CÂU CÁ
HE
TRẦN VĂN
Nói đến câu cá,
người ta thường nghĩ đó là việc làm giải trí, nhưng đôi khi đôi lúc cũng là cách
giết thời giờ, suy ngẫm chuyện đời, chuyện đại sự như người xưa ngồi câu cá để
chờ thời, đợi dịp ra hoạt động, thi thố tài năng cứu dân độ thế. Có nhiều người, câu cá là nghề làm ra tiền. Câu cá thường
dùng ba cách: có mồi, không mồi và mồi giả. Ở Mỹ, câu cá với
mồi giả rất thạnh hành. Còn ở quê nhà, có những cách
câu cá mà ở Mỹ không thể nào bắt gặp.
Vùng thôn quê của các tỉnh giáp với biên giới
Miên như Châu Đốc, Kiến Phong, Kiến Tường có nhiều cách câu cá độc đáo, câu cá
he bằng mồi hột bông gòn chẳng hạn. Thông thường, người ta câu cá, móc mồi vào
lưỡi câu thả xuống nước, cá ăn giựt lên. Tùy theo loài cá mà dùng mồi thích hợp. Muốn câu cá he to và bắt
được nhiều, người dân quê của xứ Bà Bài chuẩn bị thu
nhặt hột bông gòn từ năm ba tháng trước.
Vào cuối tháng chín,
đầu tháng mười âm lịch, thế hệ cá sinh sản
vào tháng tư, tháng
năm nay đều
lớn. Khi nước "đứng", dòng nước ở sông rạch
không còn luân lưu chảy siết, chỉ chảy lờ đờ. Trong đồng ruộng
nước "lình bình", đây là thời điểm lý tưởng nằm đâm cá bông và câu cá he bằng
hột bông gòn. Hột bông gòn, có người gọi là hột gòn, ngâm nước một đêm
hoặc lâu hơn để nước thật ngấm vào, làm cho hột gòn nặng thêm một chút, nếu
không chúng nhẹ tưng dễ bị gió thổi bay đi nơi khác.
Một năm, có độ hai tuần để câu cá he bằng hột
bông gòn và cũng chỉ bắt được cá he mà thôi. Còn các loài cá khác, mồi
này không hấp dẫn được chúng. Cá he, một loài cá quý,
ngon vào loại bậc nhứt của dòng họ cá trắng, nhưng ngặt một nỗi cá he có nhiều
xương.
o
Đợi nắng lên, sau
khi cơm nước xong khoảng chín mười giờ sáng, ở nhà quê ăn cơm trưa rất sớm. Đàn ông đi nằm tum đâm
cá bông, đàn bà đi câu cá he, người phụ nữ có tính kiên nhẫn hơn giới đàn
ông. Một người đi một xuồng, không bao giờ hai người
cùng ngồi câu cá he một xuồng cả. Ngồi câu cá he, người
ta không dám ho, không nhúc nhích sợ làm động, xuồng nghiêng, lắc, cá he lặn đi
mất.
Chống xuồng vào những khu vực có lúa hoặc cỏ
rậm, người thợ câu vẹt (vạch) ra một lỗ tròn bằng miệng cái thúng nhỏ, rải xuống
một nắm hột gòn. Nhờ hột gòn ngấm nước nên không bị gió đẩy đưa trôi ra ngoài
xa. Sau đó, đánh dấu tất cả lỗ tròn có rải hột gòn bằng
cách làm một cái nơ với những ngọn lúa, hoặc ngọn cỏ cao cột dính lại để dễ nhận
biết từ xa. Mỗi ngày, ra "thăm" chỗ đánh dấu, nơi nào
hết hột bông gòn, rải tiếp một nắm khác. Chỉ có cá he là thích ăn hột bông gòn. Nơi nào hột bông gòn còn nguyên, chứng tỏ
nơi đó không có cá he, chỗ
đó bỏ, không tiếp tục thả mồi nhử cá he nữa. Mỗi
chỗ cách nhau chừng mười, hai chục thước. Người thợ câu phải
mất ba bốn ngày mới tìm được năm bảy chỗ có nhiều cá he đến ăn hột bông
gòn và cá cũng quen dần sự khuấy động nước nên chúng cũng dạn. Một cách làm cho
cá he không còn sợ nữa là tiếp tục thả hột gòn xuống khi cá he đang tranh giành
quẫy đuôi đớp mồi, nhìn chúng đùa giỡn, để rồi hôm sau đến ngay địa điểm đó ra
tay.
Người thợ câu cá he
thường mang theo hai, ba cần câu, khi gỡ cá không kịp,
dùng cần câu khác thay. Chỉ may quần áo se đôi lại làm nhợ câu, lưỡi câu thường
dùng một cái nỏ uốn những cây kim may bị "sứt đít",
lưỡi câu không có ngạnh; cái ngạnh của lưỡi câu làm chậm trễ mất thời giờ phải
gỡ cá ra. Câu cá he là một nghệ thuật: kiên nhẫn, nhanh nhẹn nhưng không bộp
chộp và nhứt là tránh làm sẩy cá vì sẩy cá rất tai hại,
nước bị khuấy động, cá he sợ lặn mất. Cần câu cá he là một
nhánh tre thật nhỏ hoặc một thanh tre được "vuốt" nhỏ láng mềm dẻo.
Ngồi câu cá he không
được ăn trầu hoặc hút thuốc, tập chú vào câu cá đang tranh ăn hột gòn, rải tiếp
và cũng không được rải mồi nhiều quá, cá he ăn no cũng lặn mất. Gặp những chỗ có
nhiều cá he, chúng phơi kỳ vi đỏ chói, đưa bụng trắng
toát hoặc bụng vàng tươm của các con cá he nghệ, tranh giành mồi, nước bắn tung
tóe. Thời điểm này, người thợ câu không cần phải móc mồi bằng
hột gòn nữa, chỉ thả lưỡi câu xuống ca cũng đớp dính, giựt lên nhanh cho vào
xuồng mà trong xuồng lại có nước để rộng cá. Chỉ có
khoang mũi xuồng là có vạt để người thợ câu ngồi, còn các khoang khác để trống
và có nước. Mục đích để khoang trống, khi giựt cá lên,
lưỡi câu không ngạnh nên dính không chắc dễ bị sứt ra, rơi vào xuồng, và có
nước, cá sống tiếp tục. Xuồng cho nước vào để be xuồng thấp xuống khi
người ta ngồi làm nghiêng một bên chỉ cách mặt nước chừng một tấc hay hơn một
chút, cá dễ rớt vào xuồng, không rơi lại ra ngoài. Sự tính
toán của người dân quê rất khoa học, hợp lý.
Một địa điểm, câu được cá he chỉ trong vòng
mười, mười lăm phút là tối đa. Cá he rất tinh khôn, hơn nữa, lâu quá, thả
mồi nhiều cá ăn no bụng, cá đi mất. Người thợ câu giỏi,
có khiếu, "sát cá" chỉ trong thời gian ngắn ngủi đó cũng câu được có đến trên
dưới hai mươi con cá he to, khoảng bốn, năm ký cá. Một buổi
trưa đi câu chừng hai hoặc ba địa điểm cũng mệt đừ. Có
nơi câu được nhiều cá, có nơi câu ít cá. Vì vậy, người
thợ câu luôn luôn tìm chỗ mới để tiếp tục câu cho hết mùa.
Cá he câu được, đem
ra chợ bán hoặc rộng lại để ăn dần khi người ta không
còn câu được nữa. Dù ở nhà quê, kỹ thuật câu cá he bằng hột
bông gòn cũng ít người biết. Thông thường, câu cá ở nhà quê, chỉ để ăn một bữa hoặc hai bữa là cùng. Còn câu cá
he một năm chỉ có khoảng hai tuần nên người ta tận dụng tối đa, chịu khó, câu
được càng nhiều càng tốt.
Không phải ai đi câu cá he đúng kỹ thuật đã
được hấp thụ trước mà có nhiều cá; có người được nhiều, có người được rất
ít. Ở ấp Bà Bài, chỉ có
vài người là hạp với cách câu cá he, mỗi lần đi câu là mỗi lần có cá he rất
nhiều để sáng sớm hôm sau bơi xuồng ra chợ Núi Sam, Nhà Bàng bán và khi nào có
nhiều quá thì bơi ra chợ tỉnh Châu Đốc, xa hơn, bán được giá
hơn.
Hồi nhỏ, Ngọc thắc
mắc không hiểu tại sao, đồng thời cũng đi câu cá, có khi hai người cách nhau
chừng vài thước, một khu vực, mồi, cần câu, cách câu như nhau mà có người giựt
không kịp, còn người kia mãi nhìn trời hiu quạnh, bồn chồn và liếc qua người bên
cạnh như tiếc rẻ, sốt ruột. Người lớn giải thích là người đi câu hoặc giăng câu,
giăng lưới, đặt lờ, đặt lọp, được nhiều cá là người ấy có tính "sát cá". Ai sát
cá thì dùng bất cứ cách gì cũng bắt được nhiều cá hơn người khác. Có điều lạ
khác, có người câu được loại cá này nhiều mà câu loài cá khác lại ít; mỗi
người hình như đi câu hạp với một loài cá
o
Cá
he ngon, béo, cao cấp nhứt của loài cá trắng, thuộc họ hàng cá mè ở vùng nước
ngọt. Cá he là một trong ba loại cá mè ở vùng đồng bằng sông Cửu
Long. Ở miệt Châu Đốc, cá mè có rất nhiều mà cá he thì nhiều nhứt và cũng
thuộc vào loài cá quý hơn hai loài cá kia: cá mè dảnh
và mè dinh, mà người dân quê chỉ gọi gọn lại là cá dảnh, cá dinh. Hình thù của ba giống cá này tương đối giống nhau nhưng ai cũng dễ
phân biệt được.
Cá he: kỳ, vi, đuôi đỏ, vẩy trắng, mịn, mềm; cá dảnh về hình dáng, màu
vẩy trắng toát giống y chang cá he, nhưng kỳ vi, đuôi lại cùng màu với vẩy, hơi
sậm hơn màu trắng của vẩy một chút. Cá dinh, màu trắng của vẩy sậm hơn, vẩy cứng
hơn, kỳ, vi, đuôi cùng màu với vẩy. Có hai loại cá he:
cá he nghệ và cá he thường. Cá he nghệ ngon béo nhứt và cũng
quý hiếm nhứt trong dòng họ cá mè. Cá sanh cùng một lứa con lớn con nhỏ
khác nhau, không phải như câu thành ngữ: Cá mè một lứa. Ám chỉ
cá mè sanh cùng một lứa, hình dáng, giá trị giống nhau. Nghĩa bóng nói
những người cùng một lò, một hội, tổ chức làm điều gì đó thường là việc xấu,
người nầy giống y như người kia, không có phẩm chất
khác biệt nhau. Cá he nghệ và cá he thường, nếu trọng lượng
bằng nhau, người ta thấy cá he thường to con hơn, chiều dài, chiều ngang lớn hơn
cá he nghệ. Nhìn, quan sát kỹ mới thấy được cá he nghệ, mình dầy hơn, cái
nọng to hơn. Tại sao gọi là cá he nghệ ? Cá he nghệ,
cái nọng to vàng tươm và đậm, chỗ nầy là chỗ ngon nhứt của cá mè nói chung. Vẩy cá he nghệ cũng trắng nhưng màu trắng có pha ẩn màu vàng nên người ta mới gọi là cá he nghệ.
Nói đến nghệ là nói đến màu vàng của
nó. Cái
cổ cúc của cá he nghệ cũng dầy, thịt nhiều hơn cá he thường. Trong ba
giống ca ï:
dinh, dảnh và he, cá dinh lớn con hơn hai giống cá kia. Cá
dinh lớn, hai ba con là được một ký lô, còn cá he, cá dảnh cũng phải bốn, năm
con mới được một ký. Cá he ngon nhứt, rồi mới tới cá
dảnh, cá dinh đứng vào hàng thứ ba.
Cá he làm món ăn ngon nhứt là chiên tươi. Có người đánh
vẩy và cũng có người không, chỉ mổ bụng lấy lòng ruột bỏ đi, nhưng để lại mỡ và
gan. Mỡ cá he dùng để chiên lại cá vẫn thừa, người ta
nhét một ít mỡ lại vào bụng cá, chặt bỏ một chút cái mỏ nhọn, vạt hai cái vách
của mang cá, mang cá lại để nguyên. Rửa thật sạch nhiều
lần, mang cá có rất nhiều nhớt, kỹ hơn một chút, dùng muối bọt rửa mang cá mới
sạch hết nhớt. Cá để nguyên con, chảo thật nóng đã có mỡ phi hành tỏi
thơm phức. Mỡ có thể dùng mỡ heo hoặc
mỡ cá he vừa mới làm, hoặc dầu ăn, cho cá he vào. Xuống lửa thấp ngọn,
lửa liu riu cá lâu chín nhưng chiên cách này ngon hơn và ăn luôn vẩy rất dòn,
còn chiên lửa háp, ngọn cao, mau chín, cũng dễ bị khét, lại không ăn được vẩy,
dục tốc bất đạt là như vậy đó.
Ở nhà quê, thường
làm nước mắm me để ăn cá nhưng cá chiên lại không dùng nước mắm me mà dùng nước
mắm pha loãng có nặn thêm chanh hoặc pha giấm. Chỉ có
ăn cá nướng, cá hấp và các món ăn rùa, rắn, lươn mới
dùng nước mắm me. Nước mắm chanh (giấm) có tỏi ớt, pha
loãng cho con cá chiên ngập nước mắm.
Dân quê ăn mặn hơn dân thành thị nhiều, nên họ cũng khỏe mạnh hơn.
Một con cá chiên cho vào một dĩa nước mắm, loại dĩa có đáy sâu để chấm bông điên
điển hay bông súng làm dưa chua ăn rất bắt. Cả ba giống cá he,
dinh, dảnh có những món ăn gần giống nhau. Món cá dảnh kho mềm rục, lửa
liu riu kho lâu, có khi mất cả buổi - ăn luôn cả xương,
xương và vẩy rất bùi. Kho cách này, thường sắp ở đáy nồi một
lớp mía được róc vỏ, chẻ ra từng miếng ngắn, để cá nằm lên trên. Nước mắm pha
loãng, có thể cho vào một chút đường hoặc bột ngọt, nếm
thử, đổ vào nồi chỉ vừa đủ ngập cá một chút, nếu muốn cá kho khô cạn.
Muốn kho còn nước để
chan cơm ăn hoặc dùng chấm rau ghém hay bông điên điển
tươi, người ta đổ nước mắm pha loãng nhiều hơn. Các bà các cô
kho cá, kho thịt thường ướp nước màu. Kho cá cách này, không ướp nước màu
để nước trong, đẹp hơn và ăn khoái khẩu hơn. Ba giống
cá: he, dinh, dảnh có rất nhiều xương nhỏ lí tí, trẻ con ăn phải cẩn thận, dễ bị
mắc xương. Cái bụng cá là chỗ không có xương nhỏ, chỉ có xương
hai bên lườn to và xuôi xuống, rất dễ tách ra. Từ họng
đến hết lườn cá là chỗ ngon nhất, lại kể như không có xương, cha mẹ cưng con
thường cho con ăn phần nầy. Còn cái đầu cá dù nhỏ nhưng ăn rất béo, bùi, cánh đàn ông ưa nhứt.
Cách chế biến các
món ăn cũng quanh quẩn chiên tươi, chiên cá muối,
nướng, kho, nấu canh. Cá he nhiều lại bị chết cũng làm khô,
làm mắm như các giống cá khác. Một món ăn đặc biệt khác, cá chết hơi lâu,
vài tiếng trở lên, người ta làm cá he hoặc cá dảnh, cá dinh rửa sạch, xẻ rãnh từ
lưng đến bụng, muối sả ớt, nhét sả vào những cái khe nhỏ của đường xẻ và nhét sả
vào bụng cá, chiên, nướng rất thơm ăn với cơm nóng hổi hết sẩy. Muốn làm món ăn
tươi ngon, người ta mua hoặc bắt những con cá còn đang giẫy đành đạch, còn cá
chết rồi chỉ có nước là muối để chiên hoặc nướng hay làm mắm làm khô.
Ở nhà quê, có nhiều
cá, không khi nào người ta ăn cá đã chết lâu dùng vào
các món ăn chiên, nướng tươi hoặc kho, nấu canh... Còn cá đông
lạnh, như xứ Mỹ nầy, ở quê của Ngọc, đem cho chắc ai cũng chả thèm lấy đừng nói
chi là mua. Cá thịt đông lạnh phẩm chất làm sao mà ngon
cho bằng được cá thịt còn tươi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét