Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

CON ĐƯỜNG CŨ...PHẦN 12

Con đường cũ (Phần 12)

LƯU NHƠN NGHĨA

          Đối diện bên kia bờ kinh, có dãy nhà ngói xưa,  lẫn khuất dọc theo con đường đất nhỏ. Xóm nầy sống chen chúc dọc theo bờ kinh.  Hầu hết bán rau hành, bạn hàng theo xe ra tỉnh mua bán hàng bông, hiền lắm. Có hai tên bạn học, Hạnh và Phước. Đầu năm 1975, ăn Tết, Phước làm Trưởng Đoàn lân múa bổn phố. Tôi theo đánh trống cho lân múa vài tiệm, nó chê tôi đánh mau quá, làm người múa mất sức, và chính tôi đánh cũng không bền. Lúc còn sống, nó ngồi tiệm hớt tóc nhắc tôi, than thở, “cùng một tuổi, học một Thầy, mà đứa sướng đứa cực”. Nó so sánh hai đứa như Bàng Quyên,Tôn Tẩn, tìm Tôn sư học phép kiếm cung, cùng xuống núi một lượt, nghĩa là học hết lớp Ba trường Đình.
         Xóm nầy có thằng Đeo, mới học lớp Ba, mà đã dám lập gánh hát, soạn tuồng, dựng  rạp, bán vé, có hạng ba, hạng nhì, hạng nhứt, thượng hạng, cũng có con nít coi. Đeo mang niềm vui cho trẻ con quanh chợ. Tôi đứng ngoài nghe nó hát “Con gái chưa chồng thấy lòng hớn hở, con trai chưa vợ ruột thắt tầm canh, ngó lên mây trắng trời xanh, lấy ai cũng vậy, lấy anh cho rồi”.  Nếu có cơ hội, được học nghề hát xướng, Đeo có thể là kịch sĩ hay nhà soạn tuồng có tài. Đeo được nhiều bạn gái cùng tuổi trong xóm  ngưỡng mộ,  nghe nói hắn có mấy vợ.
        Đặc biệt có xóm đạo Thiên Chúa của hai gia đình bác Sáu Sâm và bác Bẩy Chiếu, gốc Cù lao Giêng. Bác Sáu Sâm lớn người, cười ròn rả, hay lái xe đòn đám ma. Họ đi nhà thờ kế bên thành lính Tây (ngày nay là Chi Đảng bộ huyện). Nhà cửa cất cao chung quanh, chừa lại khoảng đất trống vừa đủ cho căn nhà thờ đứng chơ vơ, chỉ còn tiếng chuông  lúc 5 giờ sáng nhắc  nhở thời Tây hơn 50 năm trước. Thanh niên xóm đạo thường làm Cảnh sát Quận, thời cũ.

         Quên nhắc xóm đường sân banh, dãy nhà thầy giáo Chấp, tường xây đá núi. Thầy dạy từ xưa, học trò thầy ngày nay (năm 2005), đã 82 tuổi hơn. Nhà cô Tám mụ, ai trên dưới 60 đều do một tay cô sanh. Bà mụ được tin tưởng nhứt vùng nầy, đêm nào cũng đi ngủ nhà người gần tới ngày, nhưng chính cô không có con. Bên là nhà chị Minh, chuyên bán cơm tấm, cá nhân tôi chưa thấy ai nấu cơm tấm ngon hơn chị, ngon làm sao, tôi không đủ khả năng diễn tả, cơm hột gạo nhỏ, tròn, bì và thịt có mùi vị nào đó. Mấy năm trước, tôi có mang món couscous về biếu chị để so sánh và  đền ơn những dĩa cơm tấm bì ngày nào. Kế bên là “chùa nhà” ông Huynh. Ông Huynh lớn người, tay dài, nhai trầu bỏm bẻm. Ông không biết chữ, nhưng là người duy nhứt tụng đám. Ông tụng kinh đám ma, giọng tốt, vang xa. Nhà giàu mới dám rước ông tụng, nhứt là người Tàu. Dân Hòa Hão, Cao Đài có lối đọc kinh riêng, dân Miên có Lục Kru, nên họ ít nhờ ông. Xứ nầy không có sư sãi Việt Nam đúng nghĩa, ông Huỳnh là người trám vào khoảng trống đó, nếu không có ông, đám ma sẽ không thành đám ma. Sau ông mất, truyền nghề cho Sinh (bạn học tôi), bây giờ nghe nói Sinh bị stroke, không biết ai thay thế đây, chắc thay bằng dàn nhạc kèn Tây như đi diễn hành “Ngày bao hùng binh tiến lên”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét