Ấn tượng Châu Đốc Cập nhật ngày: 07/11/2012 20:20:26 | ||
Đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau từ Tịnh Biên đi Châu Đốc. Trên đường đi trời lất phất mưa, vừa đến thị xã Châu Đốc mưa càng lớn hơn. Xe vào nội ô, dừng trước cơ quan Hội Văn nghệ Châu Đốc. Đám mưa lớn, nổi bong bóng đường phố. Mưa lạnh nhưng sự đón tiếp của "chủ nhà" đã làm cho khách ấm lòng!
Nhà văn Đỗ Văn Chẳn, Chủ tịch Hội Văn nghệ Châu Đốc, tranh thủ giới thiệu nhanh đôi nét về quê hương mình: Mỗi năm có khoảng 3 triệu lượt người đến Châu Đốc, cao điểm dịp lễ Vía Bà ở Núi Sam vào tháng tư âm lịch...
Thị xã Châu Đốc có Hội Văn nghệ ra đời trước tỉnh. Hôm nay, hội trực thuộc tỉnh chứ không thuộc thị xã. Các câu lạc bộ nhiếp ảnh, đờn ca tài tử dẫn đầu trong các câu lạc bộ hoạt động mạnh của hội.
Châu Đốc có nhiều di tích lịch sử văn hoá và thắng cảnh. Di tích lịch sử văn hoá như: chùa Tây An, Lăng Thoại Ngọc Hầu, miếu Bà Chúa Xứ, chùa Hang, đình Châu Giang... Các thắng cảnh như: xóm Chăm Châu Giang, kinh Vĩnh Tế, Làng Bè, núi Sam với đồi Bạch Vân, vườn Tao Ngộ, nhà nghỉ Bác sĩ Nu, Pháo Đài...
Nhà văn Đỗ Văn Chẳn đưa đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đi núi Sam, cách trung tâm thị xã Châu Đốc 5 km. Với bút danh Đỗ Phu, Nhà văn Đỗ Văn Chẳn là tác giả tập truyện ngắn "Đêm núi Sam tinh khiết" do Nhà xuất bản Văn hoá - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp VHNT An Giang xuất bản năm 2011.
Mỗi tác giả có một mảnh đất riêng, với Nhà văn Đỗ Văn Chẳn, mảnh đất ấy chính là núi Sam. Qua chuyến đi thực tế, anh chị em đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau tường tận, hiểu được giá trị của di tích miếu Bà Chúa Xứ...
Sang nhà trưng bày đồ sộ, bước lên tầng một xem quà vật du khách mua sắm "hỉ cúng" Bà, biết chắc anh em sẽ bất ngờ, Nhà văn Đỗ Văn Chẳn cười nói: Chỉ riêng về áo đã có trên 6.000 chiếc áo to, trưng bày tầng này chỉ bấy nhiêu, còn bao nhiêu để trên tầng chót.
Đời sống tâm linh của con người quả thật ấn tượng, bắt mắt. Mỗi chiếc áo to, đẹp tuyệt trần, biết bao xâu chuỗi hột đá, mũ mão, vương miện... Nhìn lướt qua thật nhanh, từ gian bìa đến cuối, sẽ gặp chiếc vương miện của Nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết "sắm cho Bà"...
Bấy lâu nay, hễ nghe ai nhắc đi núi Sam - Châu Đốc, người ta cứ nghĩ ngay họ đi viếng Bà theo tâm linh được truyền tụng... Nhưng không chỉ thế. Không nhớ công lao của người giữ đất và mở đất này là chưa đủ. Sang qua bên kia đường nhựa, bước lên 9 bậc đá ong, đoàn viếng Lăng Thoại Ngọc Hầu bên chân núi Sam.
Vào Lăng, chính giữa là mộ Thoại Ngọc Hầu. Ông tên thật là Nguyễn Văn Thoại, sinh năm Tân Tỵ (1761), tại huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam. Thời kỳ loạn lạc ông theo gia đình vào Nam cư trú tại cù lao Dài trên sông Cổ Chiên, nay là tỉnh Vĩnh Long. Dưới triều Nguyễn, ông được cử làm Trấn Thủ Vĩnh Thanh (gồm các tỉnh: Châu Đốc, Sa Đéc, Vĩnh Long và một phần Kiên Giang).
Ông có công lớn trong việc khẩn hoang lập ấp, đào kinh đắp đường, phát triển và bảo vệ vùng đất Tây Nam. Các công trình lớn của ông để lại cho đời sau là: đắp lộ núi Sam - Châu Đốc dài 5 km (1826-1827).
Đoạn nằm trong nội ô thị xã Châu Đốc hiện nay vẫn còn mang tên ông: Nguyễn Văn Thoại. Đào kinh Thoại Hà dài hơn 30.000 m ở núi Sập (Thoại Sơn) vào năm 1818 (Thoại là tên ông được triều đình lấy đặt cho tên núi, tên sông).
Đào kinh Vĩnh Tế dài theo biên giới Tây Nam nối liền Châu Đốc - Hà Tiên, nối lưu thông sông Châu Đốc ra vịnh Thái Lan dài hơn 90 km (1819-1824). Tên phu nhân Thoại Ngọc Hầu được đặt cho con kinh chiến lược này: Vĩnh Tế (bà tên thật là Châu Thị Tế nhưng thuộc dòng Châu Vĩnh).
Ông Thoại Ngọc Hầu mất năm Kỷ Sửu (1829), hưởng thọ 68 tuổi.
Nhà văn Đỗ Văn Chẳn cho biết, dịp kỷ niệm 180 năm ngày mất của ông (2009), đoàn hát bộ từ Quảng Nam quê hương ông đã vào đây biểu diễn những vở tuồng của bộ môn nghệ thuật mà ông thích xem khi còn sống.
Núi Sam cao 230 m, chu vi 500 m. Vào khoảng năm 1896, tên Chánh tham biện Pháp xây dựng ngôi biệt thự kiên cố có nhiều phòng để làm nơi nghỉ mát, có ngôi tháp để hóng gió. Từ đó, đỉnh núi Sam có tên gọi Pháo Đài...
Trong thời kỳ chiến tranh, giặc sử dụng Pháo Đài làm căn cứ pháo binh bắn ra các vùng chung quanh. Năm 1969, anh hùng Hoàng Đạo Cật đánh sập Pháo Đài. Ngày nay, Pháo Đài vẫn là căn cứ quân sự, nhưng ngôi biệt thự không còn...
Núi Sam - Châu Đốc còn là quê hương của Nhà văn Mai Văn Tạo. Trên đường trở vô, qua ngang Trại điêu khắc Quốc Tế, Nhà văn Đỗ Văn Chẳn chỉ cho anh chị em đoàn Cà Mau biết: Tượng bán thân Nhà văn Mai Văn Tạo tạc bằng đá đặt trong này và một đường phố ở thị xã Châu Đốc được mang tên ông.
Hội Văn nghệ Châu Đốc tổ chức giao lưu, chào đón đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau chương trình văn nghệ "cây nhà lá vườn", do Câu lạc bộ đờn ca tài tử thị xã Châu Đốc thể hiện. Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT An Giang, vừa nghỉ hưu, nhà ở thị xã Châu Đốc, đến tiếp khách chung vui với Hội Văn nghệ Châu Đốc.
Nữ Nhà thơ Lê Thanh My, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT An Giang, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Thất Sơn, sau giờ làm việc chiều, đi xe từ TP Long Xuyên về nhà riêng ở thị xã Châu Đốc cũng tranh thủ ghé lại gặp gỡ, vui cùng đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau.
Nhà văn Đỗ Văn Chẳn có nhắc đặc sản nổi tiếng Châu Đốc như: mắm thái, khô, đường thốt nốt... Và bữa tiệc này, ngoài các món cá linh non, cá ba sa, bông điên điển... còn có món ghi trong đặc sản, đó là "gỏi sầu đâu", đắng, nhưng lại ngon, thông thường chất đắng chắc là mát?
Thị xã Châu Đốc nằm bên ngã ba sông thơ mộng, nhìn sang Cồn Tiên và xóm Châu Giang xanh rờn cây trái. Trước mặt thị xã là giao điểm của sông Châu Đốc và sông Hậu. Sau lưng là dãy Thất Sơn hùng vĩ.
Xe qua ngang công viên bờ sông Châu Đốc, chính giữa ngã ba sông, nhìn biểu tượng cá ba sa cao 15 m, cảm nhận được ngành nghề nuôi cá bè truyền thống, một thế mạnh về kinh tế của người dân nơi đây.
Tạm biệt Châu Đốc, một thị xã biên cương, đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau lưu luyến qua phà Châu Giang trên dòng sông Hậu. Nhìn những giề lục bình nhấp nhô sóng nước, lòng người thêm xao động, gợi bước chân lênh đênh phiêu bạc, thoáng chút lãng mạn cho du khách sang bờ..../.
Nguyễn Minh
|
Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét