Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

CON ĐƯỜNG CŨ...PHẦN 13

Con đường cũ (Phần 13) Vài nhân vật đáng nhớ

LƯU NHƠN NGHĨA


                        Khoảng năm 1947-48, chợ Xà Tón còn trống trải, buôn bán chỉ buổi sáng. Thời bình tịnh, có vài nhân vật đáng nhớ, thuộc mọi giới sang cũng như nghèo.
                        Buổi trưa, ngoài chợ trông bắt dầu bằng màn lotto. Không nhớ ai làm cái, nhưng có chú “Sáu Nhỏ” kêu lotto có vần có điệu. Mỗi bàn lotto vì vậy lâu lắm. Chú Sáu Nhỏ, mặt giống hình trong cuốn “Thơ Sáu Nhỏ” thông dụng thời đó. Chú có tài kéo dài, thay đổi câu thơ, làm người chờ con số sốt ruột, Khi chú kêu  “ Con Hai nó thương con Ba”, người chờ con số 23, nóng nãy la “kinh”,  chú tiếp tục “thì ra là con mấy”, “kinh sộ”, không ai đoán được con số trừ khi chính chú kêu. Có khi chú kêu như dỡn, cầm con số, quay lại hỏi người ngồi bên cạnh, “tháng nầy là tháng mấy anh ?”, trả lời “tháng 2”. Chú tiếp tục kêu, "Tháng nầy là tháng 2, bước qua là tháng 3, mưa sa lác đác, cám thương mấy cô chưa chồng, lạnh cong xương sống, lạnh cóng xương sườn, lạnh nằm trên giường, lạnh lăn xuống đất, hai tay quơ chiếu, hai chưn quơ mền, đấp lại vần còn lạnh run. Cô nào còn lạnh, mượn Sáu Nhỏ ôm giùm không tính tiền công, là con số ớ ba mươi con năm". Sau đó chú mới lên giọng “số 35”  Khi biết có người nôn nóng chờ 1 con số, chú trêu chọc người đợi bằng cách kéo dài, “con gì nó ra đây, con gì nó ra đây là con số mấy ?”, chú lại có khả năng lướt qua vần khác.
                         Mỗi bàn lotto khá lâu, người chơi vui vẻ chờ đợi, cốt vui hơn ăn thua. Sau nầy vắng chú Sáu Nhỏ, người chơi lotto mất cái say sưa hào hứng vào buổi xế trưa hanh nắng.
         Trẻ già gầy ốm, bụng lớn da vàng, vì tại ăn hàng, sanh ra cam tích, teo đầu teo đít, bụng nổi gân xanh ...
 
                        Kế là bà Cà Ngul, người Miên, khá già không còn răng, không có con cháu. Bà “ẳm em”,  ai có con nhỏ, bận buôn bán, thì bà ẳm con họ đi chơi, được ăn cơm. Tôi nhớ bà ẳm đứa bé chạy theo đám ma của chính mẹ đứa bé đó kêu “má má”. Chỉ vậy thôi, không có gì nói về bà già tầm thường nầy mà sao tôi nhớ thương bà vô cùng.

                        Các nhân vật nổi bật, khác tôi đã nhắc trong cuốn Như cánh chuồn chuồn.

                        Năm 1953. Có nhân vật xứ khác tới. Tên nầy không biết trẻ hay già. Hắn vào  tiệm ông già tôi mua cưa, bào, đinh, dây chì v.v.. Mua xong (chưa trả tiền), hắn gởi hàng tại tiệm, nói chờ mua các món khác cho đủ rồi sẽ trả tiền và chở đi một lượt.   Hắn lại đến các tiệm khác cũng mua và gởi  hàng như trước. Hắn  lại mang tới tiệm tôi gởi mấy bao hàng mua ở tiệm khác, có vẻ nặng lắm, hắn cũng mang mấy bao hàng khác tới gởi các tiệm hắn đã mua hàng  sau cùng, hắn kêu xe lôi quen tới nhà tôi chở hàng hắn mua đi trước, chờ chở xong những bao hàng hắn mua ở chổ khác mang tới gởi, thì trả tiền luôn. Thấy hắn còn gởi mấy bao hàng, ai cũng tin, dù sao vẫn còn mấy bao hàng còn chưa chở đi. Hắn chở liền đồ đạc mua ở mấy  tiệm khác rồi đi luôn, không trở lại. Chờ tới trưa, không thấy hắn trở lại, mở mấy bao hàng hóa hắn gởi,  thấy chỉ có giẻ vụng và đất đá. Hỏi anh xe lôi, anh nói tên bợm đã chở bằng xuồng đi lâu rồi, hắn còn dặn anh xe lôi chiều lại chở thêm, hắn quịt luôn tiền công anh xe lôi.
                        Chiều đó, mới biết có nhiều tiệm bị gạt đúng một kiểu, tiệm nào cũng có vài bao giẻ rách. Ông già tôi tức lồng lộng, chửi bà già tôi ngu, rôì chửi luôn tôi cũng giòng ngu. Ông hăm he, nếu tên bợm trở lại, ông chém hắn đứt đầu. Khi nghe các tiệm khác cũng bị gạt, ổng tự an ủi, ừ, ai mà biết được.
                        Suốt từ năm 1949 tới về sau, có Bà cụt chưn ngự trị ngoài chợ khá lâu. Thời đó bà còn trẻ, mà hình như tôi thấy bà vẫn vậy, không thấy già, người Miên, chuyên làm mướn vụng vặt, ai kêu làm gì thì làm nấy, xách nước tưới rau ngoài chợ, thêm nghề ăn trộm, lấy được cái gì thì lấy. Mọi người quen với tánh ăn cắp vặt của bà. Vậy mà cũng sống. Sau bà ăn cắp gì đó, bị người ta chặt đứt phân nửa bàn chưn, mang tên " bà cụt " tới giờ.
                        Bà cụt chưn hát tiếng Miên hay lắm, nhứt là hát đối Miên, bà nói tiếng Việt rất rành. 
                        Thời 1952, buổi trưa, bà gặp một địch thủ hát đối ngang ngữa. Lúc đó bà còn trẻ, giọng lảnh lót, vừa múa vừa hát. Bà nổi máu nghệ sĩ, hát và múa thách đố. Một ông trạc tuổi bà,nổi hứng hát đối với bà. Ông vừa hát vừa phùng mang trợn mắt, xàng qua múa lại như theo điệu nhạc ngũ âm, hát trả lời những câu bà hát. Cuộc đối đáp khá lâu. Dân chợ nín khe, theo dỏi, vì loại tiếng Miên hát đối ở trình độ văn chương, dân Việt chỉ biết tiếng Miên thông dụng hàng ngày.  
                        Bổng hai người ngưng hát, bà ré lên cười, ông nọ tiu nghỉu lẻn đi mất. Bà cười nhạo bằng tiếng Việt cho mọi người nghe, " Ê, đàn ông mà hát thua đền bà con gái ê".
                        Một nghệ sĩ không gặp thời. Về già, mỗi sáng, bà tập tểnh xách nước cho mấy người bán rau tưới cho rau tươi để đổi lấy miếng cơm,  ăn xin thì không ai cho. Mãi tới giờ, chưa ai biết tên thật bà nghệ sĩ nầy.

                        Ông quét chợ trước 1975, ông Tám quét chợ, thứ Tám, thêm chữ quét chợ, tên nghề ông, không ai lầm lẫn.
Ông làm việc dơ bẩn cho sạch cuộc đời. Buổi chiều, vào mùa mưa lạnh, có ai thương ông đâu. Ông đẩy chiếc xe cút kít, rác chợ đẩy ra ruộng đổ. Có khi làm cực, thấy bà vợ đứng nói chuyện, ông đấm bà bịch bịch, bà bỏ chạy xa, cười nói " Tui có học gồng ". Ông có đứa con gái khật khùng, nghèo lại xấu, sống lang thang, có con không cha  và đứa con trai, nghe nói bỏ xứ đi, cũng theo nghề quét chợ.
     
        Mười sáu viên xôi nước. Trưa trưa, chợ Xà Tón có bán các món quà như chuối nướng,  bánh chè. Các món ngon thời đó, chỉ có vài người biết làm, như xưng xa hột lựu, xôi nước. Một chú nông dân, nhìn thấy gánh chè xôi nước, thèm lắm, bất giác nói,” tôi dư sức ăn bốn chục viên xôi nước “, dì bán chè nói, “nếu ông ăn hết bốn chục viên, tôi không lấy tiền, nhưng nếu ông ăn không hết, tôi chỉ tính tiền mấy viên ông ăn thôi”. Hai bên đồng ý và phân chứng với người chung quanh. Chú hăm hở, mắc ngay lổi đầu tiên là ăn mau quá, ăn không kịp thở. Người bán cũng sợ thua, xanh mặt. Đến viên thứ mười sáu, chú thở hổn hển, “ cho tôi miếng nước, mắc nghẹn”. Gặp chú ai cũng nhắc mười sáu viên xôi nước.


Đốc phủ Cui
    Thời nhỏ, tôi có nghe nhắc ông Đốc phủ Cui, chắc ông người Miên, dân xứ khác tới, hình như ông ở Châu  Đốc, ngạch Đốc Phủ. Xưa Tri Tôn còn gọi là Phủ, chớ không phải Quận. Hồi nhỏ, tôi thấy căn phố cháy trước hãng nước mắm, ngày nay đúng vào vị trí nhà Lễ, con củ năm Từ Thiệu. Nghe nói đó là nhà ông Phủ Tây.

Theo lời củ Chau Sey La (thầy Ký, năm nay 2006, chừng 89 tuổi) kể lại,  ông Đốc Phủ Cui là chuyên viên họa đồ, hay đo đạc gì đó, (Đốc công Trường tiền ?).  Ông được Pháp giao việc phóng con đường  Châu Đốc -Tri Tôn. Có chủ đồn điền Pháp muốn ông phóng đường ngang đồn điền ông ta để tiện việc chuyên chở sản phẩm.  Nhưng ông Đốc Phủ Cương quyết phóng đường theo ý mình, ngược lại ý kiến của chủ đồn điền Pháp, không biết lý do, có thể ông tỏ ra không vị nễ người Pháp, vì ông muốn chứng tỏ quyền hành trong tay ông.  
    Thờì gian cuối thế kỷ 19 hay đầu thế kỹ 20, ông thuộc hạng rất giỏi, Pháp còn chưa đủ chuyên viên cao cấp, nên họ mới giao cho ông.
    Con đường chạy từ Châu đốc thẳng vào hông núi Sam, phải quẹo phải, chạy dọc hông núi Sam vào Nhà Bàng. Hai bên đường lúc đó chưa phải là ruộng lúa phì nhiêu như ngày nay.
    Từ Nhà Bàng đi ngang núi Két, ông phải xẻ con đường  nghiêng (ngày nay đã đuợc đấp lại bằng phẳng). Con đường nầy  chạy trong thung lũng núi Két, hai bên là núi. Mùa mưa nước từ trên núi đổ, cát chài  xuống hư hỏng hàng năm, xe chạy bị lún hoặc sụp dốc lại quá cao so với mã lực xe thời đó ( 1900-1954 ). Xe Renault mới, chở hàng, tốc độ tối đa  không quá 70km/giờ, chạy nghiêng rất sợ, thường nếu chở nặng, hành khách phải xuống bớt, cho xe bò lên dốc.
     Xa xa là rặng núi Dài, núi nầy mới được khai phá nhờ máy móc.
    Đoạn từ Vĩnh Trung (xưa gọi là Phnum Chanh = xóm người Tàu ? ) đến Tà Đét (An Hão) tương đối bằng, dễ chạy.
    Bắt đầu từ Trung tâm Chi Lăng ( Sài gòn mới, ai đặt tên cho kêu vậy ), bên phải hướng về Tri Tôn là núi Cấm. Núi Cấm cao, xưa  ít người ở, nhiều thú dữ, hiểm trở, triền núi dốc đứng, nhiều đá, khó lên.
    Đoạn Chi Lăng tới Tà Đét hai bên cũng núi, núi Bà Đội Om, dốc Bà Đội cao, xe cũ không qua nổi với dốc nầy. Kế tiếp là núi Nam Vi thẳng vô Tri Tôn.
    Ngày nay, bàn chơi, khi trà dư tửu hậu. Từ năm 1945, dốc Nhà Bàng bao nhiêu máu đổ.
Đường xấu, hẹp, dù mùa khô, dốc lại cao (dốc nào đứng bằng dốc Nhà Bàng). Xe chạy như rùa bò lên dốc. Đoạn dường nầy bị đấp mô  đều đều, chưa kể vừa tầm đạn trên núi bắn xuống.
    Đoạn dốc Bà Đội, cũng mô, cũng mìn bẩy, súng từ trên núi Bà Đội vải xuống.
    Nếu ông Đốc Phủ Cui phóng đường, né xa núi chừng vài cây số, nghĩa  là phóng đường ngoài ruộng, đở tốn kém tiền phá núi, lại mau hư vì nước mưa soi mòn.
    Thời  chiến tranh, bao nhiêu máu hành khách xe đò, xe hàng. Buổi sáng đi, buổi chiều về tới nhà mới biết mình còn sống, mấy mươi năm.  Mỗi lần nghe xe ai bị mìn, người nhà sống trong hãi hùng thường xuyên, nhứt là dân tài xế, lơ xe và bạn hàng.
    Đó là chuyện ông Đốc Phủ Cui. Sao ông không phóng đường ngoài ruộng, mà phải phóng ngang núi cho khó khăn tốn kém, vừa gây khổ cho người chết oan ức đời sau.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét