Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

CÂU RÊ

CÂU RÊ

TRẦN VĂN

Câu rê không phải là câu dê hoặc thả dê o mèo. Một cách câu độc đáo khác của người dân quê. Câu rê chỉ câu được cá bông và cá lóc. Cách câu cá nầy chỉ dành riêng cho giới mày râu vì phải dùng sức, phái yếu và trẻ con khó mà đứng câu lâu được. Cái cần câu vừa dài vừa nặng, bằng cây tầm vông tròn bằng nắm tay, thon dài đến năm, sáu thước, ngọn cần câu nhỏ, mềm, cong và dẻo. Lựa được một cây tầm vông làm cần câu rê mất nhiều thì giờ. Tìm cho được một cây cần câu như ý muốn rất khó, cây phải già lại dẻo nữa và có kích thước lý tưởng. Người ta phải đi xa để tìm mua cho được một cây tầm vông vừa ý. Róc hết mắt, chặt ngọn, ngắm nghía kỹ, chọn lựa chiều dài thích hợp, dùng cưa nhỏ cắt bỏ phần gốc. Dùng lửa ngọn, hơ và uốn cây cần câu theo ý muốn của người thợ câu. Hơ lửa, xông khói làm cháy hết những lông non của cây tầm vông  cũng vừa uốn, vừa phòng ngừa mối mọt. Cây xông khói, một cách trừ mối mọt rất hiệu nghiệm mà người dân quê thường làm cho bất cứ loại cây nào.
Người câu rê quý cần câu như một món gia bảo. Hết mùa câu rê, cần câu được đưa lên gác ở cạnh chuồng bò hoặc trên giàn nhà bếp cất giữ, hai nơi nầy cũng thường có khói nên sự bảo quản được an toàn hơn. Một cần câu rê được bảo quản kỹ có thể dùng năm, mười năm. Có người còn đánh bóng, đánh vẹc-ni cần câu rê và nâng niu như một đứa con cưng.
Ở chuôi cán cần câu rê, người ta lắp vào một cái đế có "chảng" hai. Cái chảng hai phải lựa, tìm kỹ để sao cho vừa với bắp vế (đùi) của người thợ câu); nhỏ quá, bắp vế không lọt vào chảng hai, rộng quá, khi rê cần câu không vững hay xê dịch cũng không thuận lợi. Cái chảng hai thường chọn những cây lồng mứt, cây me chua hoặc những cây chắc mà mối mọt ít dòm ngó tới để dùng được lâu bền.
Nhợ câu, chỉ thường se to và chọn loại dây chỉ thật chắc, đủ sức chịu đựng giựt những con cá bông to ba, bốn ký lô. Dây câu dài trên dưới mười mét. Người thợ câu giỏi dùng nhợ câu dài vì câu khó hơn, nhưng có cái lợi là rê lưỡi câu được một khoảng dài có nhiều hy vọng được cá táp mồi hơn. Lưỡi câu rê cũng làm đặc biệt hơn, khác hơn lưỡi câu giăng, dài ba, bốn phân.
Địa  điểm câu rê thích hợp nhứt là những vùng nước đọng, không chảy, có cỏ nhiều nhưng lại có những mảng trống mà cỏ không rậm, không cao. Không có cỏ, cá bông cá lóc không trú ngụ hoặc làm ổ đẻ, mà cỏ rậm lại cao, không có mảng trống làm sao lưỡi câu khi rê qua rơi xuống mặt nước được. Địa điểm dùng để câu rê phải chọn kỹ mà là nơi có nhiều cá nữa. Có nhiều chỗ câu cả nửa tiếng đồng hồ, không được con cá nào, người ta lại xách giỏ và vác cần câu đi tìm nơi khác. Giờ câu lý tưởng nhứt là lúc chạng vạng đến nửa khuya hoặc sáng  sớm, trời  còn  lờ  mờ. Buổi tối lại có mưa lất phất là thời điểm tốt nhứt để câu rê.
Từ ngữ "rê" đi sau chữ câu cũng cho ta hình dung được cách câu nầy. Rê là kéo từ bên nầy sang bên kia, kéo qua kéo lại từ từ, không nhanh lắm mà không chậm lắm. Sau từ ngữ câu, có nào: câu rê, câu cắm, câu giăng, câu quăng. Chỉ thiếu có câu khách mà các ả giang hồ hay các tay buôn thường sử dụng.
Câu giăng là cách bắt cá ăn câu được nhiều nhứt. Những thẻ câu dài chừng hai chục mét có đến mấy chục lưỡi, người ta móc mồi bằng con trùn hoặc cá linh con để bắt cá lóc, cá bông, cá trê, cá leo, cá trèn, cá lăn... Một người dân quê có thể một đêm thả đến gần một chục thẻ câu ở ven bờ sông, bờ rạch hoặc trong đồng nội. Hai đầu thẻ câu được buộc chặt vào cây sào bằng cây tầm vông rồi người ta mới móc mồi. Một đêm, thăm câu chừng hai, ba lần để bắt cá còn sống, nếu để lâu quá, cá chết bán không được giá, chỉ có để làm khô, làm mắm. Thăm câu còn có mục đích, lưỡi câu nào hết mồi móc mồi tiếp.
Người ta còn giăng câu bằng mồi dừa để bắt tôm. Dừa cứng cạy, xắt từng miếng nhỏ chừng một, hai phân vuông móc vào lưỡi câu, cách chừng một hay hai tiếng đồng hồ, bơi xuồng đến chỗ sào cắm giăng câu tôm. Nhờ ánh sáng của trăng sao, người ta dùng bàn tay trái giở nhẹ sợi dây câu, thấy tôm từng bầy hoặc từng con đang bu ăn mồi dừa. Tay phải cầm vợt lưới to bằng miệng cái thúng, xúc thật nhanh nhưng rất nhẹ nhàng không làm động mạnh để tôm đang ăn mồi các lưỡi câu khác kế cận không sợ mà lặn đi.
Chừng vài thẻ câu, gặp chỗ có tôm nhiều, một đêm cũng có thể bắt đến chục ký lô như chơi. Nhưng giăng câu tôm rất mệt vì phải thức cả đêm vừa lạnh vừa tốn rất nhiều sức. Còn giăng câu cá, người ta chỉ thăm câu chừng hai lần lúc chập tối và lúc khuya, sau đó để tới sáng mới đi cuốn câu.
Cá chết thì làm mắm làm khô. Cá sống rộng để bán ở chợ. Còn quăng câu, cũng dùng những thẻ câu giăng, nhưng người ta thường làm ban ngày hoặc sáng sớm, hay chiều tối ở ven sông trước cửa nhà. Ở một đầu nhợ câu cột nửa cục gạch hoặc một thanh sắt nhỏ đủ để ném dây câu ra sông và nhận chìm xuống mặt đất. Câu quăng dùng mồi trùn, đôi khi người ta cũng dùng mồi mắm xé nhỏ. Câu quăng chủ yếu là bắt cá chốt, cá lăn, cá trê và các loại cá nhỏ. Câu quăng chỉ dùng bắt cá để ăn, không nhiều để đi bán.
Câu cắm, dùng những cành tre nhỏ, buộc nhợ câu độ chừng tám tấc, lưỡi câu lớn loại lưỡi câu cá lóc, người ta thường móc mồi bằng một con cá linh nhỏ còn sống, bơi lội để nhử cá lóc cá bông ăn mồi. Câu cắm thường là ban đêm. Ở nhà quê, một nhà cũng có chừng một chục cần câu cắm, đôi khi cũng dùng mồi trùn, loại trùn hổ to con để bắt cá trê. Cần câu được cắm chặt xuống đất, cá dính câu khó vùng vẫy lôi cần câu đi được. Câu cắm cũng để bắt cá ăn trong gia đình; nếu nhiều, cá lại chết chỉ có làm khô làm mắm. Câu cắm, trẻ nhỏ, phụ nữ, người lớn tuổi đều làm được.
Trở lại cách câu rê, người thợ câu đứng chàng hảng hoặc đứng cách nào đó đỡ mỏi chân, đế cần là một cái chảng hai đặt lên bắp vế vừa vặn. Lưỡi câu thường dùng một lưỡi, có người dùng đến hai hoặc ba lưỡi kết thành một chùm. Mồi là một con nhái mén (nhỏ), lọt sâu vô khỏi ngạnh, người ta còn dùng một đoạn cỏ ống nhỏ móc vào mũi lưỡi câu nhằm mục đích khi rê, lưỡi câu không bị dính, vướng mắc vào cỏ hay cây nghể, lục bình, sậy, lác có rất nhiều ở những nơi câu rê.
Người ta quăng lưỡi câu thật xa hết tầm của sợi nhợ, người khỏe mới quăng xa được, thường quăng sang bên trái vì tay phải dùng vào việc này. Tay trái nắm chặt cần câu và nghiêng ngọn cần câu vào hướng trái để tiếp sức cho sợi nhợ câu được căng tối đa. Từ điểm xuất phát đó, người ta rê lưỡi câu từ từ và điều khiển thế nào cho lưỡi câu rơi vào những chỗ có lỗ trống hoặc cỏ thưa để cá có thể táp mồi được. Mắt nhìn chăm chú quan sát sự di chuyển của lưỡi câu, hai tay cũng nhịp nhàng rê cần câu đi từ trái sang phải rồi lại từ phải sang trái, miệng thì làm thành tiếng "bặp bặp" dụ cá, nhử, nhái tiếng cá táp mồi.
Câu rê rất mệt, dùng nhiều sức, tay chân mắt miệng đều làm việc nhịp nhàng với nhau. Người ta thích câu rê, cũng là một cách tìm cảm giác mạnh. Câu rê được toàn là cá bông hoặc cá lóc to bành ky vì chúng đang làm ổ đẻ. Thời điểm cá bông lâm bồn thì phải biết, dữ lắm, lại có đủ cặp. Lưỡi câu rê qua rê lại và có những tiếng kêu bặp bặp, chúng tưởng đồng bọn đang ăn, chúng háo hức táp mồi, thế là toi mạng. Người thợ câu giựt nhanh lên bờ, có khi con cá chưa dính sâu vào ngạnh rơi xuống đất.
Cá mà không có nước thì chỉ có chết thôi, cá được bỏ vào giỏ lẹ làng và người thợ câu tiếp tục câu, rê lại chỗ vừa mới câu được một con. Chỉ một thời gian phù du ít ỏi thế nào cũng bắt được con cá thứ hai cho đủ cặp lứa đôi. Một địa điểm câu rê được chừng một cặp cá, người ta dời lại một chỗ khác. Đặc tính của loài cá lóc cá bông, nhứt là cá bông quá dữ, không thích ở gần láng giềng hàng xóm mà phải ở đơn lẻ từng cặp, cách nhau chừng một hai chục mét để chia vùng hoạt động, trị vì các loài cá trắng nhỏ khác.
Đi câu rê không được nhiều cá, lại cực nhọc vất vả, bị muỗi mòng châm đốt, nhưng có nhiều nông dân mê thích. Giống như nghề đi "gác" cu, một việc làm mất nhiều thời giờ chẳng có lợi là bao, mất cả buổi cả ngày cũng chỉ bắt được vài con cu. May mắn gặp con cu gáy hay, nghe tiếng cu gáy cũng đỡ ghiền. Còn cu gáy dở chỉ có làm thịt nhậu.
Câu rê và gác cu của người dân quê như là một đam mê, ghiền, khó bỏ được. Âu cũng là một cái "ngu" thứ ba theo nghĩa thông thường, không có lợi lộc cao.
Người đời có câu :      
Trên đời có bốn cái ngu

Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét