Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

ĐÁM CƯỚI XƯA



RƯỚC THUYỀN TÌNH VỀ QUÊ HƯƠNG

TRẦN VĂN

     Ngày nay, chuyện đám cưới, lấy vợ gả chồng là một chuyện thường không có gì quan trọng đối với người bàng quan, láng giềng. Cách đây vài thập niên, càng xưa, đám cưới càng gây dấu ấn không những trong giòng họ mà ngay đến cả người dưng cũng quan tâm để ý đến.
     Ở nhà quê thì khỏi phải nói, một đám cưới như là một biến cố lớn trong xã, ấp. Mọi người chuẩn bị cả năm hay ít nhứt cũng năm ba tháng trước. Bà con láng giềng lo đi chợ mua vải về cắt may quần áo mới, bà ba hoặc áo dài. Người tương đối có tiền, dù đã sắm một bộ cho ba ngày Tết Nguyên Đán rồi, nay may thêm một bộ nữa cho le lói với bà con một chút. Quần áo không phải đặt may như ngày nay, Ở nhà quê, lúc bấy giờ, không có tiệm may, các bà phải tự biên tự diễn và may tay theo nghĩa đen, chớ không phải may tay theo nghĩa bóng của mấy ông đực rựa hay nói tiếu lâm. Mọi việc trong nhà thường đổ vào người đàn bà. Công việc bận rộn, bề bộn suốt ngày, ban đêm lại đèn đóm lù mù, may cho xong xuôi một bộ đồ bà ba mất cả tháng trời.
     Người đàn bà ở nhà quê khổ cực trăm bề mà lại như cái máy đẻ, cứ năm một không cô thì cậu, có khi đến hai trự ra đời cùng một lúc. Nhiều bà tuổi mới vào hàng bốn mà đã sản sinh cả chục hoặc chục có đầu nữa. Quan niệm hôn nhân thời xưa đối với nền văn minh thời nay quá khác biệt, cổ lổ xỉ : "Nữ thập tam, nam thập lục"
     Con gái mới mười ba, mười lăm cha mẹ muốn đặt đâu con ngồi đó "áo không mặc qua khỏi đầu", con trai mười sáu, mười bảy mới "lúng phúng rêu" một chút , nói huỵch toẹt là chưa có đủ lông, chưa biết cái chi chi, cha mẹ cũng nhờ mai mối tìm chỗ môn đăng hộ đối tính chuyện trăm năm cho con. Tục lễ tảo hôn cưới vợ gả chồng sớm ở Việt Nam, dù đang ở ngưỡng cửa vào thiên niên kỷ thứ ba, thế kỷ  hai mươi mốt, vẫn còn tồn tại ở những vùng thôn dã hẻo lánh.
     Ở nhà quê không có gì để giải trí, hồi xửa hồi xưa làm sao có ra-dô, truyền hình, mà lại có nhiều muỗi, đèn dầu cá trong nhà không đủ sáng, nên ai ai cũng đi ngủ sớm. Chuyện gì sẽ xảy ra, sau khi hai dòng điện âm dương chạm nẩy lửa, cái gì đến nó phải đến, cứ thế mà sản xuất đều đều. Người đàn bà tảo tần quần quật suốt ngày, tối lại bị ông chồng quần cho một chặp nữa, nhưng phải phục quí cụ bà hồi xưa khỏe thật, giỏi thật, lại sống dai hơn các cụ ông.

                       *********

     - Tụi bây thức dậy đủ hết chưa ? Giọng của ông Hương Tuần oang oang.
     - Để em gọi tụi nó dậy, chuẩn bị đi rước dâu nghe anh Hai.
     Chú Búp đáp lại lời của ông Hương Tuần, chú có trách nhiệm chọn lựa những tay chèo giỏi nhứt trong ấp, quyết tâm biểu diễn một cuộc đua thuyền tình lấy le chơi với bên họ nhà gái ở xã Vĩnh Hội Đông, cách ấp Bà Bài  hơn hai mươi cây số đường thủy.
     Mới có nửa đêm, giờ Tý, canh ba, đồng hồ vừa điểm mười hai tiếng, cái "trứng dái" của chiếc đồng hồ treo tường tổ chản còn đu đưa chưa dừng hẳn, ông Hương Tuần đã đánh thức mọi người dậy. Ba bốn sòng bài cách-tê, xì-phé, dì-dách cũng đành tan sòng sớm dù đang sát phạt dữ.
     Một nồi cháo bự, trứng cá lóc nổi lều bều với màn nước trắng đục của màu nước cốt dừa, mùi hành tiêu thơm ngát, khói bốc lên nghi ngút, trông thật hấp dẫn. Một tô cháo loại tô đại dương, cũng được bốn năm chén, người nhà bưng lên để trên bàn vuông trước mặt ông Hương Tuần cùng với vài vị bô lão vừa mới đến. Một dĩa đầu cá lóc, còn có thêm hai cặp trứng vàng tươm còn nguyên, một tô nước mắm ớt đỏ cũng được đưa lên. Người nhà cũng không quên mang ra một nhạu rượu đế loại đế đậu nành hảo hạng mà ông Hương Tuần tự cất lấy. Có mồi đầu cá và trứng cá lóc đưa cay, mấy ông già làm vài chung rượu để được ấm lòng. Mấy bà mấy cô và các tay chèo, thanh niên bưng quả mỗi người tự múc cho mình một tô cháo có cá lóc rỉa sẵn trong đó hì hụp húp.
     Ai cũng ăn cho nhanh để sửa soạn đi rước dâu đúng giờ lành mà ông Hương Tuần đã giở sách xem trước rồi. Sau khi ăn uống xong, các bà lại ăn trầu để môi thêm hồng, má thắm, còn các ông phì phà thuốc vấn cho sạch miệng, mùi khói thuốc cũng đánh át mùi tanh của cá. Hồi xưa làm gì có son phấn, các bà ăn trầu cau cùng với vôi đủ tô hồng đôi môi và tránh bị sâu răng. Ở nhà quê không có nha sĩ để "lin", đánh bóng răng. Các bà các cô dùng xác cau chùi, tẩy sạch những cáu bẩn trong răng, nên miệng bà nào cũng thơm phức, theo quan niệm xưa, làm cho các ông mê chết bỏ.
Mọi người tíu tít sửa soạn, đúng một giờ sáng khởi hành, các vị bô lão đóng bộ vía quốc phục vô, ngắm nghía, sửa tới sửa lui chiếc khăn đóng. Thời bấy giờ, đàn ông lớn tuổi ai cũng để tóc bới củ hành củ tỏi, mà người ta thường gọi là củ xi-nhông, nhái theo tiếng Pháp. Cánh các bà các cô chưng diện xả láng, vòng vàng đeo đỏ cổ, đỏ tai, tóc bới kiểu này kiểu nọ, trâm cài, lược giắt, trông rất mát mắt. Đây là dịp ngàn năm một thủơ, các cô gái đẹp nhứt của xóm làng mà phải còn "gin" nữa, nếu các cô có chỗ rồi thì ở nhà vì đây là dịp thi thố tài sắc khi qua nhà gái rước dâu đủ sức ứng biến, nói năng. Đồng thời gián tiếp giới thiệu gái đẹp của làng ta với các chàng trai làng khác. Các cậu thanh niên lăng xăng vác chèo mang đệm xuống thuyền và sắp xếp lại vạt, chỗ ngồi.
     Lần này, ông Hương Tuần dùng đến ba chiếc ghe lườn, một chiếc tám chèo, hai chiếc sáu chèo. Bên đàng gái cũng sẽ đưa dâu bằng ba chiếc ghe lườn như nhà trai. Những đám cưới thường, không phải là gia đình khá giả, có máu mặt chỉ sử dụng một chiếc ghe lườn loại lớn tám chèo là đủ. Gia đình nào khá hơn một chút thì dùng hai chiếc ghe lườn. Đàng này, gia đình của ông Hương Tuần ở ấp Bà Bài thuộc quận Châu Phú và ông Hương Thân ở xã Vĩnh Hội Đông, thuộc quận An Phú đều là gia đình có tiếng tăm.
     Hai ông suôi thỏa thuận trước, cuộc đua thuyền đám cưới lần này để cho thanh niên thi thố trọn vẹn tài năng tại điểm xuất phát ở nhà đàng gái. Đến những khúc sông vắng chèo chậm lại, ngơi nghỉ và ăn uống giải lao. Đoạn đường thủy dài hơn hai mươi cây số, tranh đua chèo mút chỉ, sức nào mà chịu nổi. Gần đến nhà trai, từ chỗ khu đất cúng ở đầu ấp, sáu chiếc thuyền tình lấy lại khí thế, tranh đua quyết liệt xem coi thuyền nào về đến bến trước, giải nhứt một con bò lớn, giải nhì một con bò nhỏ hơn.

                      ***********

     Trước ngày rước dâu đúng một tuần, ba chiếc ghe lườn đua được kéo lên bờ, phơi nắng cho khô, cạo rong rêu thật sạch, dùng bao bố tời xé nhỏ  nhúng vào dầu chai  đã nấu sôi trét những kẽ hở, hoặc đắp những lỗ hổng nhỏ. Sau cùng quét thêm vài lớp dầu trong, phơi thật khô, đẩy lại xuống sông. Kiểm tra coi xem  chỗ nào còn rịn nước lại đẩy lên bờ dùng dầu chai trét thêm. Không còn một lỗ nhỏ nào nước vào được mới thôi.
     Thuyền bị vô nước, nặng không thể nào tham gia vào cuộc đua tranh thắng được. Người ta cũng không quên sơn vẽ lại đôi mắt và mũi thuyền. Người xưa quan niệm thuyền mà không có mắt hoặc mắt mờ, làm sao thấy rõ đường mà đi được. Cặp mắt của thuyền quan trọng cũng như cặp mắt của con người.
     Thuyền rước dâu chính được trang hoàng rực rỡ, đẹp mắt. Một cái vòm khung thường làm bằng sắt tròn nhỏ, kết hoa vải, bông lá đủng đỉnh và những dải lụa giăng mắc có mỹ thuật đúng với ý nghĩa thuyền tình chan chứa. Trên lái thuyền có treo cờ ngũ sắc vì lúc này,  năm 1946, tình hình cũng có biến chuyển nên không dám treo cờ tam tài như trước. Chiếc thuyền này, nhân vật chính là ông bà suôi trai, ông bà mai, hai cặp người lớn tuổi, ông đại diện, chú rể và phụ rể. Chiếc thuyền thứ hai dành riêng cho mấy cô gái đi đón dâu và thêm hai cặp chú, cô ruột của chàng rể. Chiếc thuyền thứ ba chở tám chàng thanh niên bưng quả cùng với các mâm bánh, trái cây, trầu cau...
Thuyền nào cũng chở người sô chẵn và tính đủ cặp, không dư không thiếu. Các cụ quan niệm số chẵn là số hên, số tốt. Ở trên đời nầy có đủ đôi là điều hạnh phúc của cuộc sống. Một điều cấm kỵ khác, những người đi rước, đưa dâu, nếu là người có gia đình rồi phải đi có đôi, không được đi lẻ, mang ý nghĩa đầy đủ hạnh phúc lứa đôi. Vợ chồng chắp nối cũng không được tham gia vì sợ có "huông", xui xẻo cho cặp vợ chồng mới cưới.
     Cả ba thuyền có đủ người  như  sư ông sắp xếp  từ  trước, ông Hương Tuần ra lệnh tách bến, trực chỉ hướng tỉnh lỵ Châu Đốc để còn quẹo trái đi về hướng biên giới mà xã Vĩnh Hội Đông, một xã nằm gần lằn ranh của hai nước Việt-Miên. Ai có ở vùng sông lớn, rạch to đều phải chú ý đến mực nước, thủy triều lên xuống, khi nào nước chảy siết ngược dòng hay xuôi dòng. Lợi dụng dòng nước mà cho ghe xuồng di chuyển đỡ tốn công sức. Đi nước ngược lại chở nặng nữa, ghe xuồng nào mà đi nhanh được.
     Thời xưa, ghe xuồng đều phải dùng chèo, dầm hoặc chống đẩy với chiếc sào bằng cây tầm vông già chắc, người ta cũng triệt để lợi dụng sức gió, kéo buồm lên chạy vừa nhanh vừa không tốn công sức lao động. Còn đám cưới, các cụ chọn ngày lành tháng tốt, giờ kiết không thể chọn thủy triều lên xuống. Một điều khác, ở nhà quê, thường chọn những ngày tháng không bận rộn về đồng áng và lại tránh mùa mưa dầm. Còn ở thành thị thường chọn vào ngày tháng có cái se lạnh hây hây vào tháng chạp, tháng mười một để đôi tân lang và tân giai nhân hưởng tuần trăng mật mát mẻ không nhễ nhại mồ hôi mồ kê như vào mùa hè nóng nực. Còn có ý nghĩa nữa, cưới vợ lấy chồng cuối năm có đủ đôi chuẩn bị ăn Tết lớn cho thật vui cửa vui nhà.
     Ở cái xứ Bà Bài, hết sáu tháng mùa nước nên các đám cưới thường chọn vào lúc cày bừa sạ lúa xong vào cuối tháng ba, tháng tư còn khô ráo, chưa mưa, hoặc sau mùa cắt gặt lúa xong vào tháng mười, muời một. Thời gian chọn lựa rất hạn chế nên có nhiều đám cưới bận đi gặp nước ngược bận về lại gặp ngược nước, các tay chèo hộc xì dầu, ná thở luôn.
     Theo ước tính của ông Hương Tuần, đàng trai phải mất sáu tiếng đồng hồ mới đến nhà đàng gái và gặp hai lần đi nước ngược, lễ rước dâu từ bảy giờ đến chín giờ sáng.
     Đúng bon bảy giờ, đoàn thuyền tình ba chiếc đã đến Vàm Vung Thăng, trẻ con chạy tới chạy lui lăng xăng, chỉ chỏ, cười nói làm tăng thêm không khí rộn rã. Con gái con trai, ông già bà lão đều ra đứng cạnh bờ sông như chào đón, chúc mừng ngày rước dâu tốt lành hạnh phúc. Hai mươi tay  chèo, sửa lại bộ đứng, lấy đà, chèo biểu diễn đến nhà gái.
     Các cụ, ông bà suôi, các cô cậu sửa lại áo quần, chải vén lại tóc và cũng không quên lấy tay bụm nước rửa mặt cho tươi tỉnh, xua tan cái buồn ngủ đang làm cay mắt. Chú Búp, chỉ huy  trưởng cuộc đua thuyền bên nhà trai, phất tay ra hiệu ba chiếc thuyền giăng hàng ngang.
     Giữa sông thuyền rước dâu chính, ba chiếc song song vun vút lướt sóng. Trẻ con và người lớn đứng hai bờ sông vỗ tay tán thưởng vang dội, cuộc biểu diễn thật hào hứng. Mọi người như có dịp tận hưởng trọn vẹn cuộc vui của thôn dã.
     Trước nhà ông Hương Thân, một chiếc cầu với ba tấm ván, thường khi chỉ có một tấm ván, nay thêm hai tấm ván cho đủ rộng lại có làm tay vịn trang trí nào tàu dừa, bông lá đủng đỉnh. Tại đầu cầu, một cái cổng được kết bông hoa lá cành, một tấm bảng nhỏ ghi ba chữ: Lễ Vu Qui. Ba chiếc thuyền vừa cập đến đầu cầu, một tràng pháo đại pháo tiểu nổ đì đùng, khói bay mù mịt.
     Bên nhà trai cho chiếc thuyền chính cập bến trước, chờ hết khói pháo, ông đại diện và cậu trai bưng khai trầu rượu bước lên cầu, đứng đó. Ông đại diện nhà gái cũng khăn đóng áo dài chỉnh tề đi xuống mời nhà trai nhập gia, hai ông đại diện nắm tay nhau đi lên trước, lục tục nhà trai, hàng một, bước lên cầu. Hai mươi tay chèo thuyền lên sau cùng, tất cả đều đứng xếp hàng đôi, dọc theo con đường lộ đất, cạnh bờ sông.
     Chiếc cổng chào to tổ bố cũng trang trí tàu dừa, bông lá đủng đỉnh, thân cây trụ cổng chào được ốp những bẹ chuối, trên cùng một tấm bảng lớn đề Lễ Vu Qui, nền xanh lợt, chữ nổi màu đỏ. Nhà nông mình dù quê mùa, ít học nhưng họ luôn luôn có sáng kiến, thông minh, ứng biến rất tài tình.
     Hồi xưa mà lại ở nhà quê làm sao có những tấm bảng Lễ Vu Qui, Lễ Thành Hôn làm sẵn, cho mướn như bây giờ. Sáng kiến của nông dân, cắt vài ống tre tươi, cạo bỏ lớp màu xanh ở ngoài, dùng miểng ve chai, miểng sành cạo lấy tinh tre màu trắng nhuộm phẩm màu đỏ để làm chữ nổi, màu xanh dùng làm nền hoặc màu gì tùy theo con mắt thẩm mỹ của người trang trí, nhưng chữ nổi bắt buộc phải màu đỏ, để được đỏ tình, hên chăng ?
     Dùng gạo xây thành bột, nấu thành hồ, hồ được quết lên kiểu chữ đã vẽ sẵn trên tấm bảng, lấy tinh tre đã nhuộm phơi khô đặt để lên trên hồ, dùng hai ngón tay hoặc một ngón trỏ, có khi dùng một cái que ấn xuống, tinh tre sẽ dính chặt lên hồ. Muốn làm chữ nổi cao, người ta cũng chấm thêm hồ mỗi lần thêm một lớp tinh  tre. Chữ nổi rất đẹp và cao tối đa dưới hai phân, nếu cao quá, gió thổi sẽ rớt chữ ra. Chữ nổi kiểu làm này không để lâu được vì mối mọt hay ăn, đụng chạm nhiều hoặc có gió nhiều dễ bị hư, rớt. Mỗi lần có đám cưới hay cúng đình, miễu đều phải làm lại bảng khác đẹp hơn mà cũng chả tốn công là bao.
     Dưới tấm bảng Lễ Vu Qui, một khung đan mắt cáo bằng bông đủng đỉnh đều và đẹp, dưới khung lại có thêm những chuỗi dây bông đủng đỉnh lòng thòng nữa. Hai dây pháo lại được đốt tiếp báo hiệu sự cho phép của nhà gái cho nhà trai vào làm lễ chính thức rước dâu.
     Ông Cả và ông Chủ trong làng cũng là người có tuổi cao lại có đức hạnh, vợ chồng đề huề hạnh phúc, không đổ vỡ chấp nối, đuợc mời lên đôi đèn. Khi đôi đèn cầy cháy tỏ, tim không bị lụn hoặc xiên vẹo, đó là điều lành, điều hên và người ta tin cặp vợ chồng mới cưới sẽ ăn đời ở kiếp rất hạnh phúc lứa đôi. Ông bà suôi gái vào cầu nguyện lạy trước bàn thờ tổ tiên sau đó xin phép họ hàng tuyên bố cho phép đàng trai đến rước dâu. Ông đại diện nhà trai bưng khai trầu rượu, rót đầy rượu vào hai chung rồi thưa trình với phía nhà gái tiến hành lễ rước dâu, đồng thời giới thiệu họ nhà trai cũng như phẩm vật trong lễ cưới. Bà suôi gái vào buồng dẫn cô dâu ra, súng sính trong bộ đồ cưới khép nép cúi chào mọi người. Ông bà suôi trai có nhiều nữ trang tặng cho cô dâu, trình cho hai họ biết.
     Qua sự hướng dẫn chỉ bảo của trưởng tộc họ nhà gái, cô dâu chú rể làm lễ trước bàn thờ. Chú rể lạy lên gối xuống gối đủ nghi lễ, cô dâu ngồi xếp "chè he" cuốc theo mỗi lần chú rể xuống gối cúi đầu lạy. Kế tiếp, cô dâu chú rể quì lạy ông bà cha mẹ và những bà con cật ruột lớn cũng như những vị chức sắc cao nhứt trong làng ấp. Sau nầy, lạy những người sống được bớt dần chỉ còn lại cha mẹ ruột hoặc ông bà nội ngoại. Ngày nay thì hầu hết dâu rể chỉ còn chắp tay xá ông bà cha mẹ thôi.
     Buổi lễ cũng mất gần một tiếng đồng hồ, sau đó nhập tiệc. Bên nhà gái, những người có nhiệm vụ đưa dâu cũng ăn nhanh như nhà trai để đúng chín giờ thuyền tình sẽ rời bến trực chỉ về ấp Bà Bài.
     Những tay chèo thuyền xuống trước nhứt, kiểm tra lại quai chèo, múc nước đổ lên quai chèo để dây chèo không bị khô dễ đứt, xếp lại vạt, ghế, tát nước thật khô. Lúc nẫy khi chèo biểu diễn nước văng vào thuyền cũng bộn. Thuyền đưa rước dâu không bao giờ có mui, mui sẽ cản gió làm thuyền đi chậm. Các tay chèo của sáu chiếc thuyền đã chuẩn bị sẵn sàng chờ hai họ xuống thuyền là khởi sự đua từ nhà ông Hương Thân qua khỏi Vàm Vùng Thăng một chút là đến khúc vắng, có thể lơi tay chèo xả hơi.
     Hai họ xuống thuyền xong, một phong pháo nhỏ được đốt lên để đưa tiễn và cũng báo hiệu màn đua thuyền bắt đầu, tất cả thuyền tách bến. Cái khoát tay ra hiệu lệnh của ông Hương Thân, sáu chiếc thuyền vun vút lướt sóng, trên bờ tiếng hò reo vang dậy cả một vùng, nước bắn tung tóe làm ướt quần áo nhiều người. Bốn mươi tay chèo cự phách được chọn lựa kỹ càng nay có dịp thi thố tài năng. Họ đem hết sức lực "chặt" mạnh chèo xuống nước rất nhịp nhàng hòa theo những tiếng hò hét thúc giục của mọi người trên thuyền.
     Tiếng hò reo, vỗ tay cổ võ nhiệt liệt của khán giả trên bờ, các tay chèo quên mệt nhọc, tay càng nhanh đẩy mạnh thuyền lướt băng băng theo một đường thẳng kẻ chỉ. Cái hay hay dở của người giữ lái thuyền, nếu để thuyền đi cong queo hay trường xà uốn khúc thì thua là cái chắc. Chiếc thuyền tám chèo do chú Búp điều khiển là thuyền chở ông bà suôi trai cùng cô dâu chú rể lướt nhanh, cách xa năm thuyền kia cả mấy chục thước. Ông Hương Tuần nói lớn :
          - Búp ơi! Mày đừng có bỏ xa mấy chiếc thuyền kia, chậm lại.
     Chú Búp hiểu, anh hai Hương Tuần không muốn thuyền của ông thắng cách xa quá thuyền của ông suôi gái, sợ ổng buồn, đây là xứ của ổng mà.
     Vừa đến cầu Vàm Vung Thăng, thiên hạ hai bên bờ sông hò reo thuyền đàng trai thắng rồi. Ông Hương Tuần nghe như hả dạ, bảo chú Búp :
          - Đủ rồi Búp ơi, mầy nghe người ta nói gì không ?
     Chú Búp gật đầu, chú cũng quá mệt, đem hết sức của mình ra biểu diễn, nên không nói nên lời. Lơi tay chèo, các thuyền kia theo kịp. Ông Hương Tuần bảo chú Búp để thuyền ông suôi gái đi trước đến khúc sông vắng. Dân hai bên đường lại bàn tán nói vang:
          - Thuyền đàng gái thắng rồi.
     Chú Búp nghe thiên hạ nói như thế như trêu chọc, chạm tự ái, chú ngầm ra lệnh bảy tay đua bức phá rượt theo thuyền đàng gái. Vừa đến khúc vắng, thuyền suôi trai lại qua mặt thuyền suôi gái nữa.  Đến  chỗ  này, các  tay  chèo đều lơi tay, ngơi nghỉ, phì phà thuốc vấn. Từ đây về đến ấp Bà Bài đều gặp nước xuôi, bận đi toàn gặp nước ngược nên đi mất sáu tiếng đồng hồ; bận về ông Hương Tuần ước tính chừng ba tiếng, đến nhà khoảng mười hai giờ trưa, làm nghi lễ đến một giờ trưa là xong, nhập tiệc, để bốn giờ đàng gái về lại gặp nước xuôi, đỡ vất vả hơn.
     Đến lẫm lúa của ông Đốc Phủ Vị, sáu chiếc thuyền lại tăng nhịp chèo, nước chảy siết xuôi dòng, thuyền lướt bon bon, dân làng túa ra xem, hò reo tán thưởng. Gần đến ngã ba sông, gần lò rượu Vĩnh Phong Long, quẹo phải để vào kinh Vĩnh Tế.
     Nơi đây, một ngôi đình làng Vĩnh Nguơn to lớn, ở bên phải đầu kinh Vĩnh Tế, mà mỗi lần cúng kỳ yên hàng năm vào tháng ba âm lịch ông Hương Tuần đều có tham dự với một mâm xôi tổ chảng, một mâm bánh, một mâm trái cây và một con heo quay. Ai ở vùng nầy mà không nghe biết tiếng tăm hào sảng của ông Hương Tuần. Ông dự định mở cuộc đua trước Đình Thần, ngặt một nỗi, từ Đình Thần đến ngã ba sông ngắn quá, nếu chèo đua hết tốc lực, quẹo gấp vào kinh Vĩnh Tế sẽ đụng các ghe xuồng khác hoặc thuyền bị lật chìm, nên ông Hương căn dặn chú Búp khi vào hẳn kinh Vĩnh Tế mới mở máy biểu diễn.
     Chú Búp cũng vâng dạ ghi nhớ điều nầy, nhưng khi được dân làng và trẻ con vỗ tay tán thưởng, họ trầm trồ khen đáo để các tay chèo cừ khôi. Như hăng tiết, chú Búp ra lệnh chơi xả láng chèo nhanh thêm, thuyền rẽ sóng tung tóe nước và quẹo gấp bên phải vào kinh Vĩnh Tế. Những người trên các chiếc xuồng chiếc ghe nhỏ đậu dọc theo bờ sông kêu trời như bộng. Có xuồng bị chìm, có ghe bị nghiêng ngả nhưng dân quê ở sông rạch người nào cũng biết bơi lội như rái nên không sao, họ chỉ nguyền rủa cho đã miệng thôi. Ba chiếc ghe bên đàng gái cũng cố đuổi theo, nhưng đến ngã ba sông lạ, không quen  đường đi, hai  chiếc  suýt  bị  chìm, chiếc nào cũng bị vô nước nhiều, quần áo mọi người đều bị ướt. Còn ghe đàng trai cũng vậy, người nào cũng bị ướt. Nhiều chiếc ghe xuồng chở hàng hóa ra tỉnh bán nông phẩm, hoảng vía bơi cập sát bờ cũng suýt bị chìm.
     Thật hú vía, may mắn không có chiếc thuyền đám cưới nào bị chìm, không ai bị thương tích gì, dân làng cũng thông cảm lại càng cổ võ dữ hơn. Tiếng hò la hoan hô, vỗ tay vang dội làm cho ông Hương Tuần cũng quên đi sự lo sợ tức giận. Chú Búp biết lỗi không dám hó hé lời nào. Sáu thuyền lại so kè, gương mặt của các bà, các cô vẫn còn đọng lại nỗi hoảng vía, hú hồn thoát nạn.
     Lúc nầy, trời nắng gắt, trong chốc lát, quần áo mọi người cũng hơi khô ráo, ai nấy cũng có linh tính hôm nay sẽ là ngày đua thuyền dữ dội nhứt. Chú Búp đã sắp xếp trước, thuyền rước dâu chính, chú rể phụ, ông đại diện nhà trai và một cặp nữa được điều qua chiếc thuyền chở các cô gái để thuyền của chú điều khiển được nhẹ và đi nhanh. Chú trình bày với ông Hương Tuần, thuyền của anh Hai là thuyền rước dâu chính cần phải nhẹ đi theo kịp các thuyền khác. Chú giấu chuyện là chú muốn chiếc thuyền nầy phải về nhứt.
     Sáu chiếc so kè chèo mạnh, nước lại xuôi dòng rất thuận lợi. Kinh Vĩnh Tế không rộng lắm, hai bên bờ dân làng xem đông nghịt. Từ Trường Đua, qua Nhà Neo, đến Cống Đồn, những nơi có dân cư đông đúc, sáu chiếc thuyền biểu diễn ngoạn mục không có chiếc nào bức phá. Các tay đua đợi đến khu đất cúng, gần đến chùa Bồng Lai ở đầu ấp sẽ quyết thi tài ăn thua đủ.
Trời sắp đứng bóng, gần mười hai giờ trưa, đoàn thuyền tình đã đến khu đất cúng, nghĩa địa của ấp. Từ đây về đến nhà ông Hương Tuần chừng mười lăm phút đua nước rút. Chú Búp thông báo cuộc đua ăn thua đã đến, nghỉ giải lao vài phút trước khi vào cuộc. Bốn  mươi  tay  chèo  thuyền  thủ  thế  sẵn sàng. Các ông bà và các cô cậu thanh niên sửa lại thế ngồi.
     Mấy bà mấy cô, rút kinh nghiệm, hai tay nắm chặt mạn thuyền chờ đợi phút giây gây cấn sắp diễn ra.
     Ông Hương Tuần đứng lên, khoác hai tay về phía trước, đó là hiệu lệnh cuộc đua chính thức bắt đầu. Sáu chiếc thuyền, tốc lực tăng dần, tiếng hò la "dô ta" của các tay chèo lực sĩ sôi nổi hào hứng. Cả ấp Bà Bài từ xóm dưới cũng đã tề tựu chờ đợi giờ đua quyết liệt này. Sáu chiếc thuyền tình lướt sóng bon bon, hàng trăm người ở trên bờ hò reo cổ vũ nồng nhiệt, cảnh vui có một không hai của cái ấp khỉ ho cò gáy nầy.
     Thuyền do chú Búp điều khiển dẫn đầu, bức xa năm chiếc thuyền khác hơn hai ba chục mét. Thuyền nào cũng có nước văng vô, hai người ngồi ở đầu khoang và cuối khoang lo tát nước ra sông. Cuộc đua sôi nổi hào hứng từ phút đầu. Ai cũng nhận thấy thuyền do chú Búp điều khiển chắc chắn thắng cuộc. Chú Búp ra lệnh một người lấy chèo ra làm như cây trường thương đứng gần mũi thuyền múa may la hét như ông ứng bà nhập. Dân làng càng khoái trá thích thú cổ võ hò reo tán thưởng.
     Quả thật, thuyền chú Búp như chấp một người không chèo chỉ đứng múa võ thôi, cũng về nhứt, cách chiếc thứ hai của nhà gái hơn một chiếc thuyền, gần mười lăm mét. Những tràng pháo đại pháo tiểu nổ liên tu bất tận, khói mù mịt. Vừa tan khói, sáu thuyền cập bến. Thuyền chính của ông Hương Tuần lên cầu trước, kế đó thuyền của ông bà suôi gái, các thuyền khác lần lượt lên cầu, và sắp hàng đôi đàng trai một bên, đàng gái một bên đi vào cửa chính. Pháo nổ thêm một hồi dài, dân làng đông nghẹt từ trong ra ngoài để nhìn cho được cô dâu.
     Ông Hương Tuần dự trù làm lễ cưới chừng một tiếng, lại kéo dài đến hai tiếng. Bà con đông, cô dâu chú rể lạy mệt thôi và  cùng  nhận  được nhiều vàng vòng và tiền tặng của bà con anh chị.
     Một cái rạp rộng lớn ở trước nhà kê được hai ba chục cái bàn tròn. Cái vụ mượn bàn ghế ở nhà quê rất phiền toái, người nhà của ông Hương Tuần phải ra đến Núi Sam và tỉnh lỵ mượn và mua thêm đầy mấy cần xé chén dĩa.
     Gia đình khá giả ở nhà quê thường đãi ăn đám cưới, hễ có người ngồi đủ bàn từ bốn người trở lên là nhập tiệc, thức ăn không cầu kỳ nhiều món như bây giờ, chỉ bốn năm món nhưng món nào món nấy thật nhiều, ăn hết được bưng lên tiếp. Cái xứ Bà Bài, bất cứ đám tiệc nào lớn đều có làm bò, cứ y như rằng món xào thịt bò lá dang với nước cốt dừa không thể nào thiếu được trong thực đơn.
Đám cưới đứa con trai thứ bảy của ông Hương Tuần đãi chính thức ba ngày làm bốn con bò, hai con heo. Ngày rước dâu làm đến hai con bò và một con heo, ngày nhóm họ làm một con bò và một heo, ngày thứ ba làm thêm một con bò nữa. Ông Hương Tuần mời nhiều vị tai mắt ở tỉnh, quận, xã nhà và xã lân cận, bà con người lớn trong ấp không thiếu một ai.
     Ở nhà quê đám cưới nào cũng có tổ chức đánh bài thả cửa nhưng không có lấy xâu. Ông Hương Tuần có che thêm một cái nhà thật rộng không có vách dừng kín, trống trơn. Ba bốn cái đèn măng-sông và nhiều đèn khí đá sáng choang để người ta vui chơi cờ bạc đủ loại như: hốt me, xổ đề mười hai con, tứ sắc, bài cào, dì dách, cách-tê, ngầu hầm. Xì phé chơi năm mươi hai lá bài không phải loại xì phé sau nầy chỉ chơi hai mươi tám lá hoặc hai mươi bốn lá bài nên xì phé có thể đánh một lúc sáu bảy người. Bài cào là môn chơi mau ăn thua nhứt. Hai dàn hát máy mở suốt ngày đêm.
Vừa đi ăn đám cưới vừa có chỗ cờ bạc vui chơi giải trí, ăn uống thả cửa, một ngày ba cử. Tối lại ăn cháo cá hoặc cháo gà, chủ nhà lại không lấy xâu,  rượu đế uống mệt nghỉ.  Còn gì sướng cho bằng.
     Sau ba ngày xả hơi ăn chơi, người nông dân trở lại công việc đồng áng ruộng rẫy hoặc bắt cá tôm. Đám cưới ở nhà quê linh đình mang trọn vẹn ý nghĩa ngày hội lớn, nơi hò hẹn vui chơi xả láng, ăn nhậu thả dàn.
     Những đám cưới hồi xửa hồi xưa ở nhà quê đi xuồng ghe mất sáu bảy tiếng đồng hồ mà các bà các cô giỏi thật, cái tài nín tè ngồi chịu trận chết trân. Ở dưới xuồng ghe, trống trải, không có nơi tè, các bà đành chịu. Còn các ông, trai tráng ra đàng sau lái thuyền vạch quần xả đại xuống sông. Ai có thấy cũng thông cảm nhưng giới đàn bà mà làm chuyện ấy thì dư luận cho là "đồ con gái, đàn bà hư", nghĩ mà tội nghiệp giới phụ nữ thời bấy giờ, thiệt thòi đủ mọi thứ. Các cô đi đưa rước dâu được chọn lựa kỹ, các bà huấn luyện nhắc nhở rất cặn kẽ về cách ăn uống, không dám uống nước, khát rán chịu để có đủ nghị lực nín tè cho lâu.
     Thuyền tình đã được cập bến an tòan. Có đủ nghi thức, đông người tham dự, đó là niềm hãnh diện của cha mẹ hai họ và bà con hàng xóm.

1 nhận xét:

  1. Bài viết rất hay và chi tiết.
    .................................................................................
    Mr Hùng - Chuyên chụp hình cưới tại studio Jerry Khnag.
    Keyword: Dịch vụ chụp hình cưới tại Studio JerryKhang

    Trả lờiXóa