Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

CON ĐƯỜNG CŨ...PHẦN 15

Con đường cũ (Phần 15)

LƯU NHƠN NGHĨA

          Con đường chạy  dọc theo núi Cấm. Núi Cấm là kho thuốc Nam, trước khi có thuốc Tây, các đạo sĩ hái lá cây, củ có dược chất đặc biệt làm thuốc Nam, nổi tiếng là củ Hà thủ ô, giống củ khoai mì, có công hiệu  làm đen tóc. Xưa có nhiều rắn lớn, bò rừng, nai, mang, khỉ, lọ nồi, cù lần, cọp, chim chóc . .. Nay tuyệt chủng rồi. Không biết sao gọi là núi Cấm, người nói vầy, người nói khác.  Nhiều huyền thoại về núi Cấm. Người theo tân học cho là mê tín. Một trăm năm trước, nếu lạc vào đây, vùng còn hoang địa, bơ vơ, khách mới cảm được cái cảm giác run sợ  trước rặng núi đen sẩm ban đêm. Trên sườn núi, thỉnh thoảng có ngôi chùa Miên, tháp cổ  nép lẫn trong đám cây xanh um. Núi cho thuốc, cho trái cây, cho thịt thú rừng, cho cây gỗ mà người đành đoạn phá núi không tiếc thương. Nhà ngủ mọc lên trên núi, chân núi, " Chào mừng quý khách ", Thần Tiên chịu hết nổi, đành  bỏ về trời.            
                 Khoảng năm 1960,Trung tâm huấn luyện Chi Lăng được thành lập, còn có tên là Sài gòn mới.  Dân tứ xứ đến cất nhà định cư, buôn bán, cung cấp các dịch vụ cho trung tâm. Trung tâm nằm dưới chân núi Cấm, vừa tầm cho pháo binh địch trên núi tác xạ. Dọc theo đường, các xóm nhà Miên làm ruộng, ruộng trên (phía bên chân núi), ruộng dưới bao la, chạy tới bờ sông Hậu giang.  Ban đêm, khói un muổi thơm mùi phân bò quyện trong không khí từ những căn nhà sàn, thanh bình, ấm cúng. Ai sinh ra và lớn lên ở đây, đi xa chắc nhớ lắm. Mấy năm trước, trời chạng vạng tối, tôi đứng bên xóm nhà lá, hít mùi khói, tiếng trẻ chơi gần đống rơm, bò trong chuồng nhơi cỏ, tôi quyến luyến  không muốn rời xóm nầy.
                 Đến Phum Chanh (xóm người Tàu ?), trên đường tới cầu Bưng Tiền (?), có cái “lô-cốt” (blockhaus = công sự phòng thủ) thời Tây  còn sót lại. Ngày nay, không còn dấu vết cầu, con kinh mới đào, có  mấy chiếc ghe đậu đầu kinh. Tiếp tục đến núi ông  Két.  Dốc cao, nghiêng. Xe hàng hiệu Renault thời 1954, thường cho hành khách xuống, rồi chạy như bò lên dốc.
          Hai bên triền núi, dân làng trồng  mít, dưa hấu, khoai mì, củ sắn, mãng cầu dai (bạn hàng tới mua, lựa trái lớn, chở lên Sai gòn bán cho vựa trái cây, dân địa phương ăn trái nhỏ). Củ sắn vùng nầy nhờ đất cát, nhiều bột và ngọt.
                Năm 1956, lúc xe hàng đậu chở mãng cầu, trưa nắng, thấy có chị gánh củ sắn trên núi đi xuống, áo quần rách rưới, đầu đội nón lá dầy. Trời nắng nóng, mà chị  lại mặc đồ đen. Tôi đang khát nước, hỏi mua, chị trả lời, củ sắn không bán, " ăn lấy ít củ ăn đi ".  Tôi còn nhớ tròn câu chị nói. Tôi lấy một củ ăn, cầm thêm ai củ, tự nhiên như đã trả tiền rồi, không biết lời cám ơn. Bây giờ, tôi còn giữ được câu nói và hình ảnh chị gánh củ sắn mặc áo đen lam lũ đi trong cơn nắng cháy da trên dốc Nhà Bàng, dưới chân núi ông Két. Chị cực khổ gánh củ sắn, không học cao, chắc phải nghèo lắm, không nghèo sao đi gánh củ sắn? Gánh từ trên sườn núi ra chợ Nhà Bàng đâu có gần. Ăn 1 củ đã hết khát, còn cầm thêm 2 củ. Tôi có máu tham, chị gánh củ sắn có tấm lòng người chân chất, cao thượng, biểu hiện  bằng hành động chứ không bẵng lời nói. Tôi tự tha thứ cho mình. Tôi mới khám phá được phần nào "tấm lòng" người dân vùng nầy, ngay gần quê tôi mà tôi không nhận ra, dù tôi từng đọc bao nhiêu sách về vùng Thất Sơn.

                 Năm 2001, hết giặc, lần đầu tiên đi quanh vùng Thất Sơn, trước năm 1975, đây là vùng mất an ninh. Đi qua Ba Chúc, rồi vòng qua sau núi Két. Sau núi Két, một vùng đất thiêng của những người đầu tiên khai sơn phá thạch đúng nghĩa. Đức Phật Thầy Tây An, ông Đình Tây, Bùi Thiềng Tăng chủ, ao nuôi ông Năm Chèo, nhà thờ Ngũ Bối bắt ông Năm Chèo. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét