Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

TRƯỜNG TRUNG HỌC HỒ NGỌC CẨN





NHỮNG CHI TIẾT ĐÁNG NHỚ VỀ
TRƯỜNG HỒ NGỌC CẨN

Ngược thời gian : 1948 tới nay, 63 năm qua, những chi tiết đáng nhớ về ngôi trường Hồ Ngọc Cẩn : (qua những bài viết của GS Nguyễn Lý Tưởng, Lê Đình Bảng, LM Phan Châu Diên, Vũ Lục Thủy, và Kiều Đắc Thềm (HNC P2 60-67).
Nhìn chung, là một lịch sử tạo dựng lâu dài, tương đối phức tạp, khó khăn, qua thời chiến tranh, không ổn định nơi chốn, dời đổi chỗ nhiều lần vì lý do an ninh, nhất là những năm tạo dựng trường từ 1948 cho đến năm di cư 1954, thành lập lại sau 1954 khi vào Nam, quả là nhiều công khó.
Công lớn nhất và quan trọng nhất là nhờ Đức Cha Andre Trần Đức Huynh người có công xây dựng trường ta đến thành công. Bài ca Hồ Ngọc Cẩn Hành Khúc  do nhạc sĩ Lê văn Chiêu viết.
1) ÐỨC GIÁM MỤC Ða Minh HỒ NGỌC CẨN (1876-1948) : Linh mục năm 1902, Giám Mục Giáo Phận Bùi Chu năm 1935, mất ngày 27/11/1948, qua 46 năm Linh Mục và 13 năm Giám Mục. Hưởng thọ 72 tuổi.
2) 1948 : Tên trường Hồ Ngọc Cẩn bắt đầu : Sau khi ngài qua đời, ngày 30/11/1948, chính quyền đã lấy tên ngài đặt tên trường Trung Học Hồ Ngọc Cẩn (Bùi Chu).
3) 1948 : Trung học Hồ Ngọc Cẩn Lục thủy, vì ở làng Lục Thủy. Linh mục Đinh Khắc Túc đứng ra đảm nhiệm chức Giám đốc, và ông Đặng Vũ Tiển làm Hiệu trưởng.
4) 1950 : Đức Cha Phạm Ngọc Chi cử cha, Linh Mục Andre Trần Đức Huynh làm Hiệu Trưởng trường, lấy tên là Trường Trung Học Hồ Ngọc Cẩn Trung Linh (cũng ở Bùi Chu miền Bắc) năm 1950.
5) Từ năm 1950 : Công xây dựng trường Hồ Ngọc Cẩn lên là nhờ cha Huynh : Nhờ sự quen biết rộng lớn và tài ngoại giao khéo léo của Linh mục Hiệu trưởng Trần Đức Huynh, từ năm học 1950-1951, Trung học Hồ Ngọc Cẩn đã có ban giáo chức khá đông đảo. Như : Đặng Vũ Tiển, Đặng Đức Tầm (cả hai người làng Hành thiện), Vũ Ngô Mựu, Vũ Ngọc Ban, Vũ Ngọc Vỹ (cả ba người làng Lục thủy), Mai-lâm Đoàn Văn Thăng (người làng Hoàng mai, huyện Việt yên, tỉnh Bắc giang), Trần Mộng Chu (Cử nhân Luật khoa, người làng Lịch diệp, huyện Trực ninh), anh em Tạ Văn Hanh, Tạ Văn Bằng (người Nam Định), anh em Nguyễn Hữu Quyến, Nguyễn Hữu Quyền và Phạm Đức Bảo, Nguyễn Hữu Tiến (cả bốn người Thái Bình), Nguyễn Văn Tòng (người Nam Định), họa sĩ Nguyễn Văn Hiếu (người Hà Nam), Vũ Đức Thịnh (người làng Duyên Thọ, huyện Giao Thủy), kỹ sư Nguyễn Hữu Mưu, Roch Cường, Chu Đăng Sơn, Minh Tâm (cả bốn người Thanh hóa), bà Lê Thị Hòa, Vũ Đức Chang Sửu (người Hà Đông), kỹ sư Nguyễn Văn Nhiếp (người Hà Nội), Triệu Khắc Huỳnh, Ngô Giám, Vũ Viết Hà, Ngô Trường Thịnh, Nguyễn Bang Hanh, Ngô Đình Hoàn v.v
6) Năm 1952 : Vì vấn đề an ninh, nên niên học 1952-1953 trường Hồ Ngọc Cẩn phải dời sang thị xã Bùi chu, tỉnh Nam Định.
7) Hè năm 1952, học sinh các lớp Đệ tứ trường Hồ Ngọc Cẩn còn phải lên tỉnh Nam định để thi Trung học Phổ thông. Bùi chu và Nam định chỉ cách nhau 27 cây số đường đất, nhưng vì tình trạng chiến tranh và sợ bị bắt cóc giữa đường, nên học sinh ít ai dám dùng đường bộ, hầu hết dùng đường thủy, đáp ca-nô ở bến Bùi chu, ngược dòng sông Ninh Cơ (tức sông Cửa Lạch) đến ngã ba Cựa Gà rồi theo sông Hồng đổ bộ lên phố Bến Thóc để vào thành phố Nam Đinh.
8/- Năm 1953 : Kể từ năm học 1952-1953, tổ chức Hội đồng thi Trung học Phổ thông ngay tại Bùi chu, để giúp học sinh học sinh đi lại thuận tiện dễ dàng và đỡ tổn phí. Còn thi Tú tài, học sinh Hồ Ngọc Cẩn cũng như tất cả các tỉnh khác ở Bắc phần, đều phải về Hà nội dự thí. Mặc dầu sống trong hoàn cảnh chiến tranh, nhưng học sinh Hồ Ngọc Cẩn vẫn ngày thêm đông đúc và ngoan ngoãn chăm chỉ học hành.
9) Nhà trường thu nhận cả nữ học sinh, phần đông là các nữ tu dòng Đa minh và dòng Văn Côi, bắt đầu từ năm học 1951-1952,
 Tuy chịu ảnh hưởng nặng nề của Nhà Đạo, nhưng số học sinh Công giáo cũng chỉ xấp xỉ khoảng 30 phần trăm, trong số này có chừng 250 chủng sinh, một ít tu sĩ dòng Đồng công ở Liên Thủy và một số nữ tu.
11) Còn lại (70 phần trăm ngoại đạo), là những người thờ ông bà tổ tiên hoặc Tin lành hay Phật giáo hay chẳng theo tôn giáo nào. Học sinh nhận nhiều nơi, chẳng những gồm người tỉnh Bùi chu, mà còn cả người mấy tỉnh lân cận như Nam định, Thái bình, Hưng yên, Phát diệm và cả Hà nam, Hải dương. Sĩ số học sinh niên khóa 1952-1953 lên tới con số trên 3.000.
12) 20-07-1954 hiệp định Geneve chia đôi đất nước, Hiệp định quy định toàn thể miền Bắc Việt nam thuộc quyền  của Chính phủ Việt minh. Linh mục Trần Đức Huynh cũng như như hầu hết giáo chức và đa số học sinh Hồ Ngọc Cẩn theo gia đình di cư vào miền Nam.
13) Từ 1954, ngay sau khi vào Nam, Linh mục Trần Đức Huynh đã vội vã vận động với Bộ Quốc gia Giáo dục để xin tái lập trường Trung học Hồ Ngọc Cẩn tại Sài gòn để giúp các học sinh di cư của mình có chỗ học hành. Đề nghị của ngài được chính quyền chấp thuận và phụ huynh học sinh rất hoan nghênh.
14) Niên học 1954-1955 : trường Trung học Hồ Ngọc Cẩn di cư được mở tại khu vực nhà thờ Huyện Sỹ, số 63 đường Bùi Thị Xuân Sài gòn. Do Linh Mục Andrê Trần Đức Huynh, Nguyên Hiệu Trưởng Trung Học Hồ Ngọc Cẩn.
15) Sau hai niên khóa tọa lạc tại khuôn viên nhà thờ Huyện Sĩ, trường Hồ Ngọc Cẩn được Bộ Giáo Dục dời về tỉnh lỵ Gia Định, chiếm một phần trường tiểu học Nam Tỉnh Lỵ đã được sửa sang lại và xây thêm
16) Từ 1956, trường Hồ Ngọc Cẩn chính thức dời đến một công sở tọa lạc tại đường Lê Quang Định, số 1A ở tỉnh lỵ Gia định, ngang chợ Bà Chiểu và xế lăng Tả quân Lê Văn Duyệt. là trường Trung Học Công Lập Hồ Ngọc Cẩn Gia Định cho đến 1975. Trường công lập nên mở rộng (chỉ là trường Nam, không nhận nữ sinh cho đến sau này) cho học sinh công giáo và ngoại đạo. Nhìn chung sau 1954 : Năm 1954, trường di cư vào Nam, giữ tên là Trường Trung Học Hồ Ngọc Cẩn, nhờ công Linh Mục Trần Đức Huynh vận động tái lập trường, những học sinh từ Bắc vào Nam đều tiếp tục học, cho hai niên khóa 54-55 và 55-56, học nhờ chỗ trong tu chủng viện do nhà thờ Huyện Sỹ giúp, số 63 đường Bùi thị Xuân Sài gòn, do các linh mục và các giáo sư di cư vào Nam giảng dạy. Trong hai năm 54-56, nhờ công đức Linh Mục Huynh là Hiệu trưởng, vận động và Bộ Quốc Gia Giáo Dục trong Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa  công nhận, cộng tác trong việc giúp xây trường Hồ Ngọc Cẩn mới, năm 1956 hoàn thành, nơi trên đường Lê Quang Định, số 1A, và thành trường Nam Trung Học Công Lập Hồ Ngọc Cẩn lớn nhất tỉnh Gia Định.
18) Từ niên khóa 1956-1957 tại trường Hồ Ngọc Cẩn Gia Định, trường Trung Học Công Lập Hồ Ngọc Cẩn chính thức được Bộ Quốc Gia Giáo Dục bổ nhiệm, công nhận, thu dùng tất cả giáo sư trước đây từ miền Bắc vào là giáo sư chính thức trường, bổ nhiệm thêm những vị Hiệu Trưởng, Giám Học xuất sắc và những giáo sư giỏi chuyên môn các ngành và tốt nghiệp sư phạm làm giáo sư trường. Các học sinh thì ngoài học sinh Hồ Ngọc Cẩn trước đây từ miền Bắc vào học chính thức, những học sinh từ những khóa năm 56-57 và tiếp tục về sau phải qua kỳ thi tuyển là học sinh giỏi để được nhận vào học. Trường theo giáo trình giảng dạy kỹ cương, gương mẫu, đào tạo những lớp học sinh thành tài, thành danh và cống hiến cho quốc gia dân tộc trong thời chiến, cho đến ngày 30/4/1975.
19) Sau ngày 30/4/1975, trường đổi tên là trường Nguyễn Ðình Chiểu. 

20) Nhưng nhóm cựu học sinh, cựu giáo sư trường Hồ Ngọc Cẩn trong nước cũng như hải ngoại vẫn còn nhớ tên trường cũ của mình (Hồ Ngọc Cẩn Bùi Chu trước 1954 và Hồ Ngọc Cẩn Gia Ðịnh sau 1954, trước 1975 ) nên vẫn liên lạc chung với nhau dưới danh nghĩa Hội Cựu Học Sinh trường Hồ Ngọc Cẩn.

Bùi Văn Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét