từng gào, thôi, đành uống nước suối, nước ngọt, nước "bò cụng cho sang". Trường Trung học cất trên sân banh cũ, đối diện nhà thương.
   Từ chưn núi leo dốc lên mả ông già, đây là lần đầu tiên có đứa con ruột về thăm. Mồ mả mọc lên không ngừng che phủ núi từ chân lên đỉnh. Ai giàu có thì đã biết lo liệu phá đất chuẩn bị, ai nghèo thì cứ chỗ nào trống thì xen vô, nghèo thì nằm chật hẹp, nằm xuống rồi đâu cần lăn.
   Qua ngôi chùa Miên trên sườn núi, tiếng ông Lục tụng kinh trầm hùng trước buổi cơm ngọ, cầu cho vong hồn nằm đâu đây về hưởng. Đứng trước mộ bồi hồi, ngày nhắm mắt còn nhớ con ở xa. Bia đá  ghi tổ mộ, Ngọc Hòa Lưu Công, chữ đỏ, bên trái ghi Kim Phụng Trần thị, chữ xanh, chờ mang tro về sẽ sơn đỏ, màu hoan hỷ, Quảng Đông tỉnh, Triều Dương phủ, cận Sán Đầu. Tổ tiên từ phương Bắc, bây giờ nằm góc núi bơ vơ, con cháu sẽ không đứa nào về nằm chung, bộ áo quần Triều Châu mặc tới rách, nhịn ăn cho con đi học, sợ con ra đời bị hiếp đáp, "ráng đi cours Cò, cours đội, quan một" ngày nay con có nên thân gì, 26 năm mới về thăm nắm mồ, ngày Thanh Minh nhìn người khác có con cháu cúng kiến mà tủi thân. Nắng ơi là nắng, dù hiếu thảo tới đâu cũng chỉ thăm viếng thời gian ngắn thôi. Nhìn quanh quẩn, vắng những cây đào lộn hột. Dưới chân núi, một người đang lùa hột đào trên những tấm đệm, da chưn họ chịu nóng, hột đào xuất cảng, mình ăn trái cũng đủ, trái chát chát, chua chua, cuộc đời là như vậy.

   Ngày kế, tranh thủ thời gian đi vô Sóc Ô Thôm, xóm Tà Păn Fluc, nằm bên lạch nước Ô tà Tưng, chùa Prea Theat, giếng nước Nòn Tô sinh quán. Đường ngang núi Tô, tiếng bắn đá ầm ầm, nhìn cây thốt nốt, bầy bò ốm mòn, mà thương, Xóm Ta Pan Fluc, còn lại bãi đất trống, cỏ mọc xơ xác, Ô tà Tưng đã cạn nước, Sóc Ô Thôm lạch nước lớn mất lâu rồi. Ôi, sóc Ô Thôm xưa, chỉ có nhà sàn, cất bằng gổ cây sao, nhiều đời truyền lại  người ta bị đuổi đi mấy năm, rồi về cất lại nhà tôn, cây ván tạp nhạp, thỉnh thoảng có vài căn nhà đúc, Việt kiều về cất. Nước giếng Nòn Tô màu đục mấy cô thôn nữ đang giặt áo quần, không còn quấn xà rông, mùi thuốc sâu nồng nặc, cá ơi, cá đâu còn nước sống dưới ruộng Tà Lấp, thôi nhường cho người đói cấy lúa Thần Nông 2 mùa mưa nắng.

   Chùa Prea Theat kia rồi, xưa Xiếm đi chùa nầy từ nhỏ, chùa qua mấy chục ông Sãi Cả, mấy trăm năm, có Xa la, có cầu đi ngang hồ sen đã cạn, ván cũ gập ghềnh. Tượng Phật ốm gầy theo người dân, cột cây sao gầy guộc còn đủ sức chống đỡ mái ngói cũ, cây cỏ lưa thưa, bầy diệc bay về đâu.


   A, đêm nay có Chô Smar, có muá Lâm Thol, đêm nay ta say sưa với các nàng "nen srậy", tay tiên uốn như rắn thần Naga, cám ơn, cám ơn. Tôi không hay biết là cuộc vui đêm đó sẽ làm tôi mất mát kỷ niệm nặng nề như mất chiếc xán ngoài bờ kinh. Các ông Lục thời nay tổ chức Chô Smar để xây chùa mới, xây bằng xi măng, cửa sắt. Mẹ ơi, ngôi chùa ông cha để lại mấy trăm năm, di sản văn hóa cuối cùng, sau khi các Sóc Miên với nhà sàn biến mất. Ngôi chùa mới thì còn chi giá trị cổ tích.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét