Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

QUÁI THÚ Ở THẤT SƠN

Quái thú” bí ẩn và chiếc sừng hút độc rắn ở Thất Sơn

Có một loài thú, dù nửa thực nửa hư, song rất nổi tiếng ở vùng Thất Sơn (Tịnh Biên, An Giang), đó là con dinh rắn.
Đạo sĩ Ba Lưới, người sống 80 năm trên núi Cấm, hiện đã 100 tuổi bảo rằng, Thất Sơn nổi tiếng vì có nhiều rắn độc. Từ loài bé bằng chiếc đũa, đến loài hổ mây đều có khả năng giết người.
Những loài rắn nổi tiếng độc ở Thất Sơn là loài chàm quạp, quạp voi, quạp dây, hổ sơn, hổ chuối, hổ đất, hổ hèo, mai gầm, hổ mây, hổ chúa. Những con rắn này cướp mạng cả voi, chứ chẳng nói gì người.
Xưa kia, các đạo sĩ vào rừng Thất Sơn tu luyện, thường mang theo một chiếc sừng của loài dinh rắn. Có chiếc sừng này trong người, cùng với một số bài thuốc bí truyền mà họ nắm giữ, thì mọi độc dược của rắn sẽ được hóa giải.
Ông Ba Lưới vào căn nhà nhỏ giữa rừng, nơi vách núi Long Hổ Hội, thắp hương trên bàn thờ, rồi mở hòm gỗ lấy cho tôi xem một chiếc sừng màu đen tuyền, cong cong rất lạ, như chiếc lưỡi câu.
Chiếc sừng này chỉ nhỏ bằng ngón tay cái và dài chưa đầy gang tay. Ông chỉ cho tôi nhìn một lát, rồi lại cất đi ngay.
Với ông, đó là báu vật, là vật thiêng. Chiếc sừng cũng có linh hồn, như thực thể sống. Nó đã cứu mạng cả ngàn người trong suốt cuộc đời hành đạo, trượng nghĩa của đạo sĩ Ba Lưới.
Theo ông Ba Lưới, năm 19 tuổi, lên núi Thất Sơn tầm sư học đạo, ông đã hai lần bị rắn cắn suýt chết trong cùng năm nó. Nếu không học được bài thuốc trị rắn cắn, thì không thể tồn tại được trên đỉnh Thiên Cấm Sơn, nên ông đã dày công tìm thầy học thuốc rồi mới học võ.
Người thầy đầu tiên tên Trường Sơn đã truyền cho ông bài trị rắn độc bằng cây, lá, nhưng người thầy thứ hai, là đạo sĩ Bùi Văn Thân, đã truyền cho ông bảo vật, đó là chiếc sừng dinh rắn.
Lúc chuẩn bị lâm chung, đạo sĩ Bùi Văn Thân nắm tay đệ tử Ba Lưới dặn dò: “Ta truyền cho con vật quý của tổ tiên để lại. Con phải ra sức tu tâm dưỡng tánh để cứu người. Cầm bảo vật trong tay mà con không cứu được người là có tội với tiền nhân”.
Mặc dù đạo sĩ Ba Lưới hiểu biết rất rõ về các loài vật kỳ dị ở Thiên Cấm Sơn, song loài dinh rắn vẫn là bí ẩn với ông.
Ông bảo, chỉ có duy nhất một lần ông nhìn thấy loài vật kỳ dị, lạ lùng, tưởng như chỉ có trong thần thoại này. Nó là loài thuộc họ bò sát, nhưng ngắn hơn rắn, dài hơn con rít (con rít như mô tả ở kỳ trước, giống con rết, nhưng to bằng cái phích, dài gần 1m).
Đầu nó tù, chứ không dài như đầu trăn và bành như đầu rắn hổ mang. Nó không lớn lắm, chỉ nặng trên dưới 10kg. Trên mũi con vật lạ lùng này có một chiếc sừng cong ra phía sau.
Loài dị thú này sống ẩn dật trong các hang động, trên núi cao, nơi không có con người đặt chân đến. Đôi khi nó ngủ trên cây bằng cách móc sừng của nó lên cành.
Món ăn của dinh rắn là các loài rắn độc. Các loài rắn độc gặp dinh rắn thì sợ hãi, thân cứng như khúc củi, không di chuyển được nữa, nó chỉ việc bò đến xơi tái.
Các đạo sĩ ở vùng Thất Sơn bắt được dinh rắn thì cắt lấy sừng, rồi thả nó ra. Chỉ một thời gian sau, chiếc sừng lại nhú lên, mọc lại như cũ.
Sừng dinh rắn không những có khả năng hút các loại nọc độc của rắn khi áp vào vết thương, mà mang sừng dinh rắn trong người, các loài rắn độc đều chạy mất.
Chuyện này cũng liêu trai, đồn thổi y như chiếc nanh hổ có khả năng khắc chế loài chó.
Chuyện về chiếc sừng dinh và loài dị thú có tên dinh rắn, có lẽ là chuyện bí ẩn nhất vùng Thất Sơn vốn lắm huyền bí.
Nhiều nhà sinh học, nghiên cứu y dược đã tìm hiểu về chiếc sừng dinh rắn hiện thuộc sở hữu của một số thầy thuốc vùng Thất Sơn, song vẫn chưa tìm được lời giải mã.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, đó là sừng hươu, sừng sơn dương, được người xưa hơ lửa uốn cong cho đẹp và không có tác dụng hút nọc độc của rắn.
Thế nhưng, có một sự thật, là người dân vùng Thất Sơn, khi bị rắn độc cắn, thường không đi bệnh viện, mà tìm đến các đạo sĩ, các thầy thuốc có chiếc sừng dinh để nhờ chữa trị.
Ngoài đạo sĩ Ba Lưới nổi danh thiên hạ với cách chữa rắn độc bằng sừng dinh, cây lá, truyền khí công, người dân vùng Thất Sơn đều biết đến ông Tư Tùng (tức Bùi Thanh Tùng) ở ấp Thới Thượng, (Thới Sơn, Tịnh Biên, An Giang).
Nhà ông Tư Tùng cách núi Cấm không xa. Ông Tư Tùng dù không phải thầy thuốc, nhưng với chiếc sừng dinh rắn, ông cũng đã cứu cả ngàn mạng người bị rắn độc cắn.
Hễ ai trong vùng bị rắn độc cắn, họ khiêng người trúng độc đến nhà ông Tùng. Ông sẽ rạch một vết nhỏ chỗ rắn cắn cho máu chảy, rồi áp sừng dinh vào.
Sừng dinh như chiếc nam châm hút chặt vào vết thương. Khi rút hết nọc độc, chiếc sừng chuyển màu đen bóng rồi sẽ tự rời ra. Ngâm chiếc sừng trong rượu, nọc độc sẽ thôi ra đen sì.
Sau khi dùng sừng dinh rút độc, nạn nhân sẽ tỉnh táo, khỏe mạnh. Tiếp đó, ông Tùng sẽ điều trị bằng lá cây, để nạn nhân bình phục nhanh chóng.
Đấy là lời kể của ông Tùng, còn sự thực về tính năng hút độc của sừng dinh đến đâu chưa ai rõ. Cũng có thể nó có một chút tác dụng, còn để cứu mạng nạn nhân bị rắn độc cắn, cần đến các bài thuốc khác nữa.
Trong tác phẩm Cây huê xà (loài cây dây leo giống con rắn, mọc trên núi Cấm, dùng để chữa rắn độc), nhà văn Sơn Nam cũng nhắc đến sừng dinh: “Ăn bánh ngải rồi uống nước chanh. Xong xuôi, nằm xuống hút một điếu á phiện với cái dọc tẩu làm bằng sừng con dinh…”.
Bài thuốc trị rắn độc gồm 5 vị mà nhà văn nhắc đến gồm: Ngải mọi, nước chanh, á phiện, sừng dinh, huê xà. Tiếc rằng, nhà văn Sơn Nam đã đi xa, nên không ai hỏi được thêm thông tin chiếc sừng dinh từ ông. Nhưng rõ ràng, chiếc sừng dinh trị rắn độc đã có từ lâu lắm rồi ở vùng Thất Sơn huyền bí.
Câu chuyện của nhà văn Sơn Nam cũng cho thấy, sừng dinh chỉ là một vị trong bài thuốc chữa nọc độc của rắn mà thôi.
Không chỉ sừng dinh có công dụng hút nọc rắn từ cơ thể người, mà nhiều dược liệu khác cũng có tác dụng tương đương. Chẳng hạn như hạt đậu Lào cũng có khả năng hút độc rắn rất tốt.
Giới săn rắn thường thủ hạt đậu Lào trong người. Nếu bị rắn cắn, họ chích cho máu chảy, rồi áp hạt đậu Lào bổ miếng vào vết thương. Hạt đậu sẽ dính chặt vào cơ thể như nam châm. Khi hút hết độc, nó tự rơi ra. Thả hạt đậu đó vào chén rượu, nó sẽ thải độc ra. Hạt đậu đó lại dùng được cho những lần tiếp theo.

Bí ẩn loài “trăn tinh” khổng lồ ở Thất Sơn huyền bí

Vùng Thất Sơn không chỉ nổi tiếng và kỳ bí với những đạo sĩ thoắt ẩn thoắt hiện trong rừng, võ công cái thế, xuất quỷ nhập thần, với loài rắn hổ mây to như cây thốt nốt già, mà còn vô số những thứ kỳ quái, lại lùng khác.
Những ngày tìm hiểu ở vùng Thất Sơn, phóng viên thu lượm được vô số chuyện lạ lùng, khó tin. Những câu chuyện mang tính huyền thoại, nhưng như thể là thực, mang tính thời sự ở vùng Thất Sơn lắm chuyện huyền bí này.
Theo đạo sĩ Ba Lưới, đạo sĩ duy nhất còn sống, hiện tròn 100 tuổi, tu ẩn ở núi Cấm (ngọn núi cao nhất vùng Thất Sơn, thuộc xã An Hảo, Tịnh Biên, An Giang), thì xưa kia vùng Thất Sơn rừng rú rậm rạm, chỉ có thú dữ sinh sống.
Ngoài các đạo sĩ tinh thông võ nghệ, thì không ai dám vào rừng sinh nhai. Nơi đây không chỉ có loài cọp vằn vàng như bình thường, mà còn có vô số hổ trắng, hổ đen. Loài hổ đen, hổ trắng vô cùng hung dữ, to như trâu, bò đi lững thững trong rừng. Loài hổ đen, hổ trắng có thể quắp con trâu nhảy phóc trên những vồ đá.

Bò sát khổng lồ
Loài bò sát khổng lồ hổ mây, dài hàng chục mét, thân to người ôm không hết, phóng ào ào như giông bão trên ngọn cây thì ai cũng biết, ai cũng kể, nhưng chưa có bằng chứng cụ thể nào về sự tồn tại của nó. Loài vật này mang tính huyền thoại hơn là sự thực.
Nhưng, có một loài bò sát khổng lồ có thực ở vùng Thất Sơn chính là con nưa. Người dân vùng Thất Sơn đều sợ hãi con nưa và họ thường gọi nó là “trăn tinh”. Sở dĩ, người ta gọi nó như vậy, vì con nưa rất lớn, hung dữ và cực độc.
 nua1
Con nưa. Ảnh internet
Theo đạo sĩ Ba Lưới, cách đây 40-50 năm, con nưa ở núi Cấm rất nhiều. Những con nưa khổng lồ to bằng cây thốt nốt, hết vòng tay ôm, dài đến 20 mét, nặng 400 đến 500kg.
Với thân hình khổng lồ như vậy, chúng có thể nuốt chửng trâu, bò. Món khoái khẩu của nưa là cá sấu. Xưa kia, chúng thường mò xuống sông, đầm để săn cá sấu.
Chúng có hình dạng giống trăn, nhưng màu da hơi vàng, thậm chí là vàng óng. Điểm đặc biệt dễ nhận biết, là nó có tới 9 lỗ mũi. Kỳ thực, trong số 9 cái lỗ ấy, chỉ có 2 lỗ mũi thật, còn lại 7 lỗ giả, chỉ là lỗ hõm vào ở phần mũi.
Loài nưa di chuyển cả trên cây và dưới đất. Khi chúng di chuyển dưới đất thì dũi đầu xuống thay vì hơi ngóc lên như trăn.
 nua 2
Loài nưa có màu hơi vàng, hoặc vàng óng như thế này. Ảnh internet
Ở trên cây, trăn di chuyển chậm, nhưng con nưa phóng ào ào như giông bão, chẳng khác gì hổ mây khổng lồ. Chính vì thế, những người không hiểu biết về rắn, chưa từng gặp hai loài này bao giờ, thì thường nhầm lẫn hổ mây với con nưa.
Theo đạo sĩ Ba Lưới, cùng với trăn, con nưa bị người dân săn bắt rất nhiều, nên ngày càng hiếm. Nhiều năm trở lại đây, ở Thất Sơn không còn loài nưa khổng lồ, nặng vài trăm kg nữa, mà chỉ bắt được những con nưa nặng trên dưới 100kg mà thôi.
Cựu nhà giáo Đoàn Hoàng Quân, nhà ngay chân núi Cấm khẳng định rằng, chính anh từng tận mắt chứng kiến nhóm thợ săn ở núi Cấm bắn chết một con nưa khổng lồ, nặng ước chừng 300kg.
Hồi đó là năm 1985, khi anh 15 tuổi. Nghe tiếng súng xả liên thanh, người dân cả xã An Hảo chạy ra xem. Lát sau, anh thấy một nhóm người hò nhau kéo xác một con nưa khổng lồ từ rừng ra, để vắt ngang lộ. Cái lộ rộng thế, căng con nưa ra, mà đầu và đuôi nó vẫn nằm dưới rãnh.
Anh chàng Quân khi đó bạo dạn, liều lĩnh xông đến ôm con nưa thấy đủ một vòng tay. Thân của nó phải bằng cây thốt nốt già.
Nhóm người này dùng dao lột da, xả thịt, chia cho cả ấp mang về nấu cao. Lúc mổ bụng nó, mọi người đếm được 5 con lợn rừng trong bao tử. Đấy là chưa kể vô số lông lợn, xương lợn vẫn nằm trong dạ dày của nó, chưa tiêu hóa hết.
Sau vụ đó, không thấy ai bắt được nưa khổng lồ nữa, mà chỉ bắt được trăn, nưa nặng trên dưới 100kg. Chuyện bắt được trăn, nưa trên dưới 100kg ở Thất Sơn khá thường xuyên. Kiểm lâm cũng từng thả những con trăn lớn như thế (thu được từ bọn buôn bán động vật hoang dã) về rừng.
Huyền thoại “trăn tinh”
Có một câu chuyện về loài nưa, mà người dân vùng núi Cấm còn kể mãi đến hôm nay như một huyền thoại đẹp của vùng Thất Sơn.
Chuyện xảy ra cách nay đã ngót 100 năm. Khi đó, khu vực điện Cây Quế, có nhiều hang động, ít người ra vào, là lãnh địa ẩn náu của nưa và hổ mây khổng lồ.
Người ta còn đồn rằng, sau điện có cây quế cổ thụ tỏa hương thơm nức, nên cặp “trăn tinh” lúc nào cũng quấn quýt trên cây. Cặp trăn tinh ấy chính là loài nưa khổng lồ.
Mỗi khi núi Cấm diễn ra lễ hội, cúng bái linh đình, thì giai nhân mặt đẹp như hoa, da trắng như bông bưởi, từ cây quế bay xuống điện.
 nua
Con nưa có 7 lỗ mũi giả, 2 mũi thật . Ảnh internet
Nhìn thấy giai nhân, chúng sinh đều chắp tay lễ bái. Lễ cúng xong, giai nhân tuyệt sắc ấy lại ngược điện Cây Quế rồi biến mất dạng. Người dân trong vùng tin rằng, giai nhân đó chính là con trăn tinh cái, tức là con nưa đã thành tinh.
Đạo sĩ Ba Lưới kể rằng, loài nưa không chỉ có thân hình khổng lồ, nặng hàng trăm kg, mà còn độc khủng khiếp. Nọc độc của nó có thể giết hàng chục con trâu, bò. Thậm chí, voi cũng bỏ mạng với những cú đớp kèm phóng độc của nưa.
Chuyện nhiều người trong ấp Thiên Tuế trúng độc nưa vẫn còn là vấn đề thời sự dưới chân núi Cấm.
Theo đó, cách nay 30 năm, một số người Khmer vào rừng săn bắn, đã phát hiện con nưa khổng lồ, dài hơn 10m đang nằm ngủ vắt vẻo trên cây, ngay phía sau chùa Vạn Linh.
Con nưa to quá, nên nhóm người này gọi thêm dân bản vào vây bắt. Có tới 20 người, với dao, gậy, dây thừng tấn công con nưa.
Họ kẹp nó vào những cây gỗ dài, để nó không quấn người được, rồi khênh xuống núi. Bữa đó, cả ấp cùng xẻ thịt ăn.
Đang nhậu nhẹt tưng bừng, thì mấy người cùng hộc máu mồm lăn ra chết. Tổng số 5 người mất mạng vì trúng độc từ thịt nưa. Cả bản nghĩ ăn phải “trăn tinh”, nên sợ quá kêu thầy lập bàn thờ cúng bái.
Chuyện người dân trong ấp trúng độc được người già kể lại và chuyện này vẫn là vấn đề thời sự dưới chân núi Cấm. Chính vì thế, người dân trong vùng không dám ăn thịt con nưa.
Huyền thoại Thất Sơn: Thuần mãnh thú & nuôi sấu Năm Chèo
Vùng đất Thất Sơn (An Giang) luôn ẩn chứa những huyền thoại, đặc biệt là dấu ấn của những vị đạo sĩ, bậc chơn tu. Câu chuyện lưu truyền về hai vị đạo sĩ thu phục mãnh hổ và nuôi sấu thần Năm Chân (Năm Chèo) luôn cuốn hút khách thập phương. Chúng tôi làm một chuyến hành trình về Bảy Núi tìm sự thật, nơi bắt nguồn của những huyền thoại “ông Năm Chèo” và “bảo bối” được dòng họ lưu giữ.
Ông Tăng thu phục mãnh hổ
Chúng tôi tìm đến Phước Điền Tự (xã Thới Sơn, Tịnh Biên), nơi có “trại ruộng” ngày xưa do Đoàn Minh Huyên (Đức Phật Thầy Tây An) khai lập, giống như mô hình khai hoang lập ấp. Ngôi chùa nhỏ được công nhận là di tích lịch sử văn hóa uy nghiêm dưới hàng cây cổ thụ rợp bóng, cổng chùa nhìn ra cánh đồng lúa mênh mông gió lộng, cảnh trí thanh bình. Nhiều người cho biết ông Tăng Chủ là đệ tử thứ hai trong “thập nhị hiền thủ” của Đức Phật Thầy, là người có công lớn khai hoang lập ra làng Xuân Sơn và được giao coi sóc trại ruộng. Ông Tăng có vóc người cao lớn, miệng rộng, cánh tay ông dài tới đầu gối, tiếng nói sang sảng, lúc nào cũng siêng năng làm việc, người thuần hậu. Ông Tăng không những lao động bất kể giờ giấc, chữa bệnh cứu người mà còn biệt tài thu phục các mãnh thú, giúp dân yên ổn làm ruộng không bị quấy phá.
Vùng Thất Sơn xưa kia nổi tiếng hùm beo, thú dữ, nhưng ông Tăng đến đâu thì thú dữ bỏ đi. Chuyện kể rằng, khi ông lên rừng, cọp thấy ông từ xa phải quỳ xuống hoặc lủi thủi theo ông lên núi như bạn bè. Về sau Đức Phật Thầy giao ông Tăng trông coi đình Thới Sơn (xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên. Tại đình này, một hôm ông Tăng đi thăm ruộng về, trời gần tối, khi đến gần cửa thì ông thấy một con cọp nằm lù lù bên đường. Thấy ông Tăng, cọp đứng dậy hả miệng cúi đầu tỏ vẻ đau đớn. Ông Tăng hiểu ý và yêu cầu cọp làm theo mình, ông co tay đấm mạnh vào cổ một cái, cọp rống lên mấy tiếng rồi khạc ra một khúc xương. Ông Tăng dặn dò mấy câu, cọp cúi đầu vâng lời rồi khuất sau bìa rừng. Sáng hôm sau, thấy trước cửa đình có con heo rừng do cọp bắt đem tạ ơn ông Tăng Chủ cứu nguy. Từ đó, đối với các mãnh thú trong vùng Thất Sơn, ông Tăng giống như vị “chủ tướng”.
Theo lời kể của ông Trần Văn Mực (Phước Điền Tự), khi mới vào khai hoang trại ruộng, ông Tăng nhiều lần đối đầu với cọp dữ nhưng ông thu phục được chúng. Ông còn phong “chúa sơn lâm” làm “ông cả” như cách phân công giữ yên xóm làng. Mỗi năm, tại lễ cúng đình, người dân kính cẩn mang đầu heo cúng “ông cả”, các hương chức đình viết tờ cử (phân công nhiệm vụ) trang trọng trên giấy hồng như cách ghi công “ông cả”. Năm nào “ông cả” cũng về nhận tờ cử mới và đầu heo, riêng tờ cử năm cũ thì được gởi trả lại cẩn thận.
Ông Đình Tây nuôi sấu Năm Chèo
Câu chuyện về “ông Năm Chèo” được truyền miệng khắp vùng với nhiều tình tiết ly kỳ. Để hiểu rõ thực hư, chúng tôi tìm gặp hậu duệ của người nuôi con sấu lạ năm xưa. Đó là bà Hồ Thị Cưng, cháu ngoại đời thứ tư của ông Đình Tây (đạo sĩ Bùi Văn Tây, đệ tử thứ ba của Đức Phật Thầy). Bà Cưng đang trông coi nơi thờ tự ông Đình cũng như năm bảo bối mà Đức Phật Thầy giao cho bắt sấu Năm Chèo.
Dựa theo những câu chuyện lưu truyền trong gia tộc, bà Cưng kể rằng, vâng lời Đức Phật Thầy, ông Đình Tây chuẩn bị chuyến đi hành thiện. Khi ông tới vùng láng (Láng Linh), biết được trong căn chòi lụp xụp kia có một phụ nữ chuyển bụng sắp sinh con, gia cảnh đáng thương. Người chồng hàng ngày lặn lội bắt cua, rùa, rắn đổi gạo, thường khi anh về sớm nhưng hôm đó anh không về kịp. Ông Đình Tây xông xáo cùng mọi người làm vách che, lợp lại mái dột ngăn mưa gió. Người phụ nữ sắp sinh nhưng chiếc giường mới kê được ba chân, ông không ngại kề vai làm chân giường giúp bà mụ đỡ đẻ nhanh chóng. Mọi việc xong xuôi thì anh Xinh, chồng người phụ nữ về tới, rất cảm kích về sự giúp đỡ của mọi người. Anh khoe với ông Đình Tây hai giỏ cá vừa bắt được để lo cho vợ vượt cạn, rồi móc từ túi bên hông ra một con vật nhỏ. Đó là con sấu rất kỳ lạ, da nó trơn bóng chứ không sần sùi, chót mũi có màu đỏ rực, đặc biệt con sấu có thêm bàn chân mọc ra từ chân bình thường (móng đeo). Ông Đình thấy hình dạng con sấu kỳ lạ nên thích thú, anh Xinh liền tặng con sấu này. Ông về trình với Đức Phật Thầy những việc hành thiện và cho ngài xem con sấu lạ. Vừa nhìn thấy, ngài thở dài và bảo ông Đình không nên nuôi con ngặc ngư này, nó là loài nghiệt thú sẽ làm điều hại bá tánh. Nhưng ông Đình thương xót không nỡ, sau đó lui về đình Thới Sơn, lén nuôi sấu nhỏ ở góc hồ sen trước sân đình. Thấy sấu lớn nhanh, ông lấy dây cột chân nó lại. Càng lớn con sấu càng có tính khí hung bạo, ông liền thay bằng sợi dây xích bằng sắt để nó không thoát được.
Một đêm trời đổ mưa to, gió quất mạnh, cây cối ngả nghiêng, sấm chớp liên hồi. Rạng sáng ông Đình giật mình phát hiện: con sấu bỏ đi! Ông lội xung quanh nhưng không tìm thấy, trở lại kiểm tra sợi xích, thấy vẫn còn nguyên. Ông lần theo sợi dây xuống hồ, bất ngờ nhìn thấy một bàn chân sấu bỏ lại cùng với sợi xích. Nó cắn bỏ một bàn chân để thoát thân. Ông Đình lập tức bẩm báo Đức Phật Thầy. Ngài điềm nhiên như tiên đoán trước điều gì, không quở trách mà còn trao cho ông Đình năm món bảo bối gồm hai cây lao, một cây mun cổ phụng, một lưỡi câu và một đường dây băng. Đồng thời, ông Đình còn được truyền “khẩu quyết biệt truyền” để thu phục ngặc ngư.
Rồi một ngày tin dữ lan truyền, con sấu mũi đỏ khổng lồ xuất hiện nơi anh Xinh đã bắt nó khi xưa. Nó to như một chiếc ghe lớn, nổi lên tạo những cơn sóng lớn nhấn chìm xuồng ghe của những người xuôi ngược trên sông. Có lúc nó lên bờ bắt heo, gà nuôi trong chuồng của dân, lúc sát hại người, gây biết bao nỗi kinh hoàng. Ông Đình vội vã gặp Đức Phật Thầy xin thu phục con nghiệt thú, nhưng khi ông đến nơi là sấu lặn mất. Cứ thế nhiều lần, hễ ông về thì sấu lại nổi lên quấy phá làm kinh hồn dân làng. Có người thấy sấu nổi lên liền gọi thất thanh tên ông Đình thì sấu tháo chạy. Một lần, ông Đình quyết tâm ở lại chờ bắt sấu cho bằng được nhưng ngày qua vẫn không thấy sấu xuất hiện. Ông đứng giữa vùng láng kêu lớn: “Hỡi loài ngặc ngư, nếu thiên cơ được định, ngươi nên nằm yên sám hối tu hành, còn nếu số ngươi đã tận thì mau nổi lên theo ta về”.
Ông Đình chờ đến ba ngày vẫn không thấy bóng dáng con sấu đâu, nhưng mãi từ đó về sau, không nghe ai kể sấu nổi lên quấy phá dân làng nữa. 58 năm sau, đến ngày ông Đình viên tịch (1914), năm món bảo bối vẫn chưa được sử dụng. Đến nay, trải qua 96 lần lễ giỗ ông Đình, những bảo bối ấy vẫn còn cất giữ.
Bà Cưng cho chúng tôi xem năm bảo bối được Đức Phật Thầy giao cho ông Đình năm xưa, được lộng vào khung kiếng, thờ cúng trang nghiêm. Bà Cưng kể thêm, bảo bối này dòng họ cất giữ cẩn thận qua mấy cuộc chiến tranh, tất cả còn khá nguyên vẹn, riêng sợi dây băng (xe bằng tơ), ngày trước ông nội bà lấy sợi dây này ra kéo quanh nhà, sau đó chạy giặc, trở về thấy nhà cửa cháy rụi, riêng sợi dây chỉ ám khói chứ không cháy. Có người kể rằng, khi Đức Cố Quản Trần Văn Thành bại trận tại vùng Bảy Thưa, nhằm mùa nước nổi, quân Pháp bao vây bắn phá, trước mặt lau sậy dày đặc ghe chống đi không được. Lúc ấy, sấu khổng lồ bỗng nhiên lao tới, rẽ đường rạp sậy cho quân lính chống xuồng thoát thân.
Tại đình Thới Sơn, ông Lê Văn Nhưng, phó ban quản lý đình, khẳng định với chúng tôi ông Đình Tây từng ở đình này, tên thật là Bùi Văn Tây, quê ở Năng Gù (nay là xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, An Giang). Ông được giao quản lý đình nên dân quen gọi là Đình Tây. Ông Nhưng dẫn chúng tôi ra xem hồ sen, nơi trước đây ông Đình Tây đã thả nuôi “sấu thần”. Hồ khá rộng, nay đã được xây bờ kè kiên cố, xung quanh cây cối mát mẻ.
Hơn 100 năm qua nhưng dân gian vẫn truyền nhau những câu chuyện thực hư về “ông Năm Chèo”. Họ cho rằng, “sấu thần” đang ẩn mình trên sông Vàm Nao (nối liền sông Tiền và sông Hậu, dài khoảng 7 km). Sông này có nhiều vực sâu, búng lớn, nước xoáy mạnh. Nơi đây được xem là ngư trường khai thác thủy sản quan trọng, là nơi thường xuyên xuất hiện các loài cá khổng lồ.
Có lẽ không có gì lạ khi những huyền thoại như thu phục mãnh hổ và nuôi cá sấu năm chèo vẫn còn sống động ở vùng sông nước Cửu Long, nơi vùng đất mới hoang sơ mà những con người đặt chân khai phá và sinh sống ở đây luôn mang ước vọng phải chinh phục muôn loài để khẳng định cái vị thế làm chủ đất trời của mình.
Thanh Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét