Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

CHÂU ĐỐC

Lương Thư Trung
Chốn cũ



Ðường đi Châu Ðốc không thay đổi nhiều, ngoại trừ con đường đi Tri Tôn từ ngã ba lộ tẻ vô Cần Ðăng, tháng 9 mà đồng còn lúa xanh. Ngã ba Vàm Nha nhà cửa lạ. Con đường tỉnh lộ này nay nhà cửa nhiều đến chật nức vì hai bờ sông Mặc Cần Dưng nhà bị giải tỏa nên dân tình đổ dồn về hai bên bờ kinh lộ này. Dọc hai bên kinh lộ không còn mùa trồng ấu như xưa. Ðường tráng nhựa kéo theo tạm thu tiền lộ phí ở mưong Hội Ðồng. Có cái mới là toàn tỉnh An Giang nay không còn nuôi cá tra cầu và không còn cầu tiêu trên sông rạch như hồi trước. Tuy nhiên bên Ðồng Tháp chưa làm đuợc điều này, kể ra đây còn là điểm khiếm khuyết về vệ sinh môi trường. Nước sạch dù đơn giản nhưng khó giữ được nước sạch, hãy khoan nói đến những việc gì lớn lao khác.

Về Tri Tôn, rồi may mắn được đọc "Con Ðường Củ" của tác giả Lưu Nhơn Nghĩa trên trang nhà "Thất Sơn Châu Ðốc", mới thấy hết cái nét đẹp của một vùng đất sát biên giới Việt-Miên. Những ngôi chùa Miên nơi này với 9 ngọn tháp vót cao tượng trưng cho nền văn minh tháp cổ một thời như đỉnh chín con rồng nằm dựa lưng vào vách núi. Qua núi Cấm, núi Két, núi Bà Ðội Om, núi Tượng, núi Dài, núi Cô Tô mới thấy núi non vùng Thất Sơn kỳ bí hùng vĩ. Xa xa nhìn dáng núi in lên nền trời xanh một màu xanh đậm lòng thấy vui niềm vui hơn khi nhớ lại hơn bốn mươi lăm năm trước lúc đi núi lần đầu mở những con đường cho khu chợ Ba Chúc sau này. Những trái mít ngày ấy, những con đường mòn lên các ngôi chùa, những vồ đá, tiếng suối reo và cả rừng cây thắm màu cổ thụ làm lòng người cảm thấy con người trước thiên nhiên sao qúa mong manh bé nhỏ biết dường nào!

    
                   Núi Két                                                                   Trên đỉnh núi Sam (Tháng 10, 2005)

Lên đỉnh núi Sam, núi không cao, khoảng 230 thước, nhưng đủ để cho khách nhìn xuống cánh đồng bằng chìm trong biển nuớc tháng mười với những rặng cây che lấp những ngôi nhà như những ốc đảo, với con đường từ Châu Ðốc đi núi Sam như một đường ngôi của mái tóc người con gái quê chải thẳng mà hai bên đường là những sợi tóc nằm lõa xõa theo ngọn gió hiu hiu thổi nhẹ qua cánh đồng. Nhưng nếu nhìn ngược lại từ cánh đồng nước dưới này, bên những bờ kinh màu bông điên điển vàng rực màu hoa đồng cỏ nội thì núi Sam như một con sam nằm sãi chân trên một vùng biễn rộng. Nó nhô mình lên khỏi mặt nước rất cao và bám chặt cánh đồng nuớc bao la rì rào tiếng sóng thiên thu làm thành bức tranh mà không nghệ sĩ nào ghi nổi những nét vẽ mà tạo hóa đã làm nên cảnh sắc ấy tự ngàn xưa.

Xuống núi Sam theo con đường mòn, đến bên chưn núi viếng mộ Phật Thầy. Ngôi mộ nằm trệt ngang mặt đất như một người nghèo ngủ nhờ bên hông chùa. Khách thập phương rón rén bước nhẹ như sợ làm động giấc ngủ ngàn năm của Ngài và thắp nhang lạy Phật với lòng thật yên lòng.

Chùa Tây An bên cạnh. Bá tánh đông. Chùa luôn bận rộn các thời cúng, nhang khói làm chùa thêm rộn ràng, chợt dưng tôi nhớ tới làng Tòng Sơn vắng vẻ, nơi Phật Thầy chào đời. Rồi tôi cũng nhớ đếng vùng Xẻo Môn, một con rạch nhỏ và cạn thuộc Chợ Mới, giáp ranh với Lấp Vò, quê tôi, nơi Phật Thầy cứu độ bá tánh bị cơn dịch bệnh năm xưa, tôi mới nghiệm ra một điều là Phật có mặt khắp mọi nơi miễn nơi nào có người còn tin Phật, không phân biệt nơi Phật sanh hay Phật ngủ, nơi cổ tự hay nơi trại ruộng giữa cánh đồng Láng Linh, Thới Sơn vùng đất thấp. Nơi nào Phật cũng đến và nơi nào Phật cũng cứu độ chúng sinh dù trên núi hay đồng bằng.

     
Chùa Tây An                                                             Lăng Thoại Ngọc Hầu

Men theo con đường rộn ràng tiếng người, tiếng xe, chúng tôi lên viếng lăng Thoại Ngọc Hầu. Lăng nằm dựa lưng vào vách núi. Những bàn thờ lộ thiên phía trước chính diện như những hòn núi nhỏ mà hài hòa cùng cảnh sắc làm thành cái hồn thiêng của tiền nhân như có mặt đâu đây. Ngoài ba ngôi mộ chánh gồm mộ Thoại Ngọc Hầu ngay chính giữa; mộ bà Châu Thị Tế, vợ chánh, nằm bên tay trái; mộ bà Trương Thị Miệt, vợ thứ, nằm bên tay mặt. Ngoài ra, còn có khoảng 50 ngôi mộ lớn nhỏ trong khu lăng mộ nầy không ghi tên tuổi, tương truyền là thân nhân của Thoại Ngọc Hầu và các dân phu, dân binh cùng Ngài khai kinh Vĩnh Tế.

Từ lăng Thoại Ngọc Hầu nhìn về hướng dưới đường, chệch về tay trái là miếu bà Chúa Xứ. Miếu nằm bên khu đất thấp như cái dốc núi với thập phương cúng tế lúc nào cũng đông làm thành cái nếp sinh hoạt nơi này rất bận rộn. Kẻ bán người mua, nhà nhà đông đúc chật trội, xe cộ kẻ ngược người xuôi lúc nào cũng nhộn nhịp như ngày vía. Cả một con đường quanh khu vực chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu và miếu Bà Chúa Xứ, nhà nào cũng vừa là nơi buôn bán, vừa là nhà trọ cho khách thập phương làm cho quần thể miếu đền nơi này bị mất đi phần nào cái nét thiêng liêng của nó rất nhiều. Biết làm sao hơn khi mà đời sống cư dân nơi đó dựa vào các nơi thánh miếu chùa lăng?!? Người ta bán nhang đèn nhờ có người cúng tế; người ta bán chim nhốt trong lồng nhờ có người mua chim phóng sanh; người ta cho mướn heo quay vì có người mướn heo quay cúng thần thánh. Cái vòng lẩn quẩn nó nằm ở chỗ giữa con người với con người, mà Thần Thánh Tiên Phật nào có đòi hỏi hoặc bắt buộc ai phải làm những điều tưởng chừng vô lý ấy khi đến viếng nơi này!

Rời núi Sam ra Châu Ðốc theo con đường như đường ngôi trên mái tóc cô gái quê chạy giữa đồng bằng, chợ Châu Ðốc không lớn thêm. Bờ sông Châu Ðốc với những đèn treo trên cao như để trả lời câu hỏi trong ca dao "đèn nào cao bằng đèn Châu Ðốc?". Bến bắc Châu Giang chậm chạp bò qua dòng nước xiết tháng mười mang cái nóng đổ tràn xuống sông gió nhẹ. Bên kia bờ là làng Châu Phong của người Chàm và người Việt. Ở đó có người con gái năm xưa đi học hay ăn hàng ghi sổ như một kỷ niệm đẹp một thời nơi "Vàm Kinh Cũ". Nay chị đã xa rồi cái làng bờ sông ấy nhưng có dịp chị vẫn nhớ về như một thời áo trắng năm xưa còn đâu đó nơi bến đò ngang, mà bên kia sông là ngôi trường trung học Thủ Khoa Nghĩa với nhiều kỷ niệm khó quên!

Rời Châu Phong, theo con lộ đá cũ, đi 17 cây số nữa là tới chợ Tân Châu, mà một bên là cánh đồng ngập nước lêu bêu về tay mặt, với những ngôi nhà sàn cao nghều nghệu, còn một bên tay trái là con kinh Vĩnh An Hà, với vàm kinh nằm bên sông Tiền kế bên chợ quận Tân Châu. Tại vàm kinh này chạy dọc theo bờ sông Cửu Long là kè đá mới xây dài gần cây số nhằm ngăn nước sông không làm bờ sông bị lở như con đường Bạch Ðằng bị nước cuốn cả khu chợ cũ Tân Châu rớt xuống sông vào năm ba năm trước. Hằng trăm, hằng ngàn xà lan đá 4x6 được bỏ vào những cái giỏ bằng lưới kẽm rồi đổ xuống bờ sông làm thành cái đập như một bức tường ngăn cơn nước xiết.

    
Phà Châu Giang                                                                    Chùa Giồng Thành

Dọc theo con đương này về Long Sơn qua ngôi chợ làng họp sát bờ sông là ngôi chùa Giồng Thành xưa mà hết xưa do trùng tu sơn phết qúa mới, cách Tân Châu có tới ba cây số; tương tự ở Long Phú ghé Long Hưng cổ tự mà cái nét xưa cũng mai một đi nhiều. Chùa nào cũng có thêm nhiều giai thoại về cái bóng của nó một thời không chừa cả chùa Tây An bên kia núi Sam trầm mặc, nhưng có điều các vị trụ trì thời nay không làm sao bằng các Ngài khai mở năm xưa. Ngay cả ngôi chùa Tân Phước Tự ở làng quê tôi có một sư cô trụ trì mà chùa dường như vắng vẻ quanh năm vì Phật tử không muốn đến chùa. Ðó không biết có phải là tại lòng bá tánh hay do cách tu của sư cô mà dân tình không muốn đến chùa lạy Phật dù đang ở giữa vùng đất Phật?!? Ðiều này thật không biết nên mừng hay nên lo với tấm lòng hướng về cửa Phật của chư thiện nam tín nữ. Nhiều lúc tôi tự an ủi mình hãy tưởng Phật sẽ gặp Phật!!!

Rời Tân Châu về hướng Phú Tân, chợ Vàm, bến bắc Thuận Giang, cầu Vàm Nao, làng Hoà Hão, chợ Mới, Mỹ Luông, Long kiến, An Hòa, Hòa An với cả một vùng lúa tháng mười làm choán chỗ nước tháng mười không có cơ may tràn lên đồng như ngày trước. Những con đường nhựa chạy rầm rập xe honda hai bên đường vào mùa này mà lúa xanh đồng cũng là một điều trái ý trời. Sông dâng nước mà đồng lại khô, nước biết về đâu?!? Lúa tháng mười, rẩy tháng chín mà mưa dầm gió chướng càng làm lúa thêm nặng mình rợp xuống làm thành cánh đồng nằm sấp dưới trời mưa nghe gió lạnh tư bề! Ði qua vùng quê dù quê xưa sao lúc nào cũng ngờ ngợ về một bến sông, một rặng cây, một căn nhà mới mọc như chốn xưa nay thay sắc đổi màu! Âu cũng là một thiếu hụt tự trong lòng mà cũng bởi cỏ cây không ở yên một bãi bờ nào trên những lối đi quen!!!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét