Đọc Lưu Nhơn Nghĩa, Cám Cảnh Trên Những Mẫu Chuyện Rời
Trần Ngọc Mỹ
Cầm tập truyện ngắn “Con đường cũ” của Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa trên tay mà thấy ngậm ngùi,tôi nhớ và tiếc một tài hoa của miền Thất Sơn Châu Đốc mình vừa mất (tôi biết Anh Nghĩa khiêm tốn không nhận từ tài hoa này), nhưng đọc anh kỷ lại mới thấy anh là tài hoa thứ thiệt, kiến thức văn học dân gian anh uyên bác thiệt .Tôi với Anh Nghĩa chưa hề quen biết nhau, nhưng đọc truyện của anh viết, tôi thấy cái thật thà chơn chất của người dân miệt núi mình làm người ta rất dễ gần gũi, dễ thân. Ban đầu, tôi đọc anh là vì biết anh là dân Châu Đốc, tôi khoái, nhưng đọc kỷ lại không phải chỉ vì lý do đó mà vì một thứ khác hơn, hay nói huỵch tẹt ra là tôi mê vốn liếng văn học rất dân dã mà cũng rất phong phú đó của anh. Nhớ lần đầu tiên đọc anh trên “Việt Nam Đi Tới”với “Tàu Tây kia liệt mái”,với phong cách viết, anh quay quắt đi tìm một phần tinh anh của câu ca dao xuýt bị mất, thấy anh như reo vui khi tìm lại được linh hồn của câu ca dao lâu ngày thất lạc ôi! nó thật cảm động, không phải cảm động chỉ vì cái tấm chân tình của chàng trai gởi lời thề thốt trong câu hát kia, đọc mà nghe nó thấm làm sao đả làm sao, biết chừng nào mà xán(xáng) nọ (nó)bun(bung) dành(vành) rồi tàu Tây kia (mà) nó liệt mái (máy) thì anh mới đành bỏ em, đã thề tới bến như vậy thì chỉ có trời gầm mới nhã ra thôi, thế rồi tôi ngồi riết hết một ngày,(bèn gọi điện thoại vào trường xin nghĩ bịnh) nghỉ đi làm một buổi để đọc cho hết tập Như cánh Chuồn Chuồn luôn, để biết cho được cái tài hoa của tác giả ,là dân Xà Tón,Châu Đốc mình.
Từ trước tới giờ nói tới Châu Đốc là người ta chỉ nói tới đất biên địa năm non bảy núi, là nói đến hảo hớn giang hồ cá lội đầy sông, là nói đến chuột rắn đầy đồng hay hơn nữa là mắm ngon đầy hũ. Chớ nào ai nói Châu Đốc quê tôi uyên bác văn thơ, trử tình thi sĩ, lãng mạn thơ ca, đậm đà thi pháp. Nhưng không ngờ hôm nay tôi biết được đất thất sơn mình có được một Lưu nhơn Nghĩa nên tôi khoái lắm, vì nhờ có đọc được anh mà tôi tìm lại được cái hồn, cái chữ miền Nam của một thời lưu lạc, mà gần như thời buổi thực dụng bây giờ ít ai còn để ý tới..Nhưng càng đọc truyện của anh thì càng thấy không phải chỉ có vậy mà còn có nhiều cái hay khác nữa, cái mộc mạc bình dị, cái dí dõm duyên dáng, cái chất phác thật thà chuyện sao nói vậy mà không phải ai cũng có thể viết lên được thành một cái truyện có nghệ thuật. Nghệ thuật viết của hia Nghĩa là ở chổ có khi anh viết truyện chỉ có vài trang có khi chỉ nữa trang nhưng có khi phải đọc đi đọc lại vài ba lần nó mới thấm. Nó là tài tử nhưng mà như chuyên nghiệp, anh có những cảm nhận tinh tế với những câu ca dao dân dã miền Nam mình, nói một cách khác là anh có khã năng sờ mó được cái tinh chất của ca dao thấm đậm chất dân dã miền Nam đó mà tôi vô cùng bái phục, đôi khi tôi cũng có những cảm nhận đó nhưng mà muốn viết lên, nói lên hỏng được, nên khi có người nói dùm, viết ra dùm thì nó đả, như ngứa mà có người gãi dùm. Như trong cái truyện “Tàu Tây kia liệt mái” hay truyện chị vợ anh nghĩa quân bưng từng chén thuốc lo cho chồng lúc bị bệnh ngặt khi lành rồi đành đoạn đi theo cái con đ….. . chó đó. Chớ chị có biết đâu
Chiếc tàu lặn chạy mau dường gió
Chiếc xe hơi chạy lẹ như dông
Việc ở đời vợ vợ chồng chồng
Thương nhau cũng vội dứt lòng cũng mau..
Hồi cái năm 82 ,83 khi đi công tác đào kinh đắp đê ở Lương Phi Ba Chúc mấy tuần ròng rã, chiều hôm thân thể rã rời nằm ở ngoài hàng hiên nhà chị bán quán có đứa con nhỏ không biết chồng ở đâu khi bên ngoài trời tối u u ,mưa rơi rấm rức,tiếng ếch nhái ran ran nghe mà rầu muốn chết được, tự dưng chị nỗi hứng ru con ầu ơ một hồi, bậu buồn qua đây dễ chẳng buồn Cá dưới sông biếng lội, chim trên nguồn biếng bay ơ.. ờ.., rồi có lẽ cám cảnh muốn tỏ bày tâm sự của mình cho ai đó nghe chị ru tiếp:
Bên nầy sông em bắc cây cầu mười tấm ván
Bên kia sông em lập cái quán(chớ) mười hai từng
Bán buôn nuôi mẹ cầm chừng (để mà có) đợi anh ..ơ ờ
Chỉ xanh chỉ đỏ chỉ tím chỉ vàng
Chim loan, chim phựơng, chim cú chim nhàn
Ba bốn con chim quần tam tụ ngũ
Đậu nơi lê lê rũ
Đậu nơi lựu lựu tàn
Khi xưa thiếp tưởng làm bạn với chàng
Nào hay chàng nở phụ phàng thì thôi.
Không biết ông chồng đi theo vợ bé hay đi làm “lớn” bỏ chị mà chị ru con thê thiết quá.
Nước giữa dòng chê trong, chê đục.
Vũng trâu đầm hì hục khen ngon.
Thôi chuyện cũng cũ quá rồi, bây giờ tuổi đời trên 6 xấp trên xứ người ngồi đây đọc lại tập truyện ngắn của hia Nghĩa mà thấy thấm đẫm đủ thế thái nhơn tình trên vùng đất núi quê nghèo. Người đàn bà ru con trong chiếc quán vắng đêm nào trên bờ kinh Lương Phi Ba Chúc mới đào trong đó có bao giọt mồ hôi lẫn nước mắt của tôi của biết bao nhiêu con người, bao nhiêu số phận linh đinh của một thời kỳ .. .hỏng giống ai cũng đã từng vui với câu kinh “Tâm quá khứ bất khả đắc tâm hiện tại bất khả đắc tâm vị lai bất khả đắc” nhưng mà kỳ quá sao lại nhớ hoài. Sau hơn 20 năm ngồi đây trên xứ quê người này, nhớ lại những câu ru câu hò cũ, nghĩ không biết chị chủ quán ngày nào có gặp lại anh chồng trở về bên mái lá với vợ không. Lại nhớ đâm lao nữa rồi. Hồi đó tôi nghe ru con là chỉ để mà nghe ru con, rồi cảm hoài thế sự mà mình đang phải chịu ,tôi không có cái tỉnh táo để ngồi ngẫm nghĩ không thấy đó là ca dao để phân tích.Đọc truyện của hia Nghĩa tôi mới thấy thương làm sao những cái chữ bậu “bớ mà”,chớ ,chớ bây giờ, …... tìm thấy được cái duyên dáng ý như có cả tiếng thở than gởi gấm của cả một dân tộc chớ không riêng của miền nào của Nam bộ mình, lại phải đi tìm, lục lọi bươi móc lại cái kho tàng ca dao để mà ôm giữ nữa khi mà lòng mình cũng đã đầy ấp những hoài niệm rồi. Đễ thư giãn chút tuổi già hãy nghe hia Nghĩa kể chuyện thằng cha già mất nết bơi xuồng dưới kinh ngó lên sàn nước nhà người ta thấy nước chảy (không biết nước gì) tức cảnh sanh tình cất cao giọng mà hò rằng , nước chảy re re con cá he (nó) đè è è.. . con cá sặc cái tiếng đè nó đặc biệt hơn người ta, hãy đọc hia Nghĩa kễ –“cái tiếng đè kéo dài lên xuống trầm bổng theo tiếng dầm(chèo) đập nước vang xa bên bờ kinh vắng. Lão cụt hứng không tiếp tục hò cho trọn câu…... (theo tôi, tay già dịch nầy thấy ai đó, y hò bấy nhiêu để đố chừng thăm dò phản ứng của người ta ra làm sao để may ra kiếm chút cháo chớ y ta không cụt hứng bất tử như vậy), thì đây có ép phê liền, nhận một trả mười, tôi đồ chừng y ta hí hửng lắm với tiếng đè.. .kéo dài ngâm nga đó, y ngóng lỗ tai giảo để nghe, “bớ thằng cha già dịch vật nứng c….. . nói trây”, tôi đồ chừng y lùng bùng hai cái lỗ tai bơi xuồng dông tuốt luốt.
Trong vài nhân vật đáng nhớ, đoạn anh viết hồi năm 1953, có tên bợm bảy ở cái xứ khác tới làm một cú lừa ờ chợ làng anh mà tiệm chạp phô của ông thân sinh anh cũng là nạn nhân, anh viết: “Tên nầy không biết trẻ hay già. Hắn vào tiệm ông già tôi mua cưa bào đinh dây chì v..v, mua xong(chưa trả tiền) hắn gởi hàng tại tiệm, nói chờ mua các món khác cho đủ rồi sẽ trả tiền và chở đi một lượt. Hắn lại mang tới tiệm tôi gởi mấy bao hàng mua ở tiệm khác.Thấy hắn còn gởi mấy bao hàng ai cũng tin….. . . . chiều đó,mới biết có nhiều tiệm bị gạt đúng một kiểu,tiệm nào cũng có vài bao giẻ rách. Ông già tôi tức lồng lộng, chửi bà già tôi ngu rồi chửi luôn tôi cũng dòng ngu. Ông hăm he, nếu tên bợm trở lại ông chém hắn đứt đầu. Khi nghe các tiệm khác cũng bị gạt, ổng tự an ủi, ừ ai mà biết được”. (Thằng con có dòng ngu không lẽ ông già khôn, mà chừng nào thằng bợm bảy trở lại để ông chém đứt cái đầu). Ổng tự an ủi ừ ai mà biết được. (anh kễ nghe tỉnh bơ thiệt hay).
Lưu nhơn Nghĩa thuộc nhiều ca dao, thành ngữ, hiểu biết rành ca dao thành ngữ nên có khi anh đùa giởn cũng bằng ca dao thành ngữ, ngày qua thăm bạn bè cũ tại Cali năm 2006, gặp lại anh em sau mấy chục năm cách xa, nhắc lại những kỷ niệm xưa,anh chọc cười anh em bạn bằng những câu như “họa hổ họa bì nan họa cách, chai nan, chai mín mó chai xim” rồi “chờ em cho đến bao giờ, chờ cho ếch xại lên bờ khui hui”, bạn bè phê một câu “tao khoái mầy chỗ đó”.
Không phải chỉ có ca dao hò vè mà anh rành, đọc hết chuyện kể của anh mới biết anh biết đủ thứ, vì anh hay hỏi chuyện cho ra đầu ra đuôi từ cái bông điên điển tới cây sào đo công đất rồi nhân đó anh ca cẩm kể lễ chuyện quê anh, chuyện bà con giòng họ anh (chuyện công tầm điền công tầm cắt), với cái công tâm hiếm thấy, cái đúng cái sai theo công đạo chớ không theo thân sơ bỉ thử, không có gì thoát khỏi con mắt tinh tế của anh khi anh có cơ hội quét qua, có khi anh quất thẳng thừng có khi anh chua cay nhận xét, trong một dịp về thăm trường cũ anh viết: “tôi có nhờ một bạn học cũ, cựu học sinh TKN, nhờ xin cho tôi quay phim lớp học xưa, giới chức thẩm quyền không cho phép, lý do sợ dân ngoại quốc thấy nước mình nghèo (!)” Hỏng biết ai sợ gì mà kỳ cục vậy.
Trần Ngọc Mỹ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét