Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

CON ĐƯỜNG CŨ...PHẦN 14

Con đường cũ (Phần 14)

LƯU NHƠN NGHĨA


          Trở lại ngả Tư đường đi Châu Đốc, ngày  trước là bến xe đò, hãng xe Tân Thành của ý Hía, họ Giang. Xe Tân Thành luôn luôn lấy tài nhứt, chạy trước, hốt hết khách. Ai cũng muốn đi xe tài nhứt, giờ buôn bán, đi sớm ra Châu  Đốc bổ hàng rồi về  sớm.  Năm 1950 về trước, có chuyến xe nhỏ, loại xe con cóc, chở được khoảng sáu người hành khách, thời đó kêu bằng " bộ hiền". Hãng xe Tân Thành độc quyền đến tháng 4, năm 1975.
                Bên phải ngã tư là tiệm chụp hình Phương Tường, sát bên tiệm  hớt  tóc. Sau mở thêm tiệm uốn tóc. Uốn tóc xong, vào tiệm chụp pose hình treo tường.Trong tủ kiến chưng hình người đẹp, trong đó có hình cô hoa hậu Battambang cầm cây vợt vũ cầu, đẹp như hoàng hậu Thái lan thời trẻ. Đối diện là tiệm may và bàn billard, sau là rạp hát.  Đi về hướng Châu Đốc, sẽ gặp Thành lính Tây, chỗ nầy xưa, năm 1946-48, có hai ông quan một, một ông tên Đức, một ông tên Trọng, có câu  “đức trọng quỷ thần kinh “.  Không biết quỷ thần kinh không, nhưng chủ tiệm thì kinh ông lắm. Ông bắt người khảo của, tra tấn bắt nạn nhân khai, rồi bắn tiếng cho chuộc.Thành Tây sau nầy là Chi Khu, rồi bị phá, cất lại làm cơ sở đảng bộ.
             Trước mặt thành là Chùa Trên, có hồ sen (ngày nay đã cạn nước). Tượng Phật ngồi im lìm nhìn sen nở từ thời tôi còn nhỏ.  Chùa cất cuối thế kỹ 19, cây ván bắt đầu mục. Khu Chùa có trường Tiểu học Việt Miên, có cây Nam vồ che mát.  Kế bên Chi Khu cũ là nhà thương, thầy Ba Nhàn làm việc từ thời Tây. Dọc theo là xóm Miên hai bên đường. Đi một đổi là căn nhà xưa của ông Đốc Phủ Cui, làm thành lính Bảo An, lính gốc Nùng Thủ tướng Diệm đưa vô, đặc biệt có thiếu tá Sinh, thiếu  úy Long, thiếu  úy Quang. Ba ông nầy rất hiền. Ông Long sau thăng thiếu tá,  tử trận hình như ở dốc Nhà Bàng, nghe nói lúc đi hành quân, ông quên mang theo cái nanh heo rừng hộ mạng. Ông Quang lên trung uý, già, mất ở Sarrebourg ( Pháp ) thọ  102 tuổi. Ông không biết chữ, học làm thợ bạc, đi lính, làm bếp cho Pháp, từng dự chiến tranh Âu châu, về Hà Nội làm Hiến binh, di cư vô Nam. Đại đội Bảo An người Nùng sau nầy đi đâu hết.
              Tiếp tục đi, sẽ gặp cầu Cây Me, xứ  Miên ưa trồng me, cầu sắt, qua khỏi cầu, bên trái có nhà máy xay lúa rồi tới chợ Cây Me, không có gì đặc biệt, chợ nhóm buổi sáng. Ngay tại chợ, có đường  tẽ vô Ba Chúc. Đi thẳng sẽ qua ngang núi Nam Vi (Nam Quy ?). Núi thấp cỏ xanh, chùa Miên rải rác. Ngày nay, có nghĩa địa liệt sĩ mới.
          Tới dốc Tà Đéc, dốc khá cao đổ từ Tri Tôn ra, khoảng năm 1950-54, xe đò hay bị cướp tại dốc nầy. Bọn cướp lấy cây chận ngang đường khoảng giữa dốc, xe đang xuống dốc không thể quay đầu, bọ cướp ào ra cướp bóc. Có một  lần, xe đang đổ dốc,  thấy có khúc cây nằm vắt ngang đường, bộ hiền ai cũng lo dấu tiền. Lúc xe tới gần, họ thấy con rắn bò ngang đường như khúc cây, đầu cất cao, thân mình rắn bằng cái thùng thiếc( ?).
"Mùa hạn, ông Mây xuống bưng uống nước," Khúc đường nầy đổ bao nhiêu máu lính cũng như dân, mìn nổ, súng trên núi bắn xuống, đấp mô. Sáng đi, chiều về, mới biết mình còn sống, năm nầy qua năm khác. Nghề xe, bạn hàng, không đi thì lấy gì ăn.  Sống chết có số mà, số nghèo chết nhiều hơn số giàu. Xe chạy dọc theo núi tới Tà Đet, núi Bà Đội Om. Bà đội om đứng đó chi vậy Bà ? Sao Bà không ngăn giùm cho máu bớt đổ, cho dân sống đi làm ăn nuôi con?.  Bà đứng trong núi, không ai cúng kiến.  Bên kia đường là chùa Bà nước Hẹ, hương khói mãn năm, heo quay, vịt quay.  Bãi đất trước chùa Bà nước Hẹ, không nhớ năm nào, có năm xác người nằm đó. Chó ăn xác, chó chết, năm cái xác nằm thúi rửa ra, cỏ không mọc lâu lắm, sau đó, chổ đó cỏ mọc xanh um.


                Cũng tại chân núi Bà Đội Om nầy, Bà chứng kiến ngày tàn của bảy Đởm. Bảy Đởm lúc đó là Thiếu tá, tiểu đoàn trưởng  Địa  phương quân, ít ai dám nhìn thẳng vào mặt ông.  Nghe nói Bảy Đởm có bùa, " vô đinh" (đinh trong người, khi miểng đạn chạm vào chổ nào, đinh sẽ che chổ đó). Ngày đó, Bảy Đởm bị phục kích khi đi mở đường cho xe chở đạn của Trung đoàn 16 tiếp tế cho Pháo binh, Miểng đạn văng vào đá núi trúng mắt  ông. Trước khi chết, ông rống ồ ồ. Huyền thoại về Bảy Đởm hết từ đó. Ngày xưa, Bảy Đởm là tướng cướp khét tiếng ngang tàng, nhưng khi chơi đá gà, dù ăn hay thua, ông chơi sòng phẳng, không cho lính giựt dọc ai. Cầu Tà Đét ngay tại dốc, bắt ngang con suối sâu, nước từ trên núi Cấm đổ xuống qua những tảng đá, mạnh như thác.  Xe ngày trước yếu, đổ dốc cầu, có khi bộ hiền phải xuống. Một  chiều mưa, về quê, tới đây đã tối, cảnh núi đồi mờ mịt, nghe nước dưới suối sâu đổ dồn, nao lòng. Ngày nay suối cạn không còn nước, có cây cầu đúc mới, tìm lại không gặp mảnh hồn xưa. Khe suối cầu Tà Đét mất rồi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét