ĐÁ CÁ LIA
THIA
TRẦN VĂN
Chim quyên ăn trái nhãn lồng,
Lia thia quen chậu, vợ chồng quen
hơi.
Câu hát dỗ con ngủ
của mấy bà mẹ ở nhà quê miền Nam nói lên sự thân thương mặn nồng
của tình nghĩa vợ chồng. Cái hơi hướm của tình "tào khang chi
thê" khó có gì thay thế được. Còn cá lia thia, cái chậu
nước mà nó quen vùng vẫy, sống tự tại, thoải mái cũng khó mà xa cách
được. Khi cá lia thia đổi qua chậu khác, môi trường
khác, nó sẽ gặp một vấn đề gay góc phải đương đầu để sinh
tồn.
Cá lia thia trống mã
rất đẹp, thân hình nhỏ, dẹp, kỳ, vi, vẩy màu sắc rực
rỡ. Một loại cá luôn thích chiến đấu. Cá trống rất dữ, màu sắc đẹp hơn cá mái nhiều, cũng như gà trống mà
lại là gà nòi, gà đòn còn gọi là đá thì phải biết cái mã tuyệt đẹp, lại có tính
gan dạ kiên cường. Đặc tính của cá lia thia cũng như
đặc tính của gà nòi là luôn tranh thắng với đối phương đồng
loại.
Người ta nuôi cá lia thia trong các chậu, hũ,
"quện" hay những lọ chao.
Đá cá lia thia cũng là một hình thức chơi cá độ ăn tiền
như đá gà đòn.
Con cá lia thia nhỏ
xíu, không được dùng trong việc kho nấu làm thức ăn như
các loại cá khác, mà nó chỉ để đá cho vui mắt như đá dế, đá gà của đám trẻ nhỏ
và người lớn lại đá cá lia thia ăn tiền.
Ở nhà quê, tùy theo mùa chơi cá lia thia. Cá lia thia có nhiều là mùa nước
lên và khi nước ngập lêu bêu nhận chìm đồng ruộng dưới làn nước phù sa cũng là lúc đá cá lia thia rầm rộ.
Cá lia thia được
nuôi bằng nước mưa trong các chậu, hũ khạp lớn có thả vài giề lục bình nhỏ hoặc
bèo tai tượng, loại bèo lớn. Hũ, khạp
nhỏ thả một ít bèo cám, bèo nhỏ để cá lia thia trú ngụ nhả bọt. Sau một
thời gian theo dõi, chăm sóc, chúng được tuyển lựa kỹ
thả vào nuôi trong lọ, “quện", keo bằng thủy tinh, chúng sẵn sàng chiến
đấu.
Người ta còn "ép" cá
lia thia, nghĩa là lựa những con cá lia thia có thành tích chiến đấu thắng oanh
liệt đối phương, hay những con trông gồ ghề, đẹp mã, cho chúng ân ái, sống chung
với một nàng cá mái, loại tốt mái để sinh con nối dòng nối dõi hào hùng. Cặp cá
nầy hưởng hạnh phúc tuyệt vời trong một cái lu hay cái
khạp lớn có bèo, lục bình và thức ăn dồi dào như lăng quăng, trùn chỉ. Hơn nữa,
tổ uyên ương của chúng được để trong những chỗ khuất, có ít ánh sáng, chúng tha
hồ mà mơn trớn làm tình đều đặn. Nhiệm vụ của chúng là
sản sinh ra thế hệ thứ hai và khi con cái chúng đủ lớn khôn tham gia trận chiến
đá nhau được, đó cũng là thời điểm chấm dứt mùa đá cá lia
thia.
Khi nước cạn dần, đồng ruộng khô ráo, người
ta lại chơi đá gà nối tiếp. Không biết căn cứ vào đâu mà người dân quê
gọi một loại cá lia thia là cá Xiêm, thân hình, kỳ vi
màu xanh thẫm, hơi đen, rất dữ. Có phải màu đen đen là màu da người Xiêm (Thái
Lan) nên gọi là cá Xiêm chăng? Như vậy, cá lia thia có
hai giống, thân hình và kỳ vi màu sắc hồng nhạt là gốc
bản xứ, còn màu xanh đen là cá của xứ Xiêm La du nhập vào Việt Nam?
Chúng ta đã từng nghe biết vịt Xiêm, chuối lá Xiêm, có lẽ triều đình Thái Lan
khi xưa triều cống Việt Nam các thứ nầy, không lẽ Thái Lan cũng triều cống cá
lia thia nữa? Người sành điệu, dân chơi đá cá lia thia vào loại thượng thừa chỉ
nhìn thoáng qua là biết cá nào có tính chịu đựng gan lì, chiến đấu cao dù đó là
cá lia thia hồng nhạt hay cá lia thia màu xanh thẫm.
Thật tình mà nói, đa
số cá Xiêm kiên cường, chịu đựng giỏi và rất lì trận mạc "oánh" nhau với đối
phương. Vì thế, người ta thường lai giống cá Xiêm mái với cá
lia thia trống có màu hồng nhạt.
o
Thế nào là một trận
đá cá lia thia ?
Dân chơi đá cá lia thia, y như rằng họ cũng
thích chơi đá gà đòn.
Mùa nước ngập, không có trường gà thì có trường đá cá.
Người dân quê làm việc quá cực nhọc vất vả, một nắng hai sương
nhưng khi chơi, giải trí họ cũng "chơi cho lịch mới là chơi, chơi cho đài các
cho người biết tay". Giờ đá cá lia thia thường sau bữa
cơm trưa. Ở nhà quê, chín, mười giờ sáng đã ăn
cơm trưa rồi, các trận đá có liền sau đó. Những người ở xa, muốn đến trường đá
cá, không thể để những con cá lia thia trong hũ, trong chậu, trong quện đưa đi
rất lỉnh kỉnh; chậu, hũ lớn làm sao bê, xách theo nhiều
được. Chỉ khi nào dùng xuồng đi tới chỗ trường cá, họ mới để
nguyên trong lọ nhỏ đem đi. Khi mang đi năm, mười con cá, người ta dùng
những lá môn hoặc lá sen còn non, chưa già vì già dòn,
khi túm lại dễ bị chảy nước. Túm lại những lá môn, lá sen có một ít nước trong
đó cho cá lia
thia vào buộc miệng lại. Cứ thế mà xách đi bao xa cũng được rất tiện lợi. Tuy nhiên, làm như vậy khi đến trường cá, các con lia thia nầy cũng
sẽ cho vào lọ, hũ với nước mưa, đặc biệt là nước mà chúng đã quen sống trước
đó.
Một kinh nghiệm nuôi cá lia thia hoặc bất cứ
một loại cá kiểng nào.
Nuôi từ cá con trong kế hoạch nuôi cá để ăn hoặc kinh
doanh, phải có kỹ thuật. Chúng quen dần với môi trường sống
mới, chúng không chết khi thay đổi môi sinh.
Chú ý câu hát trên,
lia thia quen chậu, ở đây có nghĩa chính là môi trường sống của nó; nếu cá lạ
nước dễ bị "sóc", ngất ngư hoặc chết. Còn cái chậu chỉ là một vật để chứa đựng nước, cũng có ảnh hưởng,
nhưng không ảnh hưởng sự sinh tồn bằng môi trường nước. Muốn chắc ăn, khi nuôi cá kiểng, mua ở tiệm về. Trước khi thả vào hồ, cho cá vào cái chậu, cái thau, đã có ít nước
lấy từ trong hồ, để cá quen nước dần với môi trường mới rồi mới thả cá vào
hồ. Người chuyên nghiệp, thường dùng tỉ lệ một phần ba
nước hồ với hai phần ba nước cá đang sống. Cá quen tiếp
xúc với môi trường nước lạ từ từ, sau đó thêm nước hồ, khi thấy cá thật sự quen
nước, người ta mới thả cá vào hồ. Như vậy cá không bị
"chói" nước. Cá lia thia cũng vậy, khi đem cá đến
trường đá người ta cũng múc một ít nước của cái quện to dùng làm trường đá đổ
vào lọ đựng cá lia thia sắp lâm trận chiến. Mục đích, người ta pha nước trong quện dùng đá cá để cho chúng quen nước như
người chiến sĩ quen địa thế vậy.
Cáp độ cá cũng như cáp độ
gà. Tuy nhiên, cáp độ cá
rất nhanh vì mỗi người mang theo nhiều cá. Chủ trường cá tỏ ra công bình, thường có qui định, ai cũng phải cho
cá vào những lọ nhỏ, như hũ chao, cái ly nhỏ chẳng hạn, nước ít để hai bên dễ
nhìn xem cáp độ. Nhìn từ trên miệng nhìn xuống, còn
nhìn ở ngoài thành vách thủy tinh không chính xác bằng. Một trận đá cá lia thia y chang như trận đá gà. Cũng có làm
danh sách, ai
theo phe nào
cũng được, miễn sao
số tiền hai bên bằng
nhau là bắt đầu trận đá. Đá cá lia thia cũng
"quăng bắt" như đá gà, cũng chấp, đánh cá ròn rã suốt trận và đá chỉ một hiệp,
không như đá gà chia làm nhiều hiệp, mất nhiều thì giờ. Con cá nào thua là con
cá đó chạy lòng vòng trong chậu, con cá thắng trận cứ rượt đuổi, chừng ấy người
ta mới múc hai con cá ra, cá ai nấy bắt.
Muốn chuyển cá lia
thia từ lọ hũ này sang lọ hũ khác, chủ cá dùng một cái vợt nhỏ, đường kính bằng
miệng cái chung uống nước trà, dùng vải mùng may vào một cái vòng vợt có cán
thường làm bằng dây kẽm nhỏ hoặc bằng mây hay cật tre già. Cái vợt cá thường có
kích thước lớn nhỏ tùy theo cái miệng lọ hũ để xúc cá
được nhanh chóng, dễ dàng.
Trường đá cá chỉ
bằng một cái phòng ngủ là được nhưng phải sáng sủa. Cái quện nước mưa tổ chản
làm nơi thi đấu đặt ở giữa phòng, để trên một cái ghế cao hoặc một cái bàn nhỏ
đủ để người ta ngồi "trệt" nhìn xem, theo dõi trận đá
cá được. Đá cá lia thia không ồn ào và đông người như đá
gà. Cá lia thia nhỏ xíu, nên chừng mười, hai chục người
tham dự là vừa. Nhiều người quá không thể quan sát rõ ràng được, sẽ mất
hứng thú. Ai có xem đá cá lia thia không thể không có cảm giác lâng lâng, thích
thú theo dõi từng động tác cắn, uốn cong mình, vẫy
đuôi, phùng mang tấn công đối phương như vũ bão. Nhứt là đám trẻ nhỏ rất mê đá
cá lia thia, tha hồ mà chúng la hét, và cũng ít khi đá ăn tiền như người lớn. Tại trường đá cá lia
thia của người lớn thường rất yên lặng, họ chỉ xì xào, bàn luận hoặc quăng bắt
vừa đủ nghe. So sánh về mức cá độ, đá cá lia thia ăn thua nhỏ không phải như đá gà, có người sạt nghiệp, tán
gia bại sản. Đá cá lia thia còn là một dịp để giải trí, vui
chơi, nhìn xem vui mắt. Ở nhà quê, nhứt là mùa nước, có
gì để người ta giải trí lành mạnh. Đá cá lia thia là một hình thức giải
trí lành mạnh nhứt hơn giải trí bằng cách đá gà hay đánh
bạc.
Những con cá lia
thia thắng trận dù có bị nhiều thương tích, thường cũng được nuôi lại, săn sóc
rất cẩn thận hoặc thả ra ruộng. Theo kinh nghiệm, những con cá bị thương nhiều
như kỳ vi, đuôi rách te tua, thân hình trầy trụa rướm máu, chúng sẽ được thả vào
một chậu nước mưa trong đó có để thêm cục đất sét trắng nhỏ và gắn vào cục đất
sét một hai hạt muối, nằm ở đáy chậu, trên thả nhiều bèo hoặc lục bình để
"thương binh" tự chữa trị ở cái lọ nước hồi sức nầy. Đất sét trắng có nhiều chất
kao-lanh làm cho vết thương mau lành cũng như muối dùng sát trùng trị thương?
Nếu để muối nhiều, nước mặn cá lia thia sẽ "tiêu diêu" ngay vì
nó chỉ quen sống nước ngọt.
Trò chơi rất lắm công phu. Nuôi gà đá cũng quần, vô
nghệ. Nuôi cá lia thia cũng vậy. Tìm bắt, nuôi,
săn sóc và xổ thử với cá khác thấy ngon lành mới chọn đá ăn tiền. Người ta thường quan sát, đánh giá cá nào hay cá nào
dở bằng cách để những cái keo đựng cá sát nhau cho chúng "đá bóng" để chấm điểm.
Những keo nuôi cá lia thia thường để trên một cái kệ dài sát tường nhà, giữa hai
cái keo "cách ly" bằng một miếng giấy để chúng không nhìn thấy nhau. Nếu chúng
thấy nhau thì "sửng cồ" ngay, phùng mang, vươn kỳ vi lên trông rất dữ tợn và cứ
nhắm con cá đối phương ở bên lọ khác mà chỏ mỏ cắn, tấn công. Chỉ khi nào muốn
quan sát xem coi trình độ cá như thế nào, người ta mới lấy miếng giấy cách ly đó
ra. Nếu để chúng đá bóng cả ngày hoặc ngày này sang ngày khác, chúng cứ tấn công
vào vách lọ hoài thì sẽ tà mỏ, bị thương tích không thể nào lâm chiến, thắng
trận được.
Mùa đá "rô"ü cá lia thia
không kéo dài, chừng hai ba tháng trở lại. Ở nhà quê
hoặc ở vùng nửa quê nửa tỉnh người ta mới chơi đá cá lia thia. Ở thành thị, tỉnh lỵ không tìm bắt cá lia thia dễ dàng được.
Nơi nào có đồng ruộng, ao, đìa, rạch nhiều mới có cá
lia thia để người ta đi xúc bắt.
Muốn xúc bắt cá lia thia, trước nhất trẻ con hay người lớn đi
tìm kiếm những chỗ nước ngập ít, "xâm xấp", những cái bọt trắng cá lia thia làm
dưới những bụi cỏ. Hễ thấy có bọt cá trắng nổi lên chắc
chắn nơi đó có cá lia thia. Cá lia thia không sống và
làm ổ ở những nơi nước sâu hoặc chảy xiết. Chúng chỉ
trú đóng ở những nơi nước cạn mà thôi.
Chơi đá cá lia thia là thú tiêu khiển thanh
lịch của người dân quê và của những đứa trẻ con thich cách chơi không ồn ào hiếu
động.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét