Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

VÀI GIÒNG CẢM THÔNG

   Vài dòng cm thông

* ca nhà văn Phm Thăng

          Tôi như nhà văn Hồ Trường An, lúc nào cũng sẵn sàng viết lời tựa, lời bạt cho Tuyển Truyện của bạn bè, nhứt là cuốn sách do bạn văn gốc Nam Bộ viết.
Tại sao vậy? Tôi có tinh thần địa phương quá chăng ? Không phải đâu. Bởi vì bạn văn người Nam viết chuyện miền Nam với tánh tình, phong tục, tập quán của vùng tôi biết rõ hơn vùng miền Trung, miền Bắc... tôi sẽ dễ dàng nhận định hơn.
Tôi yêu mến quê hương, may mắn là trước kia có điều kiện được đi nhiều các vùng trong nước. Sang xứ người, nhớ quê nhà, đã viết, đã tìm đọc chuyện quê hương, hôm nay được bạn Phong Hưng sắp ra tuyển tập nhờ tôi cho ý kiến. Tôi vui thích lắm. Lại được thêm nhà văn quê hương miền Nam đây.
Tôi sanh ra tại Long Hồ mà sống ở Châu Ðốc thời trai trẻ, có du học tại Cần Thơ, Mỹ Tho nên khi viết tựa cho Nguyễn Tấn Hưng và Hoài Ziang Duy về Mỹ Tho, Châu Ðốc tôi sung sướng để hồn thương quê trào thành chữ lên trang giấy, giờ đây nghe bạn Phong Lưu viết về Xà Tón của vùng Thất Sơn - Bảy Núi, tôi mong ngóng đón chờ từng ngày vì Xà Tón là vùng chợ nhỏ của tỉnh Châu Ðốc, nơi mà lúc còn ở Tiểu Học tôi được thầy giáo hướng dẫn đến cắm trại. Còn nhỏ, nên Xà Tón đối với tôi xa lạ, có nhiều "sóc đàn thổ" với những cây thốt nốt bao quanh ngôi chùa hai mái chồng lên nhau, ngói xanh, đỏ, vàng... có người đàn thổ (người Miên sanh sống tại đây lâu đời) mặt mày chất phác, nhưng nhìn vào đôi mắt sâu thẳm của họ, dân Việt Nam sống chung ở đó nơm nớp lo sợ nếu lúc nào đó, họ nổi cơn thù dân tộc, xách cái dao dâu rượt người Việt để cáp duồng (chặt đầu trả thù).
Ðúng như sự nôn nao chờ đợi của tôi, xấp bản thảo của bạn Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa đã làm tôi say mê đọc luôn suốt ngày, truyện nầy lôi qua truyện nọ, hay quá, phong phú quá, đáp ứng cho người thương nhớ quê nhà đọc để tìm lại, để thấy rõ hơn vùng đất Xà Tón nầy !
Ðối với tôi, những cây thốt nốt cao vút với chùm lá tròn, những cái nồi, cái om, cà ràng bằng đất nung, chất hàng đống bên bờ kinh, những chị đàn bà Miên mặc áo vải đen cổ tròn, dài khỏi đầu gối không xẻ vạt, chen lấn mua bán với các cô gái Việt địa phương trắng trẻo, các cô gái đầu gà đít vịt (lai Tàu) mặc áo bà ba, quần lãnh mặc nưa đen mướt... không quá xa lạ, nhưng ở truyện nầy, nhà văn Phong Hưng đã dẫn độc giả vào tận thôn xóm xa xôi đó với nhiều chi tiết tả cảnh, tả người giúp cho độc giả như thấy trước mắt.
Chúng ta hãy theo dõi xứ Xà Tón trong truyện "Tiếng Khóc Con Ðiên" :
"Mùa mưa lạnh lẽo vùng đất Bảy Núi lầy lội, ít ai muốn bước chân ra khỏi nhà, nhưng nắng hành hạ dân không kém, đi suốt cả gần nửa ngày mới gánh được đôi nước Chơn Num, nước màu trắng đục, uống chua chua, dân xứ khác tới thường bị chanh nước, bụng lớn, da vàng mét. Thế mà cũng có nhiều người tới đây lập nghiệp, cái nghiệp nghèo.
Dân quanh chợ hầu hết gốc Triều Châu, buôn bán ở trong năm dãy phố cất từ xưa, mái ngói đỏ. Nghe nói thời đó vùng nầy còn là rừng dừa, khỉ đu từng đàn dám chọc phá người đi một mình, nên đặt tên là xứ "Xà Tón" (Swaton = Khỉ đu). Dân Tàu lập nghiệp gần khoảng 60 năm chen chân cạnh tranh không xuể ở các tỉnh lớn, lui dần về đây, vì dân Miên "chưa biết đi guốc", dễ làm ăn thất bại, một số người cùng đường lại bỏ đi nữa, lên Nam Vang, cái xứ "Trai vô bạn biển, gái về Tào Kê".
Dọc theo chân núi đồi là những Sóc Miên, nhà sàn, phần dưới nuôi gia súc, phần trên người ở, họ sống bằng nghề làm rẫy, dệt vải, nặn nồi om, mang ra chợ bán. Họ di chuyển bằng xe ngựa, voi, hay đi bộ. Ẩn hiện trong những hàng dừa, tre, thốt nốt, có những ngôi chùa Miên mái cong như những ngôi tháp chứa hài cốt thiêu, làm tăng vẻ huyền bí xa xôi.
Mỗi buổi sáng các Sư Sãi chậm rãi đi khất thực, len lỏi qua các khóm tre, bọn "Col Sóc" (chú Tiểu) lẽo đẽo theo sau kêu lớn "Lốt chăm bai" (Sư độ cơm). Các bà Miên quấn sa-rông sặc sỡ, đi chân đất, kính cẩn bưng cơm để nhẹ vào bình bát ông Lục, thức ăn giao cho Col Sóc trong gà-mên. Ðời sống trong Sóc nghèo thong dong và thanh thản, thời gian như ngừng đọng lại...".
Ðấy, bạn đọc đã thấy hình ảnh "Sóc người đàn thổ" chưa? Yên tịnh theo thời gian... Tác giả còn ghi đậm nét :
"Lâu lắm rồi, từ ngày ông Leo Teo cao hơn ngọn thốt nốt lâu lâu hiện lên đứng chàng hảng trêu ghẹo người yếu bóng vía ở xóm Ô Thôm, cuộc sống xứ nầy không thay đổi mấy. Cuộc sống thật phẳng lặng theo một trật tự nào đó, một sự sắp đặt gần như hoàn hảo. Ðất trong xứ được chia đều hợp lý, chia hồi nào ? nghe nói cả hơn trăm năm trước, từ khi chợ quận cất năm 1906, con kinh đào mang nước bạc Hậu Giang từ kinh xáng Vịnh Tre chảy thẳng đâm ngang hông chợ. Quanh chợ là những dãy phố thương mại dân Tàu làm chủ, cung cấp hàng hóa nhu cầu dịch vụ cho dân chúng quanh vùng. Dân thời đó không có nhiều nhu cầu như bây giờ. Dân nghèo ở Sóc phụ cận với miếng rẫy giồng khoai quanh năm chỉ cần quần Cành tăng, áo Phá lấu cứ ghé bàn máy may ở chợ của ông Bảy Sinh, may xong trong ngày. Dân thầy ký thầy thông thì đặt may ở phố tiệm Sum Nguyên, may bộ pyjama bằng vải lụa lèo dạo mát hay mặc đi ăn cưới. Ðau ốm thì tới dược phòng Bảo An Xương hay Vạn Trường Xuân coi mạch hốt vài thang thuốc Bắc, mang về xắc ba chén còn lại năm phân, uống cũng hết. Buổi sáng nghèo thì ngồi chồm hổm trên chõng tre ăn cháo lòng của bà Tây Lèo, hoặc ăn bánh hỏi thịt luộc với rau ngành ngạnh, hay bánh canh bột gạo của Ý Hiệu. Trẻ con có thể mua trứng chim cò, trứng trăn luộc sẵn, cùng lắm là ăn củ co, bắp hầm...". (Truyện tặng cho không bán).
Tác giả rất thành công trong việc kể lại hình ảnh Xà Tón thời trẻ thơ của mình. Kể bằng lời văn mà thấy sống động như vẽ tranh trước mắt vùng Bảy Núi còn đậm mùi huyền bí:
"Cái xứ kinh cùng chợ ngang, tận góc núi, ruộng phèn cỏ cú nhiều hơn lúa, mùa nước bao la như biển, mặt hậu những dãy núi xanh thẳm hùng huyền bí chở che bao bọc, cho cây trái, thú rừng nuôi dân. Những dãy núi như những con rồng thiêng, con hổ phục, sấu thần nằm yên chờ thiên lịnh quẫy đuôi làm ngựa cho Tiên Thánh hạ phàm nổi bão, diệt trừ yêu quỷ...". (Hai Cuộc Biểu Tình).
Càng đọc, chúng ta càng phục tác giả đã có công nghiên cứu rồi ghi lại những hình ảnh đời sống dân nghèo vùng đó, thời đó. Những cảnh sống cơ cực của hạng người đinh đâm heo, đập chó, đời nghệ sĩ nghèo sống bằng "gạo chợ nước sông", đời lên voi xuống chó của cô gái lấy chồng ngoại quốc... Trong hơn mười truyện ngắn mà tác giả dựng lại nhiều nhân vật quay cuồng trên "sân khấu cuộc đời mình" đủ đầy kịch tính hài hước, bi ai với những âm thanh sống động. Kể ra đây chúng ta sẽ gặp: Chú Xua cạo heo, Chú Tám chuyên nghề giết gà vịt, lấy lòng heo làm phá lấu, chú Chệt Xái bán nước uống, ông Tà Ni chuyên việc đập giết chó hoang, cha quét chợ, chú Bảy Tề làm nghề tài xế, hai anh thợ yêu nghề: anh Năm thợ hồ, anh Sáu thợ mộc, anh chàng kêu lô-tô, cô Marie lấy Tây, anh lính người Mỹ tên Sạt, anh đàn thổ chất phác tên Pù Rum v.v... Ðó là những nhân vật giai cấp lao động, còn có nhân vật trí thức như quý Thầy của tỉnh Châu Ðốc của tôi như ông Ðốc Ðồng, ông Ðốc Thân, Thầy giao Ða, Thầy giao Nhựt, Thầy Phương... lại còn có Thầy giáo dạy các em học trò nhỏ ở trong... Ðình.
Tác giả dựng lại cuộc đời các nhân vật đó sống động với tình cảm, đọc xong chúng ta bùi ngùi. Hãy lướt qua vài đoạn về nhân vật trong truyện "Trái Ô-Rô" để thấy sân khấu trên sàn gỗ lẫn lộn với sân khấu với sân khấu cuộc đời: Thương ơi là thương! Khi nói về ông bà Bầu gánh hát nghèo trôi nổi theo chợ quận, chợ làng để giúp vui thiên hạ kiếm sống:
"... Nước sông gạo chợ, ghe bầu là căn nhà di động an toàn nhứt của tiểu gia đình mang cái nghiệp cầm ca... Riêng ông Bầu, bà Bầu, nghe tên tưởng đâu mập. Bà đúng là bà Bầu, còn ông thì gầy, tay chân khẳng khiu, mặt tái mét, có tên là Bầu ốm. Một thời ông theo đoàn Sơn đông mãi võ, làm quảng cáo cho nhà thuốc Hiệp Sơn, sau đó bỏ trốn vì bị tình nghi vì cái quá khứ làm Thanh Niên Tiền Phong của ông. Bây giờ bọn lính kín rình rập nghe từng câu hát trong tuồng, sợ liên hệ tới quốc sự. Ngoài nghệ thuật sân khấu công còn bao nhiêu vấn đề khó khăn phải đương đầu. Có đêm hát xong, đào kép chưa kịp rửa mặt, khán giả ra về, dưới ghế có vài tờ truyền đơn, vậy là đêm đó có cơ ngủ bót... Mỗi lần có ai trả giá mua giàn, ông năn nỉ, mặt nhăn nhó như muốn khóc: -Khổ lắm ông à, ông trả thêm chút đỉnh cho đào kép nhờ, bảo đảm vở tuồng đêm nay thu hút khán giả, ông lời chớ không có lỗ đâu mà sợ. Ông biết có lời, sao ông không tự bán vé lấy? Vì khán giả có đông nhưng không có người giữ trật tự. Thanh niên theo phá các cô đào trẻ, lũ con nít quỉ chạy loanh quanh vạch đệm chung vô rạp leo tuốt lên sân khấu hậu trường làm sao kiểm soát nổi, rồi hàng ghế đầu thượng hạng dành cho khán giả danh dự, tiền thâu vô cửa chưa đủ đong gạo...
Thôi đành ép bụng bán giàn rẻ cho xong. Ông khổ lắm, chưa kể đào kép mè nheo lớn tiếng khi gặp lương trễ... Ðó là bầu gánh.
Còn đào kép sống đời cầm ca cũng trăm đắng ngàn cay, nhiều lúc va chạm tự ái họ bực mình đòi đi gánh khác, nhưng chuyện đâu còn đó. Họ cũng quen chuyện bực bội hàng ngày với bầu gánh, thầy tuồng, thầy đờn, đứa đề co, khán giả từ ông già râu dê tới đứa con nít mất dạy. Họ biết thân, đi gánh nào rồi đói cũng hoàn đói...
Ðộc giả sẽ thương ông thầy đờn mù mắt nhưng trời ban cho ông rất thính tai, ông sống trầm lặng trên manh chiếu rách, lòng thảnh thơi trong bóng tối. Ðào kép dù nổi danh đến đâu cũng phải nể vì ông, họ rất sợ thầy đờn phá, nhứt là đào kép còn non tay nghề. Ông dễ xúc động và thương ghét những mảnh tình đào kép phụ phàng nhau, khi còn chưa nổi danh thì yêu nhau lắm, vậy mà lúc Tổ nghiệp cho danh tiếng, sáng sân khấu thì phụ rãy theo kẻ có quyền hành, sang giàu, bỏ anh chồng là kép phụ đêm đêm nằm một mình hiu hắt... Ðộc giả sẽ thông cảm như ông thầy đờn khi anh kép phụ bị vợ bỏ theo ông Xếp lớn. Anh ta đau khổ vậy mà trớ trêu thay, trong một đêm diễn xuất, đang đóng vai người điên, anh gặp người vợ lúc còn trẻ nghèo đang ngồi với người chồng giàu và oai quyền, anh uất ức nên điên xuất thần, anh cương nhiều đoạn hát xiên xỏ để chửi ông Xếp ngang tàng hống hách và người vợ tham phú phụ anh: Anh chàng điên quay mòng, thình lình ngưng lại quắc mắt nhìn Ngay (người vợ đã phụ anh). Oan ức hận thù biến thành đám ô-rô xanh, anh mệt nhừ, giọng hát rã rời khản đi như thanh niên mới lớn bị bể tiếng:
"ơ ớ kìa
Chim quyên ăn trái ô-rô
Ðứa nào lấy vợ tao á á á... là là là..."

Xếp Sử và Ngay đã hiểu ý, rõ như ban ngày...
Anh kép mất vợ đau khổ cương đến đây, lơ mơ tìm bốn chữ cuối cho hợp vần, bị nghẹn, ngã lăn trước cổng chùa. Màn hạ. Khán giả vỗ tay, lục tục ra về, Thầy tuồng nhào lên sân khấu chụp vai anh kép đau khổ đang sống cảnh điên giả, điên thật. Ông Bầu cũng xỉ vả anh:
-Mầy học câu đó ở đâu? Ai hát? Chim quyên ăn trái nhãn lồng hoặc chim quyên xuống đất ăn trùng còn được; còn mầy lại hát chim quyên ăn trái ô-rô... Mày ở kinh rạch phải biết là ô-rô không có trái thì lấy gì chim quyên ăn?
Chỉ có ông thầy đờn Mười Sang cười ha hả: -Hay! Bữa nay tao thấy mầy xuất thần đó Kèo. Mày lột lưỡi đã tai quá. à, mà tại sao câu chót mầy sượng? Tao đờn chậm, đợi mầy lâu quá mà mầy nghẹn...
Mọi người la hét, hỏi, trong khi anh kép điên còn lơ mơ vì nghẹn hờn và nghẹn lời. Cái vần chữ ô đang làm anh lẩm bẩm: "Cái gì kìa... là 'mô, cô, lô, nhô...'. Vần ô ác thiệt...".
Trưa hôm sau, anh kép bị lính đàn em của Xếp Sử lấy báng súng dộng vô mặt. Anh nằm thiêm thiếp, mắt tím bầm, mấp máy môi sưng chìa ra mấy cái răng máu đỏ... Bỗng anh vui mừng la lên: Kiếm ra rồi, kiếm ra rồi:
"Chim quyên ăn trái ô-rô
Ðứa nào lấy vợ tao, á, á, là, là, là...
Kèo khạc phun ra một bãi máu bầm.
"... là là... đồ thất phu".

Ðó là tâm tình của kiếp cầm ca, con các nhân vật lao động thì rất sống động chi tiết:
"Buổi sáng, sau khi cà-phê cà pháo xong. Sáu Hường mở thùng đồ nghề trịnh trọng làm việc. Sau Hường tối kỵ việc cho mượn dụng cụ dù viên đá mài dao. Chú làm việc kiên nhẫn với cây cưa, búa, bào, đục.. hiệu Bờ-Rô Sư Tử của Tây. Cây búa bén ngót gọt cam ngọt xớt, dụng cụ được chú tự tay mài tỉ mỉ hàng giờ, bên tai giắt cây viết chì, bên giắt điếu thuốc vấn hút dở dang, bàn tay vàng màu vẹt-ni. Ai đặt khung cửa sổ, chú làm xong mang đến ráp vào khít khao, cánh cửa không bị xệ. Chú thường nói: làm cửa sổ, cửa cái, quan trọng là bản lề tùy theo cửa và cây nặng nhẹ. Ðinh cũng vậy, đinh lớn đóng cây mỏng phải khoan cây trước. Ván tùy theo loại ván thao lao, dầu mềm hơn căm xe, cà chất. Ðóng cây ván dài ngắn, dầy mỏng trong xưởng lớn nhỏ đủ loại, được bàn tay khéo léo đóng thành đồ gia dụng. Sáu Hường có thể nhắm mắt cầm khúc cây biết đầu nào ngọn, đầu nào gốc, loại gỗ gì... Ðấy là anh thợ mộc.

Còn anh thợ hồ tên Năm Có, chiều chiều trước khi chủ nhà dọn cơm đãi thợ, Năm Có đứng chỉ huy tổng quát, lớn tiếng dặn dò đám thợ phụ cốt ý cho chủ nhà nghe: mỗi buổi chiều tụi bây nhớ tưới nước sương sương lên vách, để cách đêm tường chắc, tô vách tường thì xi-măng phải già hơn một chút, tô bằng bàn chà cho bằng phẳng mới lấy bay vuốt cho láng. Pha nước vôi phải nhớ mấy phần nước mấy phần vôi... Tuy gắt gao với thợ phụ nhưng Năm Có đối với em út rất có lòng nhứt là với các cô gánh hồ, như cô Hai Thảo được chú che chở, ngon ngọt...
Theo thời gian và cuộc đời đổi thay, nghề của Năm Có, Sáu Hường bị ra rìa. Hai ông thợ yêu nghề giờ đây ngồi không, uống cà-phê nhìn thời cuộc đang qua trước mắt. Hai người thấy cần nương tựa nâng đỡ tinh thần nhau để sống, bớt lẻ loi sau thời niên thiếu long đong làm việc nhọc nhằn như con ong thợ xây tổ mà không được hút mật... Hết cả dãy phố bị nhà nước "mượn" dần, hai người thợ già dẫn nhau đi xem. Chủ nhà bị đuổi tiếc của đã đành, Năm Có và Sáu Hường tiếc công mình mấy mươi năm xây dựng, kẻ tiếc của, người tiếc công. Mỗi lần nghe nhà ai bị tịch biên, tim hai người bị nhói ít nhiều, chắt lưỡi tới lui, tiếc hùi hụi như người mất của: "ừ nhà tôi xây đó, tường xây gạch thẻ chắc chắn...." Cả hai dựa vào nhau, mặt buồn thiu ủ rũ. Trên bờ đê, đám lau sậy cúi đầu yên lặng, xì xào tâm sự, chia xớt nỗi xót xa. Bỗng có tiếng: "Ông ơi, lên xúc cám cho heo ăn giùm". Thím Năm gọi chồng. Bên kia nhà, tiếng thím Sáu ơi ới: "Ông ơi lên bửa giùm đống củi, mai có nắng phơi". Hai ông già nhìn nhau, chia xẻ chung một ý nghĩ "thợ hồ mà bắt đi xúc cám cho heo ăn; thợ mộc khéo như anh mà bả kêu đi bửa củi". Chú Năm lép nhép: "giết ruồi mà mượn tới gươm vàng". (Truyện Anh Năm thợ hồ và Anh Sáu thợ mộc).

Ôi thời gian qua đem lại nhiều lần đổi đời. Chợ Xà Tón (của tác giả) vẫn còn đó, thời cuộc đổi thay, hai vòi rồng trên nóc chợ chứng kiến bao nhiêu thế hệ qua rồi. Những hàng me keo, thốt nốt quanh chợ bị đốn dần, lớp trẻ tấn lên cất thêm sạp quanh chợ buôn bán. Năm 1970, chiến tranh khốc liệt, đám mấy cha trong núi kéo về bắn cháy chợ, còn lại nền đá xanh nhấp nhô màu hổ phách nhắc nhở vết chân ông Tà Ni và những người thế hệ ông đi qua, nào bà Cà Ngul giữ em nghèo xơ xác, nào Pù Ưng bẻ nhánh cây me nước đánh đứa con ham chơi rồi ôm con sướt mướt khóc kiếp nhọc nhằn, nào chú Sáu Nhỏ vào buổi xế trưa hanh nắng, kêu lô-tô say sưa ứng khẩu trêu ghẹo bà bán chuối chiên có đứa con gái bỏ theo anh kép chánh đoàn cải lương vừa dọn đi. Lớp người đi qua chợ không để lại dấu vết gì hiển hách, như lá me rụng mục thành đất... (Truyện Ông Tà Ni) .

Truyện nào của Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa đều bàng bạc tình người giữa chợ đời đen bạc nhưng tôi rung cảm nhứt là truyện Bốn Năm Với Trường Thủ Khoa Nghĩa ở Châu Ðốc. Không phải vì chuyện của trường Primaire, nơi tôi đã học trước khi lập thành Trung Học mà vì đa số Thầy Giáo, Ông Ðốc của trường Trung Học Thủ Khoa Nghĩa đều là thầy cũ của tôi, từ khi làm Giáo viên đến lúc lên làm Ðốc học. Làm sao không bùi ngùi thương nhớ Thầy xưa khi tác giả nhắc tánh tình từng Thầy của tôi lúc trước. (Tôi xin kính gọi thân thương quí Thầy Cô bằng Thầy của tôi, mặc dù khi Lưu Nhơn Nghĩa kể lại trong truyện đã lên làm Ðốc học). Nào là Thầy Thái Văn Thân tánh tình bác ái, tin người. Nhà Thầy ở ngang nhà tôi và tôi là học trò giỏi về toán và... vẽ, nên Thầy chọn tôi làm đứa cộng sổ điểm hàng tuần, hàng tháng và chuyên vẽ Bảng Danh Dự, Bảng Hàng Tuần, Bảng Ám Ðọc... Tuần nào cũng phải ngồi suốt buổi sáng để cộng cộng, chia chia. Tôi toàn quyền trong các bài toán tìm hạng cao thấp đó mà Thầy tin cậy (ví dụ tôi làm bộ cộng sai để tôi hoặc bạn thân nào đó thêm điểm, Thầy đâu biết, nhưng tuổi thơ trong trắng không cho phép tôi làm vậy, vả lại là học sinh được Thầy cho ôn sổ điểm, tôi hãnh diện lắm, nào đâu dám nghĩ chuyện sai quấy). Rồi bạn Lưu Nhơn Nghĩa nhắc chuyện Thầy Châu Văn Ðồng, nói năng trầm tĩnh, người mà tôi kính phục vì Thầy đã bỏ bao nhiêu thì giờ để kèm thêm học sinh buổi tối, ngày chủ nhựt, mong cho học trò mình thi đậu concours vào Trung Học Phan Thanh Giản ở Cần Thơ, lúc đó chưa có Trung Học Thủ Khoa Nghĩa. Nhắc đến Thầy Phan Cao Nhựt, vì tác giả học sau tôi mấy năm nên không biết Thầy có bịnh đau mắt hột (trachome). Thương Thầy lắm. Những buổi trưa nắng gắt, mắt Thầy bị xốn xang, đi bộ từ nhà đến trường mắt Thầy rất khó chịu, nằm sau cặp kính râm, da mặt Thầy nổi sần sùi... Học trò chúng tôi đều biết để dừng làm Thầy nổi giận, bài học phải thuộc trôi chảy, nếu Thầy kêu lên bảng đen để vẽ bản đồ hay dòng sông v.v... thì hãy mau mắn đừng để Thầy tức giận mà chọi cả cây roi mây vào lưng... Lúc ban đầu tôi cũng nhát sợ như các bạn, nhưng dần dần tôi biết bịnh đau mắt làm Thầy bực dọc, chớ buổi sáng Thầy hiền từ nói nhỏ nhẹ với học trò, những buổi trưa nắng gắt đó, gặp giờ Ðịa Lý, tôi thường nhẹ nhàng lên xin Thầy được trình bày bản đồ theo bài học. Thầy Nhựt vui lòng lắm. Tôi biết Thầy mong học trò nên người chớ nào ham đánh học trò mình. Thầy muốn đứa nào cũng mau giỏi. Các bạn lớn tuổi đều thương kính trọng quí Thầy, quí Ðốc học tận tình của Trung Học Thủ Khoa Nghĩa. Khi làm báo trong nước cũng như khi sang xứ người tôi có bài viết về các Thầy xưa, đó như lòng biết ơn với ân sư. Tác giả Lưu Nhơn Nghĩa cũng vậy, đã dành một chương dài nói về các ông Ðốc Học, các Thầy giáo quí mến đó.
Ðọc xong tuyển truyện chúng ta còn sung sướng vì được đọc lại những danh từ, động từ của địa phương miền Tây, mà từ lâu ít được dịp dùng đến và tác giả kỹ lưỡng chú thích. Nào là: bán nới (bán rẻ hơn), thịt bệu (thịt mềm quá), bú thép (bú nhờ), dốt dốt (chưa mấy khô), un muỗi (lấy vỏ dừa đốt cháy ngún, khói lên xua bớt muỗi), quần xà-lỏn (giống quần đùi), qua (tiếng xưng hô: tôi) v.v...
Tập tuyển truyện còn một ưu điểm lớn là tác giả đã đưa vào tập rất nhiều câu hò, tiếng hát, bài vè... của vùng Ðồng Bằng Sông Cửu Long và vùng biên giới Miền Tây nước Việt. Rất cám ơn nhà văn Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa vì đây là tài liệu, một kho tàng văn học bình dân vô giá cho thế hệ mai sau, cho những nhà sưu tầm khi cần đến.


(Mùa nắng ấm ở Canada, năm 2000

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét