Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

Thư gi nhà văn Lưu Nhơn Nghĩa,
tác gi
 “Con Đường Cũ”

Kinh xáng Bốn Tổng, ngày 23 tháng 12 năm 2005  

Thưa Lưu tiên sinh,
Qua vài hàng tiểu sử  của tiên sinh mà tôi vừa đọc được từ vùng Thất-Sơn Châu-Đốc, rồi từ đó tôi mới lần mò vô Xà-Tón tìm thăm gốc gác của tiên sinh, nên mới mạo muội thảo cùng tiên sinh lá thơ này như một lời kính chào, trước chúc tiên sinh mạnh khoẻ, sống lâu, sau mong tiên sinh nhận ở đây tấm chân tình ngưỡng vọng của một kẻ hậu sinh có một thời làm ruộng trên con đường mà mỗi bận tiên sinh hồi cố hương là có dịp tiên sinh quá bước ngang qua một lần!
Từ con đường liên tỉnh lộ số 9 ngày xưa, nay là quốc lộ số 91, nối liền Long xuyên Châu Đốc, tới ngã ba lộ tẻ Mặc Cần Dưng, tiên sinh trực chỉ theo hướng tây về Xà Tón, theo con đường tắt băng ngang qua cánh đồng bạt ngàn này. Từ ngã ba lộ tẻ, đi một đổi, tiên sinh bắt gặp cái mương đầu tiên là mương Hội Đồng. Nơi đây ngày nay có cái cổng tam quan và cũng là trạm thu lệ phí xe cộ mỗi bận đi ngang qua, trông rất mới.  Rồi tiên sinh tới mương Nhà Lầu, ngày xưa nơi đây có đồn lính Cao Đài. Qua khỏi cầu nhà Lầu, tiên sinh qua hàng thốt lốt, tới ngã ba Vàm Nha, chùa Kỳ Viên và bên kia chùa là sóc Miên với ông Cả Hai làm trưởng Sóc. Nơi chùa Kỳ Viên này có ngôi trường đồng ấu mà thuở nhỏ khi tản cư chạy về quê ngoại ở Mặc Cần Dưng, tôi được thầy giáo Cầm dạy ABC ở đó.  Tiên sinh đi một đỗi nữa là chợ Vàm Xáng thuộc xã Cần Đăng nằm về bên tay mặt phía bên kia rạch Mặc Cân Dưng. Tiên sinh sẽ nhận ra các rặng cây xa xa che mờ dãy thất sơn, nào là Hang Tra, Trà Kiết bên hướng núi; rồi Vĩnh Hanh bên tay mặt với lời hát ngày xa xưa lắm rồi “Vĩnh Hanh là xứ quê mùa, đi thăm bà già vợ cho một dừa cà na”. Cả một vùng đất bạt ngàn đó từ thời còn hoang vắng lắm, nước ngập lút đầu lút cổ chỉ có mỗi một giống cây quen nước quen cái là cà na này, mọc lên tươi tốt và sống bền bỉ biết chừng nào! Nay thì có khác xưa nhiều, thưa tiên sinh, nhưng câu hát cũ vẫn khó phai trong lòng người già dù chỉ mới vừa lên tới tuổi được gọi là già này!
Rồi tiên sinh cứ theo con lộ này đi hoài về cầu số 5, vô tới cầu số 13 là gần tới quê của tiên sinh rồi. Ngày xưa, dân Mặc-Cần-Dưng tháng 8, tháng 9, có khi leo qua tháng 10 âm lịch hay chèo ghe vô vùng này, rồi qua Sóc-Xoài, Lỳnh-Quỳnh mót củi tràm lục, loại tràm bị đốn chìm lâu dưới nước chỉ còn lại cái lỏi thôi, thưa tiên sinh. Miệt cầu số 5 và dài dài lên gần trên quê tiên sinh, ngày xưa cá mú nhiều vô số kể. Dân quê ngoại tôi cũng đổ về đó mua đìa tát cá làm mắm chở về Mặc-Cần-Dưng kình kình như ngày hội. Nhờ vậy, mùa cắt gặt xong là tới tháng hai tháng ba là mùa tát đìa, ghe xuồng trên rạch Mặc-Cần-Dừng đi Tri-Tôn tấp nập như đi chợ Tết.
Trong “Con Đường Cũ” lâu lâu tiên sinh có kể tàu sà lan của Tây. Hồi đó Tây vô vùng Tri tôn cũng qua ngã Mặc Cần Dưng này. Lúc bấy giờ, tôi thì quá nhỏ, nhưng gặp tàu sắt là sợ dữ lắm và thường thường không dám đứng nhìn mà chạy núp dưới sàn nhà ông ngoại, bên những tảng đá lớn, chờ cho tàu sắt chạy qua mới dám chạy ra nhìn và ngưởi mùi khói tàu nghe khen khét mùi xăng. Ngày nay, hôm tháng 10, tôi có gặp mấy đứa cháu trong xóm cho biết sắp nhỏ đã tạt vô mấy cánh đồng gần tiên sinh mua đất làm ruộng dữ quá; có đứa ngày nay mà có tới một vài chục mẫu tầm cắt, với lúa ngàn, mà vẫn mê mệt với lúa hai ba mùa, nhưng sao cứ than thiếu nợ, than nghèo. Mới nghe và ngãm nghĩ thôi cũng bắt mệt rồi, nói gì trực canh, trực tác, phải không tiên sinh?
Còn bên trái, khỏi lộ tẻ một chút, nơi tiên sinh có kể trong “những bến xe đò” với tiếng rao mời bánh tét, bánh ít, tiên sinh nhìn từ mương Hội Đồng, cầu nhà Lầu, xa xa tiên sinh thấy rặng cây xanh chạy dài như con trăn nằm dài hằn vết giữa cánh đồng lúa nàng tây vàng rực tháng chạp tháng giêng, đó là kinh xáng Bốn Tổng, là huyết mạch giữa đồng bằng chạy ngang qua đất đai bốn tổng Định Thành, Định An, Định Mỹ và Cần Đăng, nơi xứ sở mà tôi đang ở và ngồi viết lá thơ này cho tiên sinh đây.
Thưa tiên sinh,
Những địa danh như mương Hội Đồng, mương Nhà Lầu là tên gọi một con mương, một vùng đất, mà cũng còn để ghi lại dấu tích một thời, một đời các nhân vật danh giá, tên tuổi trong làng. Ở đó là những thửa ruộng bạt ngàn, những đìa bàu lung rạch cá ôi thôi là cá. Những chuyến xe đò Thành Long, Công Tạo mà tiên sinh kể, thuở xa xưa ấy cũng có chạy qua con đường này; con đường lúc bấy giờ còn lởm chởm đá mà hai bên lộ là những ruộng ấu sải cánh trên mặt nước vào tháng tám, trái thôi là trái. Thuở nhỏ chúng tôi thường ghe câu hát mà tiên sinh có ghi lại, nhưng có hơi khang khác một chút là :”Thành Long chạy tắt đường đồng, Mấy cô chua chồng lại muốn Thành Long”. Những ngày mùa cắt gặt lúa tháng giêng, tháng hai, thường thường bọn con nít chúng tôi hay ra đồng mót lúa, bắt gặp chuyến xe Thành Long từ dưới Long Xuyên ỳ ạch bò ngang qua cầu nhà Lầu, là chúng tôi hay cùng nhau hát lớn câu hát ấy. Nay bỗng được nghe tiên sinh nhắc làm tôi nhớ lại những ngày ấu thơ theo các cộ trâu, cộ bò kéo lúa về sân chất thành cà lan vun cao như ngọn núi, rồi ra bã, để trâu bò xúm nhau đi vòng vòng đạp lúa, mà lượm những bông lúa rớt dọc đường. Thấm thoát mà cũng đã qua một đoạn đời dài, có hơn năm muơi năm chứ đâu có ít ỏi gì, thưa tiên sinh!!!
Đọc “Con đường cũ” của tiên sinh, thiệt tình mà nói, tiên sinh đúng là một bậc can đảm vô cùng. Xưa nay, nguời ta hay khoe khoan bằng cấp, cử nhơn này, tú tài kia, tiến sĩ nọ mà tiên sinh thì  lại khoe mình chỉ thi bằng “trung học đệ nhất cấp’ thôi mà cũng rớt lên rớt xuống ba bốn keo, từ năm 1958 đến 1961. Theo tôi đó là cái nét chân thiệt của người ở chốn quê mùa hẻo lánh như xứ Xà Tón của tiên sinh hay nơi kinh xáng Bốn Tổng của tôi; và có lẽ chính vì cái nét đáng trân trọng ấy mà tôi mới mạo muội có mấy lời này cùng tiên sinh; bằng không, thưa tiên sinh, tôi đâu dám bạo gan cạn tỏ cùng tiên sinh miên man bất tận này.
Nay thì tiên sinh đã qua khỏi những kỳ thi không ăn ớt mà cay hơn năm sáu mươi năm rồi và tiên sinh cũng đã chu du nhiều nơi khắp hoàn cầu, từ Đức qua Tây, qua Úc; tiên sinh đã thành đạt, một thời làm giám khảo các kỳ thi và nay tiên sinh còn ghi lại những khoảng đời như mới ngày nào tiên sinh vừa mới thức dậy buổi sáng xa xa thấy rặng Bảy núi dài ngoằn kéo theo mây vướng núi về tới núi Sam, Châu Đốc.
Tiên sinh chỉ nhận mình là người gốc Triều Châu như mấy dòng cuối tiểu sử nhưng tôi nhận ra ở tiên sinh là một nhà văn, đặc biệt nhà văn của miệt Xà Tón, Tri Tôn, nơi mà mỗi lần có ai nhắc tới địa danh này, ít ai nghĩ ở đó có một nhà văn.Cái quan niệm văn học chỉ có ở nơi đất văn vật là một quan niệm nay nếu còn thì nó đã quá trật rồi, không còn đúng nữa, thưa tiên sinh. Khi mà loài người có mặt, nếu thật lòng muốn đi tìm cái gốc của văn học, không gì bằng hãy tìm những chốn hẻo lánh ấy may ra sẽ có nhà văn nhiều chất liệu nhất so với một người chỉ sống bó hẹp trong một thành phố nào đó. Ở đó, chất liệu trù phú lắm và trong văn của tiên sinh là cả một kho tàng chất liệu mà ngay cả các nhà biên khảo về các vùng đất Thất sơn Châu Đốc của tiên sinh ngày nay không làm sao có nổi. Tôi có dịp đọc được vài cuốn sách viết về Thất sơn, Châu Đốc, và nhất là Tri Tôn của vài tác giả, quả làm tôi thất vọng vô cùng vì hai lẽ. Trước nhứt, không có gì mới sau các tác phẩm của học giả Nguyễn Văn Hầu viết về Thất Sơn Huyền Bí; thứ đến là quá đơn điệu, không gợi được chút xao xuyến nào trong lòng người đọc. Mà nói gì những tác giả không tên tuổi nhiều, ngay như Sơn Nam, qua cuốn Tìm Hiểu Đất Hậu Giang và Lịch Sử Đất An Giang, ông cũng lập lại chính mình qua Văn Minh Miệt Vườn một thời. Tôi thiển nghĩ những chứng liệu trong “Con Đường Cũ”, “Như Cánh chuồn Chuồn” của tiên sinh là những chứng liệu qúi hiếm mà bất cứ nhà biên khảo địa dư chí nào nếu muốn viết về vùng đất Thất-Sơn Châu-Đốc Tri-Tôn thật đầy đủ, phong phú, xác thực, không thể không ghi nhận, tham khảo.
Nhân nhắc Sơn Nam, tháng 10 rồi, tôi có dịp ghé lại nhà hàng Sơn Nam, ở số 168 đường Pasteur, Sài Gòn, nhìn xa xa thấy Sơn Nam ngồi nơi cái bàn dành cho ông để tiếp chuyện với bạn đọc, trông ông đã là bậc lão làng, tôi không muốn hỏi ông điều gì, mà đứng xa xa để giữ trong lòng một chút “Hương rừng Cà Mau” như thuở tôi mới lớn, chập chững đọc truyện Sơn Nam cách nay cũng có trên mấy muơi năm. Với tôi, mãi hoài là Sơn Nam của những năm tháng “Hương rừng Cà Mau” đó thôi, thưa tiên sinh; kỳ dư tôi luôn “kính nhi viền chi” những tên tuổi nổi tiếng cho dù thời nào, không dám đến gần, dù đến gần để hỏi vài câu rất bình thường của đời thường.
Thưa tiên sinh,
Thư viết cho tiên sinh còn nhiều điều muốn viết, nhất là những ngày tiên sinh kể lại các kỳ thi vào lớp Đệ Thất, hoặc các kỳ thi lấy bằng trung học tại hội đồng Long Xuyên (trường Thoại Ngọc Hầu), nơi mà tôi theo học những ngày mới từ nhà quê lên tỉnh học mà nhớ trường xưa biết bao nhiêu; nhưng tuổi tôi cũng đã già, sức tôi cũng đã mỏi, mắt tôi cũng đã làn, mà tiên sinh thì nay cũng lớn hơn tôi nhiều, nên nhiều lúc đọc thư quá dài, mắt tiên sinh cũng mỏi mệt nữa. Chi bằng xin phép tiên sinh, một lần nữa, nhân năm Ất Dậu sắp qua, và Tết Nguyên Đán cũng gần về, xin kính chúc tiên sinh nhiều sức khỏe, sống lâu và viết thêm nhiều cho đời này, đời sau, những người có duyên may được đọc để biết thêm các chứng liệu một thời từ một nhà văn nơi đất Xà Tón, một vùng đất mà người đời luôn nghĩ rằng ở đó chỉ có quê mùa và dốt nát.

Không quên kính chúc gia quyến tiên sinh vạn an, hạnh phúc.

Kính thư,
Lương Thư Trung (Hai Trầu)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét